Kim Định: Cuộc đời và tư tưởng
Giáo sư Kim Định tên thật là Lương Kim Định, là triết gia, linh mục Công giáo. Sinh ngày 15/6/1915 tại địa phận Bùi Chu, làng Trung Thành, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông là con trai út trong gia đình, thân phụ mất từ khi ông mới một tháng tuổi. Nhờ công dưỡng dục và nhìn xa trông rộng của người mẹ hiền, ngay từ thưở còn nhỏ, ông được gửi vào chủng viện Bùi Chu.
Tại chủng viện Bùi Chu, ông được hưởng một nền giáo dục toàn diện, về đạo đức cũng như về học vấn. Với bản tính ham tìm tòi học hỏi, ngoài những môn học khác và ngôn ngữ La Tinh, ông đã tự học thêm chữ Nho và Pháp văn. Sau những năm tháng say mê và miệt mài học tập, ông được bề trên phân công giảng dạy tiếng La Tinh tại Tiểu chủng viện Ninh Cường, Bùi Chu từ năm 1937 đến năm 1939.
Từ năm 1939 đến năm 1943, ông học thần học tại Đại chủng viện Quần Phương, Bùi Chu và triết học tại Giáo hoàng Học viện Saint Albert le Grand, Paris. Năm 1943, sau khi tốt nghiệp triết học, ông được thụ phong linh mục và giảng dạy triết học tại Đại chủng viện Quần Phương, Bùi Chu đến năm 1946. Năm 1947, ông sang Pháp 10 năm để nghiên cứu về triết học, xã hội học và văn minh Pháp tại Institute Catholic de Paris. Trong quãng thời gian này, ông còn theo học về Nho giáo tại Institute des Hautes Études Chinoise (Viện Cao học Hán học).
Trong thời gian ở Paris, nhiều bạn bè người Pháp đã đặt ra những câu hỏi cho ông: “Việt Nam có triết lí không?”,“Các anh có nghĩ đến việc thiết lập một nền Thần học Việt Nam chăng?”… Vào thời điểm này, một số linh mục người Pháp cũng đưa ra vấn đề tìm hiểu và giải nghĩa Kinh Thánh theo tinh thần của của triết học Á Đông. Đại diện cho xu hướng này là linh mục Folliet thuộc dòng Oratorie. Sau này, trong bài Để tiến tới một nền Thần học Việt(Dân Chúa, 12/1982), ông đã kể lại lời phát biểu của linh mục Folliet viết trong cuốn Monsieur Pouget như sau: “Hiện nay người Âu Tây chưa hiểu đúng Kinh Thánh. Sách Thánh xuất phát từ Á Đông, phải do người Á Đông giải nghĩa thì mới mong đúng tinh thần của sách”.
Trong bầu không khí tinh thần này, ông đã âm thầm nuôi dưỡng một hoài bão lớn là thu thập tất cả tinh hoa của Đông - Tây, hòng xây đắp một nền Triết lí Việt Nam và một nền Thần học Việt Nam. Sau một thời gian tìm tòi và nghiên cứu, ông nhận ra rằng, muốn giải quyết vấn đề Thần học Á Đông thì trước tiên phải tìm cho ra cái tinh thần Á Đông rồi mới mong giải thích Kinh Thánh theo tinh thần Á Đông, và xa hơn nữa là thiết lập một nền Thần học Việt Nam. Vì lí do này, ông đã quay về nghiên cứu tư tưởng Phương Đông: đầu tiên là triết học Ấn Độ, triết học Phật giáo và cuối cùng là Nho giáo. Riêng về Nho giáo, ông đã nghiên cứu thấu đáo về Hán Nho, cho đến Nguyên Nho (Nho giáo Nguyên thủy) và cuối cùng là Việt Nho (Nho của người Lạc Việt). Nhờ có thời gian rộng rãi, nhờ vào nguồn tư liệu phong phú và quý báu từ Thư viện Quốc gia Paris, Văn khố sử liệu về Việt Nam tại Mission Eutrangères de Paris và tư liệu có sẵn tại Viện Cao học Hán học, ông đã lần mò và tìm ra được kho tàng chôn dấu triết lí và nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
Con đường tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo của ông về triết lí Nho giáo, về văn hóa và triết lí Việt Nam được thai nghén từ khi ông còn ở Paris, thực hiện khi về lại Việt Nam và sau đó là kéo dài cho đến khi ông về cõi vĩnh hằng. Sinh thời ông bảo rằng, khi còn ở Paris, học giới đã tặng cho ông danh hiệu là Petit Confucius (ông Khổng Tử Nhỏ).
Năm 1957, ông về nước với tâm nguyện đem những chất liệu đã thâu thái xây đắp một nền triết lí hoàn toàn Việt Nam. Từ năm 1957 đến năm 1960 ông dạy triết học Đông tại Học viện Lê Bảo Tịnh, Sài Gòn. Khi Học viện Lê Bảo Tịnh được sáp nhập vào địa phận Sài Gòn thì ông bơ vơ không chỗ dựa, bởi sở học của ông không cho phép ông đi làm linh mục ở một xứ đạo. Trong giai đoạn này ông phải nhờ một số học trò cưu mang mình.
May mắn thay, cũng vào năm 1960, ông được Đại học Văn Khoa Sài Gòn mời dạy triết học Đông Phương. Lúc đó triết Đông chưa được chính thức thừa nhận ở bậc đại học, nên trong ba, bốn năm đầu ông chỉ hưởng lương theo giờ dạy. Giai đoạn này, ông vừa giảng dạy theo giáo trình hàn lâm về Nho giáo vừa cho xuất bản những tác phẩm của mình.
Tại Đại học Văn khoa, dòng tư tưởng của ông đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với sinh viên, sinh viên đã theo học ông rất đông. Ông đã dùng ánh sáng mới lạ của những ngành triết học và khoa học nhân văn hiện đại để soi rọi tận nẻo âm u của kho tàng cổ học Việt Nam. Những nguồn ánh sáng của Triết học Hiện sinh của Nietzsche, Jaspers và Heidegger, Phân tâm học miền sâu của Carl Jung, Cơ cấu luận của Levis Strauss, Khảo cổ học… đã được ông sử dụng thành những công cụ hữu hiệu cho công cuộc khai sơn phá thạch này.
Nhận thấy công việc đánh giá lại triết thuyết của Khổng Tử là một tình thế hết sức cấp bách nên năm 1965 ông đã cho xuất bản tác phẩm Cửa Khổng(Nguyên Nho). Trong lời tựa của Cửa Khổng, ông cho biết: “Nếu đúng theo dự tính của tác giả thì chúng còn bị cất kín trong tủ dăm mười nămnữa để được suy tư cho thành thục rồi mới nghĩ tới xuất bản. Bởi viết triết lý đòi hỏi phải như thế. Hiếm vì số sách tham khảo về triết Đông còn nghèo nàn và hiếm hoi thái quá nên tôi đành thể theo lời yêu cầu khẩn khoản của một số sinh viên và bạn hữu cho xuất bản với những khuyết điểm của chúng để góp tài liệu vào một bộ môn mà chúng tôi có tham dự, một phần hướng dẫn sinh viên trong việc nghiên cứu.”(1)
Cửa Khổng đã đưa ra những kiến giải mới mẻ và tiến bộ về triết lí Nho giáo mà trước nay ở Việt Nam người ta chỉ gọi học thuyết này là Nho học hoặc Khổng học. Ông cho rằng, triết lí là một nỗ lực tinh thần để con người thoát khỏi tình trạng vong thân và thâu hồi lại quyền tự chủ của mình trước các thế lực thần quyền cũng như thế quyền ở bên ngoài. Triết lí Nho giáo đã đạt được mục đích là giải quyết được những vấn đề căn bản trên, vì vậy nó là một nền triết lí nhân bản tâm linh trung thực nhất.
Thật là chí lí khi ông cho rằng triết lí Nho giáo luôn luôn xem trọng yếu tố con người và đạo làm người: “Sự thường người ta không ý thức nổi tầm cao trọng của con người cho nên chưa coi đạo nhân là cao trọng và xa vời đủ, bởi vậy thường quay ra tìm hiểu về trời đất quỷ thần vốn chiếm chỗ cao hơn trong óc của họ, vẫn được suy tôn là xa vời và thần diệu hơn người nhiều, vì thế số phục vụ cho con người trọn vẹn từ đầu đến cuối trở nên hiếm hoi so với số người phục vụ cho thế lực khác…”(2).
Trước trào lưu phát triển mạnh mẽ và thành công của thế giới phương Tây, nhiều trí thức thuộc thế hệ trước của Trung Hoa vô cùng oán hận Khổng giáo, họ cho rằng sự thất bại của đất nước Trung Hoa trong thời cận đại là do di sản của Khổng Tử nên đã đổ tất cả tội lỗi lên đầu ông. Bằng những lập luận vững chắc và hết sức thuyết phục của mình trong Cửa Khổng, ông đã minh oan được cho Khổng Tử và Khổng giáo. Để minh chứng điều này, ông dành nguyên một chương có nhan đề “Những ấn tích Triết lý Khổng lưu lại trên đời sống hiện đại của Tây Âu”. Trong chương này, ông cho biết các học giả có uy tín tại Tây Âu từng nói về sự ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử đối với công cuộc giáo dục và sự tiến bộ trong xã hội của họ - bắt đầu từ thế kỉ XVIII.
Năm 1965 Nhân Bảnra đời nhằm đặt nền móng và khơi lại lòng mến mộ cho đạo làm người. Đây là tác phẩm mở đầu cho lộ trình tư tưởng của ông trên con đường sáng tạo ra nền Triết lí An Vi. Cũng bắt đầu từ đây, ông âm thầm khai quật, hệ thống hóa và liên tục công bố những công trình triết lí cũng như văn hóa Việt Nam trong suốt giữa thập niên 1960 cho đến đầu năm 1975.
Nhân Bảntiếp tục đề cao địa vị và cứu cánh của con người trong vũ trụ nhân linh, một ngôi vua trong ba ngôi vua “Thiên - Địa - Nhân” (Tam Tài). Ông đưa ra khái niệm thiên khởi, địa khởi và nhânkhởiđể đối chiếu, so sánh về vấn đề quan tâm của các nền văn hóa khác nhau như Hi Lạp, Âu Tây và Viễn Đông. Ông đi từ thần thoại Hi Lạp, đến triết học duy lí của Âu Tây, cho đến nhân thoại của Viễn Đông để cuối cùng đưa ra kết luận rằng, không có ở đâu mà con người được đề cao như ở Viễn Đông, quê hương của nền triết lí nhân bản tâm linh. Ông đã mượn bài thơ Vịnh Tam Tài của nhà Nho, nhà cách mạng Trần Cao Vân để lập luận của mình thêm phần mạnh mẽ. Trước khi bàn về bài Vịnh Tam Tài, ông đã đánh giá bài thơ như sau: “Quả là một bài thơ triết lý có tầm xích mênh mông như vũ trụ. Cái tài tình của bài thơ là tự đầu chí cuối Trời, Đất, Người luôn luôn cùng xuất hiện “ba mặt một lời xoắn xuýt trong nhất thể u linh”(3)
Tại sao nền triết lí mà ông xiển dương được gọi là An Vi? Ông cho biết: “Thuật ngữ an-vi không có trong triết Đông, nhưng chúng ta có thể dùng tài-liệu như những câu: “thân lao nhi tâm an, vi chi”身勞而心安爲之(Tuân Tử: thân xác nhọc mà lòng an thì cứ làm) để đưa ra thuật ngữ an-vi, tương đương với an hành. Vô vi sẽ là đối cực với hữu vi, cả hai còn ở trong bình diện nhị nguyên, còn an vi sẽ chỉ tâm thức nhất-nguyên lưỡng-cực vượt ra khỏi nhị-nguyên, không hữu cũng như vô, không chống đối nhưng là thâu hóa. Nói an-vi là trong trường hợp đi với hữu vi vô vi. Còn nói chung thì nó là đợt trung dung: “hữu nhược vô, thực nhược hư” (LN. VIII. 6)有若無實若虛 có mà như không, thực mà như giả. Đấy là một đợt phải tế vi lắm mới đạt được, vì nó rất mong manh bé nhỏ vô ý một chút là ngả sang hữu hoặc vô.”(4). Như vậy, An Vi chính là quân bình động đích giữa Hữu Vi và Vô Vi.
Nốitiếp công việc chưa làm xong của Nhân Bản, năm 1967 ông cho xuất bản Chữ Thời. Chữ Thờilà tác phẩm bàn về siêu hình Kinh Dịch. Ông cho rằng siêu hình Tây Phương là hoàn toàn trừu tượng, siêu hình Viễn Đông tuy cũng trừu tượng nhưng lại đâm rễ cụ thể xuống các thể chế như lịch pháp, thiên văn… Đó là phương thức đem triết lý vào cấu trúc của xã hội và cải hóa tâm tính con người. Lời giới thiệu sách của ông tuy ngắn đã nói lên được cốt tủy của Chữ Thời, vì vậy tôi trích dẫn lại hoàn toàn:
“Muốn hiểu biết thêm về con người, cần phải biết địa vị của con người trong trời đất, trong vũ trụ, hay nói theo tiếng mới trong không thời gian.
Nhận thấy cơ cấu thời-không cũ đang sụp đổ, tác giả đi gõ cửa những nhà khoa học lớn như Einstein với thuyết tương đối trình bày thời gian như chiều kích thứ tư của vạn vật… rồi đi gõ cửa các triết gia hiện đại nhất là Heidegger tác giả cuốn “Hữu thể và Thời gian”. Sau đó trở lại với Đông Phương khảo sát quan niệm Chữ Thời trong Kinh Dịch, Kinh Thư. Chúng ta sẽ được thích thú nhận ra sự gặp gỡ Tây Đông trên cấp bậc tối thượng. Chúng ta sẽ hào hứng khi khám phá ra nền siêu hình sâu thẳm tiềm ẩn trong Tam Tài, Ngũ Hành, Hồng Phạm, Thái Thất… với nền triết lý của lịch pháp Đông Phương…đặt nền móng cho huyền sử, cung ứng chìa khóa để mở kho tàng bí ẩn của Văn hóa nước nhà hầu xây đắp một nền triết lý Việt Nam mới hợp cho cảm quan của con người thời đại.”(5)
Đây là một cuốn sách mang tính hàn lâm và thuộc vào loại khó đọc nhất trong toàn bộ tác phẩm của ông. Về sau, trong lời bạt của tác phẩm Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam,ông bảo rằng, cuốn này là cuốn sách dễ nhất, ông hoàn thànhtrước kì hạn để bù lại cho Chữ Thời - một cuốn sách khó nhất trong bộ sách.
Tuy vậy, tác phẩm này cưu mang một sức mạnh tâm linh to lớn, nó đã làm thay đổi nhận thức của nhiều độc giả. Ông từng cho biết, nhiều người nhờ đọc Chữ Thời vài lần mà tự nhiên cảm thấy an nhiên, thanh thoát, và những biến cố ở đời hay cả vấn đề sinh tử cũng không còn nặng nề với họ như trước đây.
Năm 1969 ông cho xuất bản Những Dị Biệt Giữa Hai Nền Triết Lý Đông Tây.Với ông, tác phẩm này ghi lại kỉ niệm về một chặng đường mà ông đã đi qua mảnh đất Vô Vi của Ấn Độ. Mục đích của Những Dị Biệt Giữa Hai Nền Triết Lý Đông Tâylà đánh động tâm thức người đọc để họ nhìn nhận lại giá trị tinh thần của Đông Phương.
Ở đây, ông đã đưa ra những nét đặc trưng của hai nền triết lý Đông - Tây, phân biệt rõ ràng giữa minh triết, triết lí, triết học và cho rằng triết học là cấp bậc thấp nhất về triết. Ông đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, Đông Phương thiên về minh triết và triết lí, còn Tây Phương thì thiên về triết học. Ông đã đề cao sứ mệnh của Triết Đông trước sự đổ vỡ của nền triết học cổ điển Tây Phương, và cho rằng một triết gia Tây Phương ngày nay mà không biết gì đến triết Ấn Độ và Trung Hoa - ít ra về lập trường chung, thì bị coi là thuộc vào thời kì trước khi Colombo tìm ra Châu Mỹ.
Ông đã nêu cao địa vị của triết lí và văn hóa của Ấn Độ trong tư tưởng Tây Phương hiện đại. Từ cuối thế kỉ XVIII đến cuối thế kỉ XIX, những tác phẩm kinh điển của Ấn Độ được lần lượt dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Những dịch phẩm này đã được giới trí thức, học giả, văn sĩ của Tây Phương đón nhận một cách nồng nhiệt, và nó đã ghi lại dấu ấn trên tâm thức của con người đương đại.
Tuy là linh mục Thiên Chúa giáo nhưng ông đã đề cao Tâm Đạo và cho đó là chìa khóa để mở kho tàng truyền thống. Ông cũng là người đã say mê truyền thống tâm linh của Đông Phương, đoạn trích dẫn dưới đây sẽ cho thấy điều này:
“Bỏ Triết học Âu Châu bước vào Triết lý Đông Phương độc giả thường bị kích động do một bầu không khí mới mẻ gây ra do chữ Vô. Chữ Vô thường được nhắm như một lý tưởng, khác hẳn với triết học Thái Tây nhắm hữu vi. Vô vi của Lão Trang đã trở thành nhãn hiệu của đạo học. Dấn thân vào đời đến như Khổng mà còn tiếc xót cái “vô vi chi trị” và “Dư dục vô ngôn” coi như một lý tưởng cao hơn hữu vi, và Khổng Tử đã tu luyện cho đạt tới tứ vô (Tử tuyệt tứ: “vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”). Bước vào Phật giáo lại càng rõ ràng: ở đây vô ngã được đẩy xa đến nghĩa bản thể, nghĩa là phủ nhận cái tự ngã. Và Phật Đại thặng còn đi xa hơn, không những thoát chấp ngã như Tiểu thặng, mà còn thoát luôn cả chấp Pháp nữa. Hàng trăm quyển “Minh triết siêu việt” (Prajna Paramita) đều xây trên chữ vô, bản “bát nhã tâm kinh” tóm lại cái tinh túy của bộ sách khổng lồ kia vào chừng hai trăm chữ thì trong số đó đã có tới ba chục chữ rồi. Cho nên người ta nói quyển kinh “Bát nhã” vắn nhất, chỉ có một vần (ekaksari) đó là vần A (VÔ). Thật là một kiểu tóm tài tình: Vì luận đề nòng cốt vẫn xoay quanh chữ VÔ ( A).
Thế nghĩa là cái phần đặc sắc và quý nhất của Triết Đông lại là cái học lấy VÔ làm hồn sống. Vô cực đặt trên thái cực. Nhân sinh lý tưởng con người đặt ở VÔ: “Thánh nhân vô công, vô kỷ, vô danh” “Xử dân vô tri vô dục” (LÃO). “Đại nhân vô tư, dĩ đạo vi thể” (Nho: quẻ Kiền). Thánh Gandhi: “Tôi tự diệt cho đến số không” (Je me réduis à zéro) là âm hưởng hiện thời lắp lại Ấn Độ giáo xưa xây trên Neti, Neti: không phải là cái này, không phải là cái kia. Bên SAT (hữu) còn có Asat: Vô hữu, cũng như trong phương pháp hành đạo lấy tĩnh lặng làm chủ.”(6)
Giáo sư Kim Định cho rằng nhờ khám phá ra con zéro (số không) mà Ấn Độ đã đẩy toán học đi một bước thật xa, lập nên hệ thống thập phân và phát minh ra đại số. Sau này con số zéro truyền sang Âu Châu qua ngả Ả Rập. Lúc ấy, không ai ngờ được ảnh hưởng của con zéro đối với khoa học. Ngày nay, để đáp lại món quà khoa học kĩ thuật mà Âu Châu đã tặng cho nhân loại, Á Châu sẽ lấy gì để đóng góp? Ông đề nghị, Á Châu nên tiếp tục đóng góp con zéro một lần nữa, bởi vì về mặt tinh thần thì sự đóng góp của nó sẽ còn cao quý hơn là đóng góp cho toán học trước đây. Với ông, dịch phẩm Tibetan Yoga and Secret Doctrines(Yoga Tây Tạng và Bí Pháp Thượng Thừa), chính là món quà quý báu mà học giả người Anh W. Y. Evant Wents đã đem về tặng cho Châu Âu. Ông nhấn mạnh: “Tất cả nhắc lại con zéro đã nói trên kia, một con zéro tinh thần hay là tâm đạo mà tôi cho là viên thuốc duy nhất có sức chữa được bệnh trạng nhân loại hiện nay.”(7)
Tâm Tư được xuất bản năm 1970, là gạch nối giữa Nhân Bảnvà Chữ Thời. Nhân Bản dẫn đến con người toàn diện. Chữ Thờidẫn đến việc con người nhận ra cái tâm bao la như vũ trụ của mình. Tâm Tưlà khoa Siêu lý của Viễn Đông, gọi theo ngôn ngữ Tây Phương là Siêu hình của Viễn Đông. Theo tôi, sở dĩ ông không dùng từ siêu hình, bởi vì đã qua nhiều thế kỉ, nền triết học Âu Tây đã hiểu sai và dùng sai từ siêu hình. Nhiều triết gia hiện đại của họ cho rằng siêu hình trong triết học của Tây Phương bắt đầu từ Aristote trở về sau là thứ siêu hình không đích thực. Tâm Tư là phương pháp suy tưởng bằng tâm; dùng ý tưởng để nhận biết sự thật, dùng tình thâm để cảm nghiệm được vẻ đẹp và nuôi dưỡng tâm hồn, dùng chí khí để tu luyện hòng thể nghiệm được chiều kích vũ trụ nơi mình và nhận ra được cái Toàn Thể.
Trong lời tựa, ông đã nói về Tâm Tư như sau: “Khoa an tư hay tâm tư nhằm giúp vào việc nhận thức ra đáp ứng nhu yếu có tính cách vũ trụ của con người đại ngã Tâm linh, sự nhận thức đó cũng được gọi là Ý-thức-vũ-trụ hay là “Thiên địa chi tâm”. Người thường mới có thiên địa chi ý, chi tưởng nhưng chưa có thiên địa chi tâm. Để có được vũ trụ chi tâm thì cần rút bớt nghị lực ra khỏi ý, khỏi tưởng, của tướng đặng đầu tư vào việc hàm súc tinh luyện những mối tình vi tế cho tới khi nào thể nghiệm được qua thân tâm rằng mình cùng với vũ trụ cùng rung theo một tiết nhịp, lúc ấy mới trúng là “thiên địa chi tâm” và đó là chỗ hướng tới của kho tâm tư mà ta có thể gọi là “phép dịch hóa Thân tâm trụ”(dialectique cosme-psycho-somatique) được trình bày trong quyển này qua một hai lối hành xử, dăm ba câu nói, một hai bài thơ.”(8)
Đích điểm của Tâm Tưlà “triêu văn đạo”. Triêu văn đạo là nghe Đạo trong ánh bình minh nguyên sơ, nghe được diệu âm từ miền sâu thẳm, tĩnh lặng. Khi đã ngộ đạo, tâm hồn con người an nhiên tự tại và rộng mở đến vô biên, tình yêu thì tràn đầy và tuôn trào lai láng. Vũ trụ không còn là cái gì xa cách, riêng rẽ mà đã trở thành một với mình.
Để chuẩn bị cho sự ra đời Việt Lý Tố Nguyên, ông cho xuất bản Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam. Tác phẩm nàylà bước đầu cho hành trình trở về nguồn của ông. Ở Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam, ông đã tìm ra được bóng dáng hồn nước qua lễ gia tiên, qua tiếng vọng của Văn Tổ và Văn Miếu và cũng nêu lên được sự khác biệt cơ bản giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa. Phương pháp huyền sử cũng bắt đầu manh nha tại đây. Đoạn viết sau sẽ cho chúng ta thấy ông đã bắt đầu đề cập đến nguồn gốc văn hóa và dân tộc Việt Nam:“Nếu ta đưa mắt tinh thần nhìn về quãng thời gian cách đây chừng 4000 năm mà nhìn đoàn người Lạc Việt di cư từ Hồ Động Đình, hay bờ sông Dương Tử đểtiến xuống phía nam, thì chúng ta chắc thấy trong quang gánh của những tổ tiên xa xăm đã có quyển Kinh Dịch ít ra ở trạng thái phôi thai. Lúc đó chữ Nho cũng còn đang trong giai đoạn hình thành: có lẽ mới bỏ chặng thắt nút (kết thằng) để đi sang hình chữ con quăng mà ta thấy dùng ở đời nhà Chu gọi là chữ khoa đẩu, sau đến đời Tấn Hán mới thay thế bằng chữ Lệ như ta thấy hiện nay”(9)
Việt Lý Tố Nguyên ra đời năm 1970, đánh dấu một giai đoạn sáng tạo vô cùng rực rỡ của ông. Tác phẩm này là tiếng sấm báo động cho một cơn mưa lạ, vì thế nó đã thu hút được sự chú ý của nhiều trí thức và sinh viên thời bấy giờ. Bằng ánh sáng của cổ sử, của khảo cổ học và trực giác siêu việt của một bậc hiền triết, ông đưa ra những kiến giải rất thuyết phục về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh việc tìm về nguồn gốc của dân tộc, ông công bố rằng, dân tộc Việt Nam đã có một nền minh triết sâu sắc và một nền văn hóa rực rỡ, khác hẳn với triết lí và văn hóa của Trung Hoa. Ngoài ra, Việt Lý Tố Nguyên cònlà cuốn sách thuộc loại “triết lí lịch sử” xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam.
Trước khi Việt Lý Tố Nguyênđược xuất bản,trong lời bạt của Những dị biệt của hai nền triết lý Đông Tâyông đã giới thiệu về nó như sau:
“Đây là quyển sách then chốt cho tất cả các quyển khác trong bộ đã ra và sẽ ra, nó quan trọng ngang với Chữ Thời về đàng sâu nhưng đi lối huyền sử nên dễ đọc hơn Chữ Thời rất nhiều, vì nó vận dụng rất nhiều huyền thoại của Viễn Đông để soi dọi vào nguồn gốc nước ta về các phương diện văn minh, văn hóa, dân tộc, thể chế, sử ký, địa dư, phong tục, tập quán, lễ giáo v.v… Nó sẽ trả lời cho những vấn đề chưa ai tìm được ra câu đáp: như dân tộc tính là gì? Đâu là những đặc tính của dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa Việt Nam có những gì phát huy… Những vấn đề này thiếu phần đóng góp của triết lý sẽ không gặp được câu trả lời thỏa đáng, chẳng hạn tại sao ca dao lại có địa vị quan trọngtrong văn chương Việt? Hoặc Việt tộc đã đóng góp những gì cho nền văn hóa Viễn Đông? Ý nghĩa các danh hiệu nước ta (Xích Quỉ, Văn Lang, Giao Chỉ…) ý nghĩa tết mồng 5 tháng 5… Việt Lý Tố Nguyên sẽ dẫn độc giả vào những miền xa lạ mà cho tới nay chưa có học giả nào đặt chân đến, tuy vậy rất thiết cận đến tiền đồ tổ quốc chúng ta.”(10)
Đến khi xuất bản Việt Lý Tố Nguyên, ông còn giới thiệu thêm về tác phẩm này một lần nữa:
“Đây là công trình của một cuộc khảo cổ khác thường, không dừng lại ở khảo cổ, ở bác học nhưng phóng tầm mắt ra bên ngoài, bên trên, bên dưới khảo cổ, lịch sử, bác học để cố tìm ra những nét căn bản chạy ngầm xuyên qua lịch sử nước nhà, những tính chất có ngay từ đầu và sẽ còn lại mãi mãi với dân tộc, nên gọi làTốtheo nghĩa “bản lại cố hữu”.
Độc giả sẽ nhận ra lối khảo cổ như trên chiếu rất nhiều tia sáng kỳ lạ vào con đường chúng ta phải đi để đến đợt văn minh chân thực. Như thế sự quay về để học lại nguồn gốc nước nhà với mọi khía cạnh văn minh, văn hóa, định chế, sử địa, văn chương… không còn là một việc khảo cổ suông trong thư viện nữa nhưng chính là giúp vào việc kiến quốc, tìm ra và củng cố tinh thần dân tộc, đặt nền tảng vững chắc nhất cho nền quốc học mai ngày vậy.”(11)
Thiết tưởng, những lời giới thiệu của ông về đứa con tinh thần yêu quý nhất của mình ở trên đã nói rất rõ về nội dung của của nó. Phải chăng đây là tác phẩm tâm đắc nhất của ông?
Cũng vào năm 1970, ông cho ra đời tác phẩm Dịch Kinh Linh Thể.Theo nhận định chủ quan của người viết, cuốn sách này tuy khá mỏng nhưng ẩn tàng một sức mạnh dị thường, bởi nó đã kiến giải được phần thâm sâu và đặc sắc nhất của Kinh Dịch. Dịch Kinh Linh Thểcònlà một tác phẩm về Kinh Dịch lạ lùng nhấttừ trước đến nay của người Việt. Ông không lan man chú giải hết 64 quẻ Dịch và những phần khác trong bộ kinh như những học giả khác mà chỉ dùng vài câu trong phần Hệ Từ và duy nhất một quẻ Kiền để dẫn dắt người đọc đi thẳng vào phần cốt tủy của Kinh Dịch.
Khi nói về Kinh Dịch, ông đưa ra một đề quyết động trời, có thể làm sửng sốt người đọc và gây tranh cãi ở tầm cỡ quốc tế. Với ngôn từ của một Ki Tô hữu, ông đã dám khẳng định rằng:
“Người Việt có hai tội tổ tông truyền:
Một: quyển Kinh Dịch là của người Việt
Hai: một số người đọc thì lại đọc theo lối Tàu, lối Tây mà không biết đọc theo lối Việt Nho.
Quyển này nhằm rửa sạch hai tội đó.” (12)
Trước khi đọc cuốn Dịch Kinh Linh Thể, tôi đã đọc các sách dịch và chú giải về Kinh Dịch của Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Duy Tinh. Khi đọc các vị này, tôi nhận thấy Kinh Dịch cũng bình thường như bao sách khác, và nếu như vậy thì Kinh Dịch có gì đặc sắc mà người ta lại ca ngợi. Khi đọc ông, tôi mới ngộ ra được cái tinh hoa của Kinh Dịch. Ông đề nghị đọc Dịch một cách rất sáng tạo, đọc theo lối Kỷ Dịch - đọc Dịch ở nơi thâm sâu của lòng mình. Nếu đọc Kinh Dịch, thực hành và tu luyện theo cách này, con người sẽ đến cảnh giới nội thánh ngoại vương của thánh nhân và có thể an bang tế thế.
Để tiếp nối cuốn Nhân Bản,ông cho xuất bảnLạc Thư Minh Triếtvào năm 1971. Theo tôi, đây là hai tác phẩm rất then chốt, có thể nói là rất quan trọng, bởi vì nó bàn về tính mệnh và cứu cánh của con người - đích điểm mà chúng ta cần phải đạt đến.
Trong Lạc Thư Minh Triết, ông khuyến khích một đời sống tự lập, tự cường về mặt tinh thần, ca ngợi và xưng tụng sự cô đơn. Trong sự xa vắng tiếng ồn ào của thế tục và rộn rã của trần gian, con người cô đơn mới dễ dàng tìm lại cội nguồn chân thực của mình, cội nguồn đó chính là Thần - Thần tính Nội tại. Cô đơn còn là cơ hội để sáng tạo và xây dựng nên sức mạnh tinh thần, là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại. Ông cho rằng, trong lịch sử loài người chưa có công trình vĩ đại nào mà không được thai nghén trong cô đơn, cũng như không có đại nhân chân thực nếu không được nuôi dưỡng trong cô đơn.
Dù không được ông nói rõ ra nhưng tôi nghĩ rằng, tác phẩm này đã manh nha một nền Thần học Việt. Lạc Thư Minh Triết có đôi chỗ bàn về những vấn đề siêu hình của Đông Phương mà các cuốn trên chưa từng đề cập. Theo ông, cơn khủng hoảng của giáo hội Thiên Chúa giáo hiện nay là do nền Thần học Tây Phương gây ra. Ông cho rằng, “muốn thoát khỏi khủng hoảng thì cần trở về nguồn để tìm ra ý nghĩa chân thực của Thánh Kinh khi mới vừa xuất phát, nghĩa là còn trong bầu không khí Đông phương”(13).
Thay vì chọn Thần học Thiên Chúa giáo để giải quyết vấn đề khủng hoảng tư tưởng và sự biến động của thời đại, ông lại chọn nền Minh Triết của Lạc Việt (Lạc Thư Minh Triết),nơi mà ông cho là sản sinh ra một nền triết lí nhân sinh tốt đẹp nhất và có thể làm lối thoát cho sự bế tắc tư tưởng của con người Việt Nam hiện đại. Từ một cái nhìn thấu triệt, ông tự mình thoát khỏi tư duy truyền thống của triết học kinh viện và Thần học Thiên Chúa giáo.Lạc Thư Minh Triết chắcđã làm cho bề trên của ông không vừa lòng, bởi vì tư duy của ông là tư duy vượt thoát, một tư duy không nô lệ cho bất kì thế lực thần quyền nào. Tuy là linh mục nhưng sách của ông không được phần đông Ki Tô hữu đón nhận một cách nồng nhiệt. Có thể nói rằng, Lạc Thư Minh Triếtlà bức thông điệp của một linh mục Thiên Chúa giáo đã giác ngộ được giá trị thâm sâu của văn hóa Đông Phương, gửi đến cộng đồng Ki Tô hữu của mình.
Lạc Thư Minh Triếtđề nghị một lối sống thật minh triết và hợp với đạo lí của người Việt. Ông bảo rằng, nên tìm đạo ngay trong đời sống thường nhật, tìm cái phi thường trong những cái thường thường. Nếu tìm cái phi thường trong những cái phi thường thì sẽ không bao giờ tìm được, mà trái lại còn khiến đời sống trở nên vô đạo. Cách nói của ông giống như một thiền sư của nhà Phật: Tìm sự giác ngộ trong việc gánh nước, bửa củi, nấu cơm…
Năm 1973, Loa Thành Đồ Thuyếtra đời. Khởi hứng từ kiến trúc của thành Cổ Loa, ông đề nghị Loa pháp (phương pháp trôn ốc), tức là phương pháp tu dưỡng cái đạo làm người, và càng ngày càng tiến lên cao theo hình trôn ốc để trở thành hiền nhân, thánh nhân. Theo ông, hiền nhân quân tử của Á Đông là mẫu người rất quân bình mà nền triết lí An Vi cần phải hết sức chú ý. Mẫu người này có được nhiều ý chí, lắm tình cảm, và một chuyên môn vững vàng. Họ là người có nhiều lí tưởng nhưng rất thực tế, sẵn sàng dấn thân để xây dựng tiền đồ của dân tộc và kết quả sẽ thật hữu hiệu.
Trong Loa Thành Đồ Thuyết, một mặtông lên án cách sống của những người có chuyên môn cao nhưng sống vô hồn, vô hướng, chỉ biết làm việc hùng hục như trâu mộng để kiếm tiền. Với hạng người này, ngoài đời sống sinh lí ra, không còn biết gì đến những mối tình cao cả của con người, của tâm linh tiến hóa. Mặt khác, lên án một số người đang chạy theo đủ loại thiên tài điên loạn trên thế giới. Ông bảo: “Âu-Mỹ giàu vô kể, nên cũng có vô vàn khả năng tiến triển trước mắt, chứ như Việt Nam, túng xác túng xơ chỉ còn chút vốn liếng đạo làm người mà cũng vất bỏ thì còn gì nữa mà xây Loa thuyết”(14).Thiển nghĩ, những ai có trách nhiệm xây dựng chương trình giáo dục cho dân tộc cần phải lưu ý những điểm trên.
Từ nền tảng Triết lí An Vi ông xây dựng chủ thuyết Việt Nho. Chủ thuyết này có hai phần: Đạo Nho siêu việt và Đạo Nho của người Lạc Việt.
- Đạo Nho siêu việt: Ông đã chú giải kinh điển Nho giáo theo cách hoàn toàn sáng tạo và mới lạ, chưa từng thấy ở các nhà Nho trước đây và những người thuộc trường phái Tân Nho giáo ở Đài Loan. Ông đã dùng phương pháp so sánh, đối chiếu Nho giáo Nguyên thủy - đạo Nho khi chưa bị Hán Nho bóp méo, xuyên tạc - với Phân Tâm học miền sâu, triết học hiện sinh của ba tác giả đã kể trên, sau đó là cảm nghiệm và suy tưởng trong một thời gian lâu dài để sáng tạo ra triết thuyết của mình. Ông cho người đọc nhận thấy những giá trị Nhân bản Tâm linh của kinh điển Nho giáo cũng rất thích hợp với trào lưu triết học hiện đại. Những tác phẩm dành cho chủ đề này là: Những Dị Biệt Của Hai Nền Triết lý Đông Tây, Cửa Khổng, Nhân Bản, Chữ Thời, Tâm Tư…
- Đạo Nho của người Lạc Việt và Nguồn gốc văn hóa Việt Nam: Ông dùng ánh sáng của phương pháp huyền sử để soi rọi đêm trường âm u của văn hóa Việt Nam. Huyền sử là một phương pháp khai quật văn hóa và truy nguyên nguồn gốc dân tộc từ những biểu tượng, những huyền thoại và truyền thuyết của dân tộc, mà ông là người đặt nền móng và cũng là người dùng nó để xây dựng giả thuyết của mình. Ông tuyên bố, Nho giáo là do người Việt cổ khai sinh nhưng đã được người Trung Hoa hoàn tất, và cũng bị họ làm cho sa đọa, sứ mạng của Triết Đông là phải trả lại cho Nho giáo sự chính truyền của chủ cũ. Ông đã sử dụng khảo cổ học, ngôn ngữ học, phân tâm học và cơ cấu luận để lí giải nguồn gốc văn hóa và nguồn gốc dân tộc Việt. Những ý tưởng táo bạo này sẽ được đón nhận nồng nhiệt và gây tranh cãi trong tương lai mai hậu. Những tác phẩm dành cho chủ đề này là:Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam, Việt Lý Tố Nguyên, Dịch Kinh Linh Thể, Lạc Thư Minh Triết, Triết Lý Cái Đình, Loa Thành Đồ Thuyết, Vấn Đề Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam…
Tuy rằng bắt đầu từ Việt Lý Tố Nguyêntrở về sau, ông hầu như hoàn toàn quan tâm đến việc trở về nguồn, nhưng không phải vì thế mà phần Đạo Nho siêu việt bị ông lơ lãng. Hai chủ đề này luôn đan xen và hòa quyện lẫn nhau trong các tác phẩm trên, vì vậy phần lớn độc giả thường sa đà vào những chi tiết về nguồn gốc văn hóa và dân tộc mà không nhận ra được Đại Đạo - xương sống để tạo nên nền Triết lí An Vi.
Không những là một triết gia, ông còn là một người quan tâm đến vấn đề giáo dục đại chúng. Ông cũng là một nhà giáo dục rất sâu sắc, một người có tầm nhìn rất xa về vận mệnh dân tộc. Bởi vậy ông luôn đề cao việc lấy sự giáo dục con người làm căn bản. Các tác phẩm bàn về giáo dục của ông như: Triết lý Giáo Dục, Định Hướng Văn Học, Hiến Chương Giáo Dục, Vấn Đề Quốc Họcđều nêu lên sự vô cùng cần thiết của một nền giáo dục mang tính nhân bản tâm linh, tính dân tộc. Ông đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu, đối chiếu và so sánh về những nét cơ bản của những nền giáo dục lớn của nhân loại như Âu Tây, Ấn Độ và Viễn Đông, để rồi đưa ra một chiến lược giáo dục thích hợp và lâu dài cho dân tộc. Ông từng phát biểu: “Một dân tộc cũng như một cá nhân, chỉ có thể chống lại đoàn lũ hay những tư trào tràn vào gieo rắc phân tán dân tộc mình là khi nào tâm thức dân tộc ấy được tổ chức chu đáo trên một cơ sở tinh thần vững mạnh.”(15)
Ý nguyện ban đầu của ông là thiết lập một nền Thần học Việt, nhưng về sau ông đã chuyển hướng và dành toàn bộ tâm lực để sáng tạo ra nền Triết lí An Vi. Có lẽ ông cho rằng việc xây đắp một nền triết lí hoàn toàn Việt Nam là điều cấp bách hơn; và việc xây dựng một nền Thần học Việt sẽ do thế hệ tín hữu Công giáo sau ông làm thay, còn ông chỉ là người đưa ra ý tưởng cho một công việc vô vàn khó khăn và thử thách này.
Triết lí An Vi và chủ thuyết Việt Nho mà ông đề xướng nhấn mạnh vào những chủ đề chính: tâm linh, nhân chủ, tự do, bình sản, thái hòa. Đây không phải là thứ triết học hàn lâm, trường ốc, khô khan và nhạt nhẽo chuyên dành cho những nhà chuyên môn, mà nó là một nền triết lý sống động, mang âm hưởng vào xã hội và có được sức mạnh chuyển hóa lòng người. Vì khuôn khổ có hạn của một bài viết, ở trên tôi chỉ giới thiệu những tác phẩm then chốt đã xuất bản trước năm 1975. Theo cảm nhận của riêng tôi, những tác phẩm này có một sức hút lạ thường, một tầm ảnh hưởng diệu kì; nó có thể gây nên sự chấn động trong tâm thức và làm thay đổi vận mệnh của bất kì độc giả nào đắm chìm vào trong đó.
Trước năm 1975, tiếng tăm của ông vang dội trong giới học thuật, ông được đánh giá như một ngôi sao sáng trên bầu trời triết học Việt Nam. Lần lượt, ông đã được các đại học miền Nam Việt Nam mời dạy ở như: Đại học Vạn Hạnh (1967-1975), Đại học Đà Lạt, Đại học Minh Đức, Đại học An Giang, Đại học Cần Thơ, Đại học Thành Nhân (1971-1975). Ông cũng đã được Đại học Văn Khoa - Huế mời dạy, nhưng những biến động lớn của đất nước đã không cho phép ông thực hiện ý định truyền bá nền triết lí của mình ở trong nước nữa.
Năm 1975, ông di cư sang Hoa Kì. Trong gần 10 năm đầu, ông ở nhờ nhà một người bà con. Vì nhu cầu của những người học trò cũ yêu mến, ông đã cố gắng thu thập và cho in lại một số tác phẩm đã xuất bản trước năm 1975. Cũng trong thời gian này, ông liên lạc lại với một số học trò cũ, và bắt tay vào việc xây dựng các nhóm An Vi.
Sau khi được tiếp xúc với nền văn minh tư bản, nhìn sức sống trẻ trung, mạnh mẽ của Hoa Kì, ông nhận thấy sức mạnh của thế giới tư bản thực là phi thường. Điều này đã làm ông khâm phục. Nhưng ông cũng nhìn nhận rằng, xã hội tư bản tuy giúp cho con người được nhiều tự do, nhiều động cơ vươn lên để tìm kiếm những tiện nghi về vật chất nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ của con người. Nền văn minh Âu Mỹ có sức quyến rũ đối với mọi người, nó đã đạt được mục tiêu là làm cho họ vui tươi, thoải mái, nhưng thực ra, đó chỉ là bộ mặt, là cái vỏ bề ngoài, chứ chưa thấm đẫm vào tâm hồn. Theo ông, xã hội Âu Mỹ chưa có một chủ đạo làm căn bản cho một tương lai lâu dài.
Nhờ có nhiều thời giờ hơn để đọc sách, để thâm cứu và suy tưởng thêm, cái nhìn của ông đã mở ra một viễn cảnh mới. Trong tiến trình xây đắp triết thuyết Việt Nho, từ giả thuyết ông nâng thành chủ thuyết, từ Việt Nho nâng lên hàng Thái Nho, triết thuyết của ông trở nên bao trùm và sâu sắc hơn. Sau một thời gian dài thai nghén, ông đã liên tiếp cho ra đời bộ Ngũ Kinh Khải Triết: Hùng Việt Sử Ca, Kinh Hùng Khải Triết, Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc, Sứ Điệp Trống Đồng, Văn Lang Vũ Bộ.Ông mong muốn bộ Ngũ Kinh Khải Triết sẽ là bộ sách dân tộc đối với người Việt đang phiêu bạt ở xứ người, và cũng có thể là cho cả dân tộc Việt Nam trong tương lai. Theo ông, bộ kinh này là di sản thiêng liêng của quê nước, nó sẽ nhắc nhở cho người Việt đang xa xứ không bao giờ được quên nguồn gốc và dân tộc mình. Ông nói rằng: “Nếu mình không gắn bó với nó thì ngày mai sẽ trở nên một giống vô loại. Khuôn mặt và màu da không cho phép mình hòa đồng với người Tây Âu” (17). Vì quá yêu nước, lời nói của ông mạnh mẽ nhưng hơi cực đoan. Có thể đó là một cách gây sự chú ý cho cộng đồng người Việt chăng?
Tháng 08/1984, ông được mời sang Đài Loan tham dự Hội nghị Quốc Tế về Triết Trung Hoa tại Đại học Đông Hải. Trong hội nghị này, ông đã phát biểu một tham luận có nhan đề “Vai trò Nho giáo Có thể Đảm nhiệm trong Thế giới Ngày nay” (The Role and the Conditions of Ju in Our Present Age). Cuối năm 1984, Văn Phòng Mục Vụ Di Dân của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kì tài trợ một năm để ông nghiên cứu về các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kì. Ông đến cư ngụ mấy tháng tại trụ sở của văn Phòng Nghiên Cứu Xã Hội ở Garden Grove. Nơi đây ông đã gặp rất nhiều thân hữu, các nhóm học trò cũ, và thế là chương trình An Vi được phát động. Chương trình này có mục đích phổ biến triết thuyết Việt Nho, nơi gặp gỡ những người có cũng chí hướng và sống theo tinh thần của An Vi. Đây cũng là lúc ông làm quen với máy vi tính và bắt đầu viết lại những suy tưởng của mình. Từ 1984 đến năm 1989, ông đã viết 4 tác phẩm: Thái Bình Minh Triết tập I, tập II, tập IIIvà Cẩm Nang Triết Việt. Bản thảo điện tử của các tác phẩm này đã được trao cho linh mục Trần Công Nghị cất giữ.
Từ năm 1987 đến năm 1992, ông nghỉ hưu tại trụ sở hưu dưỡng của linh mục Vũ Đình Trác ở Garden Grove. Trong thời gian này, ông đã tập hợp được một số người tha thiết với triết thuyết An Vi và kiên trì trong sứ mạng rao truyền sứ điệp của ông. Sau đó, phong trào An Vi đổi tên thành phong trào Việt Linh và hoạt động rộng khắp tại Hoa Kì. Là người thủ lĩnh của phong trào, sự hành hoạt của ông gần giống như một nhà chính trị nên ông bị hiểu lầm là con người của chính trị. Điều này đã gây biết bao oan khiên và phiền phức cho ông.
Tháng 11/1987, ông được mời tham dự Hội nghị Quốc tế về Khổng học với Thế giới Ngày nay (International Symposium on Confucianism and the Modern World) tại Đài Bắc, Đài Loan. Hội nghị này quy tụ 400 học giả khắp thế giới. Lần này, ông đã trình bày trước hội nghị một chiều hướng bao quát và rộng rãi hơn trong tham luận “Đạo Trường chung cho Đông Nam Á châu”(A Tao-Field for East Asia). Sau đó, ông còn tham dự Hội nghị Triết học (The World Congress of Philosophy) tại Brighton, Anh Quốc - năm 1988. Hội nghị Nghiên cứu Triết học Á Châu và Bắc Phi lần thứ XXXIII (The XXXIII International Conference on Asian and North African Studies) tại Toronto, Canada - năm 1990. Trong những lần đi dự hội nghị ở xa, ông đều nói với các môn đệ rằng: “Thầy phải đi để nói cho thế giới biết con người, tư duy và đạo sống cao đẹp của dân tộc Việt Nam”.
Năm 1992 đến năm 1997, vì tai biến mạch não, vì tuổi già sức yếu, ông đã về hưu dưỡng tại Dòng Đồng Công, Carthage Missouri, Hoa Kì. Ngày 23/03/1997, ông về cõi vĩnh hằng, để lại nhiều thương tiếc trong lòng môn đệ, cũng như giới học thuật trong và ngoài nước.
Triết gia Kim Định đã đi trọn một cuộc hành trình đơn độc để khai phá và sáng tạo nên một triết thuyết vô tiền khoáng hậu và dâng hiến báu vật này cho dân tộc Việt Nam. Theo thiển ý, phần đóng góp quan trọng nhất của triết gia Kim Định là Đạo Nho siêu việt. Phần Đạo Nho của người Lạc Việt và Nguồn gốc dân tộc Việt Nam là một đóng góp nhỏ hơn, mang tính gợi mở, cũng như một là giả thuyết để làm việc.
Triết thuyết của Kim Định có rất nhiều ưu điểm nhưng cũng có không ít nhược điểm. Do phải làm việc một mình, phần đông là suy tưởng nên ông dễ sa đà vào những giây phút xuất thần mà quên đi thực tại. Cũng vì nhiều khi ông xem nhẹ, không chịu minh chứng hoặc xem xét những điều mình nói ra bằng phương pháp lịch sử, khảo cổ học, điền dã… mà chỉ vào những suy luận chủ quan, do vậy nhiều nhà nghiên cứu đã cho ông là một người cảm tính, mơ mộng và thiếu thực tế. Nhưng thử hỏi, nếu một người thiếu đi sự mơ mộng thì làm sao có thể trở thành triết gia? Triết gia là một người luôn luôn bay bổng trong vòm trời suy tưởng và mộng mơ. Vậy mơ mộng tuy là nhược điểm nhưng cũng chính là ưu điểm của ông, và nhờ vậy ông mới có được sự linh cảm và cái nhìn thấu thị hiếm có của một thiên tài. Triết gia chân chính bao giờ cũng đi trước thời đại của mình một thời gian cả mấy mươi năm.
Toàn bộ tác phẩm của Kim Định là một khu rừng bát ngát, mênh mông, làm cho người đọc dễ bị lạc lối. Độc giả của ông thường bị nạn cây che mất rừng, chỉ nhận thấy điều tiểu tiết mà quên đi sự vĩ đại. Nhiều học giả cũng mắc phải cố tật này khi đọc sách của ông, họ không thấy được sự đóng góp to lớn của ông cho triết lí và văn hóa Việt Nam, mà chỉ biết phê bình những tiểu tiết của ông một cách gay gắt. Kim Định là triết gia chứ không phải là một người làm khoa học về xã hội và nhân văn, hay như một học giả chỉ biết dựa vào sách vở. Vì thế, hậu sinh cần phải rút tinh hoa từ triết thuyết của ông và bỏ đi những gì là sai sót và không cần thiết. Xem ra nền triết lí An Vi của ông vẫn còn có thể đáp ứng được phần nào cho nhu cầu của thời đại, có thể nâng cao tâm thức dân tộc, giúp đào luyện mẫu người mà quốc gia đang cần.
Đã có nhà sử học ác ý, đem ông ra chê bai, mỉa mai và làm trò diễu cợt; với cặp mắt cú vọ của một nhà duy sử, họ chỉ lăm lăm nhìn vào những điểm sơ suất trong công trình của ông để làm công việc bắt bẻ. Thật là cám cảnh cho ông! Thử hỏi các vị ấy có thể gây nên nguồn cảm hứng, chuyển hóa được tâm thức của độc giả, để sau khi đọc sách của mình, độc giả sẽ có một đời sống bình an, thánh thiện và tốt đẹp hơn? Lại có học giả được thừa hưởng cả một gia sản đồ sộ về nguồn gốc văn hóa và dân tộc Việt Nam và những ý tưởng mới mẻ của ông nhưng cũng kiếm cách chê bai ông cho bằng được, họ đã từng phát biểu:“còn mang nhiều chất cảm tính - cực đoan hoặc là chưa tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh”.Thiên hạ đã mang ơn ông nhưng lại “trả ơn” ông bằng cách như vậy. Thật là bất công!
Nhiều người Việt Nam chưa phân biệt được giữa triết gia và triết học gia, giữa hiền triết và giáo sư triết học, giữa nhà tư tưởng và học giả. Vì hiểu rõ tình trạng này, ông đã từng nói trong Vũ Trụ Nhân Linhvà Văn Lang Vũ Bộrằng, đó là cái cảnh “cá đối bằng đầu”. Dưới đây là một trong những lời than phiền của ông: “Và nếu có ngày gặp may, nảy nòi ra một triết gia tả nhậm thì cũng bị lấn át do bao tiếng om sòm của cảnh cá đối bằng đầu không sao trỗi lên được”(18).(Triết gia tả nhậm là triết gia đứng về phía kẻ yếu, đứng về phía nhân dân - chú thích của người viết bài này).
Ông Châu Hải Kỳ đã từng đem triết gia Kim Định xếp chung một chiếu với học giả Nguyễn Hiến Lê và học giả Giản Chi (Nguyễn Hiến Lê từng viết chung với Giản Chi một số đầu sách: Đại Cương Triết Học Trung Quốc, Tuân Tử, Hàn Phi Tử). Không những vậy, ông còn đem hai tác phẩm cùng viết về đề tài Khổng giáo của Kim Định và của Nguyễn Hiến Lê ra để so sánh:
“… Dĩ nhiên tôi không phủ nhận điều này là các tác giả Kim Định cũng như các ông Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê đều phát huy cổ học Á Đông, triết lý Nho giáo, và nội dung của giáo sư Kim Định có nhiều chủ trương rất mới mẻ, chẳng hạn trong Việt Lý Tố Nguyên… Những ý kiến của tân kỳ của ông có cái ma lực lôi cuốn độc giả nhất là giới sinh viên học sinh rất mạnh. Song bình tĩnh mà xét về Nho giáo ông phát huy có phần quá đà: ông xưng tụng hơi nhiều, tâng bốc có lẽ thái quá. Có thể đọc nói cuốn nào, về vấn đề gì, người đọc cũng thấy ngay rằng tác giả phát biểu say mê - nói thẳng ra là chủ quan về một phía. Chỉ sự kiện về mức quá đà đó cũng đủ minh chứng rằng tác phẩm của ông mất tính Đông phương rồi.
Trái với tác giả Kim Định, ông Nguyễn Hiến Lê có thái độ quân bình hơn. Ông không giống giọng điệu của một nhà nho ba hoa, một người “militant”. Huống chi tư tưởng và nếp sống dân tộc Việt chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền triết học Trung Hoa; lối viết của ông trở thành một nghệ thuật sống hơn là một học thuyết cao xa như giáo sư Kim Định, cho nên người đọc lĩnh hội không mấy khó khăn. Nếu đức Vạn thế sư biểu sống lại và đọc tác phẩm của hai tác giả viết về mình, tôi chắc rằng Ngài sẽ thích tác giả Nhà giáo họ Khổng hơn”(19)
Mặc dù người viết bài này rất khâm phục nhân cách cũng như sở học của học giả Nguyễn Hiến Lê, nhưng không vì như vậy mà chấp nhận cách nhận xét trên. Học giả Nguyễn Hiến Lê là một nhà nghiên cứu về sử học, cổ học và triết học Trung Hoa chứ không phải là một nhà tư tưởng; còn giáo sư Kim Định là một triết gia, một nhà tư tưởng thực thụ. Ông Châu Hải Kỳ chưa phân biệt được sự khác nhau giữa Nho học và Triết lí Nho giáo, giữa Nho gia và Hiền triết. Học giả Nguyễn Hiến Lê viết về Nho học, giáo sư Kim Định viết về Nho triết thì làm sao mà đem so sánh với nhau; nếu đem hai vị đó ra so sánh với nhau thì có khác gì việc đem xe ô tô và máy bay phản lực ra để tranh cao thấp. Ngoài ra, ông Châu Hải Kỳ còn nói bóng gió rằng, triết gia Kim Định là một nhà nho ba hoa. Như thế thì thật là quá đáng!
Nhà thơ Hoài Khanh, giám đốc NXB Ca Dao đã từng trân trọng giới thiệu những tác phẩm của giáo sư Kim Định như sau:
“Đây là tác phẩm của một Tâm Hồn Thánh Trí. Các bạn có thể không đọc sách của CA DAO nhưng các bạn không thể nào không đọc sách của Bậc Hiền Triết KIM ĐỊNH.”(20)
Lời ca tụng của nhà thơ Hoài Khanh dành cho giáo sư Kim Định thật là xác đáng. Trước năm 1975, những nhà xuất bản tên tuổi ở miền Nam như: Lá Bối, An Tiêm, Ca Dao, Kinh Thi, Nguồn Sáng… đều xuất bản sách vì mục đích văn hóa chứ không phải vì mục đích lợi nhuận; vì thế đây không phải là một cách quảng cáo để bán sách.
Khi triết gia Kim Định còn sinh thời, đã có nguyên cả một cuốn sách xuyên tạc triết thuyết của ông, người ta dùng những lời lẽ nặng nề để chà đạp, mắng chửi và cho ông là một tay hoạt đầu chính trị. Tôi tin chắc rằng, những người này chưa đọc trọn vẹn một tác phẩm, chứ đừng nói chi đến cả một rừng sách mênh mông của ông. Nếu họ chịu khó học hỏi và hiểu sâu sắc nền triết lí An Vi của ông thì họ không thể làm một công việc liều lĩnh và cẩu thả đến như vậy. Tôi không thể nào hiểu nổi tại sao họ thực hiện ý đồ thâm độc này? Phải chăng ông là một linh mục Công giáo? Dân tộc Việt Nam đã kinh qua rất nhiều khổ đau vì chia rẽ, sao có người còn muốn gieo rắc hận thù, nghi ngờ và đố kị?
Và nếu ai còn nghĩ ông là tay sai của ngoại bang và mục đích làm văn hóa của ông là phá hoại đất nước thì hãy đọc những dòng sau đây của ông:
“Bây giờ chúng ta ghé thăm tôn giáo; ngoài sự mất tín nhiệm với con người, chúng ta còn nhận thấy một tình trạng trầm trọng hơn nhiều đó là sự mất lòng tự tín. Trong hội nghị các tôn giáo tại Genève năm rồi (Congrès des églises à Genève 9/1970) có lời tuyên bố là các tôn giáo đã hết uy tín và thẩm quyền dạy luân lý. Nói thế là vì mọi nền luân lý trước đây đều mang tính cách thế tục, không còn thể hợp nữa cho con người đang bước vào giai đoạn toàn-cầu với tư tưởng liên-hành-tinh, nên đang cần một nền luân lý phổ biến hơn, phóng khoáng hơn. Vì thế mà ở rất nhiều nơi người ta nhận thấy mọc lên từng trăm từng ngàn những nhóm nhỏ (under group) đứng độc lập bên ngoài mọi giáo quyền, với hi vọng có thể hướng tới linh thiêng hiệu nghiệm hơn, mặc dầu chưa biết dạng thức như thế nào nhưng ít ra không bị ràng buộc trong những nghi thức đã trở thành trống rỗng và máy móc. Hiện nay hướng đi chung của họ là muốn quay về phụng sự con người một cách chân thực. Vì thế trong sự đánh giá, người ta càng ngày càng căn cứ trên khả năng cũng như uy tín cá nhân nhiều hơn là trên chức nghiệp hay quyền uy như trước. Đấy cũng là dấu hiệu con người đang từ giã những hành ngơi bên ngoài để đi sâu vào nội tâm. Vì thế ta có thể nói nét đặc trưng của thế giới hiện đại không phải là sa lầy vào vật chất như các nền luân lý quen nói, nhưng là giũ bỏ các giá trị cũ để đi tìm những gì vươn lên. Còn những giá trị tinh thần cũ bất cứ thuộc tôn giáo, triết học hay văn hóa, luân lý, quyền uy nào đều không được chấp nhận nữa” (21)
Để đem lại danh dự và xóa đi ngộ nhận về triết gia Kim Định, sau khi ông bị người ta cố ý chụp mũ, vu khống và bôi nhọ, tôi - một kẻ vô danh tiểu tốt - đành phải trích dẫn dài dòng như trên. Liệu bề trên của ông trong giáo hội Công giáo có vừa ý khi nghe ông phát biểu một cách quyết liệt như vậy không? Cách nói quá thẳng thắn và trung thực của ông mang lại lợi ích gì cho giáo hội Công giáo và những thế lực chính trị? Đó là câu hỏi mà những người đã hiểu sai về ông phải tự trả lời.
Trích đoạn trên đây cho thấy triết gia Kim Định đã có một sự nhạy cảm và cái nhìn thấu thị vượt thời gian. Đã và đang có những cá nhân riêng lẻ, những nhóm người, những dòng tu thực hiện những giá trị tinh thần cao quý và hành động vì mục đích đem lại hòa bình, thịnh vượng cho thế giới. Có nhiều và rất nhiều những con người như vậy, họ là: Krishnamurti, Nisargadatta Maharaj, Mẹ Teresa, Triết gia Kim Định, Thích Nhất Hạnh, Dalai Lama, Eckhart Tolle…
Trong cuộc đời dạy học và trước tác của ông, ông không chỉ giảng dạy kiến thức mà còn trao truyền một Đạo Sống cho biết bao thế hệ môn sinh. Nhiều người chỉ biết ông qua tác phẩm nhưng vô cùng biết ơn ông, bởi vì ông đã khai tâm và dẫn dắt họ về với suối nguồn của Đạo học Á Đông, mà cũng chính là trở về với cội nguồn tâm linh sâu thẳm trong tâm hồn mà từ lâu họ đã lãng quên trong đời sống thường nhật. Ông là một bậc thánh trí, một bậc hiền triết, một chiến sĩ dấn thân trọn đời vì văn hóa dân tộc. Ông là bó đuốc thắp sáng trong đêm trường hoang vu của Việt Nam và nhân loại. Ông là vị Khổng Tử của nước Việt Nam trong bối cảnh Xuân Thu Chiến Quốc thời hiện đại.
Ông đã sống chết với những điều mình cưu mang gần bốn mươi năm trời, từ lúc còn ở trong nước, đi ra nước ngoài, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay trong bệnh tật và cô đơn. Ông ra đi khi đã được nhìn thấy được học thuyết An Vi của mình bén rễ trong cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại. Những suy tư và đề nghị của ông chắc chắn sẽ được hậu thế đánh giá cao.
Bậc hiền triết Kim Định chính là điềm triệu, là một con chim quý Lạc Việt báo hiệu thời đại Tâm Linh sẽ đến. Tất cả biến cố về chính trị, kinh tế sẽ qua đi, tương lai thuộc về ông và những con người mang sứ mệnh khơi lại nguồn suối tâm linh của Việt tộc.
Ngày 14/7/2012, nhân 15 năm ngày mất của Kim Định, Trung tâm Minh Triết phối hợp với Trung tâm Lý Học Đông Phương đã tổ chức buổi tọa đàm tưởng niệm về ông tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đây là lần đầu tiên, một buổi tọa đàm có quy mô lớn về triết gia Lương Kim Định được tổ chức tại Việt Nam. Cuối cùng, học giới trong nước cũng chấp nhận và đánh giá lại di sản đồ sộ và quý báu về triết học và văn hóa Việt Nam của ông. Tuy mới chỉ là một tín hiệu nhỏ, nhưng hi vọng đây là một bước khởi đầu tốt đẹp. Để đánh giá lại toàn bộ di sản của ông, có lẽ phải cần một thời gian khá dài, với sự góp sức của những người yêu mến minh triết và có nhiều tâm huyết với văn hóa dân tộc.
................................................................................
1) Cửa Khổng - Kim Định - Ra Khơi Nhân Ái, Sài Gòn, 1965, Lời tựa.
(2) Cửa Khổng - Kim Định - Ra Khơi Nhân Ái, Sài Gòn, 1965, trang 104.
(3) Nhân Bản - Kin Định - Ấn Quán Thanh Bình, Sài Gòn 1965, trang 144.
(4) Định Hướng Văn Học - Kim Định - Ra Khơi Nhân Ái, Sài Gòn 1969, trang 83-84.
(5) Bìa 3 cuốn Chữ Thời - Kin Định - Ấn Quán Thanh Bình, Sài Gòn 1967.
(6) Những Dị Biệt Của Hai Nền Triết Lý Đông Tây - Kim Định - Ra Khơi Nhân Ái, Sài Gòn 1969, trang 95-96
(7) Những Dị Biệt Của Hai Nền Triết Lý Đông Tây -Kim Định - Ra Khơi Nhân Ái, Sài Gòn 1969, trang 128.
(8) Tâm Tư - Kim Định - Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn 1970, Lời tựa.
(9) Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam- Kim Định - Ra Khơi, Sài Gòn 1967, trang 153-154
(10) Dị Biệt Của Hai Nền Triết Lý Đông Tây -Kim Định - Ra Khơi Nhân Ái, Sài Gòn 1969, Lời bạt
(11) Việt Lý Tố Nguyên -Kim Định - NXB An Tiêm, Sài Gòn 1970, trang bìa 4.
(12) Bìa 4 của Dịch Kinh Linh Thể - Kim Định - Tủ Sách Ra Khơi, Sài Gòn 1970.
(13) Lạc Thư Minh Triết - Kim Định - NXB Nguồn Sáng, Sài Gòn 1971, trang 134.
(14) Loa Thành Đồ Thuyết - Kim Định - Ấn Quán Thanh Bình, Sài Gòn 1973, trang 153.
(15) Hiến chương Giáo dục - Kim Định - NXB An Tiêm, Sài Gòn 1970, trang bìa 4.
(17) Văn Lang Vũ Bộ - Kim Định - NXB H.T Kelton, USA, trang 236.
(18) Văn Lang Vũ Bộ - Kim Định - NXB H.T Kelton, USA, trang 87.
(19) Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời và Tác phẩm -Châu Hải Kỳ -NXB Văn Học, Hà Nội 1993, trang 227-228.
(20) Ca Khúc Của Quán Cà Phê Buồn - Carson McCullers, Hoài Khanh dịch -NBX Ca Dao, Sài Gòn 1969, trang cuối sách.
(21) Loa Thành Đồ Thuyết - Kim Định - Ấn Quán Thanh Bình, Sài Gòn 1973, trang 180-181.
PHẦN TRÍCH DẪN NHỮNG BÀI VIẾT VỀ TRIẾT GIA KIM ĐỊNH
Trong Hồi Kí Nguyễn Hiến Lê - NXB Văn Học, 1993 (trang 546), học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết về triết gia Kim Định:
“Thật lạ lùng! Người đề cao Khổng tử nhất ở nước ta từ trước tới nay lại là một tín đồ Công giáo, giáo sư Kim Định, ông đã viết khoảng chục cuốn về đạo Khổng đưa ra nhiều ý táo bạo, mà ông chưa kịp sắp đặt lại thành hệ thống. Ông muốn cải tạo xã hội, cải tạo cả thế giới nữa, cho rằng nếu canh tân đạo Khổng thì những tư tưởng tự do và bình sản của Khổng có thể cứu nhân loại khỏi nhiều thảm họa. Theo ông, hiểu Khổng là vượt Khổng cho nên tránh các vấn đề siêu hình mà ông lại có lúc dùng nhãn quan siêu hình để nghiên cứu Khổng.”
Khi nhận định về địa vị của Giáo sư Kim Định trên lộ trình tư tưởng Việt Nho, cố học giả linh mục Vũ Đình Trác đã viết như sau:
“Nhờ công phu mở đường trở về Triết Ðông của Linh Mục Giáo Sư Bửu Dưỡng và Linh Mục Giáo Sư Nguyễn Văn Thích cũng như tâm huyết của Giáo Sư Nguyễn Ðăng Thục, chương trình Triết Học Ðông Phương được khai giảng tại Ðại Học Văn Khoa Saigon năm 1958. Sẵn đường trở về Ðông Phương, Linh Mục Giáo Sư Kim Ðịnh tiện đường, đơn thương độc mã, xông lên một bước táo bạo, mở đường đi vào Triết Lâm Việt Nam.
Trong suốt 16 năm trời, tại giảng đường Ðại Học Văn Khoa Saigon, Giáo Sư Kim Ðịnh đã ảnh hưởng sâu rộng cho cả một thế hệ thanh niên và sinh viên. Mặc dầu bao chống đối, Giáo Sư Kim Ðịnh đã im lặng xây dựng một hệ thống Việt Nho khá trung thực và hấp dẫn. Không ai có thể chối cãi công phu xây dựng và ảnh hưởng sâu rộng của ông trong lãnh vực văn hóa dân tộc. Từ Ðại Học Văn Khoa Saigon, Giáo Sư Kim Ðịnh mở rộng mặt trận tới các đại học khác: đại học Ðà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Ðức, Thành Nhân và An Giang. Chính trong giai đoạn này Giáo Sư Kim Ðịnh đã sáng lập ra chủ thuyết An Vi và Việt Nho.
Nhờ công khai thác và biên khảo, sáng tác của Giáo Sư Kim Ðịnh, những bậc thức giả khắp nơi đã suy tôn Giáo Sư là Triết Gia Việt Nam. Ảnh hưởng Việt Triết và Việt Nho của Giáo Sư Kim Ðịnh đã gây ý thức cho người Việt khắp nơi nhìn lại thực tại văn hóa của mình. Các đồ đệ của Giáo Sư Kim Ðịnh đã đáp ứng nguyện vọng của Thầy để khai thác và phổ biến Việt Lý của Thầy qua tổ chức An Việt. Các nhóm An Việt được thành lập khắp nơi: San Jose, Orange, Houston, Louisiana, Washington, D.C., Philadelphia, Seattle và tại Canada, Úc Châu, Anh, Pháp, Ðức, v.v... AN VI đã như luồng gió dân tộc bùng lên khắp nơi có người Việt định cư. Các nhóm này coi Triết gia Kim Định như bậc Đại Sư mà họ tôn làm Tổ: TỔ SƯ AN VI. Ảnh hưởng của của Triết gia không những thế, mà con lan rộng tới các học giả, triết gia ngoại quốc: Âu Mỹ và khối Viễn Đông.”
Trong báo Ngày Nay số 121, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, đại học Georgetown, Washington D.C viết về Giáo sư Kim Ðịnh:
“Trong nỗ lực đi tìm một con đường Việt Tộc, nhân chủ, tự do, thì chúng ta phải kể ở hàng đầu công trình đồ sộ của Giáo Sư Kim Ðịnh. Ở đâu ông cũng thế, không phải sang Mỹ ông mới tìm “về nguồn”. Việc làm của ông trong tình cảnh mất mát vô biên, chẳng qua cũng chỉ là tiếp nối công việc của ông đã bắt đầu khi còn ở trong nước, khi còn ở miền Nam tự do. Từ 1962 tới 1975, ông đã hoàn tất được 23 cuốn triết học, tương đương với khoảng 7,000 trang một mảng tư tưởng mà không dễ mấy triết gia có thể so sánh được. Sự độc đáo ở nơi ông cũng đã là một chuyện quá rõ - dầu ta có đồng ý với ông hay không, thì ta cũng không thể phủ nhận được tính cách độc đáo của tư tưởng ông.
Ngày nay tham vọng cuối cùng của Giáo Sư Kim Ðịnh là sẽ dựng xong một bộ Kinh Việt (hiểu theo nghĩa "bible") cho dân tộc ta. Ðể thực hiện tham vọng này, ông đã cho in lại hoặc đang in năm cuốn thuộc bộ "Ngũ kinh khải triết", đó là: Hùng Việt Sử Ca, Kinh Hùng Khải Triết, Pho Tượng Ðẹp Nhất Của Việt Tộc, Sứ Ðiệp Trống Ðồng, Văn Lang Vũ Bộ (số lớn do nhà in H.T. Kelton xuất bản). Nếu ai hỏi tôi rằng có nên đọc hay không, thì tôi xin thưa ngay: dứt khoát là có. Tại sao - Tại vì nếu ta không nhất thiết đồng ý với hết cả ý kiến của ông, ta cũng sẽ được làm thân với một trong những bộ óc triết lý lớn nhất nếu không của nhân loại thì cũng của Việt Nam. Tôi nói điều này trong sự cân nhắc, cũng không khác gì câu tôi sẽ trả lời cho người nào hỏi: có nên đọc Platon hay Aristote không? Ðã nhất thiết gì ta đồng ý với Platon trong tác phẩm La république, nhưng ai không đọc tác phẩm đó, thì chắc chắn là mất đi một mảng hiểu biết rộng lớn về triết học Tây Phương. Cũng như vậy, ai không đọc Giáo Sư Kim Ðịnh cũng không sao, ông sẽ từ tốn mà “an vi”, để chờ một ngày kia người nọ sẽ tỉnh mộng mà trông thấy hết cả cái mất mát của mình.”
Trong bộ Tự điển Bách khoa Văn Học xuất bản năm 2005, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Viện Văn Học Quốc nhận định về triết gia Kim Định:
“Vậy thì những cuốn sách nói trên đã đến lúc cho phép chúng ta xác nhận lại thật rõ ràng một số đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Viêm Việt, một “bản quyền” vô giá của dân tộc Việt Nam mà người Trung Hoa giai đoạn du mục chưa thể có:
1. Đây là nền văn hóa nông nghiệp gắn liền với thiên nhiên, thời tiết, mùa màng, là sự hợp nhất giữa người và trời (thiên nhân hợp nhất), suy rộng ra là lòng yêu hòa bình, ghét chiến tranh, đặt văn lên trên võ, đặt nhân trị và lễ trị lên trên pháp trị.
2. Là nền văn hóa bắt nguồn từ cuộc sống định cư nên sớm định hình tình cảm yêu nhà yêu nước, trong khi du mục là cuộc sống lang thang nên chỉ biết có người đứng đầu. Vì thế giữa hai vế kết hợp về sau của đạo Nho là "trung quân ái quốc" thì trung quân vốn của Hoa tộc, ái quốc vốn của Việt tộc.
3. Là nền văn hóa đã trường kỳ chống lại sự xâm lăng của văn hóa du mục nên cũng là nền văn hóa sớm có sự cố kết về mặt tinh thần dân tộc; dân tộc tính là một tiêu chí định tính quan trọng của văn minh Lạc Việt và văn minh viễn Đông.
4. Là nền văn hóa mềm mại uyển chuyển (Nho = nhu), biết coi trọng âm hơn dương, coi trọng nữ giới hơn nam giới hay ít ra cũng thừa nhận nữ giới có những quyền, những ưu thế hơn nam giới – “lệnh ông không bằng cồng bà”.
5. Là nền văn hóa trọng “chiêu” hơn “mục”, trọng “tả” hơn “hữu”, tức là hướng về phương Đông và phương Nam, về nữ giới, về số lẻ, về hiền triết, về văn học nghệ thuật, về dân chúng, tóm lại hướng tới thuận hòa.
6. Là nền văn hóa sinh thành trên cơ sở cố kết đơn vị làng, coi làng là một thứ liên bang uyển chuyển mở rộng phần tự trị trong xã hội phong kiến, nơi đề cao vai trò người mẹ và người trưởng thượng, nơi hình thành những lễ tục dân gian cùng trường tồn bên cạnh luật lệnh của nhà nước như một kiểu văn hóa lưỡng nghi; làng cũng là tổ hợp của dân chúng đứng ra đương đầu với nhà vua khi cần thiết – “phép vua thua lệ làng”.
7. Là nền văn hóa tôn trọng thể chế gia đình như một giải pháp trung hòa giữa hai thái cực: muốn xóa bỏ tự do cá nhân vì lợi ích của công quyền và ngược lại, muốn phớt lờ mọi nghĩa vụ xã hội để đạt được tự do cá nhân. Tôn trọng thể chế gia đình khiến con người sống có tình và có lý, có quyền lợi và có nghĩa vụ, có trung và có hiếu.
Ý kiến của Kim Định thường được trình bày dưới dạng những giả thuyết làm việc mà không phải là những định đề áp đặt hoặc coi như đã giải quyết trọn vẹn. Mặt khác, vào những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, ông đã sớm có sự nhạy cảm trong việc tiếp nhận các phương pháp mới của triết học Âu Tây, chẳng hạn cấu trúc luận, phân tâm học, cả học thuyết tương đối của Albert Einstein nên có được cách lập luận đa dạng, với những thao tác không một chiều, cứng nhắc, giúp độc giả soi nhìn đối tượng từ nhiều phía, và làm cho luận thuyết của mình có sức hấp dẫn. Nhưng những điều ông đề xuất cũng như các luận điểm được ông chốt lại có những chỗ không tránh khỏi cực đoan, do không đủ cứ liệu, kể cả do thiên kiến, đã gây ra những phản ứng sôi nổi trong học giới, khiến nhiều người tin theo và cũng nhiều người bác bỏ. Mặc dầu thế, nhìn chung không thể không thừa nhận đấy là những tìm tòi đầy tâm huyết và có sức gợi mở không nhỏ, về một hệ thống vấn đề không kém quan trọng đang là ẩn số cần được tiếp tục giải đáp trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam”.
Giáo sư Trần Văn Đoàn - Đại học Quốc gia Đài Loan chia sẻ cảm tưởng:
“Trong gần một thập niên từ 1983-1992, người ta có thể nói cụ Kim Ðịnh là làm việc như một siêu nhân. Gần chục tác phẩm liên tiếp ra đời. Hội An Việt được thành lập, khêu lên tinh thần ái quốc, yêu chuộng sự khôn ngoan cũng như suy tầm về nguồn dân tộc, giúp những bạn trẻ và trí thức cảm thấy hãnh diện về dân tộc Việt mình nơi quê họ đất người.
Từ các tiểu bang bên Mỹ, cho tới các nước tại Âu Châu, từ Gia Nã Ðại cho tới Âu Châu, nơi đâu cũng có phong trào Hùng Việt hấp dẫn cả ngàn người. Thật là một hiện tượng chưa từng thấy.
Trong những năm nay, cụ thường gửi tặng tôi những tác phẩm mới cũng như những tin tức về phong trào Hùng Việt và Hội An Việt của cụ. Tôi cũng nhận thấy, có nhiều tác phẩm đã thấm nhuần ảnh hưởng của cụ (những bài của Linh mục Trần Cao Tường, các anh Vương Kỳ Sơn, vân vân). Có thể nói mà không sợ lịch sử chê bai, cụ Kim Ðịnh có lẽ là một người trí thức Việt duy nhất có thể gây lên một ảnh hưởng như vậy.
Như tôi từng khẳng định công lao của cụ tại Viện Triết học của Trung tâm Khoa học Xã hội, Hà Nội (18/01/1997), Kim Ðịnh vượt xa Trần Ðức Thảo trong lãnh vực suy tư và trong tinh thần ái quốc, cũng như sự nhiệt tâm của kẻ sỹ.”
Thái Bình Minh Triết , một tác phẩm của triết gia Kim Định đã được linh mục Trần Công Nghị xuất bản ngay sau khi ông mất. Linh mục Trần Công Nghị đã tưởng niệm về ông:
“Kim Định ôm hoài bão cánh chim Việt một ngày sẽ tung bay lên thượng tầng trời cao xanh, nơi đó đàn Chim Việt với nền Triết Việt Minh Triết là nguồn khởi thủy của một triết lý sâu xa, tiềm tàng sắc thái An Vi. Kim Định vẫn miệt mài khám phá, đi tìm và không ngừng minh chứng cho ta thấy được nguồn gốc oai hùng của Đàn Chim Việt.”
Trong Hành Trình Tìm Lại Cội Nguồn -NXB Văn Học, 2008 (trang 55),Hà Văn Thùy đã ca ngợi ông bằng những lời rất trân trọng:
“Hơn 30 năm qua cho tới nay, nhiều người cho rằng, cái yếu nhất của học thuyết Kim Định là thiếu cơ sở khoa học. Nhưng tôi trộm nghĩ, chính sự thiếu cơ sở khoa học này đã thể hiện dự cảm thiên tài của ông. Lẽ thường thì từ bột gột nên hồ nhưng có thể nói Kim Định đã từ nước lã mà gột nên hồ. Trong thời gian của ông, tri thức nhân loại về nguồn gốc văn hóa Á Đông còn rất thiếu thốn, cuốn sách quan trọng Eden in the East chưa ra đời, nguồn gốc và sự di cư của người hiện đại Homo sapiens chưa được xác định. Nhất là con đường Nam Á trong cuộc hành trình định mệnh về phương Đông chưa được phát hiện. Lịch sử Á Đông còn phủ trong vòng bao trùm của lý thuyết A. Aymonier cho rằng người Á Đông là từ phía Tây đi tới và chủ nghĩa Hoa tâm vẫn bao trùm trí tuệ nhân loại… Nhưng bằng dự cảm thiên tài của mình , ông đã phát hiện ra văn hóa Việt Nho cội nguồn của người Việt và bằng con đường “phiêu lưu” giải mã những truyền thuyết, huyền sử, ông đã tìm ra cốt lõi An Vi của đạo Việt! Là người tiên phong trong học thuật và tư tưởng, ông đã vượt qua những trí tuệ sáng láng nhất của người Việt và nhân loại. Chính vì thế, ông trở thành người độc hành lạc lõng.”
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn