Chí tiên phong

10:41 CH @ Thứ Tư - 23 Tháng Ba, 2016

Cuối thế kỉ XX, người ta mới bắt đầu nói đến “ Nền kinh tế tri thức”, nhưng trên thực tế, cách đây hàng thế kỉ nước ta đã có một nhân vật danh tiếng cả trong đời sống kinh tế và văn hóa, ông xứng đáng được gọi là người tiên phong đi vào “nền kinh tế tri thức”, đó là Nguyễn Văn Vĩnh.

Đương nhiên khái niệm “kinh tế tri thức” của một nhân vật mà nếu còn sống thì năm nay đã tròn 125 tuổi (sinh năm 1882) và khuất núi cách đây đã 71 năm (l936) chỉ để nói đến việc Nguyễn Văn Vĩnh coi văn hóa, trí tuệ là một lĩnh vực có thể kinh doanh vừa để làm giàu về kinh tế vừa để làm giàu cho văn hoá của dân tộc cũng như cho chính mình.

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ra khi thực dân Pháp đang hoàn tất những công việc cuối cùng để bình định toàn cõi Việt Nam biến nước ta thành một thuộc địa. Và tiếp sau cuộc chinh phục bằng vũ khí là cuộc khai thác thuộc địa bằng những hoạt động kinh tế cũng như cuộc chinh phục người bản địa bằng văn hóa.

Trong khi một bộ phận sĩ phu yêu nước vẫn nỗ lực tiến hành những phản kháng bằng bạo lực một cách vô vọng thì Nguyễn Văn Vĩnh và một bộ phận sĩ phu khác lại thể hiện lòng yêu nước của mình bằng việc hăng hái bắt đầu hướng tới một mặt trận khác. Đó là việc tiếp nhận ngọn gió Duy Tân đang diễn ra trên nhiều quốc gia mà con đường đột phá chính là lĩnh vực giáo dục, văn hóa và tư tưởng. Đó cũng chính là nền tảng của xu thế dân chủ. Chính vì thế, Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người chủ xướng cho sự khai sinh của Đông Kinh nghĩa thục (l907). Năm đó ông 25 tuổi.

Xuất thân trong một gia đình nghèo tại làng Phượng Dực, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, gia cảnh nghèo từng khiến cậu bé Vĩnh phải kéo quạt thuê cho một trường học. Nhưng chính tư chất thông minh và tính hiếu học đã làm ông thầy người Pháp chú ý và nâng đỡ để cậu bé bản xứ được theo học đàng hoàng và tốt nghiệp trường Thông Ngôn khi mới 14 tuổi. Đủ tuổi đi làm, Nguyễn Văn Vĩnh tòng sự tại nhiều công sở của người Pháp và cuối cùng là Tòa Đốc Lý Hà Nội.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) nổi bật với quan điểm duy tân cấp tiến. Thuộc nhóm người tân học, làm việc với người Pháp, và được sang Pháp công tác, sớm nhận thấy sự văn minh tiến bộ tây phương, ông hiểu rằng muốn canh tân đất nước, việc giáo dục quần chúng là điều kiện quan trọng trước nhất. Để giáo dục quần chúng, sự cần thiết là phải nhờ vào chữ quốc ngữ, báo chí, và ấn phẩm. Những yếu tố này ở nước ta lúc bấy giờ chưa có...

>>Trang tác giả:Nguyễn Văn Vĩnh

Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh được cử đi phục vụ cho Hội chợ Quốc tế tổ chức tại kinh đô nước Pháp. Chính tại Paris, tận mắt nhìn thấy sự phát triển kinh tế và văn hóa của nước Pháp cũng như các các nước khác trên toàn cầu, Nguyễn Văn Vĩnh đã xác định được con đường của mình là tiên phong dấn thân vào những hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nhưng lại với hoài bão của một doanh nhân. Điều đó cũng có nghĩa là phải có tư duy kinhh tế khi hoạt động văn hóa và ngược lại nhìn thấy văn hóa cũng là một nguồn lực để làm giàu.

Chính tại cuộc đấu xảo này, Nguyễn Văn Vĩnh quan sát sự vận hành của một tờ báo đang nổi tiếng khi đó (tờ “Petit Marseillais”) để khi về nước, ông quyết tâm dấn thân vào hoạt động báo như một doanh nghiệp. Khởi đầu là việc ra phần quốc ngữ bên cạnh tờ báo bằng chữ Hán (tờ đại “Đại Nam Đồng văn Nhật báo”) nay đổi tên là “Đăng Cổ Tùng Báo” làm cơ quan ngôn luận cho Đông Kinh nghĩa thục.

Cùng với tờ báo và nghĩa thục, Nguyễn Văn Vĩnh với nhiều bút danh khác nhau đã làm việc cho nhiều tờ báo tiếng Việt và tiếng Pháp khác. Ông còn là người chủ trương xây dựng bộ tùng thư (tủ sách) “Đông-tây Tư tưởng” nhằm dịch những tác phẩm văn chương hay triết học kinh điển của Pháp ra quốc ngữ. Sự tiên phong của Nguyễn Văn Vĩnh trên lĩnh vực này là một đóng góp lớn cho sự hoàn thiện của tiếng Việt, truyền một cách có hệ thống văn hóa Pháp và phương Tây vào Việt Nam… Đồng thời cũng là người tiên phong trên lĩnh vực báo chí xuất bản như một hoạt động kinh doanh. Sản nghiệp của ông cũng một thời bề thế nhờ vào sự điều hành của các hoạt động văn hóa này.

Không chỉ tiên phong hoạt động trên lĩnh vực báo chí xuất bản, với ông những gì có thể quảng bá được hình ảnh đất nước và có cơ tranh cạnh với người ngoài để làm giàu là ông sẵn sàng trở thành người cổ vũ nhiệt thành. Ví như trên lĩnh vực nghệ thuật, chính ông là người không chỉ dịch tác phẩm của văn hào Molière mà còn tập hợp người đồng chí hướng và tự mình sắm vai để đưa vở kịch “Người bệnh tưởng”, “Trưởng giả học làm sang” lên sân khấu.

Năm l924, sau khi dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ra tiếng Pháp, ông đã cổ vũ các nhà điện ảnh Pháp đưa tác phẩm này lên màn ảnh (lúc mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam).

Với ông, việc làm phim “Kiều” không chỉ nhằm truyền bá một kiệt tác văn hóa Việt Nam mà còn là cơ hội để giới thiệu một công nghệ kinh doanh cho người Việt Nam học hỏi và đầu tư.

Nguyễn Văn Vĩnh đã viết hàng loạt những bài giới thiệu công nghệ điện ảnh của nước Pháp và thế giới để kêu gọi người Việt Nam không chỉ xem phim mà phải học làm phim, vì nó đang là một lĩnh vực làm giàu đang phát triển ở trên khắp toàn cầu…

Sự nỗ lực phi thường của ông trên lĩnh vực xuất bản và báo chí đã để lại cho đời sau một kho tàng văn hóa vô giá nhưng cũng từng mang lại cho Nguyễn Văn Vĩnh một sản nghiệp không nhỏ. Tuy nhiên, giống như những doanh nhân bản xứ thời thuộc địa, Nguyễn Văn Vĩnh cũng phải đương đầu với chính chế độ thực dân của nước Pháp văn minh mà ông vô cùng ngưỡng mộ.

Là người ngay thẳng, ông chống những tàn dư của chế độ quân chủ một cách rất quyết liệt. Ông tham gia “ Hội Tam điểm” một trào lưu chính trị có từ thời nước Pháp làm Cách mạng tư sản (1789), dám từ chối vái lạy vua Khải Định khi “ngự giá Bắc Hà”, đồng thời lại từ chối tấm huân chương “Bắc đẩu bội tinh” của chính quyền thuộc địa, hăng hái truyền bá những tư tưởng của các nhà khai sáng như J.J Rousseau, Montesqieur…

Sự chống đối của ông đi ngược lại chính sách của nhà cầm quyền thực dân đương thời, vì vậy chính quyền thực dân buộc ông phải lựa chọn giữa sự thỏa hiệp về chính trị, chấm dứt sự chống đối và chấp nhận sự cộng tác với triều đình hoặc chấp nhận sự phá sản về kinh tế. Cuối cùng, Nguyễn Văn Vĩnh đã chấp nhận đương đầu với sự phá sản để bảo vệ chính kiến của mình. Sản nghiệp của ông dần bị tước đoạt và ông cưỡng lại bằng một cuộc dấn thân mới: đi tìm vàng để nuôi chí lớn.

Cái chí tiên phong từng làm nên một nhà văn hóa cũng là người cổ xúy cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển một thời đã không giúp Nguyễn Văn Vĩnh vượt qua được thời đại của ông. Ông đột ngột qua đời trên một con thuyền cắm bên dòng SêPôn ở Lào trong những ngày lặn lội đi tìm vàng trên các cánh rừng già miền Tây. Cái chết bí hiểm như là điều đã được báo trước khi ông dấn thân vào một cuộc phiêu lưu cuối cùng của một con người nuôi chí tiên phong làm người dẫn đường và chấp nhận làm kẻ lót đường cho những đồng bào cùng chí hướng.

Giờ đây nói đến Nguyễn Văn Vĩnh, người ta thường nhắc đến ông như một nhà hoạt động văn hóa. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh cũng xứng đáng được coi là một phong cách doanh nhân hàng đầu có chí tiên phong trong công cuộc làm giàu cho cả kinh tế và văn hóa dân tộc. Hiện thực hôm nay đã chứng minh cho những tư tưởng của ông.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cách đây một thế kỷ, những người khổng lồ

    12/05/2009Nguyên NgọcQuả thực, hồi đầu thế kỷ XX, chúng ta từng có được một thế hệ vàng. Quả thật đấy là thời kỳ của những người khổng lồ. Để có được ngày hôm nay của đất nước, không phải chỉ có cách mạng và chiến tranh. Hoặc nói cho đúng hơn, chính những con người như vậy, vào một thời điểm chuyển động quan trọng của lịch sử, đã góp phần không hề nhỏ chuẩn bị tinh thần, trí tuệ, cả chí khí nữa cho dân tộc để có được cách mạng thành công và chiến tranh giải phóng thắng lợi.
  • Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại đầu thế kỷ XX

    21/06/2017Trần Văn ToànKhái niệm trí thức hiện đại ở đây được hiểu trong sự đối nghĩa với trí thức - kẻ sĩ trong xã hội Việt Nam truyền thống. Sự hiện diện của tầng lớp trí thức hiện đại, trên thực tế, mới chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ vai trò của báo chí - một thiết chế văn hóa có nguồn gốc phương Tây - đã đóng vai trò như một dung môi, một tiền đề vật chất cho sự xuất hiện của tầng lớp trí thức hiện đại như thế nào...
  • Chân dung thật của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

    06/06/2017Anh VũBộ phim tài liệu- dài gần bốn tiếng đồng hồ chiếu liền một mạch -“Mạn đàm về người man di hiện đại”, cố gắng xây dựng một chân dung thật minh oan cho học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người từng bị cho là tay sai, bồi bút cho thực dân Pháp hơn nửa thế kỷ qua.
  • Nguyễn Văn Vĩnh, một người Nam mới đầu tiên

    17/09/2014Đỗ Lai ThúyBạn tôi nói, làm một người Việt Nam mới bây giờ đã khó thì làm một người Nam mới (Tân Nam tử) như Nguyễn Văn Vĩnh hồi đầu thế kỷ XX hẳn khó hơn nhiều. Đúng vậy. Vào những năm đầu thế kỷ trước, Việt Nam chủ yếu vẫn là một xã hội quân chủ nông nghiệp Nho giáo. Người Việt Nam, kể cả tầng lớp có học bấy giờ, vẫn phải sống thân phận thần dân nhiều trói buộc. Đâu có được như ngày nay: đất nước thì đổi mới và mở cửa; thế giới thì ngày một trở nên phẳng; con người thì đang dần là công dân trái đất! Nhưng, có lẽ, thời ấy bộ phận trí thức hình như có quyết tâm đổi mới xã hội cao lắm thì phải. Và, một điều nữa cũng quan trọng không kém: họ là những cá nhân có tài năng.
  • Nhận diện nền kinh tế tri thức

    10/01/2014Gần đây, kinh tế tri thức được bàn luận sôi nổi khắp nơi. Nhiều người rất hăng hái xem đây là cơ hội nghìn vàng cho đất nước ta nhanh chóng bứt ra khỏi nghèo nàn lạc hậu. Nhưng cũng có ý kiến cảnh báo rằng đặt cược quá cao vào kinh tế tri thức có thể làm chúng ta xao lãng những vấn đề cấp bách nhất của nền kinh tế đang còn quá thấp kém...
  • Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây qua sự hiện diện của tờ báo

    09/04/2009Trần Văn ToànSự ra đời của báo chí, lẽ tự nhiên, làm xuất hiện một chân dung mới: ký giả, hay nhà báo. Những danh xưng này, trong ngôn ngữ đương đại thiên về ý nghĩa nghề nghiệp thuần túy nhưng ở vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX lại có nét nghĩa chỉ một nhóm có vai trò ưu đẳng trong xã hội (status group). Với quốc dân, họ là đại diện cho luân lý và tri thức, có chức phận dẫn dắt, hướng đạo. Trong một xã hội vốn có truyền thống trọng quan tước, ký giả thậm chí được liệt vào tầng lớp “quan lại cao cấp”.
  • Quyết chí làm giàu

    08/06/2008Anh ChươngTừ dạo Việt Nam gia nhập WTO, bà xã tôi bỗng tỏ ra vô cùng quan tâm đến tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Buổi tối sau khi cơm nước xong xuôi, nàng ngồi chễm chệ trước tivi, tay lăm lăm cái remote, bật hết kênh này đến kênh nọ...
  • Nghĩ về doanh nhân và cách mạng

    10/10/2006Dương Trung QuốcGiờ đây, vị thế của tầng lớp doanh nhân đang ngày càng được khẳng định, không chỉ trong các văn bản, nghị quyết mà quan trọng hơn là từ thực tiễn của đời sống kinh tế của đất nước. Do vậy xem xét mối quan hệ giữa doanh nhân và cách mạng, giữa một tầng lớp xã hội và một hiện tượng xã hội mang tính chất lịch sử là một điều cần thiết...
  • Bàn về “văn hóa doanh nhân”

    03/01/2006Dương Trung QuốcNói đến “Văn hóa doanh nhân” hay “Văn hóa doanh nghiệp” chúng ta rất dễ sa vào một xu thế đang thời thượng là dường như toàn xã hội đang đi tìm cái căn cước văn hoá của mình. Đã có văn hoá ẩm thực, văn hoá làng xã, văn hoá đô thị... nay lại có văn hóa doanh nhân...
  • Làm giàu nhờ làm sách

    09/07/2005Nguyễn ChươngMột lần khi hay tin một người quen phải nằm bệnh viện, Nguyễn Văn Phước vào thăm và món quà đem theo là cuốn sách Hạt giống tâm hồn. Những trang sách ấy khiến người bạn nguôi ngoai nỗi phiền muộn, rồi lại tươi cười, một thời gian sau xuất viện.
  • xem toàn bộ