Bi kịch phi lý của phát xít đối với nhân tài
Cuốn tự truyện của Primo Levi "Có được là người" kể về những ngày tháng sống và làm việc trong nhà tù của phát xít của một nhà hóa học, bên vực thẳm của cái chết, sự tha hóa, cuộc đấu tranh vô vọng để tồn tại và làm người, đã thu hút sự chú ý của độc giả toàn thế giới và nó xứng đáng với địa vị một trong những kiệt tác văn chương.
Cuốn tự truyện của Primo Levi kể về những ngày tháng sống và làm việc trong nhà tù của phát xít của một nhà hóa học, bên vực thẳm của cái chết, sự tha hóa, cuộc đấu tranh vô vọng để tồn tại và làm người, đã thu hút sự chú ý của độc giả toàn thế giới và nó xứng đáng với địa vị một trong những kiệt tác văn chương.
Giá trị mà tác phẩm đem lại không chỉ ở chỗ nó đã lột tả được sự thật về chủ nghĩa phát xít, một cơn điên rồ của lịch sử, mà nó còn cho người ta thấy những sự phi lý của lịch sử có thể xảy ra ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Tác phẩm cũng khẳng định, dù trong hoàn cảnh nào, cuối cùng chiến thắng sẽ thuộc về con người.
Sự phi lý của một lý tưởng
Những trang viết của Primo Levi về hệ thống nhà tù của phát xít, đã cho thấy chúng không hẳn là nhà tù đơn thuần. Chúng là một thứ xã hội kỳ quái, những thử nghiệm về vấn đề khai thác con người, sử dụng họ khi họ còn "có ích" cho chế độ phát xít.
Quả đúng như vậy. Nếu như chủ nghĩa phát xít chỉ đơn thuần là sự phân biệt chủng tộc và tàn sát người Do Thái thì chúng không cần các trại tập trung đầy tai tiếng trở thành vết nhơ của lịch sử, mà chúng chỉ cần các pháp trường bí mật, cái cách chúng vẫn sử dụng với người chống đối. Các trại tập trung được xây dựng với quy mô khổng lồ, chính là để khai thác con người, khi họ sống, thậm chí lúc họ đã chết, để phục vụ cho lý tưởng xây dựng một siêu cường thống lĩnh.
Là một nhà hóa học người Do Thái giỏi chuyên môn và biết nhiều ngôn ngữ, Primo Levi theo những nhà kháng chiến lập căn cứ ở trong rừng sâu, nhưng ông vẫn bị lùng bắt. Thay vì bị xử tử, chúng đem ông về tại tập trung và đưa vào làm việc trong một nhà máy sản xuất cao su nhân tạo.
Nhà tù Auschwitz
Primo Levi đã mô tả về cái trại tập trung kiêm "trung tâm" nghiên cứu ứng dụng khoa học mà ông đã trải qua như sau:
Đằng sau hàng rào của nó không mọc nổi một cọng cỏ, mặt đất đẫm những thứ nước bùn và dầu độc địa, chẳng có gì sống ngoài máy móc và nô lệ, và trong hai nhóm đó thì máy móc còn có vẻ sống hơn cả con người.
Không chỉ người Do Thái có tiếng là thông minh mà có lẽ là trí thức ở khắp nơi trên thế giới, nơi nào mà phát xít với bàn tay sắt của nó đến được, chúng cũng sẽ dùng vũ lực bắt đem về để sử dụng.
Buna lớn như một thành phố: ngoài các sếp và kỹ sư người Đức ở đây còn có bốn mươi nghìn người nước ngoài, nói khoảng mười lăm đến hai mươi thứ tiếng khác nhau (...) Riêng Lager của chúng tôi (Jundenlager, Vernichtungslager, Kazett) đã cung cấp khoảng mười nghìn lao động thuộc tất cả các quốc tịch ở châu Âu. Chúng tôi là nô lệ của nô lệ, ai cũng có thể sai bảo, tên chúng tôi chỉ là những con số xăm trên tay và may trên ngực áo.
Không có sự lựa chọn nào hết. Những người "vô ích" ốm đau, yếu ớt, chống đối, không đáp ứng được công việc... sớm hay muộn cũng bị đưa tới phòng hơi ngạt. Những người còn lại, chỉ có một con đường phục tùng.
Dĩ nhiên sự phục tùng chỉ là bắt buộc, hình thức, không ai là tự nguyện và thực sự trung thành. Để cai trị họ, chế độ nhà tù đưa ra những thứ "vũ khí" là cái đói, cái rét, thậm chí bệnh dịch. Sự sợ hãi bảo đảm cho sự phục tùng và trung thành.
Nhưng, sự sợ hãi khiến con người trống rỗng, tê dại, có quá ít người có thể sáng tạo và cống hiến trong bối cảnh như vậy. Nhiều người không còn nhớ nổi mình là ai. Thậm chí, họ càng chóng chết hơn cả sự trù tính của cai ngục. Nhân lực chất lượng cao luôn hao hụt dù được bổ sung không ngừng, mà những kẻ hấp hối vì kiệt quệ thì ngày càng nhiều. Sự bất lực của những nhà tù kiêm trung tâm khoa học này, đôi khi dẫn đến sự bối rối hoang mang cho chính những kẻ khai sinh ra nó. Những cái chết vô nghĩa diễn ra hàng ngày, mà những thành tựu về khoa học công nghệ thì chẳng bao giờ có.
Sự bế tắc là vô tận, nhưng người ta không biết phải làm như thế nào. Cuộc sống trở thành cỗ máy giết người.
Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến, kế hoạch khánh thành nhà máy vẫn được đề cập. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra. Quân đội Nga đã đến. Nhưng trước lúc đó, tuyệt đại đa số các tù nhân đã được đưa đi. Hoặc người Đức không muốn họ thuộc về đồng minh, hoặc người ta vẫn ấp ủ một giấc mơ hão huyền là sẽ tiếp tục công việc ở một nơi nào đó, để lại sau lưng một nhà máy khổng lồ chưa bao giờ được chính thức khánh thành cùng với linh hồn của nhiều chục ngàn những người ưu tú của châu Âu, đã chết thảm trong giá lạnh và sự khổ ải cùng cực.
Sứ mệnh của người trí thức trong xã hội không vì con người
Primo Levi |
Chính những "giá trị" sẵn có mà một bộ phận trí thức châu Âu đã thoát chết trong các trại tập trung. Phát xít không thể không cần đến trí tuệ của họ. Nhưng, trong điều kiện ngục tù man rợ, bản thân người trí thức cũng bị tha hóa và đánh mất đi các phẩm chất của mình, nói đúng hơn là họ dần dà không nhớ mình là trí thức nữa.
Những người may mắn thì chẳng nhớ gì đến khoa học và đam mê sáng tạo mà đơn giản chỉ mong mình được sống, có chút gì đó khá khẩm hơn những người khác.
Nhiệt độ trong phòng thí nghiệm thật tuyệt: nhiệt kế chỉ 24 độ. Chúng tôi tự nhủ mình có thể cọ dụng cụ thủy tinh, quét nhà, mang những bình hydro, bất cứ việc gì, miễn là được ở lại đây, và vấn đề mùa đông của chúng tôi đi qua.
Một số khác thì cố gắng làm mọi việc, dù là đê tiện, để đảm bảo cho mình một vị trí. Henri là một người như thế. Anh ta "hai mươi tuổi, cực kỳ thông minh, biết nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Nga với tri thức khoa học và xã hội tuyệt hảo". Nhưng để tồn tại, anh ta không từ một thủ đoạn thâm độc nào: "Tàn khốc, xa cách, đóng kín trong cái vỏ bọc của anh ta, kẻ thù của tất cả, xảo quyệt lạ lùng và không thể hiểu nổi, giống như con rắn trong sáng thế ký".
Một vài trường hợp hi hữu đã vùng lên, thậm chí đưa vũ khí vào trong trại để nổi loạn, nhưng lập tức bị dập tắt ngấm. "Quân Nga có thể đến, họ sẽ chẳng tìm thấy gì ngoài lũ chúng tôi đã quy phục, đã tắt ngấm, chỉ xứng buông xuôi đến cái chết đang chờ chúng tôi".
Tuy vậy, không phải mọi thứ đã bị ngục tù xóa trắng. Tự trong một nền văn hóa sâu xa mà lịch sử đã tạo ra cho con người, đâu đó, trong những tù nhân, người ta vẫn mong muốn, và thực sự thấy được bóng dáng của chính họ. Nhân vật Lorenzo là một người như thế.
Cái kiểu tốt bụng nhẹ nhàng và tự nhiên của anh đã liên tục nhắc nhở tôi rằng vẫn còn một thế giới ngay bên ngoài cái thế giới của chúng tôi, còn có một điều gì đó, một ai đó vẫn trong sáng và tròn đầy, không bị nhiễm bẩn, không lây thù nghịch, xa lạ với lòng căm ghét và nỗi sợ hãi, một điều khó định nghĩa nổi, một mầm nhỏ nhoi của cái thiện, và do đó đáng để sống vì nó.
Primo Levi, bằng tác phẩm của mình, cuối cùng đã không phủ định con người, từ sự tàn bạo của phát xít đến sự thỏa hiệp, đầu hàng và tha hóa của các nạn nhân, mà đã nói lên khao khát về nhân tính, về đạo đức, một khao khát mãnh liệt, đang ấp ủ mầm sống tương lai.
Những người tù đã hi vọng rất nhiều, hi vọng vào niềm tin tôn giáo, hi vọng vào cái đẹp, sự may rủi, những nỗ lực đôi khi hèn hạ của cá nhân, mong chờ sự nhầm lẫn của kẻ thù... nhưng có lẽ chẳng có tình cảm nào đẹp đẽ và gần gũi hơn là niềm tin vào những con người đích thực ở quanh mình, tin vào chính vẻ đẹp của từng cá nhân con người. Rõ ràng Primo Levi đã viết nên một tác phẩm bi tráng, để tôn vinh con người trong một hoàn cảnh lịch sử thực dụng, ảo tưởng, ngu ngốc và phi nhân tính.
Người ta sẽ nhớ mãi những dòng văn trong tác phẩm này, chúng đẹp đẽ và tráng lệ biết bao:
Lorenzo là một con người, tình người của anh thanh khiết, không bị vấy bẩn. Anh ở ngoài cái thế giới của những tiêu cực. Nhờ Lorenzo mà tôi đã không quên rằng bản thân mình cũng là một con người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn