Nếp sống làng quê giữa lòng phố xá
Muôn hình muôn vẻ
Từ khoảng giữa những năm chín mươi, mỗi tối giao thừa, Hà Nội có đỡ ồn vì tiếng pháo. Nhưng vào dịp một năm cũ qua đi một năm mới bắt đầu, người đi quanh Hồ Gươm hái lộc vẫn tấp nập nhộn nhạo. Và sáng mồng một, ai có dịp đi vòng quanh hồ, vẫn nhận ra vài ngọn cây bị vặt trụi.
Vượt lên câu chuyện văn minh, lịch sự (và hơn nữa, chuyện vi phạm pháp luật), việc bẻ cây hái lộc còn nên xem như một biểu hiện của nếp sống nông thôn tồn tại dài dài trong tâm thức người Hà Nội. Tại sao nói vậy? So với văn hóa thành thị thì văn hóa nông thôn vốn có một đặc tính khác hẳn là gần tự nhiên. Ở đây, người ta mặc nhiên cho rằng thiên nhiên là một thứ của kho vô tận, khai thác không bao giờ cạn kiệt, nên không ai cần nghĩ tới việc giữ gìn. Chỉ ở thành thị, cây cối lớn lên do bàn tay con người vun xới, chuyện xâm phạm tới chúng - dù với bất cứ lý do gì - mới bị coi là câu chuyện đáng trách.
Nói cho thật tình, không phải nhiều người Hà Nội hôm nay không biết rằng cái căn cốt nông thôn vẫn còn chi phối suy nghĩ hành động nơi mình, song phần thì cuộc sống nhiều khi quá túng bấn, nên tặc lưỡi làm liều; phần thì thói quen không thể khắc phục, nên biết làm thế là quê mùa đấy, cũ kỹ đấy, mà vẫn cứ làm. Người ta sóng đôi, sóng ba xe đạp nghênh ngang tận giữa lòng đường nói bô bô đủ chuyện riêng tư, bất chấp cạnh mình các loại xe cơ giới bóp còi inh ỏi. Người ta hồn nhiên biến vỉa hè thành địa điểm hành nghề, nhiều nhà dọn cả hỏa lò ra để đun nấu và nói chung là sẵn sàng mặc các thứ quần áo đáng lẽ chỉ mặc trong nhà để qua đường, mua phở, mua thuốc. Rồi gì nữa? Rồi thấy đám quệt xe đâm đổ hoặc cãi nhau thì xúm đông xúm đỏ bàn tán, rồi chuyện gì cũng mang ra đồn thổi, vừa đồn vừa thêm dấm thêm ớt vào cho vui chuyện... Mọi chuyện diễn ra đều đều, ai có bực mình cũng ráng mà chịu.
Một sự sùng bái kéo dài
Như các nhà nghiên cứu lịch sử từng khái quát "quá trình đô thị hóa ở nước Việt Nam đã diễn ra một cách khó khăn", "các đô thị cổ không có sự phát triển liên tục", chúng luôn luôn "chịu sự níu kéo đa dạng và dai dẳng của nông thôn". Nói cách khác, "luôn luôn chịu số phận thua kém trong quan hệ cộng sinh với nông thôn" (sách Đô thị cổ Việt Nam, Viện Sử học xuất bản, Hà Nội 1989). Tóm lại, "một điểm nổi bật trong lịch sử đô thị Việt Nam là tất cả những đô thị kinh tế... đều hưng thịnh rồi lần lượt suy tàn và nông thôn hóa" (cũng sách trên, bài của Nguyễn Hồng Phong).
Bên cạnh chính sử, các tài liệu bổ trợ như hồi ký, du ký của người đương thời cũng cho biết: ngay đến thời vua Lê chúa Trịnh, nhiều dòng họ khi làm quan hay cần buôn bán, kéo nhau lên đô thị, song sống vẫn theo kiểu tạm bợ, và sẵn sàng quay về nông thôn một cách tự nguyện. Như vậy thì đô thị luôn luôn là một thứ điểm tụ cư tạm thời, khó hình thành được bản sắc rõ rệt, nếu không muốn nói đến cái bản sắc nhố nhăng hỗn tạp. Cực chẳng đã, nhiều dòng họ phải ở lại đô thị lâu dài, song vẫn không khỏi có chút mặc cảm. Xảy ra một tình trạng lưỡng phân: một mặt họ phải thích ứng với hoàn cảnh mới, phải tận dụng các tiện nghi sinh hoạt mới du nhập, nói chung là phải tự phát hình thành một nền nếp văn hóa mới; mặt khác, họ vẫn lưu luyến cội rễ, nhất là vẫn xem văn hóa nông thôn như một thứ mẫu mực. Với những lề thói sẵn có từ thời còn sống ở nơi chôn rau cắt rốn, người ta tự nguyện tuân theo, chỉ cái nào không thể giữ nổi mới từ bỏ. Và việc trút bỏ này dù liên tục xảy ra, thì vẫn là không bao giờ đi đến tận cùng; những nếp sống xa xưa được bảo trì và trở nên bền vững, di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trở lên là chuyện lịch sử. Thế còn chuyện hôm nay thì sao? Xin thưa: cũng có nhiều nét tương tự! Các bản thống kê chính thức cho biết từ sau 1954 đến 1994, tức 40 năm qua, đại khái dân số Hà Nội tăng lên khoảng mười lần. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp là dịp đầu tiên để người nông thôn đổ lên Hà Nội một cách ồ ạt. Rồi từ đó quá trình ngày một tiếp tục. Ngay trong hoàn cảnh chiến tranh chống Mỹ, người ta vẫn có muôn vàn cách để trở thành người Hà Nội. Anh em làm văn, làm báo quan tâm tới chuyện này thường vẫn kháo nhau: hiện có những làng quê Nghệ Tĩnh mà số dân, cả con cái dâu rể, có mặt ở Hà Nội còn đông hơn cả số dân hiện còn sống ở làng. Vào nhiều gia đình, không cần tinh ý lắm, người ta vẫn bắt gặp tình cảnh bố mẹ nói tiếng địa phương, còn con cái nói tiếng Hà Nội. Tiếng nói thủ đô trở nên pha tạp, hỗn độn, như nói chung cung cách sống, khẩu vị ăn uống, cách đi lại, cách cư xử đã pha tạp và không thể hình thành nổi những chuẩn mực chắc chắn như những năm thanh bình ngày trước.
Công bằng mà nói, một thành phố như Hà Nội trước 1945 có thể trở thành một thủ đô đích thực về mặt tinh thần của cả xứ Đông Dương, lý do là vì nó luôn luôn thu hút được những tài năng ở vùng khác kéo tới. Nhìn vào số trí thức tiêu biểu ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 như Tản Đà, Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Phan Chánh... người ta thấy phần lớn họ vốn quê ở "tứ tỉnh đàng trong, ngũ tỉnh đàng ngoài", và một khi do hoàn cảnh xô đẩy mà lên lập nghiệp ở Hà Nội, một số trong họ sẽ diễn lại cái công thức Nguyễn Huệ - Ngọc Hân khi xưa, nghĩa là sẽ kén vợ trong đám người đẹp ở thủ đô, để rồi làm nên những gia đình Hà Nội lịch thiệp, sang trọng. Và như vậy, đã có một sự kết hợp tuyệt đẹp mà trong sự kết hợp này, vai trò chủ đạo vẫn thuộc về yếu tố sở tại. Người các địa phương lên Hà Nội lúc bấy giờ đã lấy Hà Nội - đúng hơn, lấy nếp sống thành thị - làm chuẩn, họ có ý thức uốn mình sống theo kiểu Hà Nội hơn là giữ lấy chất nông thôn sẵn có. Ngược lại, do chỗ xu thế này chưa trở thành yếu tố chủ đạo trong tâm thức những người lên Hà Nội thời gian gần đây - và người ta còn có thể nói tới một cái gì gần như sự sùng bái nông thôn ngự trị tận trong tiềm thức cả người Hà Nội mới lẫn người Hà Nội cũ - nên Hà Nội có trở thành như hôm nay, cũng không ai lấy làm lạ.
"Hãy đợi đấy!" - hay là thói quen khó bỏ
"Làm thế nào để nếp sống thủ đô trở nên nhuần nhị hơn và văn hóa Hà Nội thật sự là một thứ văn hóa đô thị với nghĩa tốt đẹp của nó?" Cuối cùng thì ai cũng thấy câu trả lời chả có gì phức tạp, song muốn làm được ngay thì... hãy đợi đấy! Bởi một nếp sống văn hóa không chỉ hình thành trên cơ sở nhận thức - là điều nếu có, may ra có thể - mà còn phải biến thành tiềm thức, thói quen, đến mức không chút cố gắng, người ta cũng làm được. Muốn vậy, phải mất nhiều thời gian lắm.
Khổ một nỗi, trong khi người Hà Nội chưa đủ sức nâng mình lên, thì dân các vùng nông thôn chung quanh lại như là vẫn muốn kéo Hà Nội xuống, và đây mới thật là chuyện "hai lần thương khó". Có một lẽ công bằng mà không luật pháp nào quy định, song ai cũng thấy phải, ấy là Hà Nội chỉ trở thành đô thị thực thụ nếu nó có thể góp phần giúp cho cuộc sống các vùng chung quanh ngày một ổn định, người dân nông thôn thu nhập khấm khá tới mức nhìn về bà con của mình ở thành thị với con mắt thiện cảm và yên tâm ở lại quê hương "phục vụ" Hà Nội. Nhưng "ốc chưa mang nổi ốc" thì "làm cọc cho rêu" sao được?!
Trước mắt, người dân Hà Nội vẫn còn đương phải dựa vào cái ưu thế gần nông thôn của mình để cuộc sống đỡ nặng nề đôi chút, thế mới oái oăm khó gỡ. Lấy một ví dụ: từ lâu, Hà Nội vốn nổi tiếng với các loại hàng rong len lỏi khắp ba mươi sáu phố phường. Vào những ngày này, khi đoàn quân những xe Honda, Dream... hùng hậu nối đuôi nhau trên các ngả đường, thì đội quân hàng rong vẫn nhẫn nại dệt nên tấm võng khổng lồ ngày ngày chụp xuống mọi ngóc ngách Hà Nội. Không chỉ rau cỏ mắm muối mà cả chum vại, cây cảnh và hàng trăm mặt hàng lặt vặt khác đã đến với người dân thủ đô qua đôi vai (hoặc xe đẩy, xe đạp) của người bán rong, phần lớn là những người ven đô, và những người của các tỉnh xa đến kiếm sống. Nhìn mấy chị xe thồ hai bên hai cái sọt to bự nghênh ngang giữa đường, kể ai mà chẳng ngán. Nhưng bù lại, họ mang hàng đến tận nơi mời chào, và đôi khi giá lại rẻ nữa, hỏi tội gì không mua? Ấy đấy, trong khi luôn miệng ta thán rằng cái thành phố của mình chẳng khác làng quê, thì người dân Hà Nội vẫn từng ngày từng giờ góp phần làm cho cái nếp sống thôn quê bắt rễ sâu hơn trong đời sống hằng ngày, nên thay đổi nhanh làm sao nổi.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh