Sự cáo chung của nền chuyên chính tâm thần phân liệt
Lời ban biên tập tạp chí Russ.ru: Đây là bài bình luận của ông Dmitry Butrin, trưởng phòng kinh tế chính trị học tờ Thương gia, về sự khởi đầu của chiến dịch quân sự chống Gaddafi, dành riêng cho Russ.ru
* * *
Tôi cũng xin gọi sự kiện đang diễn ra ở Libya như những người tham gia trong liên minh phương Tây gọi nó. Đây là chiến dịch quân sự, với hai mục tiêu: chính trị (lật đổ chế độ của Gaddafi) và kĩ thuật (không để cho vị đại tá này tấn công và giết hại những người nổi dậy). Còn gọi thế nào được nữa? Đồng thời cũng có người cho rằng sự kiện ở Libya là sự can thiệp vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền. Đây đúng là sự can thiệp vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền rồi. Nhưng nói cho ngay, tình hình nội bộ của nước có chủ quyền này là nhân dân Libya đứng lên chống lại một con người đã lập nên một cơ cấu nhà nước đặc thù hiếm có trên thế giới: “nền chuyên chính tâm thần phân liệt”.
Trên thực tế nếu tổng thống của các vị đã hóa điên và tiếp tục điên trong suốt 40 năm qua thì trước sau gì dân chúng cũng thử làm thế nào đó để ông ta không còn cai trị họ nữa. Nói chung, khởi nghĩa vũ trang có thể được coi là quyền hợp pháp về phương diện y học của người dân, và không nghi ngờ gì rằng cũng có thể coi đấy là “công việc nội bộ”. Nhưng rõ ràng là có thể dùng một số lí luận nào đó để phản đối thậm chí cả quyền khởi nghĩa vũ trang của người dân thì theo tôi, phủ nhận quyền khởi nghĩa vũ trang nhằm chống lại một kẻ tâm thần phân liệt là việc làm vô nghĩa. Hơn thế nữa, tôi nghĩ rằng hoạt động của lực lượng liên minh là hoàn toàn chính danh chính là vì chính quyền của Gaddafi là một chính quyền điên rồ. Vì, thí dụ như một ông chồng khó tính đánh vợ là một chuyện, nhưng khi ông ta vừa làm thế vừa khắc vào trán ngôi sao vàng năm cánh và mặc áo đính những vòng kim tuyến mà người ta dùng để trang hoàng cho cây thông noel, còn tay thì lăm lăm hai khẩu AK thì lại là chuyện khác rồi. Làm gì với hắn ta đây? Rõ ràng là ở đây sự đe dọa dân thường đã mang tính chất khác, chứ không còn là những trường hợp đơn lẻ nữa. Chỉ có thể tỏ lòng thương hại nhân dân Libya (cũng như người phụ nữ khốn khổ kia), nhưng nếu kẻ tâm thần phân liệt, mặc dù trên người đã quấn đầy bông băng, tiếp tục nã đạn thì phải kêu cảnh sát rồi. Như vậy là, trong trường hợp này quân đội liên minh đang thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát, không chỉ duy trì hoạt động của “xe cứu thương” (vì “xe cứu thương” chưa chắc đã giúp được gì) mà đơn giản là đang bảo vệ người dân Libya vô tội.
Nếu có thể nói thêm rằng Saddam Hussein là một người bình thường về mặt tâm thần (hắn chỉ là một tên vô lại) thì rõ ràng là Gaddafi là một người bất bình thường. Trước hết phải xem xét vấn đề này từ quan điểm y học, như tôi đã nói bên trên. Nghĩa là chính tình trạng bất tương xứng của Gaddafi làm cho sự kiện ở Libya khác hẳn, thí dụ, với chiến dịch ở Nam Tư. Có thể tranh luận về bản chất của chế độ của Miloshevich. Nghĩa là có thể đưa ra những luận cứ nào đó rằng một lúc nào đó nhà cầm quyền có thể sử dụng vũ khí hóa học, có thể giết hại người dân của mình, có thể liên tục phát trên TV đoạn băng nói rằng chúng ta sẽ chiến thắng bọn phát xít. Nhưng dù có chủ quyền đến mức nào thì ông ta cũng không có quyền khoác lên người những vòng kim tuyến mà người ta dùng để trang hoàng cho cây thông noel. Nghĩa là tôi muốn nói rằng có thể tranh luận về nền dân chủ có chủ quyền, nhưng luận điểm về bệnh tâm thần phân liệt có chủ quyền thì không thể đem ra tranh luận được. Nói gì thì nói, chính quyền nào thì cũng phải có mức độ chính danh căn bản nào đó, đấy là căn cứ để người cầm quyền không thể muốn làm gì cũng được, ông ta không thể muốn đưa tất cả thần dân của mình lên mặt trăng hay bắt mọi người phải đi bằng hai tay chứ không được đi bằng hai chân. Trong trường hợp này tình trạng cũng gần như thế.
Tôi nghĩ rằng quyết định can thiệp đã được thông qua một cách nhanh chóng như thế là vì mọi người cũng đã hiểu gần giống như tôi là chúng ta đang phải làm việc với một người như thế nào. Dĩ nhiên là có thể hỏi tại sao châu Âu, Nga và các nước Arab đã quan sát Gaddafi, một người hầu như không hề thay đổi trong suốt 40 năm qua, mà không ra hiệu là hắn đã bị điên? Thật là nhục nhã. Đấy là nỗi nhục của chính quyền Italy, của chính quyền Thụy Sĩ, của chính quyền Nga (cũng như Liên Xô) và chính quyền Mĩ nữa. Rõ ràng là trong suốt những năm đó chúng ta đang nhìn thấy trước mắt mình một thằng tâm thần phân liệt. Ai đã đọc cuốn Sách xanh đều chẳng thể nghi ngờ gì rằng đấy là tác phẩm của một người bị bệnh tâm thần. Nói chung, ai đã từng ở Libya (tôi đã ở đó) đều chẳng hề nghi ngờ gì rằng một thằng điên đang đứng đầu cơ cấu quyền lực ở đây, rằng hắn ta đang “khủng bố” nhân dân nước mình. Thật nhục nhã khi phải sống dưới chế độ mà mọi người đều biết rằng nhà cầm quyền đã hóa dại.
Nhưng có thể rút ra hai kết luận từ những gì đang xảy ra hiện nay. Chiến dịch vừa khởi sự gần đây chứng tỏ rằng, một mặt, thế giới của chúng ta là một thực thể mà một thằng điên đầy nguy hiểm có thể lãnh đạo đất nước được những bốn mươi năm, nhưng mặt khác – lạy Chúa tôi! – thế giới của chúng ta cũng là thực thể mà sớm muộn gì thì những luận cứ cho rằng những kẻ điên rồ không được chế nhạo dân tộc mình cũng chiến thắng những luận cứ cho rằng tiền là thứ cực kì quí giá.
Phạm Nguyên Trường dịch từ nguyên bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://russ.ru/Mirovaya-povestka/Konec-diktatury-shizofrenii
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá