Phê bình văn học nữ quyền
Trong nửa thế kỷ qua, các học viện trên khắp thếiới, nhất là ở Âu Mỹ, đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng liên quan đến giới tính. Chẳng những số lượng nữ giáo sư và nữ sinh viên tăng nhanh trong các học viện, mà học thuyết nữ quyền còn ảnh hưởng đến nhiều bộ môn học thuật khác, từ triết học, lịch sử, đến ngôn ngữ học, xã hội học, nhân chủng học, truyền thông đại chúng, kinh tế, luật… Nhưng trước tiên và căn bản trong vòng ba thập niên qua, học thuyết nữ quyền có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn nhất đến phê bình văn học, đã làm thay đổi lớn lao cách đọc văn bản, việc bình giảng văn chương, sự định giá kinh điển trong nhà trường, ảnh hưởng đến cảm thụ văn học của công chúng và chuyển đổi cả ngành xuất bản.
Điều thú vị là phê bình văn học nữ quyền không chỉ có duy nhất một cách tiếp cận, một cách vận dụng, hay một định nghĩa, mà có nhiều quan điểm, nhiều phương pháp, nhiều góc độ quan sát, nhiều tranh luận. Nhưng lạ lùng là lý thuyết phê bình văn học nữ quyền gần như xa lạ ở Việt Nam.
Phê bình văn học nữ quyền là gì?
Câu hỏi đơn giản này lại gợi mở những giải đáp, hay tìm kiếm giải đáp, phức tạp. Trước hết ta hãy thử nhận biết qua phản ứng từ phía chống nữ quyền. Trong bài báo “Phê bình văn học nữ quyền: Từ Chống-phụ-quyền đến Tán tụng Hư đốn” đăng trên tạp chí bảo thủ Modern Age (số 4 tập 49 mùa thu 2007) Anne Babeau Gardiner ghi nhận ở phần mở bài: Quả thật, theo một điều tra của Hội Ngôn ngữ Hiện đại, lý thuyết nữ quyền gần đây đã có ảnh hưởng hơn bất cứ trường phái nào khác trong giảng dạy văn học. Nó được coi “là một bộ phận không thể tách khỏi nghiên cứu văn học” trong các trường đại học ở Anh, Canada và Mỹ. Nhưng bà kết luận ở cuối bài: Cái đã khởi đầu như một phong trào nho nhỏ vào thập niên 1970 đã trở thành một nấm mồ nguy hiểm cho thanh niên, đặc biệt là nữ thanh niên. Và bởi vì sinh viên là người dẫn dắt tương lai, điều đang lâm nguy hiện nay chính là nền tảng của xã hội và văn minh Tây phương.Gardiner cho là phê bình văn học nữ quyền đã làm ba điều tác hại: Thứ nhất là đả phá tính chất gia trưởng hay phụ quyền, trong khi theo bà thì “phụ nữ ngày nay coi khái niệm gia trưởng chẳng khác gì một bóng ma lỗi thời”. Thứ hai là muốn thay thế kinh điển của văn học phương Tây mà nền tảng gồm đại đa số là tác giả và nhà phê bình đàn ông. Gardiner coi những tác phẩm kinh điển vĩ đại có giá trị phổ biến chung cho loài người. Bà phê phán các lý thuyết gia nữ quyền không chấp nhận “bản chất chung của con người” mà cứ phá huỷ cơ cấu, khiến cho trí tuệ tích lũy nhiều thế kỷ của văn minh Tây phương đang bị thay thế bằng cái gọi là văn hóa học và chú trọng vào những nhóm và những vấn đề xã hội ngoài lề, vặt vãnh. Cuối cùng Gardiner coi việc các nhà phê bình nữ quyền phục hồi giá trị các tác phẩm và tác giả nữ đã bị lãng quên hay từng bị các phê bình gia nam vùi lấp coi là dâm tục, nhất là đề tài đồng tính luyến ái, là tán tụng sự hư đốn. Mặc dù bài viết của Gardiner không đưa ra tri thức mới nào ngoài những chỉ trích đầy thành kiến, nó bộc lộ thái độ và quan điểm tiêu biểu của những người chống nữ quyền.
Trong bài “Giới thiệu: Những mô hình nữ quyền” trong bộ sách “Lý thuyết văn học” đồ sộ 1.314 trang do Julie Rivkin và Michael Ryan chủ biên (Blackwell Publishing, 2004), hai tác giả này viết: Phê bình văn học nữ quyền đương đại khởi đầu từ phong trào phụ nữ vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, và cũng bắt nguồn từ các học viện. Dĩ nhiên tiền sử của ngành này có thể rất xa xưa, tùy theo người ta lấy mốc từ tác phẩm “Một căn phòng cho riêng mình” của Virginia Woolf (xuất bản lần đầu năm 1929) hay một văn bản có trước Kinh Thánh 2.000 năm là Inanna (về số phận một nữ thần chất vấn cuộc luận đàm về dục tính, Maggie Humm trích dẫn.) Sự biến đổi tự thân của lý thuyết nữ quyền trong nhiều thập niên qua khi khớp với những phê phán từ bên trong và những đọ sức với bên ngoài – khi tiếp xúc với phân tâm học, chủ nghĩa Mác, hậu-cấu trúc, dân tộc học, lý thuyết hậu thuộc địa, và nghiên cứu đồng tính luyến ái - đã tạo ra một công trình phát triển phức hệ không dễ gì gộp vô một hạng mục đơn giản. (trang 765)
Vì lẽ đó các tác giả sách lý luận phê bình thường không trả lời đơn giản trực tiếp “nó là cái gì” mà trình bày sự hình thành và phát triển lý thuyết trong tương quan chính trị xã hội với phong trào nữ quyền.
Gill Plain và Susan Sellers trong quyển Một lịch sử của phê bình văn học nữ quyền, (NXB Đại học Cambridge, 2007). Hai tác giả này dựa theo ba cao trào nữ quyền mà xác lập ba giai đoạn phát triển lý thuyết phê bình văn học nữ quyền:
- Giai đoạn “tiên phong và nữ quyền nguyên sơ” tương ứng với cao trào nữ quyền I, tính từ hậu thế chiến II trở về trước, với Minh chứng về quyền của phụ nữ (1792) của Mary Wollstonecraft, “tổ mẫu” của chủ nghĩa nữ quyền. Bà phản đối thẩm quyền xác lập nữ tính của các tác giả nam. Bà coi nhà văn nữ là người có lý trí, đạo đức, nhân hậu, phản đề của thói ủy mị giả tạo. Luận điểm của Wollstonecraft là về bản chất của giới tính được kiến tạo như một lợi thế: viết và nghĩ không thể vượt khỏi thân xác, và không thể loại phụ nữ ra khỏi vị trí xã hội. Một căn phòng cho riêng mình (1929) của Virginia Woolf được coi như “sách vỡ lòng” của phê bình nữ quyền. Nhờ Woolf mà các tác giả nữ ngày nay có những khái niệm gợi mở về cách suy nghĩ lùi thông qua người mẹ, về ý kiến của đàn bà, và về tinh thần song giới (dung hoà cả hai giới tính). Nhiều quan điểm lý thuyết mâu thuẫn của tư tưởng nữ quyền đương đại bắt nguồn từ trí tưởng tượng đột phá vượt giới hạn của Woolf và những xung đột sáng tạo của bà. Nhưng chính Simone de Beauvoir để lại cho chủ nghĩa nữ quyền một tự điển phong phú hình tượng và ý tưởng, đặc biệt là định nghĩa xác quyết “người ta không bẩm sinh là đàn bà, mà trở thành đàn bà.” Khái niệm này ẩn tàng trong tác phẩm và tranh luận xung quanh các nhà nữ quyền nguyên sơ và tiên phong, nhưng tư tưởng cơ bản này chỉ được phát biểu dứt khoát rõ ràng trong quyển Đệ nhị giới (1949) của Beauvoir. Sự nhận thức về cấu trúc xã hội của giới tính và bản chất bị áp đặt của các chủ thể mang giới tính đã trở thành cốt lõi của lý thuyết văn học nữ quyền, khiến cho nó trở thành luận đề thách thức những giả định của con người về căn cước, tự nhiên và tiến bộ, và khảo sát thấu đáo sự hình thành có tính huyền thoại của nữ tính và nam tính.
- Giai đoạn “sáng tạo nền phê bình văn học nữ quyền” tương ứng với cao trào nữ quyền II (thập niên 1960 và 1970) kéo dài đến cao trào III (thập niên 1980 và 1990). Đây là giai đoạn quan trọng, hình thành và phát triển những vấn đề chủ yếu của phê bình văn học nữ quyền, từ khẳng định các nhà văn và nhà phê bình nữ, xuyên qua sự tìm kiếm một truyền thống văn học nữ và ảnh hưởng của luận đàm mang tính tự truyện, đến những thách thức mà các nhà phê bình nữ quyền da đen, đồng tính, và đàn ông ủng hộ nữ quyền đề ra. Hành trình này cho thấy sự phát triển dần dà của khái niệm phê bình văn học nữ quyền đã từ sự phản kháng ban đầu chống lại lý tưởng nam là trung tâm trong nghiên cứu văn học, đến một hệ thống đa dạng phức tạp những luận đề nhằm chất vấn những giả định không chỉ về giới tính, mà cả về chủng tộc, giai cấp, dục tính. Tính chính trị của cao trào nữ quyền II thể hiện đậm trong thực tế phê bình giai đoạn phát triển này. Lý tưởng nữ quyền ngấm vào văn chương và văn hoá đương thời, đồng thời phục hồi những tiếng nói đã bị dìm lấp của phụ nữ, một sự việc cách mạng nếu nhìn lại hàng bao thế kỷ trước đó ở các học viện Anh, Mỹ chỉ có tác phẩm của nam tác giả được coi là kinh điển để nghiên cứu giảng dạy. Cùng với nỗ lực làm sống lại những tiếng nói đã mất của các tác giả nữ, hình thành những cách tiếp cận văn học của các nữ tác giả da đen, đồng tính nữ, và khảo sát quan điểm tách biệt của sự hình thành nữ quyền mang tính học viện, trung lưu, da trắng và có xu hướng dục tính chính thống (nam – nữ). Các nhà phê bình nữ quyền cũng nhận ra những truyền thống viết nữ từng bị gạt ra rìa, khát vọng của họ được diễn tả những kinh nghiệm và những câu chuyện dị thường, và nhu cầu tìm ra tiếng nói và vị trí để phát ngôn, từ đó xuất hiện những câu hỏi then chốt về bản ngã và chủ thể, phát triển thể loại tự truyện và phê bình cá nhân. Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu cấu trúc lan toả trong lý thuyết nữ quyền, đồng thời là ảnh hưởng giao thoa với chủ nghĩa hậu thuộc địa, thuyết phân tâm học, thuyết phi giới tính. Phê bình văn học nữ quyền biến chuyển đa dạng, phức hệ, đề ra những cách đọc mới những tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong các lãnh vực nêu trên. Một biến dạng khác của phê bình nữ quyền là từ khởi thuỷ phản kháng nam quyền chuyển qua nghiên cứu nam tính. Cuối giai đoạn này phê bình văn học nữ quyền đã tái kiến trúc thế giới và ngôn từ của con người nhưng vẫn không thoát ra những ý nghĩa về giới tính được xã hội xét duyệt.
- Giai đoạn tính từ đầu thiên niên kỷ thứ ba đến ngày nay, có thể coi là “chuyển đổi mô hình” trong phê bình văn học nữ quyền với ảnh hưởng của hậu cấu trúc và hậu hiện đại. Tiến bộ khoa học kỹ thuật ảnh hưởng không ít đến ý thức về bản thân, giới tính, dục tính và sinh sản, hình tượng cyborg ra đời biểu tượng cho sự kết hợp giữa con người và kỹ thuật. Ý nghĩa của từ “đàn bà”, “phụ nữ”, “nữ giới” không còn tầm quan trọng trong các nỗ lực cấp tiến phá thế bình ổn ở phương Tây nữa, do vậy chủ nghĩa nữ quyền và phê bình văn học nữ quyền trải qua những thay đổi quan trọng. Nhóm nữ quyền trung lưu da trắng vận động hướng ngoại để thừa nhận sự đa dạng trong đời sống, kinh nghiệm và sự sáng tạo của phụ nữ. “Đàn bà” như một thực thể văn hoá – xã hội đặt định đã bị rắc rối hoá, nghĩ tới đàn bà là nghĩ tới giới tính; xu hướng chuyển đổi là đặt vấn đề giới tính lên trên cả nữ tính, nam tính, đồng tính các loại. Nữ quyền bắt đầu đặt những câu hỏi căn bản về ngôn ngữ và chủ thể con người. Tuy vẫn tiếp tục khảo sát sự phức tạp của những đặc tính mang tính giới phái trong xã hội đương đại, nhưng từ nhiều hướng phát triển khác nhau, những hình thức lai tạp mới của phê bình văn học nữ quyền xuất hiện, đem lại nguồn năng lượng mới cho những tranh luận chất vấn khái niệm “đàn bà” có là một khởi điểm lý thuyết chặt chẽ hay chăng.
Dựa vào sự hình thành và phát triển có thể hình dung diện mạo của phê bình văn học nữ quyền theo tuyến thời gian. Những tác giả khác tìm kiếm định nghĩa phê bình văn học nữ quyền từ những cách tiếp cận khác. Mary Eagleton trong quyển Lý thuyết văn học nữ quyền (Blackwell Publishing, 1996) khảo sát mối quan hệ giữa phụ nữ và tác tạo văn chương, giữa giới tính và thể loại, xác định ý nghĩa văn chương nữ, nhận diện một truyền thống văn chương nữ, đặt vấn đề về có khác biệt chăng trong đọc nữ và viết nữ. Toril Moi trong quyển Chính kiến văn bản / giới tính (NXB Routledge, 2002) chia ra hai trường phái: phê bình văn học nữ quyền Anh - Mỹ và phê bình văn học nữ quyền Pháp. Do đặc trưng ngôn ngữ của văn học, mỗi nền văn học của từng dân tộc có ngôn ngữ riêng đều có những tính chất riêng trong văn học sử và hệ thống lý luận phê bình.
Phần giới thiệu lịch sử phê bình văn học nữ quyền phương Tây trên đây, chủ yếu của nền văn học bằng Anh ngữ, nhằm mục đích xác nhận sự tồn tại của một bộ môn học thuật gắn liền với phong trào phụ nữ phương Tây. Lịch sử Việt Nam trong một thế kỷ qua có những tương đồng với một số nước khác, nhưng cũng có những khác biệt rất nhiều và rất lớn khiến cho xã hội và văn học của chúng ta có những vấn đề của riêng chúng ta mà chúng ta phải tự giải quyết bằng sáng tạo của chính mình.
Vận dụng phê bình văn học nữ quyền ở Việt Nam
Thực tế thì hoạt động phê bình văn học nữ quyền ở Việt Nam đã chớm nở trong mười năm gần đây, thể hiện qua việc xuất bản lại tác phẩm đã bị vùi lấp của các nữ tác giả Quốc ngữ đầu tiên, như Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoà do Thy Hảo Trương Duy Hy sưu tầm và biên soạn, nhà xuất bản Văn học 2003; Tuyển tập Đạm Phương nữ sử do Lê Thanh Hiền sưu tầm, biên soạn và giới thiệu, nhà xuất bản Văn học 1999. Rải rác trên các tạp chí, nhật báo và các trang văn học trên mạng cũng xuất hiện những bài viết phục hồi và đánh giá lại thân thế sự nghiệp của những nữ sĩ tiên phong cổ xúy phong trào nữ quyền qua hoạt động báo chí và văn học, thí dụ như Nhà thơ Hằng Phương, Người concủa Bảo An, Gò Nổicủa Nguyễn Đình An, báo Đà Nẵng, ra ngày 25/11/2008, Sương Nguyệt Ánh: Chủ bút tờ báo đầu tiên của phụ nữ nước tacủa Tuân Lê, báo Bình Dương, cập nhật trên trang web của báo ngày 24/08/2006, Một nhà văn nữ đấu tranh cho nữ quyền vào đầu thế kỷ XX – Phan Thị Bạch Vâncủa Võ Văn Nhơn, kho học liệu mở (http://vocw.edu.vn/content/m11077/latest/). Tuy nhiên, trên tạp chí chuyên ngành chính thức là tạp chí Nghiên cứu Văn học, trong toàn bộ 12 số của năm 2007 với 131 bài, chỉ có 4 bài mà nữ là trung tâm khai thác: Đi tìm cổ mẫu trong văn học Việt Nam của Nguyễn Thị Thanh Xuân (số I, trang 105), Cánh đồng bất tận, nhìn từ mô hình tự sự và ngôn ngữ trần thuật của Đoàn Ánh Dương (số II, trang 96), Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh và Cấu trúc huyền thoại của Đào Ngọc Chương (số X, trang 137), Thơ Nôm Hồ Xuân Hương – Từ góc nhìn văn bản học, của Kiều Thu Hoạch (số IX, trang 28). Nếu kể cả những bài viết hay dịch đề cập đến nhân vật nữ trong các tác phẩm nước ngoài như Những giới hạn tiếp nhận Bà Bovary ở Việt Nam (qua trường hợp các bản dịch) của Phùng Kiên (số IV, trang 100), Cổ tích hiện đại: Cô bé bán diêm của Andersen của Lê Huy Bắc (số VII, trang 133), Khảo sát type truyện Cô Lọ Lem của miền Nam Trung Quốc của Đường Tiểu Thi (số VIII, trang 116), … thì tổng số bài nghiên cứu và phê bình về nữ cũng chưa đạt tới tỷ lệ 1/10, khiến cho tạp chí này biểu hiện tính nam-áp-đảo rõ ràng, như tinh thần xưa nay vẫn vậy trong giới nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam.
Mặc dù phê bình văn học nữ quyền chưa là một môn hay lớp ở các trường đại học Việt Nam hiện nay, nhưng số sinh viên chọn đề tài luận văn tốt nghiệp đại học và cao học liên quan đến văn chương nữ ngày càng nhiều, như khảo sát tiểu thuyết, truyện ngắn hay thơ của những tác giả nữ hoặc của một nhà văn nữ. Phần lớn các luận văn này ít vận dụng lý thuyết phê bình nữ quyền, mà quan điểm và phương pháp chủ yếu vẫn tuân theo lý luận văn học chính thống được giảng dạy ở trường. Ngày 31-10-2008 luận văn “Từ lý thuyết phê bình nữ quyền (feminist criticism) nghiên cứu một số tác phẩm văn xuôi của các tác giả nữ Việt Nam từ năm 1990 đến nay”đã được Hồ Khánh Vân bảo vệ thành công. Đây là luận văn thạc sĩ ngữ văn đầu tiên về phê bình văn học nữ quyền ở Việt Nam. Chưa có luận văn nào ở bậc tiến sĩ đào sâu đề tài này, và cũng chưa có một quyển sách Việt ngữ nào tập trung khai thác đề tài này.
Thế nhưng sự phát triển lực lượng nhà văn nữ trong gần một thế kỷ qua, nhất là ba thập niên gần đây và những thành tựu họ đạt được đã khẳng định sự tồn tại và khởi sắc của một nền văn học nữ Việt Nam đương đại; và thực tế này đòi hỏi những lý thuyết văn học tương thích để phân tích phê bình và đánh giá.
Phê bình văn học nữ quyền không phải là phương pháp phê bình duy nhất hay tiến bộ nhất. Nhưng lý thuyết nữ quyền với tư cách một bộ môn học thuật đang được nghiên cứu, dạy và học trong hầu hết các trường đại học trên thế giới, chủ nghĩa nữ quyền về mặt triết học đã có ảnh hưởng sâu sắc toàn bộ hệ thống tri thức và thiết chế văn hoá loài người, và phong trào phụ nữ vẫn đang là một động lực xã hội ở khắp hành tinh, thì một thái độ không biết đến nữ quyền, lịch sử, lý thuyết và phương pháp của nó, là một thái độ quá cao ngạo. Tham khảo và thừa kế những tiến bộ tích cực trong di sản chung của nhân loại và phong trào nữ quyền phương Tây là tận dụng vũ khí có sẵn và tiết kiệm thời gian mày mò. Văn học Việt Nam đương đại có thể đặt hy vọng vào những nữ tác giả và nữ phê bình gia văn học nữ quyền không?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh