Văn hóa thủ đô
Khá lâu mới nghe được một ý tưởng giúp giải tỏa nỗi day dứt khôn nguôi: “Với thủ đô, văn hóa quan trọng hơn”. Đó là phát biểu của người lãnh đạo cao nhất Hà Nội. Đúng là: “Cái Hà Nội cần có chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa, mà văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống, là lối sống, là trật tự kỷ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại” (Tuổi Trẻ ngày 9-10-2009).
Kỷ niệm 55 năm giải phóng thủ đô, có thể liệt kê những công trình hoành tráng đã hoàn thành hoặc còn ngổn ngang thi công cho một Hà Nội văn minh đang được xây dựng.
Trong cái hoành tráng của những con đường mới mở, những công thự mới xây, những cây cầu soi bóng hiện đại xuống sông Hồng đỏ nặng phù sa, người Hà Nội ra đi cũng như người Hà Nội trở về thấy lòng mình xao động nhất về thủ đô vẫn là “giá trị cao quý nhất, đẹp đẽ nhất, cái mùi, cái vị, cái hương, cái thơ của đời sống, đó là giá trị văn hóa, giá trị tinh thần” (Phạm Văn Đồng). Vậy thì cái giá trị cao quý nhất đó Hà Nội đã giữ gìn, vun đắp, phát huy như thế nào?
Chặn đứng một suy thoái kinh tế, vực dậy một nền sản xuất đang đình trệ để tạo nên bước đột phá mà đi tới, chuyện ấy rất khó, nhưng chúng ta đã phấn đấu một cách ngoạn mục. Sự nghiệp đổi mới với Đại hội VI là một minh chứng. Nhưng tạo nên những khởi sắc cho một đời sống văn hóa đang có nhiều vấn đề đặt ra, những biểu hiện về thoái hóa đạo đức và lối sống, về kỷ cương, phép nước, về mối quan hệ giữa người và người thì còn khó khăn hơn rất nhiều.
Nét dáng thanh lịch của “người Tràng An” có còn là nét chủ đạo trong ứng xử của người Hà Nội hôm nay? Diện mạo văn hóa và lối sống Hà Nội đã giữ vai trò là “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước”, như “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ từng xác định, như thế nào? Ở cái thế “rồng cuộn hổ ngồi”, đất Thăng Long vốn là nơi quy tụ hiền tài, dồn đắp trí tuệ của quốc gia, “những của quý không gì thay thế được của một nước, của dân tộc”, Hà Nội đã phát huy thế mạnh ấy ra sao, cái mà “Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó thì cái còn lại còn gì là đáng giá” (Phạm Văn Đồng). Đúng là “những việc mà kết quả không đo đếm bằng tỉ lệ, con số” như vị lãnh đạo Hà Nội phân tích, nhưng lại là cái rất cần phải tập trung tạo dựng và phát huy để Hà Nội xứng đáng là nơi “nghìn năm văn vật”!
Xin nhắc lại đây lời cảnh báo của M.Gorky về nguy cơ “mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng”, vì vậy mà đòi hỏi “dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa không bao giờ dứt của văn hóa”, và theo văn hào Nga thì “đối với tôi, lời kêu gọi tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi Hỡi các công dân! Văn hóa lâm nguy”!
Đấy là lý do mà lời tuyên bố “Với thủ đô, văn hóa quan trọng hơn” có một sức nặng của suy tư và có sức cổ vũ không chỉ riêng cho Hà Nội.