Lương Kim Định một gương mặt sĩ phu lớn thế kỷ XX
Vào ngày 15 tháng 6 năm 1915, tại Làng Trung Thành Nam Định, một người Việt Nam đã ra đời. Như sách Thi thiên trong Kinh Thánh, Quyển III, mục 75, câu 6 viết: ”Vì chẳng phải phương Đông, phương Tây hay là từ phương Nam mà có sự tôn cao đến.” Đó là sự báo trước của Thiên Chúa về một “sự tôn cao đến” với Đất Nước, với nền văn hóa Việt vào thế kỷ XX, một thế kỷ có vị trí lịch sử rất đặc biệt của Việt Nam chúng ta chăng.
Lương Kim Định, suốt đời học triết học, dạy triết học, sống và làm việc hết mình vì một nền Triết Học Việt. 82 tuổi đời, Ông sống trọn trong thế kỷ XX, vừa là con người của thời đại (như tên một tác phẩm văn học Nga “L’héros de notre temps), là chứng nhân của lịch sử, Ông cũng là người của thời đại mới góp công tạo dựng lịch sử văn hóa Việt Nam, và để lại một gia tài văn hóa đồ sộ... 45 tác phẩm, trong đó có 8 quyển chưa in, và 5 quyển đã thất lạc, tập trung đề tài về lĩnh vực triết học.
Nếu lịch sử văn hóa Việt thế kỷ XX ghi dấu nhiều gương mặt nhà văn hóa lớn, thì phần nhiều là văn nhân , thi sĩ, nghệ sĩ. Rất hiếm là gương mặt của nhà khoa học, đặc biệt hiếm là nhà tư tưởng, nhà triết học. Lương Kim Định thuộc lớp của hiếm hoi này. Vì thế Ông là một của quý và hiếm của văn hóa Việt thời hiện đại.
Khác với nhiều người, chủ yếu “thuật nhi bất tác”, Lương Kim Định đã đem lại một đóng góp quý báu và quan trọng, vừa thuật, vừa tác. Có những người như Hoàng Xuân Hãn, như Nguyễn Đăng Thục… họ học một ngành khoa học, kỹ thuật, rồi nửa đời, tựa như người đã leo đến một đỉnh núi, rồi từ đỉnh cao này bước sang một đỉnh núi khác và để lại dấu ấn công tích của mình cho học thuật. Lương Kim Định suốt đời thực hành đúng như sách Đại học của cổ nhân, làm một kẻ quân tử (người trí thức, kẻ sĩ, trau dồi học vấn triết lý “như trác như ma, như thiết như tha” để thuật một nền triết học cổ Việt, lại để từ đó sáng tạo ra những phạm trù mới mẻ cho văn hóa Việt.
Nhiều người cho rằng một cái gốc lớn của văn hóa Việt là của “Tàu”, Lương Kim Định nói ngược lại, mà không hồ đồ chút nào. Ông nói có sách mách có chứng. Điều kỳ lạ là những phát kiến của Ông đã được những khám phá khoa học về sau, càng ngày càng chứng minh sự có lý của những luận điểm mà Ông đã nêu ra. Ông đưa ra luận điểm : Tộc Việt, được gọi là Bách Việt đã tràn ra chiếm ngự một vùng đất đai rộng lớn , sau này đươc gọi là “TÀU” Với cái tên Tsin (Tần) mà châu Âu gọi thành Chine, China, Sino…Chính họ là chủ nhân văn hóa đã đúc nên cái phôi, cái căn cốt, cái nguyên bản (archetype) của Trung Quốc cho đến ngày nay. Chỉ có điều, ông chưa chính xác khi cho rằng tộc Việt này đã từ Hymalaya tràn xuống Đông Nam. Ngày nay nhiều chứng cứ khoa học đã đính chính được điều đó. Thậm chí giới nghiên cứu Trung hoa hiện nay cũng đã phải đính chính nguồn gốc Bắc phương của mình và đã công bố rằng cội nguồn chủng tộc thậm chí cả cái căn cơ văn hóa là cũng từ Lạc Việt. Những dấu vết của văn minh, văn hóa Việt, ngày nay vẫn còn đầy rẫy trong xã hội Trung Hoa. Ông đã rọi một cái nhìn vừa tổng hợp, vừa mới mẻ để khám phá lịch sử Trung hoa, vừa du mục, vừa nông nghiệp. Trong trường kỳ lịch sử Trung hoa quả nhiên cuộc đấu tranh giữa vương đạo và bá đạo, giữa yếu tố văn hóa phương Nam, và văn minh du mục Bắc phương cho đến nay vẫn còn dai dẳng: ”Trác Lộc chí kim vị nhược hưu”. Tương truyền trận chiến Trác Lộc là trận chiến mà Hoàng Đế đánh bại được Xi Vưu (lãnh tụ của các tộc Bách Việt Phương Nam).
Lịch sử cổ đại “Trung hoa”, theo Ông, không phải là lịch sử một nhà nước mà chính là lịch sử của một vùng , một nền văn hóa. Bởi từ xa xưa cho đến Tần, mới có nước Tần, ngày ấy Trung Nguyên chỉ là danh xưng một vùng đất, một vùng văn hóa. Cho đến cuối đời Hán, sử sách còn ghi “đi khắp nơi chẳng thấy đâu là Hán địa (đất Hán). Nghĩa là triều nhà Hán vẫn còn cai quản một vùng đất rất hẹp. Mãi cho đến vài ba trăm năm trước đây thôi vùng đất phía nam Lưỡng Quảng vẫn còn là đất của Đại Việt, của văn minh Đại Việt. Rất nhiều di chỉ văn hóa Lạc Việt được lưu giữ, khám phá ở đây. Giờ đây chỉ riêng khảo cổ học ở vùng đất này đã xác minh phán đoán của Lương Kim Định là đúng đắn. Người Bách Việt, trong đó phần quan trọng là Lạc Việt, chính là chủ nhân đã làm chủ vùng đất rộng lớn từ châu thổ Hoàng Hà, Dương tử, cho đến vùng Việt Đông và Lưỡng Quảng. Vùng đất ấy xưa kia là lãnh thổ của những “ Nước Cổ”, có tên là Văn Lang, Xích Quỷ, Lạc Việt…Chính họ là chủ nhân văn hóa, đã “đúc” nên những cái phôi ban đầu, từ ngôn ngữ, chữ viết, những nghi ngẫu (archetype) là nền móng của những triết lý vũ trụ và nhân sinh, cho đến những “kỳ thư” (kinh sách) của cổ văn hóa…mà ngày nay Trung Hoa đang vinh dự chiếm giữ. Ông đã công phu chứng minh điều mà Khổng Tử từng nhận định. Sức mạnh của phương Nam-vùng Bách Việt là sức mạnh của văn hóa “ôn nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, quân tử cư chi” Công lao của Ông là đã tạo ra những luồng sáng mới soi vào lịch sử Bách Việt. Vì thế có học giả đã cho rằng, Ông là một sử gia vĩ đại (đã bị vô minh, quên lãng).
oàng Hà, Trường Giang
Ông đề xuất thuật ngữ Việt Nho, khái niệm Việt Nho và xây dựng phạm trù Việt Nho. Chứng minh và khẳng định phạm trù Việt Nho như là Nho nguyên thủy, phân biệt rất rõ với Hán Nho, Tống Nho…sau này, như là một sự tha hóa. Đây là một chỉ báo, hơn nữa là một hướng nghiên cứu học hỏi về văn hóa Việt nói chung và tư tưởng Việt nói riêng. Chính từ khám phá này, sẽ soi rọi cho chúng ta nhìn thấy cái lõi Minh triết Việt trong lịch sử văn hóa Việt cũng như của những nhà văn hóa, tư tưởng Việt.
Từ phạm trù Việt Nho, Ông xây dựng hệ thống triết lý, đặt tên là Triết lý An Vi, với các cột trụ : Thái Hòa, Nhân chủ, Tâm Linh. Ông xây dựng một số phạm trù của phương pháp luận, tư duy để làm cái quy, cái cũ từ đó dò lần từng bước vào cơ cấu đặng tìm ra cái hồn cái lõi của các nghi ngẫu, ngẫu tượng là những archetype. Từ đó khám phá giải thích cơ cấu của Việt lý - những triết lý căn bản của Việt Nho. Những phạm trù “lô gich” để làm như cái quy cái cũ trong tay của Nữ Oa và Phục Hy. Đó là: Dụng, Số, Tượng, Từ, Cơ, Chế. Qua những phạm trù “lô gích đông phương” này, Ông dò tìm cho đến tận những cái phôi của tư tưởng văn hóa Việt. Phạm trù Việt Nho và hệ thống triết lý An vi dàn trải ra trong hơn 40 đầu sách với cả vạn trang in là một cống hiến to lớn, góp vào làm phong phú, sâu sắc cho cấu trúc nền văn hóa Viêt Nam hôm nay.
Ông để lại một gia tài văn hóa đồ sộ. Về những vấn đề cơ bản của Triết học có: Cửa Khổng (Nguyên Nho), Nhân Chủ, Chữ Thời, Dịch kinh linh thể, Cơ cấu Việt Nho, Tinh hoa ngũ điển, Gốc rễ triết Việt, Việt triết nhập môn, Cẩm nang Triết Việt, Những dị biệt Triết lý Đông Tây, Lạc thư Minh triết. Về Lịch sử : Hồn nước với lễ gia tiên, Nguồn gốc văn hóa Việt Nam, Triết lý cái đình, Hùng Việt sử ca, Kinh Hùng khải triết, Sứ điệp trống đồng, Văn lang vũ bộ…Về văn hóa, giáo dục, lối sống :Định hướng văn học, Tâm tư, Vấn đề quốc học, Hiến chương giáo dục, Phong thái An vi, Trùng phùng đạo nội, … Đặc biệt , ông để lại ba đầu sách về triết lý chính trị thế giới, khu vực và Việt Nam: Đạo trường chung cho Đông Á, Hoa kỳ và thế chiến lược toàn cầu, Hưng Việt.
Về phương pháp luận, Ông là người thực hiện được khẩu hiệu rất uyên bác của Đông Kinh Nghĩa Thục :”Á Âu chung lại một lò. Đúc nên nhân cách mới cho là người”. Ông học hỏi đến nơi đến chốn Triết Đông (đặc biệt là Trung Hoa), nghiền ngẫm văn hóa Việt, học hỏi triết Tây từ cổ điển đến hiện đại, đọc kỹ những nhà Trung hoa học hàng đầu của thế giới... Hiếm có nhà nghiên cứu, nhà triết học nào làm được như Ông. Ông dụng công xây dựng bộ công cụ lôgic kiếu Đông phương để áp dụng cơ cấu luận trong khảo sát văn hóa. Ông là người mở đầu, đi trước trong ứng dụng phương pháp tư duy phức hợp, hệ thống để nghiên cứu tư tưởng, văn hóa, lịch sử. Riêng về huyền sử, ông là người đã đem đến một cảm quan mới, mà tôi gọi là huyền sử học, để cho chúng ta đọc cổ tích , thần thoại nước nhà. Khác với “Tạ chí đại Tràng”, mọi thứ tín ngưỡng đều quy về tục thờ “đá”, ”cây”, ”ác thú”, ”lũ lụt”, ”sấm chớp”... Kim Định rất đề cao giá trị người trong những “Nhân thoại”.
Tôi không thể không nói đến Minh triết. Sau Ngô Thì Nhậm, Kim Định là người đã đem trả lại Minh triết, vốn bị hạ thấp, quên lãng cho văn hóa Việt. Với Kim Định, chúng ta bắt đầu có những tư duy dầy dặn hơn cho phạm trù Minh triết. Và khi chúng ta bắt gặp một kết luận chắc nịch của học giả phương Tây hiện đại: ”Tiếp sau những thất vọng đối với các triết thuyết, ngày nay, Minh triết đang là chủ đề chính của tư duy đương đại”, càng thấy công lao và tính tiền phong triết học của Ông.
Khi tưởng nhớ Ông, chúng ta không nghĩ rằng những công trình của Ông là toàn bích, không lẫn chút ít sỏi sạn bên trong, nhưng chỉ có những đầu óc thiển cận, biệt phái, cực đoan nên chỉ biết “chấp” sỏi sạn mà vứt bỏ luôn châu ngọc trong đó.
Tưởng nhớ Triết gia Kim Định, tôi hình dung tới một cây cổ thụ sum xuê, tỏa bóng. Dẫu cổ thụ nào cũng có cành cộc, nên chớ làm con kiến leo ra leo vào. Hãy cố trèo cho đến cành cao, bằng không thì đứng tựa thân cổ thụ nhìn xa ra một chân trời mới, tìm cho mình một Đạo trường , để cho mình được sống An vi, Nhân bản, như cánh diều buộc nơi gốc cây, bay bổng trên trời cao, vẫn níu giữ, gắn liền với nguồn cội. Tôi chợt rùng mình khi nhớ lại lũ vô đạo, bất nhân, u mê đã từng đốn hạ những cây cổ thụ.!
Kính cẩn ghi chép để tưởng nhớ “Một Cõi Người” của Cố Triết gia Lương Kim Định./.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn