Quả thật làm chính khách khó
Chính khách là người làm chính trị, mà “chính trị là chính đính. Ông lãnh đạo dân một cách chính đính thì ai dám không chính đính”. Đấy là lời Khổng tử trả lời Quý Khang Tử.
Quả thật, làm người chính đính thật không đơn giản, có khi với người biết tự trọng, còn dẫn đến thảm họa như chuyện tự tử của nguyên Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun làm chấn động dư luận Hàn Quốc. Tự tử vì ông “cảm thấy xấu hổ” do bị cáo buộc người thân của ông đã nhận tiền hối lộ từ một doanh nhân, khi chính ông từng đưa ra cương lĩnh chống tham nhũng. Người Hàn Quốc từng phẫn nộ nhưng rồi lại cảm kích và thương xót ông về sự ra đi của ông, một Tổng thống giàu lòng tự trọng và đã làm được nhiều việc cho dân.
Từ việc tự tử của vị Tổng thống chợt gợi nhớ đến “Sáng thế Ký`”, trong đó có chuyện Adam và Eve sau khi ăn trái cấm bỗng nhiên phát hiện ra sự trần truồng của mình, cảm giác xấu hổ xuất hiện. Cả hai đều bứt chiếc lá vả để che đi bộ phận phải che. Chiếc lá vả ấy, theo Franz Werfel, là “tài liệu văn hóa đầu tiên của loài người! Chiếc lá vả là biểu tượng của con người tự ý thức được về mình. Cái cảm giác “biết xấu hổ” ấy là một thuộc tính người, một thuộc tính văn hóa. Chính khách, trước hết phải là một nhân cách văn hóa.
Nhưng thế nào là một nhân cách văn hóa?
Để tránh dài dòng, lại xin dẫn Luận Ngữ, thiên Công Dã Tràng có đoạn nói về Khổng tử khuyên các chính khách “tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi”, tạm dịch là làm trước điều mình muốn nói, rồi hãy nói. Nếu “nói năng khéo léo, nét mặt giả bộ niềm nở, thái độ quá cung kính” [xảo ngôn, lệnh sắc túc cung], hoặc “giấu lòng oán mà bề ngoài làm bộ thân thiện” [Nặc oán nhi hữu kỳ nhân] thì Khổng Tử lấy làm thẹn khi gặp phải những người như vây. Oái oăm thay, loại người mà Khổng tử không muốn gặp ấy lại nhan nhản, dương dương tự đắc với bộ mắt nhẵn lì vô liêm sỉ.
Ấy vậy mà, chuyện phải biết giữ liêm sỉ không chuyện của Khổng tử, của văn hóa Phương Đông. Chính khách, cả Đông và cả Tây đều phải cố làm như vậy.
Xin gợi lại chuyện đã xảy ra ở Anh cách nay đã 4 năm dưới trào của Gordon Brown. Dạo ấy, ông Thủ tướng Anh, để thu phục nhân tâm, đã đưa ra lời xin lỗi : "Tôi muốn thay mặt tất cả các chính khách, các đảng phái xin lỗi vì những gì đã xảy ra. Các nghị sĩ Quốc hội phải có trách nhiệm chứng tỏ rằng họ được bầu vào nghị viện để phục vụ các quyền lợi của công chúng, chứ không phải vì lợi ích bản thân”. Có chuyện ấy vì trước đó mấy ngày tờ Daily Telegraph phanh phui những khoản chi tiêu công quỹ. Trong lúc đất nước đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế thì Thủ tướng Brown từng trả cho người em trai 6.500 Bảng (9.934 USD) về công việc dọn dẹp căn hộ của ông ở Westminster. Rồi đến ông Bộ trưởng Cộng đồng Hazel Blears thì có đến 3 căn hộ trong một năm và đã chi tới gần 5.000 Bảng vào trang trí nội thất trong vòng 3 tháng. Bộ trưởng Thương mại, Lord Mandelson, thì kê khai gần 2.850 Bảng tiền sửa chữa nhà sau khi thông báo sẽ rời Hạ viện Anh để trở thành ủy viên Ủy ban châu Âu. Sau đó, chính ông đã bán căn nhà ấy để thu được 136.000 Bảng Anh. Những hé lộ trên do báo chí phơi ra trước dư luận đã khiến công chúng Anh phẫn nộ khi nước này đang tìm cách thoát khỏi cơn suy thoái hiện tại. Đại khái là như vậy. Và rồi người ta đặt câu hỏi : nếu không có Daily Telegraph đưa tin, thì liệu ông Brown có đưa ra lời xin lỗi không?
Và đâu chỉ chuyện “chính khách” ở xứ sương. Cũng năm ấy, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã phải nói lời xin lỗi về phản ứng chậm chạp của chính quyền trước cơn bão Morakot . Cơn bão này đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Ông Mã nói, "Chúng tôi đáng ra đã có thể làm tốt hơn và phản ứng nhanh hơn. Nhưng chúng tôi đã không làm tốt hơn và cũng không phản ứng nhanh hơn. Chúng tôi gửi lời xin lỗi đến người dân”. Sau phát biểu của Tổng thống Mã, ông Thủ tướng đã đệ đơn từ chức với lý do : “Phải có người chịu trách nhiệm về những thiết hại nặng nề của đời sông ngtười dân Đài Loan sau vụ thiên tai thảm khốc này”. Một số bộ trưởng khác cũng đã theo gương Thủ tướng đệ đơn từ chức.
Thì ra, cùng với chuyện xin lỗi dân, hay từ chức vì những hệ lụy do quản lý kém gây ra, do nhập nhèm công tư, nói theo ngôn từ dân dã là “ăn vụng chùi mép không sạch” đều thuộc phạm trù “văn hóa lãnh đạo”. Mà để là “người có văn hóa” thì dù là nguyên thủ quốc gia khi vướng vào chuyện này đều phải nhanh chóng tự xử trước khi búa rìu của dư luận quật vào. Nói chính khách trước hết phải là một nhân cách văn hóa là vì lẽ đó.
Yên vị trong xó nhà “bốn con làm lính, bố làm quan” như Tú Xương tự diễu mình “hỏi ra quan ấy ăn lương vợ, đem chuyện trăm năm trở lại bàn” đương nhiên cũng đòi hỏi phải có nhân cách. Nhưng khi đã bước vào chính trường, thanh thiên bạch nhật trước ống kính của dư luận thì nhất cử nhất động “nhân cách văn hóa” ấy lồ lộ ra. Bởi lẽ, ông “quan” này không ăn lương vợ mà ăn vào thuế của dân!
Nguồn thu của ngân sách nhà nước là do dân đóng góp dưới nhiều hình thức; viện trợ không hoàn lại của nước ngoài chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ; thu từ tài nguyên cũng là nguồn thu do tài sản thuộc cái gọi là sở hữu toàn dân mang lại. Rồi bội chi ngân sách được bù đắp bằng các khoản vay trong và ngoài nước, thì rút cuộc lại cũng trút lên đầu dân thôi, đời này chưa trả thì rồi con cháu sẽ phải trả! Thêm vào đó, do thể chế đặc thù của ta, kinh phí hoạt động của cả hệ thống chính trị-xã hội cũng dựa vào ngân sách.
Điều này phải công khai và minh bạch để làm sáng tỏ mệnh đề “cán bộ là công bộc của dân” thường được trích dẫn như một thứ kinh nhật tụng mà chưa giải thích thật ngọn ngành mọi chiều cạnh sâu xa và thiết thực lời khuyến cáo ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quả là làm chính khách không dễ!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn