Ngõ nét duyên Hà Nội

01:32 CH @ Thứ Ba - 27 Tháng Tư, 2010

Duyên dáng và bí ẩn là những con ngõ quanh co trên vòng vèo phố cổ, sau mỗi khúc rẽ lại bất thần hiện ra một cảnh quan khác – khi thì náo nhiệt bán mua, lúc lại xuyến xao một dáng bàng bốn mùa chìa cành khẳng tán dày lên cao. Dịu dàng, hơi tẻ nhạt thanh lặng, là những con ngõ nằm trong vài “phố Tây” xưa còn giữ lại được những ngôi biệt thự cổ hiếm hoi. Và phồn thực, hiện sinh là những con ngõ đời thường của Hà Nội len lỏi mưu sinh...

Ngõ và quà sáng

Hà Nội của quà sáng bây giờ thế nào nhỉ ? Chẳng phải ai cũng cầu kỳ đi tìm bát phở nức tiếng trong những dòng văn của cụ Nguyễn. Người ta ăn ở những chốn khác nhau theo cái môi mép khẩu vị đã biến đổi ít nhiều bởi đủ luồng ẩm thực Đông Tây. Người ta vừa ăn vừa căn giờ đi làm, căn quãng đường đến cơ quan, căn cả những đồng tiền đang “tạm cư” trong ví. Nhưng dù là ai, dù vừa ăn vừa nhớn nhác vì điều gì, thì không thể phủ nhận “quà sáng ngõ” đã là một phần của Hà Nội hôm nay.

Cứ bước chân ra đến cửa dăm bước chân, là y như rằng sẽ gặp một hàng quà sáng. Có những ngõ nhỏ, hàng quà sáng khuất nẻo với nồi nước dùng và bà chủ ngồi điều khiển trong làn hơi nước mờ ảo, cười đon đả mỗi khi ta dắt xe ra khỏi nhà. Lại có những con ngõ, nhà nhà kín cổng cao tường bỗng chen vào một quán ăn xe đến, xe đi tấp nập. Theo chấm điểm của một cô gái nhỏ yêu Hà Nội, em bầu chọn cho ngõ Hạ Hồi bởi cái sự nhẹ nhàng duyên dáng vắt mình nép bên con phố Trần Hưng Đạo lịch thiệp. Ngõ sạch và quang, đặc trưng bởi có nhiều quán ăn cho khách Tây, có trường Tư thục Hoa Sữa quanh năm thơm lừng mùi bánh mới và còn bởi có hàng quà sáng là bún thang và phở gà. Lý lẽ của sự yêu thật ngộ. Em bảo: “Quán ấy bán từ lâu rồi, giờ đã đổi tay nấu nên chẳng còn ngon nữa, nhưng vì thói quen với vài ky niệm... vớ vẩn nên em vẫn gắn bó. Chấm điểm: 7/10”.

Giống như em, cứ nhắc đến quà sáng ngõ, là thế nào người ta cũng nhận được một cái list thật dài về những thứ ngõ đi kèm món đặc trưng. Khẩu vị thì vô biên, nhưng lạ một nỗi ai cũng gắn bó với gần như chỉ một quán quà sáng quen. Ra là sự chung thủy không phải từ tim mà có thể lại rất họ hàng với cơ quan tiêu hóa.

Cái nếp ăn nếp sống của người Hà Nội hôm nay đã ít nhiều biến đổi, đồng tiền đủ rủng rỉnh để ăn hàng nhưng cũng chỉ chọn quán vừa tầm. Những ngõ có đông người lao động, như ngõ Mai Hương, ngõ Quỳnh, ngõ Gốc Đề dưới Bạch Mai – Minh Khai... rồi vô vàn những cái ngách thông nhau ở đường Đội Cấn, ở “làng” Thịnh Quang, ở phố Thụy Khuê... túa ra sáng sáng những người. Dân gốc có, người đến thuê trọ càng đông. Mỗi ngõ lại có những bà xôi, bà bún, bà phở rất đỗi thân thiết. Chẳng nệ sang hèn, cứ ăn, chào hỏi, lại ăn và tất tả ra đi. Những cái ngõ lao động với suất ăn bình dân, đủ cho người Hà Nội (cả “bán chính gốc” và dân “ngụ cư”) bám vào cuộc mưu sinh đến tận trưa mới “bạ đâu ăn đó”. Ngõ to thú vị bởi cái sự phong phú và liên thông như một mạng nhện khó lần, còn ngõ nhỏ lại hấp dẫn bởi cung cách những quán hàng bố trí sao cho thu mình vừa vặn kinh doanh khỏi choán lối đi.

Ấn tượng nhất với tôi là cái ngõ Trung Tả – quả là một thứ trận đồ đặc trưng của Hà Nội, khi nó thông ra đến mười mấy lối khác nhau, vòng vèo từ suốt dọc phố Khâm Thiên, qua Hàng Bột, lại có thể chạy tuốt ra đến phố Trần Quý Cáp đằng sau ga Hà Nội. Ngõ ấy, đi từ đường Khâm Thiên vào, sau 2 – 3 lần rẽ “đập mặt vào tường” có quán bún ốc của bà Bông. Thứ bún chấm mà đi khắp phố phường chưa gặp. Bún sợi mảnh và mướt trong, hà tiện nằm khoanh trong lòng cái đĩa nhựa giảm đi biết bao là cao quý, thế mà vẫn khiến người ta bắt thèm trong khi xuýt xoa chờ bà hàng thao tác. Thú vị nhất là cái cách bà khắt khe chọn ốc. Đắt rẻ ra sao, thời tiết thế nào không biết, bà chỉ lấy một loại ốc nhồi chính hiệu. Con ốc nhỏ xinh, vỏ mỏng vàng mỡ chứ không phải thứ ốc dạ lắm trứng, ốc bươu vàng vô duyên hay ốc “gỗ” cắt năm cắt bảy mới vừa miếng... Tùy theo thời giá mà bà cho nhiều giảm bớt, hoặc tính tiền lên xuống. Cái bát nhơ nhỡ sóng sánh thứ nước dùng được chắt lọc từ nước luộc ốc, từ sườn ninh nhừ, từ cà chua dấm bỗng thôi.. nhưng gia giảm hợp vị và sanh sánh tí ớt chưng từ tay bà chủ, cứ như thể ớt là thứ đáng quý nhất trên đời. “Chỉ chấm không chan”, khách mà õng ẹo đòi bún chan, bà sẵn sàng “xua” đi cho khỏi mất thì giờ, đặng còn kịp phục vụ các đấng khách hàng đang hau háu ngồi nhìn cái muỗng “quyền năng” kia chan chan, múc múc. Nước vừa đủ, vị nóng hôi hổi đến tận chân răng, các vị ngọt – chua thảy đều vừa vặn có duyên, cứ một gắp bún thả vào kéo thêm vài cọng rau thơm mảnh mướt, một húp nước thấy cái vị thanh thanh, cay cay nơi đầu lưỡi khiến ta chợt xuýt xoa, sức thanh niên phải ăn đến 2 lần gọi mới vừa. Lạ là cái món bún “hay” như thế bà chỉ bán trong ngõ Trung Tả, ngoắt ngoéo như đánh đố mà vẫn đông khách từ sáng đến chiều...

Ngõ và ký ức

Còn nhớ lần đi Huế, rồi “tạt” vội vàng qua Hội An, tôi cứ mê mẩn với những con ngõ nhỏ mà ở đó người ta gọi là “kiệt”. Thẳng tắp, miên man, trang điểm bởi những lùm dậu cao ngang người xanh mướt mát - ấy là những kiệt ở ngoại ô Huế. Giữa một trưa hè chói lói nắng và trời xanh ngăn ngắt, nhìn những kiệt nhỏ bình yên ấy, như thể một thoáng thôi chạm được vào tâm hồn người Huế - bình dị sâu lắng chứ không gân lên vì vòng hào quang lăng tẩm vương giả một thời...

Còn đến Sài Gòn, lại nhớ những con hẻm nhỏ lóc cóc tiếng mỳ gõ khuya, tiếng cười nói rổn rảng từ dăm cuộc nhậu khuya, bóng những chiếc xe đẩy đi về lặng lẽ. Cái nhịp sống của thành phố cứ va đập vào cảm xúc từng ngày, như chẳng bao giờ ngừng ngay cả khi đêm xuống, lâu lâu buồn lại xẹt một chiếc xe phóng nhanh, tiếng ống pô gằn gằn nhấm nhẳng...

Những cái hẻm, cái kiệt, cái đời sống ấy, đem ra mà so sánh với ngõ của Hà Nội, của lòng mình, thật khập khiễng. Hà Nội hôm nay xáo trộn nhiều, người dân của ngõ cũng ra đi tứ phương, di dời cả cái tinh thần của nó. Đổi lại, là một lứa người mới ra đời, hay những kẻ gắn tạm với căn nhà trọ cho cuộc mưu sinh nơi “Kẻ Chợ”. Dường như, nhìn vào cuộc thăng trầm của những con ngõ ấy, có thể chứng kiến được không ít biến đổi Hà Nội qua các thời kỳ.

Ngõ và những câu chuyện về ngõ có thể ngồi nói mãi mà không hết chuyện. Những con phố Hà Nội giấu phía sau bao nhiêu ngõ nhỏ với những thân phận con người. Này ngõ Tràng Tiền lúc nào cũng hiện ra trong tâm trí tôi như một giấc ngủ trưa, uể oải dù rất gần trung tâm. Hay tao nhã là ngõ Phan Chu Trinh, thêm một chút không gian yên tĩnh nữa ngay giữa trung tâm, có quán tâm trà thanh tĩnh,với sách kinh Phật và nhạc Trịnh. Thư thái những buổi chiều của ngày và của đời...

Tôi hỏi một người bạn, hãy “thoát ra” khỏi những cái ngõ từng nổi danh qua văn chương và cả qua sự cẩu thả của không ít cây viết trẻ tập tọng đi theo con đường các bậc tiền bối tài hoa, để chọn cho mình một cái ngõ nhỏ đẹp và đáng yêu của Hà Nội. Chỉ là một sự “bình chọn” cá nhân thôi, thế mà người ấy tư duy rất lâu. Có ai biết câu trả lời là gì không? Bạn bảo: “Thế thì, chỉ có cái ngõ nào (xưa) đứng chờ người yêu là đẹp nhất! Giờ hết rồi!”. Vẫn biết là người ta có những lý do riêng để yêu và để không yêu một thứ gì đó. Nhưng cũng thấy bâng khuâng nếu bây giờ phải chọn một “hoa hậu ngõ” cho lòng mình. Với tôi, chỉ có lối ngõ đi về ngôi nhà thân thương những năm tháng ấu thơ là đẹp!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa thủ đô

    10/10/2017GS. Tương LaiKhá lâu mới nghe được một ý tưởng giúp giải tỏa nỗi day dứt khôn nguôi: “Với thủ đô, văn hóa quan trọng hơn”. Đó là phát biểu của người lãnh đạo cao nhất Hà Nội. Đúng là: “Cái Hà Nội cần có chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa...
  • Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại

    09/02/2015Nguyễn Trương QuýBắt đầu câu chuyện về Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến kho "di sản gạch ngói" hay là những thứ "văn vật", thời thượng hơn thì dùng từ "văn hoá vật thể" để chỉ những cấu trúc xây dựng của đô thị, trong đó chủ đề phố cổ luôn nóng hổi và dù nghe đã nhàm tai, đã biết quá rõ những gì gọi là đẹp đẽ, những gì trầm kha của một khu phố luôn được nhắc đến hằng đầu trong những nghị quyết về văn hoá xã hội thủ đô hay những hội thảo chuyên đề về Hà Nội, nhưng hình như vẫn chưa ra được đáp số.
  • Bộ mặt Hà Nội dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp

    06/12/2009Kim ThiNhiều công trình kiến trúc tại Hà Nội đã được xây mới, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, khu phố cổ vẫn giữ nguyên những đặc trưng của kiểu nhà truyền thống Việt Nam, hẹp và sâu. Nhìn vào quy hoạch của Pháp, cũng có thể thấy rõ mục đích muốn biến Hà Nội thành trung tâm quân sự và chính trị (trong tương lai), tạo điều kiện cho công cuộc khai thác thuộc địa.
  • Hà Nội phố, Hà Nội quê

    10/10/2009Trần TuấnBa mươi mấy năm rồi, Hà Nội với tôi chỉ còn là những chuyến đi, về. Bởi chừng ấy tháng năm, giã từ tuổi thơ bắt ve trèo sấu, giã từ tuổi niên thiếu bắt đầu chớm biết xao lòng buổi cắp cặp đi học ở ngõ Quỳnh, tôi về phố biển miền Trung...
  • Hàng quà ở Hà Nội ngày xưa

    29/07/2009Văn NgọcMỗi lần nhớ lại những hàng quà ngày xưa ở Hà Nội, là tôi lại nhớ lại cả một quãng đời thơ ấu. Nhớ lại những tiếng rao, tiếng động phố phường, mới ngày nào còn gần gũi ... Những tiếng xe cộ lúc sớm mai trên đường phố, những tiếng rao quà trong trưa nắng, những tiếng hát của người xẩm loà lúc phố xá lên đèn, tất cả những âm thanh đó, những hình ảnh đó, đã ghi khắc vào tâm hồn tôi.
  • Phố cổ Hà Nội

    13/07/2009Nguyễn Văn VĩnhBài viết này được trích từ cuốn Lịch sử, sự thật và sử học (Tạp chí Xưa&Nay, Nhà xuất bản Trẻ, 12/1999) tập hợp một số bài viết trên tạp chí Xưa&Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bài viết nguyên bằng tiếng Pháp đăng trên tờ Annam Nouveau số 140 ngày 2/6/1932 của nhà báo-chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh, đã được một bạn đọc dịch và gửi đến tòa soạn Xưa&Nay, góp phần giải thích về việc tìm hiểu khái niệm "Ba mươi sáu phố phường".
  • Nếp sống làng quê giữa lòng phố xá

    03/03/2009Vương Trí NhànTrong khi người Hà Nội chưa đủ sức nâng mình lên, thì dân các vùng nông thôn chung quanh lại như là vẫn muốn kéo Hà Nội xuống, và đây mới thật là chuyện "hai lần thương khó". Có một lẽ công bằng mà không luật pháp nào quy định, song ai cũng thấy phải, ấy là Hà Nội chỉ trở thành đô thị thực thụ nếu nó có thể góp phần giúp cho cuộc sống các vùng chung quanh ngày một ổn định, người dân nông thôn thu nhập khấm khá tới mức nhìn về bà con của mình ở thành thị với con mắt thiện cảm và yên tâm ở lại quê hương "phục vụ" Hà Nội. Nhưng "ốc chưa mang nổi ốc" thì "làm cọc cho rêu" sao được?!
  • Văn hóa Tràng An trong chuyện đặt tên đường phố

    10/02/2009Đoan Trang2008 là một năm chính quyền thủ đô nhiều lần được báo chí nhắc tới để phê phán: Từ việc mở rộng gây tranh cãi, sự lúng túng trong đối phó với trận lụt lịch sử, dự định xây TTTM ở chợ 19/12, tới vụ để sứt mẻ thương hiệu "Tràng An" khi người dân vặt hoa ở lễ hội v.v. Dù vậy, trong chuyện đặt tên đường phố, thì Hà thành có một nét văn hóa đáng ca ngợi, ít nhất cũng đáng để các nơi khác tham khảo.
  • Những di sản sống của đất Thăng Long

    20/01/2009Lê Thị TrangQuả thực, có nhiều lúc người ta như không còn tìm thấy những vẻ đẹp của cảnh và người của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến nữa. Đô thị hóa và đời sống hiện đại hầu như đã xóa đi tất cả.
  • Mở rộng Hà Nội: Nỗi lo giữ gìn văn hóa thủ đô

    13/05/2008Đan TâmViệc mở rộng Hà Nội cần được tính toán rất kỹ về nhiều mặt và có bước đi thích hợp nhằm thể hiện được thủ đô là tiêu biểu nhất cho chính trị và văn hóa của đất nước
  • Nét đẹp của phụ nữ Hà Nội

    15/07/2006Băng SơnCứ dăm năm lại có một lớp con gái trẻ Hà Nội lớn lên, đẹp hơn trước. Phụ nữ Hà Nội đi đâu cũng không lẫn vì nhiều vẻ. Đó là một điều thật đẹp, thật vui. Ngay giữa lòng thành phố, có thể nhận ngay ra người phụ nữ có cốt cách Hà Nội, bất kể tóc đã hoa râm, bạc trắng hay còn tóc thề để xoã ngang vai bất luận họ đang vội vã, đang ngồi trên xe máy, đang trong rạp hát, đang ăn quà hay đang thả bộ ung dung trên vỉa hè...
  • Hà Nội nơi mở cửa những đổi mới văn hoá

    08/02/2006Nguyễn Vinh PhúcKhông kể chuyện xa xưa, khi ở đây từng diễn ra sự tiếp xúc và cải biến văn hoá Ấn Độ - Trung Hoa, mà chỉ kể chuyện 100 năm trở lại đây, việc hội nhập rồi phát triển cùng văn hoá thế giới cũng đủ nói lên Hà Nội là nơi mở đầu những đổi mới trong đời sống văn hoá...
  • Xây dựng văn hóa người Hà Nội

    20/12/2005… Sẽ có nhiều việc phải làm. Bởi rất nhiều nét đẹp, văn hóa Hà Nội còn… lạo xạo những hạt sạn...
  • Tâm tư nghệ thuật của Xuân Phái

    29/09/2005Trần Hậu TuấnBùi Xuân Phái là một trong số ít những họa sĩ Việt Nam, ngoài xây dựng hệ thống tư liệu vẽ cẩn thận còn liên tục ghi nhật ký. Những gì ông viết chỉ là suy tưởng riêng của bản thân, song tất cả đều toát lên những trăn trở về nghệ thuật, những suy tư để làm sao vẽ cho đẹp hơn, đi gần đến bản chất nghệ thuật hơn...
  • xem toàn bộ