Trần Dần, một thi trình sạch (I)

03:20 CH @ Thứ Bảy - 26 Tháng Tám, 2017

Tôi thích Thơ thời sự, theo sát cái hồi hộp, lo lắng của Đảng tôi, dân tôi, triệu triệu quả tim dân chúng và quân đội, chiến sĩ và cán bộ, lãnh tụ và quần chúng. Tôi lại cũng thích Thơ không thời sự, Thơ bao trùm đất nước và thời gian, Thơ ăn lấn sang mọi thế kỷ, và Thơ nhập cả vào cái biện chứng bao la của sự vật. – Trần Dần

Thơ vì thơ, tuyệt đối. Hễ vì bất cứ thứ gì khác, dù cao quý mấy, thơ sẽ chẳng còn là thơ. Những thơ tình, Thơ chính trị, bất kỳ tính từ nào, đều vô nghĩa, với tôi.

Trần Dần

Trần Dần là một người cách mạng. Thậm chí, cách mạng bẩm sinh. Dĩ nhiên, cách mạngtôi dùng ở đây trên hết chỉ sự bất bình với mọi thứ trật tự hiện hành, muốn thay đổi nó và tham dự vào việc làm nó đổi thay. Tính cách mạng đó hẳn còn được kế truyền từ hương hỏa chống Pháp của cha ông (1). Chả thế, con nhà giàu, lại tốt nghiệp tú tài Tây nữa, mà Trần Dần vẫn nổi loạn. Nổi loạn vì ghét Tây, ghét đô thị thuộc địa, ghét luôn cả văn chương lãng mạn đương thời.

Những sự ghét đó đưa Trần Dần đến với các nhà tượng trưng Pháp, những người bị gọi là kẻ suy đồi(décadents). Không phải các Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Xuân Diệu không đọc Baudelaire, Rimbaud, Mallarmé, nhưng cái đọc đầu đờicủa họ đã là Hugo, Lamartine, Musset và, quan trọng hơn, thời điểm xuất hiện(2) của họ chín vào mùa cái tôi lãng mạn Việt Nam xây vụ, nên tiếng nói bên trong của các thi sĩ này chỉ là mơ mộng, buồnthan khóc.

Sự nổi loạn của tinh thần tượng trưng ở Trần Dần được thể hiện trong quan niệm của ông về thơ. Một thứ thơ không có định hướng, hay đúng hơn, có định hướng đấy, nhưng là định hướng theo ý thíchcủa nhà thơ. Mà ý thích của một chàng trai 18, 19 tuổi thì thường đỏng đảnh như thời tiết. Trần Dần gọi đó là thơ bất phương chủ nghĩa. “Thơ như một cơn mộng ác, trong đó người ta giận dữ, người ta điên cuồng, người ta lồng lộn, người ta sống hỗn độn (...). Những hình ảnh thơ nóng bỏng, cháy như lửa, một hình ảnh ánh lên nhiều hình ảnh, hình ảnh nọ chống đối hình ảnh kia, hòa hợp nhau, lôi kéo nhau trong một điệu nhảy ma quỷ...

Đúng là một cuộc sống chaotique, nhưng vượt cái chaoscó cái harmoniecủa nó. Và cái harmonie, cái thần tiên, cái trật tự đó là tuỳ theo tiêu chuẩn tôi cho là: ý thích của tôi. Mà ý thích của tôi là tiêu chuẩn tối cao “(Ghi, tr. 34-35). Đây là một quan niệm thơ, ít nhiều, mang tính chất tiền phong chủ nghĩa. Nhưng chàng trai Trần Dần thuở ấy, hoặc chưa kịp sáng tác, hoặc có sáng tác thì hẳn thơ ông cũng chưa theo kịp cái ý thích của ông (3). Hơn nữa, bạn đọc bấy giờ cũng chửa kịp chuẩn bị cho mình một tâm thế thẩm mỹ để đọc thứ thơ ấy.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Trần Dần, vốn từ 1943 đã có quan hệ với nhóm Văn nghệ Cánh tả quanh nhà xuất bản Hàn Thuyên(4), hăm hở làmcách mạng, trước hết là cách mạng thơ. Ngày 16-11-1946, tạp chí Dạ Đàisố 1 ra mắt, đăng Tuyên Ngôn Tượng Trưngdo Trần Dần chấp bút. Bản tuyên ngôn khẳng định thơ Việt Nam đã đến một thời kỳ khác, đã xuất hiện một lớp thi sĩ khác. Các thi sĩ tượng trưng. Họ đến để thay thế các nhà lãng mạn nhằm sáng tạo ra một thứ thơ khác. “Chúng ta đã chán ngắt cái thi ca nông hẹp, nhai đi nhắc lại những phong cảnh trần gian, những tâm tình thế tục (...).

Chúng ta muốn lặn sâu ngoại vật, nội tâm và muốn đi xa thiên đường địa ngục. Hãy để cho tiền nhân những cảm giác đói nghèo. Để cho bọn đề nho cái công việc ẩn giấu nỗi lòng nhạt nhẽo của họ trong nỗi lòng chung thiên hạ hay trong gió nước cỏ cây. Để cho bọn đàn bà trẻ con cái công việc than khóc thảm thương trên một kỳ hoa tạ, trên một giấc mộng dở dang. Để cho những thế hệ đã nằm yên cái tôi nông cạn ấy. Chúng ta muốn tìm cảm giác thâm u mà chúng ta mới chỉ có những thi sĩ của lòng. Đã đến lúc chúng ta đợi những thi sĩ của linh hồn, những thi sĩ của cái tôi thầm kín”.

Thực ra, đến 1946, mới tuyên ngôn thơ tượng trưng thì cũng khá muộn. Bởi lẽ, nó đã hình thành từ đầu năm 40 với Đinh Hùng, Bích Khê, còn Hàn Mặc Tử, thậm chí, đã đặt một chân vào siêu thực. Điều này chứng tỏ các trào lưu thơ Việt Nam gối tiếp, chứ không phải nối tiếp nhau đi về phía hiện đại. Nhưng tuyên ngôn của Dạ Đàiđã nói ra một cách chính thức, có lập luận, dứt khoát khước từ lãng mạn, thể hiện được sự tự nhận thức của Trần Dần nói riêng và tư duy thơ Việt Nam nói chung trên tiến trình hiện đại hóa. Hơn nữa, ở tuyên ngôn, còn có những hạt mầm tư tưởng thơ hiện đại, vốn đã được Nguyễn Xuân Sanh ươm từ mảnh vườn Xuân Thu Nhã Tập. Tuy nhiên, những sáng tác của chính Trần Dần và các thành viên khác như Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hoàng Địch đăng trên Dạ Đàivẫn chưa theo kịp tuyên ngôn. Tiếc rằng số 2 chưa kịp ra đời thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trần Dần và các bạn bút của ông đi vào kháng chiến. Vọng tuyến Dạ Đàibị khép lại.

2

Chiến tranh làm con người đơn giản hơn và, do đó, cũng rõ ràng hơn. Con người Trần Dần - Dạ Đàiphức tạp thuở nào nay đã chấp nhận Văn nghệ kháng chiến. Yên tâm làm một chiến sĩ trên mặt trận mới này. Trần Dần chuyển sang chủ nghĩa hiện thực, làm thơ để phản ánh cuộc sống và tư tưởng của bộ đội và nhân dân trong chiến đấu. Hơn nữa, lúc này, trào lưu thơ tự do, nhất là thơ tự do không vần, của Nguyễn Đình Thi (Đêm mít ting, Không nói), Trần Mai Ninh (Tình sông núi), Hồng Nguyên (Nhớ máu) đã mở ra một lối thơ khác với thơ lãng mạn và tượng trưng, tức đi theo một xu hướng hiện đại hóa kiểu khác.

Chiến tranh kết thúc. Với ai đó thì còn có tư tưởng hòa bình chủ nghĩa, chứ Trần Dần thì không. Hòa bình với ông là một cơ hội để nghĩ về chiến tranh. Nghĩ về chiến tranh để biết quý trọng hoà bình. Biết quý trọng hòa bình để sống và sáng tạo. Suốt chín năm, nhằm phục vụ kháng chiến, ông đã phải nhịn sống (theo đúng cá tính của mình), nhịn viết (theo đúng thi cách của mình). Hòa bình chính là lúc, ông nghĩ, có thể không phải nhịn. Trong một thời nhật biểu toàn họp là họp, Trần Dần quý từng giờ để sáng tác. Viết cái gìđã là quan trọng, nhưng với Trần Dần, quan trọng hơn là viết thế nào.

Điều này, một lần nữa, khiến thi nhân phải thay đổi quan niệm về thơ. Lúc này, thơ, với ông, có nghĩa của chữ Cách mạng, chữ Đấu tranh, chữ Cuộc đời, chữ Giai cấp. Nếu trước 1945, thơ Trần Dần muốn là bất phương chủ nghĩa, thì nay ông vẫn giữ ý muốn ấy, nhưng là bất phương chủ nghĩa theo chủ nghĩa cộng sản(Ghi, tr.37). Đây, có lẽ, là chỗ khác nhau giữa Trần Dần với số đông các nhà thơ khác nói chung và với Tố Hữu nói riêng, dù giữa họ có một mẫu số chung là thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa.

“Tôi thích thơ phải có buồn tủi, có suy nghĩ có thấm thía, có chua xót khổ đau. có drame, có máu có mồ hôi, thơ đẫm nước mắt. Giọt mực là giọt máu, giọt mồ hôi. Accentthơ là những accentéo le, trái ngược, giận dữ, châm chọc, tự hào, hãnh diện, hằn học, soi mói.

Người ta muốn thơ phải rõ ràng, phấn khởi, hồng hào, êm ả. Vì vậy, bây giờ tôi muốn một thứ thơ nào đó có cái phấn khởi của những giọt nước mắt, mồ hôi và máu đào; phấn khởi của những khói bụi, đất cát, thuốc súng, xác chết, nhà thiêu, bãi cháy, bom xé, đạn thiêu; phấn khởi của những thất vọng, những điêu tàn, những chia ly, tan rã và thất bại. Tôi muốn một thang thuốc ngọt bởi những vị đắng và cay nhất của trái đất.

Tôi thích Thơ thời sự, theo sát cái hồi hộp, lo lắng của Đảng tôi, dân tôi, triệu triệu quả tim dân chúng và quân đội, chiến sĩ và cán bộ, lãnh tụ và quần chúng. Tôi lại cũng thích Thơ không thời sự, Thơ bao trùm đất nước và thời gian, Thơ ăn lấn sang mọi thế kỷ, và Thơ nhập cả vào cái biện chứng bao la của sự vật” (Ghi, tr.35).

Như vậy, thơ với Trần Dần, chính là cách nhìn sự vật. Một cái nhìn lập phương, lập thể, lặn sâu vào bản chất sự vật nên thể hiện được cá tính(5) của nhà thơ. Ông chống lại những cái nhìn bề ngoài, hời hợt, dễ dẫn đến loại mà ông gọi là thơ chính trị công thức. Khi thảo luận về tập thơ Việt Bắc(6) của Tố Hữu, Trần Dần viết: “Thơ hiện thực cũng đòi hỏi nhà thơ như nhà chính trị - giải quyết cái chủ chốt cho tâm hồn người đọc. Chứ không đòi hỏi làm như một anh cán bộ tuyên truyền xoàng xĩnh, nói dàn mỏng vấn đề ra, la liệt đủ các mặt bày hàng xén.

Tố Hữu chú trọng quá nhiều cho cái đúng chính trị bề mặt, cố nói cho đủ, mà thường thường cái chính trị bề sâu không đúng: hơi thơ Tố Hữu thiếu cái tấn công mạnh mẽ của nhà chính trị biết dồn tâm sức, dốc khả năng vào điểm chính (...). Điều này làm ta suy nghĩ rất nhiều về thế nào là đúng chính trị. Nếu khí phách thơ khiến cái tấn công, cái tích cực mãnh liệt thì không thể nói đúng chính trị được” (Cách nhìn sự vật của nhà thơ Tố Hữu. 5-1955).

Với một quan niệm thơ chính trị chiều sâu như vậy, Trần Dần và những người đồng quan niệm với ông không thể không thấy ở nhà thơ Nga Maiakovski (7) một hình mẫu, hay chí ít một điểm tựa tinh thần. Riêng Trần Dần, do cá tính của ông rất giống Maia, nên sự tương đồng càng trở nên sâu sắc. Trước hết, cả hai đều quan niệm làm cách mạng thi ca cũng là làm cách mạng xã hội. Bởi thế, nhà thơ phải là nhà cách mạng. Mà ở đây: cách mạng vô sản. Thơ phải viết về đề tài cách mạng, dành cho quần chúng cách mạng. Nhà thơ phải rời các salon văn học ra quảng trường đọc trước công chúng.

Thơ Maia, cũng như thơ Trần Dần giai đoạn này, đều mang tinh thần đối thoại. Nhà thơ hô hào, động viên, phê phán, tranh luận, thuyết phục. Các tác phẩm Tiếng trống tương lai(1955), Nhất định thắng(1955), Hãy đi mãi!(1957) và trường ca Đi! Đây Việt Bắc(1957) của Trần Dần đều mang khẩu khí cách mạng. Nhưng khác với nhiều loại thơ “khẩu khí” đọc trước đám đông khác, Thơ Trần Dần không bị đơn nghĩa, từ ngữ đánh bóng, mà có nhiều cách tân ngôn ngữ. Ông đưa vào thơ nhiều ngôn từ không thơ của đời sống, nhiều cách nói thông tục. Hơn nữa, những ngôn từ ấy bị vặn xoắn để bật ra nghĩa mới. Câu thơ được bậc thang hóa triệt để, một mặt tạo ra nhịp điệu và nhịp đọc, mặt khác những liên kết cú pháp mới mà, xét cho cùng, cũng để bật ra những nghĩa mới!

3

Thi phẩm tiêu biểu nhất, cả tư tưởng lẫn nghệ thuật, của Trần Dần thời Nhân văn là Đi! Đây Việt Bắc!Trường ca này được viết năm 1957, gồm 13 chương, chỉ mới trích đăng chương cuối thành bài thơ Hãy đi mãi! Năm 1990, Hội Nhà văn xuất bản (với tiền của Dương Tường, nghe vậy) dưới nhan đề Bài thơ Việt Bắc(8), loại bỏ chương 13. Việc thay tên đổi... mặt này có thể thuận cho in ấn thi phẩm, nhưng lại làm sai lạc tư tưởng Trần Dần. “Bài thơ Việt Bắc” khiến người ta nghĩ đến một sự ngợi ca, mà lại ngợi ca bằng kiểu thi vị hóa hết sức xa lạ với nhân cách và văn cách Trần Dần.

Ý tưởng xương sống của Đi! Đây Việt Bắc!nằm ngay ở chữ đầu nhan đề trường ca: Đi!Hơn 50 từ đi, không kể các đồng nghĩa của nó, được Trần Dần sử dụng suốt cả bài thơ dài. Chúng tạo thành một chuỗi các điểm sáng. Những mắt sao lấp láy. Một mô típ chủ đạo.

Đi! trước hết là lên Việt Bắc. Bởi lẽ, bấy giờ Việt Bắc là biểu tượng của cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập tự do cho dân tộc. Việt Bắc, vì thế, trở thành nơi hò hẹn, nơi gặp gỡ của những người đói khát tự do, những người dũng cảm không sợ gian khổ hy sinh. Những người nuôi một sự nghiệp lớn:

Ở đây
ta dấy nghiệp
nhọc nhằn
Hai tay trắng
cơ mưu
tần tảo
Mới làm nên
đất nước
bây giờ.
Chính
chiếc nôi Việt Bắc
bế bồng ta
qua
tất cả
tháng năm đạn lửa
nuôi ta
nuôi cách mạng
lớn khôn

Bởi thế, với những ai rời thành phố, rời gia đình, rời vợ con, rời người yêu để lên Việt Bắc là đã thực hiện một nghĩa cử. Nhưng với ai đã từng sống ở Việt Bắc, được Việt Bắc cho vay mà không vỗ nợ lại là một nghĩa cử khác.

Đi
Tất cả!
Dù quen tay vỡ nợ
cũng chớ bao giờ
vỡ nợ
nhân dân!

Đi! cũng có nghĩa là đi khắpViệt Bắc. Trường ca mở đầu bằng rất nhiều những địa danh, địa điểm Việt Bắc.

Sông Lô
nước xanh
tròng trành mảnh nguyệt!
Bình Ca
sương xuống
lạc
con đò!
Đáy dạ thời gian
còn đọng
những tên
Như
Nà Phạc
Phủ Thông
Đèo Thùng
Khau Vác...

Sau đó, những cuộc hành quân, chuyển cơ quan từ bản này sang bản khác. Không gian Việt Bắc với núi, đèo, rừng, sông, suối chỉ là môi trường thân thiện với những trái tim dũng cảm. Hơn nữa, các chuyến đi ở Việt Bắc còn bị quân thù săn đuổi, phục kích, “gót chân chiu chít đạn thù”. Việt Bắc, rộng ra, cũng là địa dư của toàn bộ cuộc kháng chiến.

Đi! cũng là đi suốtViệt Bắc, đi suốt cuộc kháng chiến 9 năm. Điều không phải ai cũng làm được. Nhân vật trữ tình trong trường ca trải nghiệm thời gian trong một ngày từ mây sớmđến sương chiều, đến thời gian trong một năm từ mùa đông rét buốtcủa núi rừng, đến tia nắng non vàng vọtmùa xuân, cái oi bức mùa hèmùa thu lá rụng. Sự chuyển vận thời gian trong một năm cứ như vậy xoay vần trong chín năm, “chín mùa xuân xạm lửa”. Dĩ nhiên, đây là một lặp lại có phát triển để đưa cuộc kháng chiến đến thành công.

Có lẽ tư tưởng cơ bản nhất của Đi! trong bản trường ca này, không chỉ đi khắp không gian và đi suốt thời gian, mà đi như là một trạng thái sốngcủa con người, một trạng thái người. Bởi lẽ, từ khi con người biết đứngbằng hai chân của mình, thoát khỏi trạng thái bò, thì con người mới biết đi.

Hãy đi
như
loài người
chân rớm máu
vẫn đi.

Nhưng quan trọng hơn cả là chỉ có ở trạng thái sống này thì con người mới cao hơn, mặt mới thôi không nhìn xuống đất, mắt mới ngước lên nhìn thấy chân trời, chân mâybầu trờiđể mà đi đến, đi tới.

Đi là giã từ quá khứ:

Hãy đi đi
những ngày qua
không đáng sống!

Đi vì:

- Tôi đói
mọi cái gì
tôi chửa biết

- Đi!
vì nghe
chân lý
gọi tên mình!

Bởi thế, đi đối lập với bò đã đành, còn đặc biệt đối lập với nằm, một trạng thái không vận động, nhất là nằm ỳ, một trạng thái không vận động có ý thức. Và, với các nhà văn, nhà thơ thì nằm ỳ là sống không sáng tạo.

Đi
Dù biết
khổ đau còn là luật
của trái đất này
khi
nó chuyển mình đi!
Hãy thù ghét
mọi ao tù
nơi thân ta rữa mục
mọi thói quen
nếp nghĩ - mù lòa!
Hãy sống như
những con tàu
phải lòng
mùa hải lý
mỗi ngày
bỏ
sau lưng
nghìn hải - cảng - mưa - buồn!

Đi là vận động, vận động là sống. Bởi vậy, Trần Dần hô hào Hãy đi mãi!Và chương kết, cũng là cao trào, đỉnh của sự phát triển, từ Việt Bắc vượt qua Việt Bắc, cũng là Hãy đi mãi! Có đặt chương này vào hệ thống tư tưởng của toàn bộ trường ca thì mới không thể bị suy diễn ngoài nghệ thuật và, quan trọng hơn, thấy được cái nghệ thuật của nó. Với kinh-nghiệm-Việt-Bắc, một vũ trụ với không - thời gian đặc trưng của nó, sau lưng, với sự khát sống, một cuộc sống xứng đáng với con người, nhất là khi cái ác vẫn còn tồn tại, thì loài người vẫn còn phải đi.

Đi!
Đi!
Dù sức lực kiệt mòn
Tay hấp hối
vẫn giơ về
phía trước!

4

Như vậy, Đi! là tư tưởng - động lực của Đi! Đây Việt Bắc! Một từ - chìa khóa để tìm hiểu những hình thức nghệ thuật tương xứng với tư tưởng đó.

Nếu trường ca không phải là một bài thơ dài (hoặc kéo dài), không phải là một truyện kể có vần vè, mà là cuộc hôn phối kỳ thú giữa tự sự và trữ tình trong một thời đại sử thi (hóa), thì Đi! Đây Việt Bắc!là một trường ca đúng nghĩa. Nó có cấu trúc chương đoạn chặt chẽ, đồng thời cũng rất thoáng mở. Mỗi chương là một vấn đề tư tưởng, một trường hợp thơ. Như những dòng suối nhỏ chảy giữa vách núi, gặp nhau, dồn nước cho nhau để thành sông lớn.

Nhân vật trữ tình là Trần Dần mà không phải Trần Dần hiện diện suốt trường ca vừa như người phát ngôn vừa như người xâu chuỗi các hoàn cảnh thơ. Hơn nữa, về phương diện thể loại, Trần Dần, hình như, còn là người đầu tiên viết trường ca, một loại hình sau này sẽ phát triển rộng khắp, trở thành một binh chủng mạnh, tham chiến suốt thời đánh Mỹ và cả hậu đánh Mỹ. Hơn nữa, Đi! Đây Việt Bắc!với tư cách trường ca, ngay từ khi ra đời đã đạt đến độ hoàn chỉnh, thậm chí cách tân táo bạo, điều mà thể loại này chỉ đạt được vào giai đoạn chín của nó với Đêm trên cátcủa Thanh Thảo (9).

Thể thơ bậc thang của Đi! Đây Việt Bắc!cũng hết sức độc đáo, lạ lẫm, ít nhất là bấy giờ. Một phát kiến của trường phái Vị lai Nga, đứng đầu là Khlevniakov mà Maiakovski là một thành viên sáng giá. Thơ bậc thang để một câu thơ có thể chảy xuống nhiều dòng, và dòng đôi khi chỉ có một chữ. Ngắt dòng như vậy là để tạo ra nhịp điệu và nhịp đọc của thơ. Thơ Maia và thơ của các nhà Vị lai khác là thơ để đọc to trước đám đông ở các quán trà thời Vị lai và ở quảng trường thời cách mạng vô sản. Maia là người tốt giọng, lại có thân hình khổng lồ, cử chỉ mạnh mẽ, dứt khoát, nên ông thích cả giọngđọc trước công chúng. Và công chúng cũng thích thấy ông trình diễn thơ. Tuy nhiên, đọc bằng mắt, thơ bậc thang cũng để lại những ấn tượng thị giác đặc biệt. Những con chữ được sắp đặt như một bức thơ -họa. Hơn nữa, sự bậc thang hóa câu thơ còn khiến một từ trọng tâm nào đó trong câu gia tăng khả năng kết hợp với các từ bên cạnh theo các kiểu khác nhau để tạo ra những cách nói mới, lạ hóa, và, do đó, những nghĩa mới. Như câu

Nhưng
những bữa
cuộc đời kham khổ ấy

thì bữalà một từ đa trị do nhiều khả năng kết hợp mà có nhiều nghĩa:

  1. bữa ăn
  2. bữa cuộc đời
  3. bữa kham khổ
  4. bữa cuộc đời kham khổ

Ngoài ra, ngôn ngữ Đi! Đây Việt Bắc!còn đầy những ẩn dụ. Nhưng khác ẩn dụ lãng mạn thiên bề ngoài, xã hội, hữu thức, ẩn dụ tượng trưng nghiêng bề sâu bề xa, trừu tượng, ẩn dụ thơ Trần Dần giai đoạn này cụ thể một cách táo bạo và táo bạo một cách cụ thể: đáy dạ thời gian, đá nhọn tháng ngày, nhọt tin buồn, con mắt chột mặt trời... Đồng thời, ngôn ngữ thơ ông cũng rất thời sự. Ông dám đưa nhiều từ thông dụng vào thơ, đặc biệt là những từ hành chính: đạn bom chầu chực, nắng bị giam cầm, quá khứ hết nhiệm kỳ...

Hơn nữa, lối tư duy hết sức độc đáo của Trần Dần đã cho Đi! Đây Việt Bắc những câu thơ hay đến giật mình

Quả đất lớn

tâm địa nhỏ
Nó chi li
từng
hạnh phúc đơn sơ

hay

Những ngày
chân trời thấp
làm
cánh chim hèn hạ

Những cách tân nghệ thuật, sát hơn cách tân các phương tiện nghệ thuậtcủa Đi! Đây Việt Bắc!đã thể hiện được một cách xuất sắc tư tưởng triết mỹ của trường ca này nói riêng và của toàn bộ thi ca Trần Dần giai đoạn này nói chung. Nhưng những cách tân ấy, dù đi xa đến đâu, vẫn chưa đưa thơ Trần Dần thành thơ hiện đại.

Trước đây, trong một bài viết về thơ không vần của Nguyễn Đình Thi (10), tôi có nói đến tư duy thơ đứt đoạnnhư một tiêu chí của thơ hiện đại. ở đây, bàn về thơ Trần Dần, tôi muốn đưa thêm một tiêu chí khác. Đó là quan niệm về vai trò của ngôn ngữ trong thơhay ngôn ngữ thơ. Bởi, thay đổi một quan niệm ngôn ngữ thơ là sự thay đổi tận gốc, còn thay đổi trường phái hay loại hình thơ thì chưa chắc dẫn đến đổi thay quan niệm ngôn ngữ thơ. Chẳng hạn, kể từ Đi! Đây Việt Bắc!đổ về trước, Trần Dần đã có những thay đổi về loại hình thơ. Trước thơ tượng trưng, sau thơ hiện thực. Nhưng quan niệm ngôn ngữ thơ thì không hề thay đổi. Ngôn ngữ thơ với ông trước sau vẫn là công cụ của tư tưởng, công cụ đểthể hiện tư tưởng.

Thực ra, ngôn ngữ ngay từ khi ra đời đã mang bản chất công cụ, công cụ của tư duy. Trước ngôn ngữ là của thần linh, sau ngôn ngữ là của con người. Đó là phương tiện giao tiếp giữa con người với thần linh và con người với con người. Thơ tuy là một loại hình ngôn ngữ đặc thù, nhưng nó vẫn mang tính chất giao tiếp, tức bản chất công cụ. Có điều, để đạt được mục đích này một cách mỹ mãn nhất, thơ phải chú ý trau chuốt phương tiện.

Thơ cổ điển của văn chương Nho giáo là công cụ để giáo hóa, là cỗ xe, con thuyền để chở đạo, là vũ khí để đánh địch hay chí ít cũng là phương tiện để di dưỡng tinh thần. Nhưng con người phi ngã của thơ cổ điển khiến ngôn ngữ của nó mang tính ước lệ, cách vời. Thơ lãng mạn là tiếng nói của con người cá nhân, nhưng là con người xã hội, hữu thức. Ngôn ngữ thơ lãng mạn, bởi thế, là công cụ để truyền cảm. Cảm xúc của tác giả được “đựng” trong ngôn ngữ của bài thơ. Rồi từ bình - ác quy - bài thơ này cảm xúc lại được truyền sang người đọc. Thi nhân làm trong sáng ngôn ngữ để nó có thể chuyển vận cảm xúc của mình một cách ít hao tổn dọc đường. Thơ tượng trưng chú ý đến con người bên trong, con người vô thức, nên ngôn ngữ thơ là gợi cảm. Sự gợi cảm có thể xuất phát từ nhạc điệuđều đều, âm thầm như lời cầu nguyện, hoặc từ những ẩn dụ, nhất là ẩn dụ trùng phứcvà ẩn dụ tôn giáohoang vu như những ngôi cổ tự. Nhưng dù thâm u đến mức nào đi nữa, ngôn ngữ thơ tượng trưng vẫn chỉ là công cụ.

Thơ hiện thực nhấn mạnh chức năng phản ánh, nên ngôn ngữ thơ càng thể hiện rõ tính công cụ hơn. Từ nửa sau cuộc kháng chiến chống Pháp, khi đối tượng phục vụ của văn chương được xác định dứt khoát là công nông binh, thì phương tiện ngôn ngữ phải thật dễ hiểu cho phù hợp với đối tượng ấy. Tức là, viết thế nàophụ thuộc vào viết cái gìvà viết cho ai. Nhưng viết như vậy, cũng có nghĩa là đồng nhất cá tính, đồng nhất ngôn ngữ. Hẳn thức nhận được điều đó, Trần Dần cùng nhiều thi sĩ khác thế hệ ông cố gắng làm mờ đụcngôn ngữ của mình bằng sự đa nghĩa, hãm chậm nhận thức tự động để duy trì mỹ cảm, vặn xoắn ngôn từ và bậc thang hóa câu thơ để tạo ra những cách phát nghĩa mới. Những cách tân đó là hết sức táo bạo, nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là “cải tiến công cụ”.

5

Từ 1957, những người Nhân văn không tiếp tục được in Giai phẩm nữa. Họ bị khai trừ ra khỏi Hội nhà văn, tách rời đời sống văn nghệ, mà thực tế là cách ly khỏi đời sống xã hội. Không được tham dự vào “ngày hội của quần chúng”, hoặc, nói theo ngôn ngữ thời thượng ngày nay là “sân chơi” công cộng, người Nhân văn đơn độc hành hương về ngôi đền nghệ thuật bấy lâu hương tàn khói lạnh. Thậm chí, có thể nói, sự tồn tại duy nhất của họ bấy giờ là nghệ thuật, là thơ. Cách tân hay là chết! Và cách tân thơ, ga đi và ga đến, vẫn là ngôn ngữ, quan niệm về ngôn ngữ (11).

Là một nhà thơ, đồng thời cũng là họa sĩ, Trần Dần dễ thức nhận được vai trò của ngôn từ, tức của chữnhư là vật liệucủa thơ. Đường nét, mầu sắc, hình khối là vật liệu của họa, nhưng là thứ vật liệu trơ, chỉ có nghĩa khi trở thành ngôn ngữ của bức tranh. Còn ngôn từ, vật liệu của thơ, vốn tự nó đã mang nghĩa. Bởi thế, thơ (và cả văn chương) gây ra nhiều ngộ nhận. Không phải ai cũng vẽ tranh được, nhưng có vẻ như ai cũng làm thơ được. Người đọc (và cả siêu người đọc nữa) đọc thơ là để tìm nghĩa, hiểu nghĩa, mà lại là thứ nghĩa do vật liệu tải vào. Nói một bài thơ, hoặc một nhà thơ, không có ngôn ngữ là vì vậy. Con chữ của họ, cả khi đã nằm trong mạng lưới quan hệ của bài thơ, vẫn không phát ra nghĩa mới, nghĩa chỉ có ở đâybây giờ... Trần Dần làm thơ là làm với chữ, bằng chữ, nhưng là những con chữ đã được tẩy sạch nghĩa tiêu dùng để rồi lại phục sinh chữ bằng những nghĩa mới mẻ, trinh nguyên.

Cách tân thơ, Trần Dần dựa vào hai nghệ thuật hàng xóm của thơ là âm nhạc và hội họa. Cũng như thơ, âm nhạc là nghệ thuật thời gian dựa trên sự biến đổi các tương quan của âm thanh. Trên cơ sở sự tượng cận này giữa thơ và nhạc, trong Mùa sạch, thi nhân sử dụng các biến tấu chữbiến tấu âm, như là các thủ pháp nghệ thuật, để tẩy sạch ngữ nghĩa tiêu dùng. Lấy 4 chữ mùa, sạch, sáng, tronglàm mô típ chủ đạo và thực hiện sự biến tấu của 4 chữ ấy cả trên phương diện chữ lẫn âm.

Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa
Miền miền sầm uất thị thành mùa
Bộ hành như giáo mác tủa mùa
Tàu mùa tấp nập còi mùa
Trong mát mặt trời mùa
Ngực mùa len lụa phố mùi mùa

Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa
Khi nốt chân mùa dày dạy gió mùa
Giọt điện mùa lẩy bẩy đèn mùa
Đồng hồ mùa trôi chảy tuổi mùa
Gặp gỡ mùa rong ruổi ngã ba mùa

Trần Dần cưỡng bức chữ mùađặt chúng vào những vị trí nhất định trong câu mà không thèm biết đến nghĩa nguyên thuỷ của chữ.

Mùaở đầu câu:

Mùa cau ỏn ẻn trầu mùa
Mùa duyên hò hẹn trăng mùa
Mùa na dụn dịn vườn mùa
Mùa sen trong vắt đầm mùa

Mùa ở vị trí chữ thứ 2 hoặc 3 trong câu:

Bò mùa lúc nhúc nông trường mùa
Ga mùa lục xục tàu mùa
Chiều mùa lục tục gặt mùa
Mạ mùa gieo mùa
Sao mùa vằng vặc ngoại thành mùa

Cuối cùng, mùaở chữ cuối tất cả các câu.

Ở vị trí đầu câu, chữ mùa chỉ một khoảng thời gian trong năm (mùa đông, mùa xuân) hoặc khoảnh thời gian liên quan đến mùa vụ, thời vụ (mùa cau, mùa na, mùa sen). Nhưng mùa tem, mùa len, mùa giao thông, nhất là mùa Việt Namthì nghĩa đã khác đi nhiều. Ví như chữ lentrong Mùa len loạt xoạt nội thành mùarất nhoè nghĩa. Nhưng nhờ vào các thành phần câu đi sau nó, người có thể hiểu mùa lạnh người ta mặc áo len, mùa của (trang phục) len (dạ), hoặc lúc đông người, mùa lễ hội người ta len (chen) nhau, len chân. Còn mùa tem, mùa giao thông, mùa Việt Nam thì nghĩa bị nhoè đến vô nghĩa, hoặc tuy vô nghĩa nhưng nằm trong trường nghĩa nên cũng có vẻ có một nghĩa nhoè nào đó. Hơn nữa, trong ngôn ngữ sự vô nghĩa không có nghĩa là không có nghĩa mà là có nghĩa zero. Chính cái từ có giá trị không về nghĩa đó lại đóng vai trò tạo nghĩa cho các từ cạnh nó.

Những từ mùa đứng ở vị trí thứ 2, hoặc ở cuối câu thì chỉ một mùa vụ đối lập, với một mùa vụ khác (mạ mùa/mạ chiêm, lúa mùa/lúa chiêm), hay chỉ một cái gì đó đúng thời vụ, đúng vào thời kỳ có chất lượng tốt nhất (bò mùa, gà mùa, chiều mùa, sao mùa, gái trai mùa). Nhưng nốt chân mùa, giọt điệu mùa, lúa mùa, liềm mùa, khói mùa, đồng hồ mùa, tắc xi mùa... thì nghĩa đã khác, khó xác định. Bởi lẽ, nghĩa của những từ này chưa tủa mùa (mọc lên tua tủa) mà còn đang hò hẹn, ỏn ẻn, dụn dịn, lục xục, dày dạy, lẩy bẩy... trong dự cảm, trong tiềm thức, trong tiền ý thức. Khác với thơ cổ điển mỗi con chữ đều bắt chết vào một nghĩa, thơ Trần Dần bên dưới mỗi con chữ lúc nhúcbao nhiêu nghĩa - tiền - sinh, mà nghĩa nào cũng có khả năng trở thành hiện hữu cả. Tuỳ vào cách cảm, hoặc cách đọc, tức khả năng đồng sáng tạo của độc giả, mà một nghĩa nào đó được hiện thực hóa mà không mất đi sự dự sinh của các nghĩa khác. Hoặc tất cả các nghĩa đều đồng hiện.

Các từ sạch, sáng, trongcũng đều được Trần Dần đưa vào một cơ chế thao tác như vậy. Và, xen giữa những trường đoạn biến tấu chữ là những biến tấu âm.

Ao ta...
Nước quê thàn thạt
Đầm mùa con vịt ngoạt
Trong trời thoàn thoạt
Bèo sen thuyền sạch mạc
Lành chiều sao mát nhoạt
Gái trai đi thào thạt gió phèn

Để lặp lại âm ạt(ạc), Trần Dần đã phải dùng nhiều từ không có nghĩa, hoặc không khớp nghĩa như thàn thạt, thoàn thoạt, sao mát nhoạt, con vịt ngoạt... Điều này, cũng giống như sự cưỡng bức các từ mùa, sạch, sáng, trong, hẳn sẽ gây ra sự nhàm chán, thậm chí phản cảm, nếu không được đặt trên một nền âm - chữ của ca dao tục ngữ. Hơn nữa, thi nhân còn sử dụng lối nói, cách nói luôn có sự lặp lại của đồng dao như: Tôi qua..., Anh vẫn tìm em...

Tôi qua sáng ngõ
Sáng ngõ trong sao

Tôi qua sáng cầu
Sáng cầu trong nhịp

Đồng dao vốn là ca dao cổ sơ, nhưng trong quá trình lịch sử nghĩa ban đầu đã bị lấp mất, và chỉ được lưu truyền qua các bài hát và trò chơi con trẻ. Bởi khác người lớn, trẻ con không cần đến nghĩa. Chúng chỉ cần nhịp điệu, âm thanh. Những đoạn thơ “trúc trắc” nghĩa của Trần Dần gợi đến đồng dao. Và, nhờ cảm thức đồng dao, người đọc chấp nhận sự vô nghĩa, hay chưa nghĩa, giải tỏa một định kiến thơ lâu nay.

Ngoài Mùa sạch, sự biến tấu âm còn được Trần Dần thực hiện ở nhiều tác phẩm khác thời kỳ này như con OEE(1967): 16/100 thơ bốn câu Rôck - biến tấu Âm(Oe nhau từ và thè/Vì hoè nhe gạo nụ/Mai gai vừa ọ chớp/ lá choe choe), Hậu con OEE (1988) (Chôm chôm em từ hè/quẻ què đe khẹ khẽ/ngã ba chẽ-/ngã ba khe.). Biến tấu âm cuối cùng mà tôi muốn nói đến ở đây là Con I (1975). Tác phẩm này, một mặt mở ra một loạt những thơ - bè, thơ hồi ký có bè đệm, thơ - tiểu thuyết có bè đệm, mặt khác với cách trình bày độc đáo của nó tạo ra sự biến tấu chữ, tạo ra những ấn tượng thị giác, đưa thơ lại gần với họa, thơ - họa. Một nghệ thuật không gian cho phép cùng lúcthấy được nhiều cách phát nghĩa.

iiiici-Terr ii Companhi iii Companhii Terrii Valizekhi iii
III. Qà đất khóc như riii

Tác phẩm tiêu biểu nhất của biến tấu chữ(và không chỉ có chữ, dĩ nhiên) là Jờ Joạcx(1963). Đầu tiên là thay đổi cách viết chữ, trước hết là chữ cái. Phụ âm J của Trần Dần được viết để thay thế d như jọc jài, cốc jâu tươi, chữ r như jạng đông, chữ gi như làm jì, thì jờ, thậm chí chữ l như cụt jủn(lủn)... Rồi cuối chữ thì thêm vào các phụ âm như x như đồ đạcx, bỏ chữ h ở phụ âm chcuối câu như thic, thằng quíc-ss, thay y dài bằng i ngắn như tôi iêu, iếu mục... Cách làm này đã lạ hóachữ, không để cái nhìn của người đọc tự động trượt đi, mà buộc nó phải dừng lại, để khôi phục lại tự dạng nguyên thủy. Dĩ nhiên, có những chữ luận ra được, mà cũng có những chữ không, bởi thi nhân đưa chúng đi quá xa, hoặc đơn giản chỉ vì chúng không có bản nguyên. Như chữ Joạcx.

Nghĩa của chữ cũng vậy. Từ nghĩa nguyên thuỷ, qua mỗi văn cảnh, tình huống sử dụng, nó cứ đi xa dần nguyên gốc, đông đúc thêm, thành đa bội và, cuối cùng, rất khó nắm bắt. Về cú pháp, để tạo nghĩa mới cho từ, cho câu, Trần Dần sử dụng nhiều phép đảo từ, đảo chủ - vị, hoán đổi chức năng của từ loại. Đặc biệt, những con chữ, những câu được trình bày bằng nhiều kiểu chữ khác nhau (in/thường), đậm/nhạt khác nhau, chỗ đứng chỗ nghiêng:

“Jốt cuộc jễ hiểu mọi người đều đồng í
đêm qua

jao-cấu-tứ-phía-thật
--------------- mặt trời
mọc
lọc
jữa
h
o
a
mưa...
Ja J ư - ớ - c. xxxxxxxxxxxxxxxx
tôi sướng hết đời không hết sướng”.

Ngoài hiệu quả của ấn tượng hội họa, những chỗ viết nghiêng rải rác ở từng thiên, nếu gom lại sẽ thành thơ, chỗ viết đứng là văn xuôi. Như Trần Dần cho biết, Jờ Joạcxlà Thơ - Tiểu thuyết, nên đứng từ phương diện thơ thì phần văn xuôi là bè đệm, còn đứng về phương diện tiểu thuyết thì thơ lại chính là bè đệm. Như vậy là mỗi bè đệm, đến lượt nó, lại được đệm. Không còn (và cũng không cần) phân biệt được đâu là bè đệm và đâu là bè được đệm nữa. Từ đó, liệu có thể suy ra, ở Jờ Joạcxvà nhiều tác phẩm khác như Con trắng, Thằng thịt, Kể kệkhông còn một biên giới hành chính nào giữa thơ và văn xuôi, giữa thơ và phi thơ nữa.

Jờ Joạcxcũng có nhiều nhân vật như người xưng tôi, thằng Tòi, Đốc tơ tòi, con nữ vận động viên, người có cặp mắt Mông Cổ lai... Các nhân vật này có nhiều đặc điểm giống nhau, nên dễ hóa thân vào nhau, khiến người đọc không biết đấy có phải là một hay hai, ba... nhân vật. Cứ như ở trong một nhà kính vạn gương. Không còn phân biệt được đâu là nguyên bản, đâu là nhân bản; đâu là nhân vật chính, đâu là nhân vật phụ, hay nói theo cách Trần Dần nhân vật bất chính; đâu là thơ, đâu là văn xuôi, đâu là kịch... Vì thế, người ta thấy Trần Dần, tác giả của Jờ Joạcx, là người rất tự do. Tự do đến mức như là tuỳ... bút! Ông sử dụng tối đa các kỹ thuật ký âm, ký tự của người đã làm chủ được vật liệu ngôn từ, biến tấu âm, biến tấu chữ của người am hiểu âm nhạc và hội họa để tạo ra một không - gian - chữ - nghĩa của riêng ông. Tác phẩm của Trần Dần quả là sự phiêu lưu của cái viết(écriture) (12).

Đó là một thế giới nhoè. Nhoè do tất cả các yếu tố trong đó đều tương đối. Nhoè do tất cả các yếu tố trong đó đều bất định. Nhoè do từ những khoảng trắng, khoảng trống, khoảng lặng của tác phẩm người đọc được tự do tham dự vào quá trình tạo nghĩa.

(còn tiếp)


Ghi chú bên lề (paratexte)

* Bài viết này của tôi chủ yếu dựa trên các tác phẩm đã in của Trần Dần như Cổng tỉnh (Hội nhà văn, 1994, giải thưởng thường niên của Hội), Bài thơ Việt Bắc (Hội nhà văn, 1990), Mùa sạch (Văn học, 1997), Ghi (Văn Nghệ, Calionia, USA, 2001) và một số tư liệu khác. Khi bài viết hoàn thành được ít lâu thì cuốn Trần Dần - Thơ (Đà Nẵng, 2008) của Trần Dần ra mắt. Cuốn sách giúp tôi bổ sung thêm một số tư liệu thơ Trần Dần, nhưng không làm thay đổi tư tưởng bài viết, thậm chí còn góp phần khẳng định nó thêm.

1 Trần Dần sinh ngày 23-8-1926 (tức ngày 16-7 năm Bính Dần) (hẳn vì thế ông có tên là Dần, còn hình dung và tướng tinh thì có phần giống chúa… bút lâm!) ở phố Năng Tĩnh, thành phố Nam Định, (và không phải ngẫu nhiên mà thành viên chủ chốt của nhóm Dạ Đài sau này đều là “đồ Nam”!). Thân sinh nhà thơ là ông Phán Hậu ( theo Vũ Ngọc Tiến trong bài Thế là… chị ơi!), vì theo Nguyễn Thái Học nên khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, phải mang gia đình lên Chợ Bờ ven sông Đà thuộc Hoà Bình lánh nạn. Còn bạn ông, tức thân sinh bà Bùi Thị Ngọc Khuê vợ nhà thơ sau này, thì bỏ Hà Nội đến bến Tà Chan, sông Đà, Sơn La ở lẫn người Thái Đen , vừa buôn bán kiếm sống vừa tiếp tế cho bè bạn ở nhà tù Sơn La. Hai gia đình vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, nên Trần Dần và bà Khuê quen với nhau từ nhỏ, chứ không phải sau này “chàng” về tiếp quản Thủ Đô mới quen “nàng” như môtip quen thuộc thời đó.

2 “Cái đọc đầu đời”, theo tôi, là rất quan trọng. Bởi, nó hình thành thị hiếu, chi phối khuynh hướng sáng tạo và “thời điểm xuất hiện”. Như Nguyễn Đình Thi chẳng hạn, ông không kém tuổi các nhà Thơ Mới bao nhiêu (sinh 1924) và trước Cách mạng đã có hoạt động văn nghệ, nhưng với tư cách một nhà thơ, ông chỉ xuất hiện vào đầu kháng chiến chống Pháp. Ông trở thành một nhà thơ của thời đại khác. Thơ ông mang hơi thở của thời ấy, khác hẳn với các thi nhân tiền chiến, kể cả sau đó họ cũng tham gia Cách mạng. Trần Dần cũng vậy. Ông làm thơ từ sớm. Nhưng thời điểm xuất hiện thực sự của ông, vì nhiều lý do khác nhau, vào thời hậu Nhân Văn. Thời ấy, với khí hậu văn nghệ đặc biệt của nó, chi phối nhiềi đặc điểm của thơ ông.

3 Trước 1945, theo Ghi, Trần Dần đã có sáng tác, như 1943 có Chiều mưa trước của và 1944 có Hồn xanh dị kỳ. Tôi vừa đọc dược hai bài thơ đó trên Trần Dần - Thơ (đều ghi sáng tác 1944). Xin chép ra đây một bài để bạn đọc tham khảo:

Hồn xanh dị kỳ

Ta từ biển vắng về đây mộng
Gặp lúc Thăng long lụi ánh đèn
Những ngọn đèn mờ trên phố lạnh!
Đời đương yên giấc- biết ai tìm?
Ôi kẻ xa chơi lẻ trúc đình
Quê nhà ai khóc? Lệ ai xanh?
Hồn em mây chở về đâu nhỉ?
Có gặp buồn trong cuộc lữ trình
Kìa núi Cô Sơn hồn tuế nguyệt!
Kìa vầng trăng héo nẻo ra đi
Nửa đêm trở giấc trong phòng lạnh…
Chợt thấy hồn xanh đến dị kỳ!

1944

4 Từ khi thế chiến II bùng nổ (1939), giới trí thức Việt Nam hoài nghi nền văn minh phương Tây và, do đó, hoài nghi luôn cả con đường hiện đại hoá xã hội Việt Nam theo kiểu phương Tây. Một mặt, nó quay về với truyền thống dân tộc và phương Đông (quanh tạp chí Tri Tân), mặt khác ủng hộ mạnh mẽ con đường mác xít. Nhiều trí thức cánh tả tập hợp quanh tạp chí Thanh Nghị, đặc biệt là nhà xuất bản Hàn Thuyên. Đó là các nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng như Trương Tửu, Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh, Đặng Thai Mai. Có thể nói, nhà xuất bản Hàn Thuyên đã đóng góp một vai trò to lớn, như Phong Hoá, Ngày Nay của Tự lực Văn đoàn trước đó, trong đời sống trí thức bấy giờ.

5 Trần Dần rất chú trọng đến cá tính cá tính sáng tạo. Ông cho rằng hai phẩm cách này liên quan với nhau chặt chẽ, bởi thế về sau ông gọi là nhân cáchvăn cách. Xin dẫn ra đây ý kiến rất sâu sắc và độc đáo của ông: "Người ta hay nói đến cá tính của một nhà thơ. Đó là một điều rất hệ trọng. Vì rằng cá tính của nhà thơ rõ rệt hay mờ nhạt, đậm sắc hay tầm thường là nó chứng tỏ nhà thơ đó sống và viết có ý thức sâu sắc hay nông cạn về vị trí của mình, của nghề nghiệp mình trong mối liên quan chung với xã hội. Nói cách khác, cá tính biểu hiện trình độ nhận thức của thi sĩ đổi với cuộc sống” (Cách nhìn sự vật của nhà thơ Tố Hữu, 5 – 1955)

6 Sau khi tập Việt Bắc của Tố Hữu được xuất bản (12-1954) thì xẩy ra cuộc tranh luận và tranh luận sôi nổi. Đa số ý kiến ca ngợi, coi tập thơ này là tiêu biểu cho nền văn học cách mạng, cho phương pháp sáng tác hiện thực XHCN. Nhưng cũng có không ít ý kiến phê phán, chỉ ra nhiều chỗ non yếu của tác phẩm. Trong các ý kiến loại sau, bài Cách nhìn sự vật của nhà thơ Tố Hữu của Trần Dần là sâu sắc và quyết liệt hơn cả. Bởi ông không đi vào những phương diện bề ngoài của thi phẩm như đề tài, cách miêu tả, hoặc tính này tính nọ, mà đi thẳng vào bản chất của thơ, đặt ra những vấn đề vừa là cốt lõi vừa là thời sự của cá tính sáng tạo, cách nhìn sự vật của nhà thơ, hoặc thế nào là thơ chính trị. Nhưng cuối cùng ý kiến số đông vẫn thắng. Bằng chứng là việc sau đó Việt Bắc được trao giải nhất. Đáng tiếc là cuốn Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc (Văn hoá thông tin, 2005) do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn lại không có bài của Trần Dần.

7Vladimir Maiakovski (1893 -1930), nhà thơ Nga đã từng hoạt động trong phong trào Vị lai, sau tham gia Cách mạng tháng Mười. Chủ nghĩa Vị lai đã để lại một dấu ấn quan trọng trong thơ ông. Đó là một thái độ đoạn tuyệt với quá khứ, một cái nhìn hướng tới công nghiệp và thành phố hiện đại, một sự cách tân ngôn ngữ táo bạo. Các tác phẩm chính thời kỳ này: Đám mây mặc quần (1915), Cây sáo – xương sống(1915). Sau Cách mạng tháng Mười “ Cuộc cách mạng của tôi” như ông gọi, Maia dứt khoát đi theo chính quyền Xô Viết, toàn tâm toàn lực phục vụ cách mạng, dù chỉ là một người công sản ngoài đảng. Ông viết Hành khúc – Trái, 1918; Quyển hộ chiếu Xô Viết, 1919; Trường ca Tốt lắm!, 1927 và nhiều vở kịch châm biếm, đả kích thói quan liêu đương thời. Cuối những năm 20 đầu 30, do khủng hoảng tư tưởng, Maia tự tử. Trong cuộc khảo luận về tập thơ Việt Bắc, có nhiều bài( hoặc ý kiến) nói về Maia, ví dụ : Học tập Maiakovski, phát huy sức sống mới của thơ ca Việt Namcủa Lê Đạt… Riêng Trần Dần, trong bài Cách nhìn sự vật… đã hai lần viện dẫn Maia. Ngoài ra, ông còn dịch rất đạt nhiều thi phẩm của nhà thơ Nga này.

8 Trường ca Đi! Đây Việt Bắc của Trần Dần mãi đến năm 1990 mới được xuất bản, nhưng lại bị đổi tên thành Bài thơ Việt Bắc và loại bỏ chương 13, chương kết của thi phẩm vốn đã được Trần Dần in ra thành một bài thơ độc lập là Hãy đi mãi! Bài thơ đã bị phê phán nặng nề cùng với Nhất định thắng. Do vậy, nhà thơ Vân Long, người biên tập trường ca này, đã có sáng kiến loại bỏ nó và được nhà văn Vũ Tú Nam, tổng biên tập nhà xuất bản, chuẩn y và khen ngợi. Còn việc đổi tên thi phẩm thì không thấy Vân Long cho biết là do ai. Sự này hẳn Trần Dần không hài lòng. Chả thế mà ông ghi trong bản sách tặng người biên tập những dòng sau:

Gửi Vân Long,
người biên tập lại Đi! Đây Việt Bắc!
thông minh và công phu!
song tôi vẫn phản đối mọi kiểm duyệt?
Tôi đòi sự công bằng trong sáng của texte intergal!

Trần Dần.

Nhân dây, cũng nói thêm, ở tác phẩm Trần Dần - Thơ mới in do Vũ Văn Kha biên soạn thi Đi! Đây Việt Bắc lại mất chữ Đi! chỉ còn lại Đây Việt Bắc, mà chữ Đi!, theo tôi, là một từ chìa khoá của trường ca này.

9 Trường ca như là một thể loại chỉ phát triển vào thời kỳ chống Mỹ với tên tuổi mở đầu là Thu Bồn. Còn trước đó chỉ có truyện thơ như Mẹ con đồng chí Chanh của Nguyễn Đình Thi. Nhưng Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn còn mang nặng tính tự sự, kể chuyện. Đó cũng có thể là đặc điểm của thời kỳ mở đầu. Chỉ về sau với Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vũ Mai, Trần Mạnh Hảo…, nhất là với Thanh Thảo mới nhạt dần tính tự sự và đậm dần tính trữ tình. Chính sự gia tăng tính trữ tình đã phá vỡ cấu trúc tự sự, mở rộng không gian suy tưởng của trường ca. Như đã nói, điều ngạc nhiên là Đi! Đây Việt Bắc! của Trần Dần đạt được sự kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố đối cực nhau này như ở giai đoạn đã chín muồi thể loại trường ca. Hẳn thiên tài không bao giờ phải đợi đến phong trào.

10 Trong bài Nguyễn Đình Thi, một cánh én bay qua mùa xuân (đã đăng ở tạp chí Sông Hương và tạp chí Thơ của Hội nhà văn), tôi có nói đến thơ không vần của Nguyễn Đình Thi, rộng ra trường hợp Nguyễn Đình Thi. Và tiếc cho thơ Việt Nam đã bỏ lỡ một mùa xuân cũng như cho cánh én Nguyễn Đình Thi (dẫu một không làm nên mùa xuân) đã bay qua cái mùa xuân bị bỏ lỡ đó. Trong bài viết ấy tôi có nhấn mạnh đến tư duy thơ đứt đoạn như là đặc điểm chủ chốt của tư duy thơ hiện đại. Thơ Trần Dần ở giai đoạn hậu Nhân văn, sự đứt đoạn còn khiếp hơn nữa. Ở cả âm, tiếng, chữ cái, con chữ, câu, bài… Trần Dần triệt để hơn Nguyễn Đình Thi là ở chỗ ông coi chữ quan trọng hơn nghĩa, chữ truớc nghĩa và trên nghĩa, tức ngôn ngữ là mục đích chứ không còn là phương tiện nữa.

11 Theo quyết định kỷ luật thì Trần Dần chỉ phải đình chỉ sinh hoạt ở Hội nhà văn và không được in tác phẩm có 3 năm. Nhưng sự đình chỉ đã kéo dài đến 30 năm. Trong thời gian đó, ông vẫn không ngừng sáng tác. Sáng tác là phương thức tồn tại, là “Thi mệnh bọc đùm”. Nhớ lại, đầu những năm 90, khi Bài thơ Việt BắcCổng tỉnh, những tác phẩm thời Nhân Văn hoặc kế ngay sau đó, của Trần Dần được ra mắt công chúng thì nhiều người thất vọng. Không ít cái mỉm cười ác ý: Hoá ra họ chỉ có vậy thôi ư? Thà cứ để họ mập mờ trong ánh hào quang tử vì đạo còn hơn đưa họ ra chỗ thanh thiên bạch nhật! Thực ra cũng không khó hiểu hiện tượng này. Kể từ khi tác phẩm trên được viết đến khi được in thì đã bao nhiêu nước chảy qua cầu. Trong thời gian đó, thơ Việt Nam (ít ra là thơ chính ngạch) vẫn là thơ hiện thực, đúng hơn là thơ phản ánh một hiện thực XHCN, nhưng phương tiện thể hiện thì đã có nhiều tiến bộ. Thơ Trần Dần (cũng như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng ) chỉ thực sự ra khỏi hệ hình xã hội học này vào thời hậu Nhân văn.

Bởi vậy, có người giả định rằng, nếu không có “tai nạn chính trị” ấy thì chưa chắc đã có sự cách tân này. Nếu điều này là đúng thì cái giá của sự cách tân đó lớn biết chừng nào! Nợ “văn chương” phải trả đến hình hài. Bởi vậy, tôi không tin vào thứ nghệ thuật không trả giá. Vừa được nghệ thuật lại vừa được những thứ phi nghệ thuật. Nhất là thứ nghệ thuật được dùng như một công cụ để đạt được thứ phi nghệ thuật. Nhưng không ai lại muốn mình bị tai họa để mà có thơ hay. Bởi thế, có thể nói, nhà thơ chính là kẻ được/bị lựa chọn. Nàng thơ đã ngắm trước anh ta. Nói như vậy, tức tài thơ là thiên phú. Hạt giống trời cho chỉ chờ thời tiết xã hội mà nảy mầm và phát triển cứng cáp thành cây.

12 Để thay đổi một quan niệm ngôn ngữ thơ, như trường hợp Trần Dần thì chỉ có thể thực hiện được bằng con đường tự hiện đại hoá bản thân mình. Và phương tiện duy nhất để nâng mình ngang tầm thế giới bấy giờ là đọc sách ngoại ngữ. May mà các nhà Nhân Văn đều là những người có ngoại ngữ, tức theo cách nói của Nguyễn Đỗ Cung là có chữ. Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo trở thành các nhà ngữ học, phê bình văn học hiện đại nhờ có 10 năm đọc sách, làm tư liệu của Đại học Tổng hợp. Ngựa tái ông là vậy. Còn Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng cũng bao năm mờ mắt ở phòng đọc hạn chế Thư viện Quốc gia để tiếp xúc với thơ và những công trình lý luận và phê bình thơ hiện đại. Có thể nói, những công trình đó đã chỉ hướng, hoặc chí ít là gợi ý, cho những cách tân thơ Dần-Hưng-Đạt.

Sự thành công của Trần Dần minh chứng một điều là chỉ có khi cùng tầm với thế giới thì mới có khả năng cách tân thơ. Bởi lẽ, cách tân là không chỉ tiếp thu những yếu tố hiện đại của thế giới, mà còn khai thác và phát huy những yếu tố truyền thống. Nhưng chỉ khi nhà thơ có một cái nhìn hiện đại, một tinh thần hiện đại thì mới làm mới, làm sáng cái truyền thống ấy được. Tức cấp cho các yếu tố truyền thống một đời sống hiện đại. Trường hợp Nguyễn Bính trước đây là một ví dụ. Cùng khai thác đời sống thôn quê, nhưng Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ nhìn nông thôn bằng con mắt phi thời gian của dân tộc học nên chỉ tạo ra những bức tranh quê có tính phong tục, còn Nguyễn Bính nhìn bằng con mắt xã hội học nên tạo ra hình ảnh động, hình ảnh của nông thôn đang bị thành thị xâm nhập, nông thôn mang tinh thần và hơi thở của thời đại. Nhưng Nguyễn Bính đạt được điều đó bằng vô thức, bằng bản năng thi sĩ. Còn Trần Dần thì thêm cả trí tuệ, ý chí. Bằng tinh thần hiện đại, ông đã hoán cải một cách tài tình ngôn ngữ, giọng điệu, cách nói của vè, đồng dao,câu đố… cho hoà nhập cấu trúc ngôn ngữ của thơ ông. Dĩ nhiên sự cách tân của Trần Dần không chỉ dừng lại ở đây. Sang giai đoạn sau, thi nhân sẽ vượt qua sự lưỡng phân cách tân / cổ truyền này để có một phẩm chất tổng hợp cao hơn, sâu sắc hơn.

Nguồn:Vietnamnet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những đoản khúc Lê Đạt

    15/12/2018Nhà phê bình Phạm Xuân NguyênNgười “phu chữ” Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong “bộ tứ” nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn – Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần. Cả bốn ông rồi ra đều được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật...
  • Đường chữ

    01/05/2008Nhà thơ Lê ĐạtCâu thơ khổ tu xí xoá nợ luân hồi Sau Nhân Văn, tôi vẫn tiếp tục…
    Nhân Văn chỉ là một chặng chứ không phải toàn bộ Đường chữ của Lê Đạt...
  • Nhà thơ Lê Đạt: Người lạc quan ngoan cố

    20/03/2008Sưu tầmSau hơn một tháng rét đậm, rét hại kỷ lục thế kỷ, Ngày Thơ Việt Nam 2008 bỗng rực nắng bất ngờ, như một minh chứng cho sức sống vượt mọi thử thách của thơ Việt. Minh chứng thứ hai, lão tướng thơ Lê Đạt, chân bước cà nhắc vào tuổi bát tuần, vẫn có mặt làm rộn một góc sân Văn Miếu - Hà Nội với tiếng cười "lạc quan” ngoan cố rất đặc trưng...
  • Nguồn gốc của những cái đẹp trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu

    30/11/2005Nguyễn Đức SựNguyễn Đình Chiểu có được sự ngưỡng mộ và tôn kính ấy của bao nhiêu thế hệ kể cả thể hệ ngày nay và thế hệ đã qua là do di sản thơ văn của ông để lại cho đời sau và những giá trị tinh thần tỏa ra từ những áng thơ văn đó. Chính những giá trị cao đẹp ấy là kết quả của cả một cuộc đời lao động trí óc nghiêm túc, say mê, tràn đầy nghị lực và không biết mỏi của Nguyễn Đình Chiểu...
  • "Tín - đạt - nhã" - chuyện cũ mà chưa cũ

    07/07/2005Ngân HuyềnBa chữ “Tín - Đạt - Nhã” đã là chủ đề của ít nhất hai cuộc thảo luận trong giới dịch thuật Việt Nam những năm 1960 và 1990. Tháng ba vừa qua (2003), tại Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, chủ đề này lại được “hâm nóng” trở lại với sự tham gia của các nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà thơ: Trần Thiện Đạo, Hoàng Hưng, Hoàng Thúy Toàn, Lê Đức Mẫn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Văn Dân, Đoàn Tử Huyến.
    Cuộc tọa đàm do Ngân Huyền lược thuật.