Chân dung thật của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

07:15 CH @ Thứ Ba - 06 Tháng Sáu, 2017

>> Một số bài viết của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trên Đông Dương tạp chí

Bộ phim tài liệu- dài gần bốn tiếng đồng hồ chiếu liền một mạch -“Mạn đàm về người man di hiện đại”, cố gắng xây dựng một chân dung thật minh oan cho học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người từng bị cho là tay sai, bồi bút cho thực dân Pháp hơn nửa thế kỷ qua.

Bộ phim tài liệu do đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện vừa ra mắt ngày 15/4/2009 tại Trung tâm văn hóa Pháp.

Không diễn giải dài dòng, phim phơi bày những lời bộc thoại của những người con, cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, của các nhà nghiên cứu lịch sử như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Đầu, các nhà báo Trần Hòa Bình, Yên Ba...

Nhà giáo, nhà báo Trần Hòa Bình (đã mất) cho biết, anh hết sức kính phục học giả Nguyễn Văn Vĩnh và mong muốn đem đến cho học trò của mình cái nhìn mới về học giả, nhà báo vĩ đại này thay cho định kiến ông là “phản động, phản quốc, vọng ngoại”.

Nguyễn Văn Vĩnh chưa từng có bằng cử nhân - chỉ học hai năm ở trường thông ngôn - nhưng ông có những bản dịch để đời các tác phẩm kinh điển của Pháp và Trung Quốc.

Đại tá, nhà báo Yên Ba, người lưu giữ bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa mà Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ xuất bản năm 1909... đưa ra những chứng cứ lịch sử về sự uyên thâm cũng như quyết tâm phát triển chữ quốc ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh.

Các nhà nghiên cứu lịch sử như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê... đều khẳng định Nguyễn Văn Vĩnh là học giả lớn, cần phải được hiểu cho đúng.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) nổi bật với quan điểm duy tân cấp tiến. Thuộc nhóm người tân học, làm việc với người Pháp, và được sang Pháp công tác, sớm nhận thấy sự văn minh tiến bộ tây phương, ông hiểu rằng muốn canh tân đất nước, việc giáo dục quần chúng là điều kiện quan trọng trước nhất. Để giáo dục quần chúng, sự cần thiết là phải nhờ vào chữ quốc ngữ, báo chí, và ấn phẩm. Những yếu tố này ở nước ta lúc bấy giờ chưa có...

>>Trang tác giả:Nguyễn Văn Vĩnh

Thực dân Pháp nhiều lần mua chuộc Nguyễn Văn Vĩnh, đã từng muốn trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho ông, nhưng ông hai lần từ chối. Sau khi biết không lợi dụng được ông, họ đã dồn ép ông tới chân tường, khiến cho tòa báo của ông bị phá sản và ông phải chọn con đường đi đào vàng để trả nợ.

Nguyễn Văn Vĩnh chết ở nơi tìm vàng trên đất Lào với cây bút trên tay và tập bản thảo ký sự “Một tháng với những người đi tìm vàng” .

Có một bức ảnh chụp hàng ngàn người đứng im phăng phắc cạnh ga Hàng Cỏ để đón chờ thi hài của Nguyễn Văn Vĩnh đưa từ Lào về Hà Nội.

Đoạn kết phim ấn tượng lớn với cảnh dòng sông Sê Pôn (Lào) chảy xiết được lồng với bức họa của Nguyễn Đình Đăng vẽ học giả này dang tay nằm chết trên con thuyền độc mộc.

Họa sỹ Nguyễn Đình Đăng bộc bạch, Nguyễn Văn Vĩnh không phải là người theo đạo, nhưng bên cạnh ông có hình thánh giá giống như cảnh Chúa Giê Su vác thánh giá đi truyền đạo, cũng giống như Nguyễn Văn Vĩnh vác trên vai sứ mệnh truyền bá văn hóa suốt cuộc đời mình.


Bức tranh “Sự ra đời của chữ Quốc ngữ – Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh”
(2001, sơn dầu, 65 x 80 cm), họa sĩ Nguyễn Đình Đăng

Đạo diễn Trần Văn Thủy tâm sự, khi được anh Nguyễn Lân Bình, cháu nội của cụ Nguyễn Văn Vĩnh đặt vấn đề làm phim về Nguyễn Văn Vĩnh, ông cảm thấy mình như có sứ mệnh tôn vinh con người vĩ đại này.

Trong hai năm 2006 - 2007, với nguồn tư liệu khá đầy đủ do Nguyễn Lân Bình cung cấp, ông đã hoàn thành bộ phim. Đạo diễn cho rằng, đây không còn là bộ phim của một gia tộc.

Được biết, toàn bộ kinh phí làm phim do con cháu gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh đóng góp. Có lẽ ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một bộ phim tài liệu lịch sử do cá nhân thực hiện và lần đầu tiên nó được chiếu một mạch gần bốn tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, với thời lượng dài kỷ lục này, phim chỉ có thể dành cho những người đầy tâm huyết và mến mộ học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Clip giới thiệu bộ phim "Mạn đàm về người man di hiện đại"

GS sử học Đinh Xuân Lâm cũng đã gợi ý khá cụ thể về vấn đề này ngay sau khi xem phim. Trong cuốn ghi cảm tưởng về bộ phim, ông viết:

“Một bộ phim hay cần được giới thiệu rộng rãi với bên ngoài. Nhưng muốn làm được, đề nghị anh Trần Văn Thủy nghiên cứu rút ngắn bài phát biểu của một số nhà khoa học, nên tập trung vào chủ điểm tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, những đóng góp tích cực của Nguyễn Văn Vĩnh về mặt văn hóa. Có như vậy mới rút được thời lượng chiếu phim. Còn kéo dài bốn tập thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quảng bá bộ phim quí giá này”.


Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, gương mặt tiêu biểu cho trao đổi văn hóa Việt – Pháp, là tổng biên tập của nhiều tờ báo đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ, và là người cổ vũ với tất cả năng lực, trí tuệ cho phong trào người Việt Nam nói, đọc và viết chữ quốc ngữ.
Ông là người đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực:
- Là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp - 1906,
- Chủ bút đầu tiên tờ báo xuất bản bằng chữ quốc ngữ ở Bắc kỳ “Đăng cổ tùng báo” – 1907.
- Người đầu tiên dịch Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ -1909.
- Người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học cổ điển Pháp của Victor Hugo, Honoré de Balzac, Alexandre Dumas, Molière, La Fontaine … ra tiếng Việt, người đầu tiên đưa kịch nói (các tác phẩm của Molière) lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội - 1920.
- Người đầu tiên hợp tác với người Pháp dựng bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam « Kim Vân Kiều » – 1924.
- Người Việt Nam duy nhất làm chủ bút ba tờ báo tiếng Pháp ở Bắc kỳ : « Notre Journal » - 1908; « Notre Revue » - 1909 và « L’Annam Nouveau » – 1931.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tật huyền hồ lý tưởng

    05/02/2021Nguyễn Văn VĩnhXét trong văn chương nước Nam, điều gì cũng toàn huyền hồ giả dối hết cả, không có cái gì là thực tình. Người làm thơ thì ngâm những cảnh núi Thái Sơn, sông Hoàng Hà, giời cao, bể rộng. Núi Tản Viên, sông Nhị Hà sờ sờ trước mắt, thì cảnh không ứng bao giờ. Có cao hứng mà vịnh đến thì cũng phải viện đến cái gì ở đâu xa, chưa biết, chưa trông thấy.
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Học đòi làm dáng, sùng ngoại quá nặng, ...

    29/05/2015Vương Trí NhànCứ chiều đến, độ sáu bảy giờ, đứng ở góc hồ Hoàn Kiểm, trông kẻ đi qua người đi lại, thấy ngứa mắt quá. Nhăng trông mấy ông ăn mặc quần áo Tây. Gớm, sao mà khéo bắt chước, giả sử sự học hành, sự buôn bán mà cũng bắt chước được khéo thế thì hay quá!
  • Những “kỳ biến” trong làng báo đầu thế kỷ XX

    20/06/2009Trần Hòa BìnhVề cơ bản, đến những năm 30 của thế kỷ XX, các thể loại báo chí Việt Nam đã định hình khá rõ nét, có phần được chiếu theo những tiêu chí của báo chí phương Tây. Bên cạnh những thể loại cũ, một số thể loại mới xuất hiện, tạo nên những "kỳ biến" trong làng báo đầu thế kỷ XX.
  • Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây qua sự hiện diện của tờ báo

    09/04/2009Trần Văn ToànSự ra đời của báo chí, lẽ tự nhiên, làm xuất hiện một chân dung mới: ký giả, hay nhà báo. Những danh xưng này, trong ngôn ngữ đương đại thiên về ý nghĩa nghề nghiệp thuần túy nhưng ở vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX lại có nét nghĩa chỉ một nhóm có vai trò ưu đẳng trong xã hội (status group). Với quốc dân, họ là đại diện cho luân lý và tri thức, có chức phận dẫn dắt, hướng đạo. Trong một xã hội vốn có truyền thống trọng quan tước, ký giả thậm chí được liệt vào tầng lớp “quan lại cao cấp”.
  • Tân văn - Tân thư và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng yêu nước ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

    07/11/2006PGS, TS Lê Thanh BìnhTân thư góp phần giúp cho trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đó học được phương pháp mà sau này người ta thường gọi là: “Tự thức tỉnh, tự phê phán" để nhìn nhận rõ các ưu khuyết, nhất là các nhược điểm trầm trọng của chính tầng lớp mình, của nhân dân mình, dân tộc mình đặng sửa chữa, khắc phục...
  • Tìm lại chân dung một nhà báo hàng đầu Việt Nam

    20/06/2006Hôm nay, chúng ta ít nói đến nhà báo Phan Khôi - một nhà báo tài năng, một người cổ vũ cho tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới lạ, đa văn hóa từ Hongkong, Trung hoa dân quốc, Nhật bản, Pháp...
  • Gì cũng cười

    11/11/2003Nguyễn Văn VĩnhDân tộc nào cũng có những thói xấu riêng. Người Việt ta có nhiều phẩm chất đẹp nhưng cũng không ít tật dở. Mời các bạn cùng xem những bài khảo luận của các học giả Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 về những tật xấu của dân tộc mình. Chỉ có điều, người Việt trẻ ngày nay hẳn sẽ khác với bà con làng xóm của anh Chí ngày xưa: “Nói vậy chắc nó trừ mình ra !”
  • xem toàn bộ