Những đóng góp mang tính nền tảng cho văn hóa Việt Nam của triết gia Kim Định

04:12 CH @ Thứ Hai - 06 Tháng Bảy, 2015

Triết gia Kim Định (1915-1997) như một ngôi sao sáng trên bầu trời Văn Hóa Việt Nam. Thật vậy, Ngài đã dành trọn đời tìm tòi, nghiên cứu xây dựng nền tảng Văn Hóa Việt Nam từ cội nguồn uyên nguyên, sâu thẳm, từng là Văn Hiến Chi Bang để trở thành một Đất Nước Vạn Xuân Văn Hiến.

Những đóng góp của Kim Định được trình bày có hệ thống trong 45 tác phẩm (hiện còn 32) về Văn Hóa Việt Nam từ cội nguồn mà Ngài đặt tên là Văn Hóa Việt Nho và Triết Lý An Vi, là những khám phá động trời gây chấn động giới sử học, văn học, văn hóa học và các học giả, các nhà nghiên cứu chuyên ngành Tân Nhân Văn như Cổ Sinh Học, Nhân Chủng Học, Khảo Cổ Học, Tâm lý Miền sâu, Ngôn Ngữ Xã Hội Học… đến khoa mới nhất là Công nghệ Gene ADN.

Nội dung của những đóng góp đó là những phát hiện đặc trưng văn hóa mang tính nền tảng. Đó là những đề thuyết như, người Việt (Đại Chủng Viêm Việt, Viêm Tộc, Nhật Chủng) là chủ nhân đầu tiên trên khắp lãnh thổ Trung Hoa hiện tại, người Việt là chủ nhân sáng tạo ra chữ viết và ngôn ngữ Nho Việt, tiền thân của Tiếng Trung Hoa. Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Xuân Thu là sáng tạo của người Việt.

Văn hóa Việt bắt nguồn từ đời sống nông nghiệp lúa nước/lúa Mễ, là nền văn minh nông nghiệp đầu tiên ở Thái Bình Dương. Lưỡng Nhất tính hai trong một (Dual Unit) là đặc trưng hàng đầu của nền văn hóa bắt đầu từ Vũ trụ quan Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo, Đại Đạo Âm Dương hòa, Tham thiên lưỡng địa đến Nhân sinh quan Nhân chủ - Thái Hòa - Tâm Linh. Chế độ Bình sản là chuẩn mực quân phân tài sản, theo nguyên lý quân bình động, độc nhất chưa từng có trên thế giới (kể cả Khối Thịnh Vượng chung và Hoa Kỳ). Minh chứng của xã hội bình sản là đỉnh cao Văn Lang của các Vua Hùng, với nền Văn Hiến Chi Bang, với tuyệt tác Trống Đồng và Đất Nước thái bình văn trị suốt hơn 2.600 năm (từ 2879 đến 258 trước Công Nguyên).

Tất cả những nét đặc trưng đó tạo nên hạt nhân cơ bản của Minh triết Việt, Văn Hóa Việt Nho và Triết Lý An Vi mà Kim Định là người đã tạo dựng như nguồn sống và nguồn sáng mới của văn minh nhân loại.

Trước hết, chúng tôi lưu ý quý vị độc giả khi tiếp cận các tác phẩm Văn Hóa Việt Nam từ cội nguồn, còn gọi là Văn Hóa Việt Cổ, nên đứng ở vị trí người Việt có gốc từ Văn Hóa Vạn Niên, chứ không phải tâm trạng của người Việt bị nô dịch văn hóa một ngàn năm Bắc thuộc. Khi gặp những danh từ như Nước Việt, Việt tộc, người Việt thì nên hiểu những danh xưng ấy ứng với từng thời điểm cụ thể có chung một gốc là Đại Chủng Viêm Việt, còn gọi là Viêm Tộc, Viêm Việt, Nhật Chủng gồm các tộc người đầu tiên là

Tam Miêu, Cửu Lê, Tứ Di, sau phát triển thành Miêu, Man, Di, Bách Việt, Việt Thường… đã từng tồn tại khắp khu vực Thái Bình Dương từ thời kỳ Đồ đá cũ, sau này là Việt Nam. Nếu không vượt qua cái rào cản nô dịch này thì những đặc trung văn hóa cội nguồn đều là thứ hư vô, bịa đặt ngoại lai với chủ ý tham lam, vơ về.

Trong việc tìm tòi, khám phá của mình, Kim Định đã sử dụng sáng tạo những công cụ, phương tiện từ nhiều nguồn lý thuyết và thực tiễn kim cổ, Đông Tây, các môn học truyền thống đến khoa học hiện đại để khai thác tận cùng cội nguồn văn hóa dân tộc. Trong đó Huyền Sử và Cơ Cấu Luận là công cụ đắc lực, để phân biệt, nhận diện hai nền văn hóa Du mục và Nông nghiệp.

Trong lời tựa cuốn “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam” Kim Định từng chia sẻ: “…hễ đã nói tới nguồn gốc là trở thành vấn đề, nghĩa là nói đến những khó khăn, những nghi ngờ, do dự, tìm kiếm rồi nhân đó nẩy ra rất nhiều ý kiến, nhiều giả thuyết.”Mọi chuyện đã xảy ra đúng như dự cảm của Kim Định, những phát hiện động trời của Ngài đã gặp phải vô số phản ứng đa diện, trái chiều, thậm chí phản bác và quay mặt.

Thực tế chứng kiến mấy chục năm qua, Thuyết Việt Nho và Triết Lý An Vi của Kim Định đã bị nhiều học giả Việt Nam phản bác mạnh mẽ cho đó là điên rồ, hoang tưởng, một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan bệnh hoạn.

Không thể kể hết những phản bác ngược chiều dồn dập lao vào Kim Định, nhưng có thể kể đến những địa chỉ như Bình Nguyên Lộc, Tạ Chí Đại Trường, Tạ Đức và một số sử gia Mác xít trong nước.

Tạ Chí Đại Trường với “Sử Việt đọc vài quyển” “Về “huyền sử gia” Kim Định và các chi, bàng phái “huyền sử học” Việt Nam”. Tư tưởng của Kim Định được đưa ra mổ xẻ (chính xác là vùi dập) trên Tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Với lời phê và phản vụn vặt đầy cảm tính, không hề có chuẩn mực khoa học tối thiểu, nhắm vào hai phương diện chính là phương pháp luận và nội dung thuyết Việt Nho.

Về phương pháp huyền sử, tuy Tạ Chí Đại Trường biết rằng đây không phải là mới, nhưng bản thân ông cũng không khai thác được gì, trái lại, Kim Định đã chỉ ra những sự biến quan trọng từng xảy ra trong quá khứ không phải là lịch sử mà là những ký ức tâm lý miền sâu, là những sơ nguyên tượng (archétype) trở thành tiềm thức cộng thông (Conscient Collectif), được tinh lọc theo thời gian và trở thành truyền thuyết, huyền thoại, tín ngưỡng dân gian. Phương pháp luận huyền sử đã giải mã được nhiều bí ẩn trong huyền thoại, truyền thuyết và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đơn cử: “… Đế Minh là cháu ba đời của Viêm Đế Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, gặp Vụ Tiên.” Luận theo huyền sử và tính ngược lên, cho thấy hai kỷ nguyên quan trọng nhất thời thái cổ là Hoàng Kỷ (Toại Nhân, Phục Hy-Nữ Oa, Thần Nông) và Đế Kỷ (Hiên Viên, Húc, Cốc, Nghiêu và Thuấn), trả lại sự thật cho lịch sử Việt Nam với thời đại Viêm Đế của Đại Chủng Viêm Việt không thể chối cãi. Điều mà suốt Thế kỷ 20 các học giả ngồi trên Tòa tháp Hàn Lâm Viện Quốc Gia không ai khám phá, mặc kệ rồi bỏ bẵng. Ngược lại, sau một dự án của Chính phủ, khai quật thời Hùng Vương, các sử gia Mác xít kết tội Triệu Đà xâm lược và trục xuất thời đại nhà Triệu khỏi chính sử. Từ phát hiện về văn hóa Đông Sơn, họ chối bỏ truyền thuyết Nhà Nước Xích Quỷ năm 2879 TCN để khẳng định, lịch sử Việt bắt đầu cách nay 2.700 năm… Hệ quả tiếp theo từ phương pháp huyền sử là hàng loạt mã văn hóa trên trống đồng được mã hóa, khẳng định văn minh nông nghiệp lúa nước từng tồn tại trước Hùng Vương hàng ngàn năm. Văn hóa Hòa Bình với kỹ nghệ mài đá tuyệt hảo, rồi hạt lúa, hạt kê, con chó, gà, lợn cùng đoàn người thiên di đến Ấn Độ trở thành cư dân nông nghiệp Dravidian. Và tiếp tục hành trình qua eo Bering sang Châu Mỹ.

Sau Kim Định 30 năm, từ nguồn cảm hứng huyền sử, Dr. Stephen Oppeheimer cho ra đời cuốn tiểu thuyết gây chấn động “Eden in The East”, published in 1998 - “Địa Đàng ở Phương Đông” NXB LĐ 2004. Giải mã huyền thoại “Các nhà thông thái từ Phương Đông tới” đã phát hiện, trong đại hồng thủy, người Đông Nam Á mang giống cây trồng, vật nuôi tới Cận Đông. Từ liên hệ giữa chuyện anh em Cain và Abel trong Kinh Thánh với truyền thuyết anh em Manup và Culabob vùng hải đảo Đông Nam Á, ông phát hiện ảnh hưởng của văn hóa Viễn Đông tới thế giới Ả rập…

Tiếp sau đó là hàng loạt các bí ẩn từ huyền thoại được giải mã, dẫn đến sự ra đời những tác phẩm mới, diễn giải về Kinh Dịch, Hà Đồ, Lạc Thư, Bát Quái, Dịch Việt Lạc Hồng, Việt Nam và cội nguồn trăm họ, cho đến Kinh Thánh (chuyện Noah, chuyện Chúa giáng thế).

Cùng trong cái vòng bị ném đá trên có Học giả, Nhà văn Hà Văn Thùy, người ngược dòng như Kim Định. Sau khi khảo cứu những kết luận khoa học từ Dự án của nhóm Giáo sư J.Y. Chu (Hoa Kỳ), và những công trình nghiên cứu của nhiều tác giả, trong đó trọng tâm là Kim Định, Học giả Hà Văn Thùy nhanh chóng cho ra đời những cuốn sách đầu tiên như: “Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt” (2006), với thông điệp đề đặt câu hỏi “1. Dân tộc Việt Nam là ai? Và 2. Văn hóa Việt Nam là gì?”; “Hành trình tìm lại cội nguồn” (2008), Cung cấp những tri thức mới nhất về cội nguồn văn hóa dân tộc, bằng những tiểu luận và đối thoại; “Tìm cội nguồn qua di truyền học” (2011), tuyển tập lại những công trình nghiên cứu tiên phong đáng tin cậy, những khảo cứu và những trao đổi để rộng đường ngôn luận; "Viết lại lịch sử Trung Hoa" (July 2014) là một tựa đề gây sốc và hoài nghi với độc giả, nếu chưa đọc những cuốn trước đó. Tác giả khẳng định lại Văn Hóa Vạn năm của Việt tộc, trong khi cùng thời điểm đó, phần lớn nhân loại còn sống vùi trong băng giá. Người Việt cổ phát triển nền nông nghiệp lúa nước đầu tiên trên Hoa lục. Tiếng Việt là chủ thể sáng tạo ngôn ngữ Trung Hoa. Lục Kinh là của người Việt… Nếu lịch sử một quốc gia là lịch sử của những cộng đồng dân cư chủ đạo làm nên quốc gia đó, thì lịch sử Trung Hoa chính là lịch sử của người Việt đã và đang sống trên đất Trung Hoa; "Tiến trình lịch sử văn hóa Việt"(Oct. 2014), giới thiệu tiến trình lịch sử văn hóa Việt không phải 5.000 năm mà bắt đầu từ 70.000 năm trước. Khẳng định những đề thuyết từ những cuốn sách trước, để từ đó có thể làm căn cứ không chỉ thay đổi lịch sử phương Đông mà còn làm thay đổi số phận dân tộc Việt. Nó là vũ khí vô địch giúp dân tộc Việt tự giải phóng khỏi cái bóng Trung Hoa không chỉ về lịch sử, văn hóa.

Một công trình âm thầm, lặng lẽ với ý nghĩa lớn lao, Học giả Hà Văn Thùy đã đưa chúng ta tới cội nguồn của lịch sử văn hóa Việt.

Trong dòng chảy cuồn cuộn của những mạch ngầm hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc đang hợp lưu thành con sông lớn và từ đó đổ ào ra Đại Dương.

Tiếp đến, chúng tôi được tiếp cận với các học giả khác như:

- Hồng Quang - Nguyễn Đức Dục với những công trình nghiên cứu về vũ trụ quan, nhân sinh quan của người Việt - Dịch Lý, Chiêm tinh, Trống Đồng, Thơ trào phúng, Câu đối và những tác phẩm “Kinh Dịch với Triết Lý Lạc Hồng”, “Kinh Lạc Hồng”, “Hoa văn Trống Đồng”.

- Nguyễn Đức Tố Lưu với “Bước ra từ huyền thoại” là tác phẩm giải mã các vấn đề lịch sử Việt Nam từ thái cổ thông qua các truyền thuyết, huyền thoại và tín ngưỡng dân gian.

- Thiên sứ Nguyễn Vũ Tuấn Anh với những tác phẩm chuyên đề về Dịch lý Lạc Việt, Thời Đại Hùng Vương, Chiêm tinh.

- Nguyễn Thiếu Dũng với Dịch Lý và Trung Thiên Đồ.

- Lê Mỹ, Đỗ Văn Xuyền về những phát hiện Chữ Việt cổ Khoa Đẩu/Hỏa Tự. “Câu đối Tam Ngữ” Lê Mỹ, “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” Đỗ Văn Xuyền.

- Lãn Miên về Nguồn gốc, Điển tích, Điển cố và Giải mã chữ Việt cổ.

- Lê Đình Quỳ với “Giải Mã Trống Đồng” “Mật Mã Vũ Trụ” (với giả thuyết 12 điều bí ẩn về Hệ Mặt Trời).

- Dr. Nguyễn Việt với nhiều công trình Khảo cổ rất công phu về tiền sử Đông Nam Á.

- Bs. Nguyễn Xuân Quang về Chữ Nòng Nọc, Điển tích ca dao tục ngữ, Giải mã Trống Đồng, Tiếng Việt huyền diệu…

- GS. Trần Ngọc Thêm về Văn Hóa Học, với những cố gắng xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam bằng chất liệu Việt Nho và Triết lý An Vi.

- Đáng chú ý, trong bộ Tự điển Bách khoa Văn học ấn bản năm 2003 – 2004 tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Viện Văn học Quốc gia tại Hà Nội nhận định về những tác phẩm của Triết gia Kim Định:

Vậy thì những cuốn sách nói trên đã đến lúc cho phép chúng ta xác nhận lại thật rõ ràng một số đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Viêm Việt, một “bản quyền” vô giá của dân tộc Việt Nam mà người Trung Hoa giai đoạn du mục chưa thể có.” Tiếp sau đó là 7 điểm mô tả những đặc trưng văn hóa Việt từ những tác phẩm và phát biểu đôi lời về tác giả:

Ý kiến của Kim Định thường được trình bày dưới dạng những giả thuyết làm việc mà không phải là những định đề áp đặt hoặc coi như đã giải quyết trọn vẹn. Mặt khác, vào những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, ông đã sớm có sự nhạy cảm trong việc tiếp nhận các phương pháp mới của triết học Tây Âu, chẳng hạn cấu trúc luận, phân tâm học, cả học thuyết tương đối của Albert Einstein nên có được cách lập luận đa dạng, với những thao tác không một chiều, cứng nhắc, giúp độc giả soi nhìn đối tượng từ nhiều phía, và làm cho luận thuyết của mình có sức hấp dẫn.

Nhận định này được các học giả, các nhà nghiên cứu An Việt ở hải ngoại rất hài lòng với niềm tự hào, tuy nhiên nhận định vẫn nằm trong Bách Khoa Thư.

Cổ xúy tích cực cho Văn Hóa Việt Nho và Triết Lý An Vi là Đại gia đình An Việt ở hải ngoại, như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Canada, Australia, Đài Loan... Trụ sở chính đặt tại London, Anh Quốc với một Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục Văn Hóa Việt Nam. Đào tạo các môn Lịch sử, Văn chương, Triết học Phương Đông, Việt Nam học, Cổ ngữ, Văn Minh Nhân Loại ... và cấp chứng chỉ Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Có thể kể tên một số nhân sĩ, học giả, các nhà nghiên cứu như Vũ Khánh Thành (An Việt UK), Việt Nhân, Lê Việt Thường, Vũ Đình Trác, Cung Đình Thanh, Đỗ Thành, Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn Văn Tuấn, Đông Lan, Lê Văn Sĩ, Trần Đại Sĩ, Trần Văn Đoàn, Thái Đông A, Phạm Trần Anh, Nguyễn Sơn Hà và rất nhiều học sinh, sinh viên, đồng bào Việt Nam ở xa Tổ Quốc.

Sang thế kỷ 21, nhờ những khám phá di truyền học về nguồn gốc dân cư phương Đông, tư tưởng của Kim Định được chứng minh. Không những thế, sự thật được khám phá còn tuyệt vời hơn cả ý tưởng ban đầu của ông: hành trình của nhân loại không phải từ Nam Thiên Sơn vào Trung Hoa mà từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa 40.000 năm trước. Đúng như dự cảm thiên tài của Kim Định, sự thực đã chứng tỏ, khi người Việt làm nên dân cư Trung Hoa thì cũng sáng tạo văn hóa Trung Hoa. Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Tất cả những thành tựu văn hóa kỳ vĩ của Trung Hoa như Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Lễ… đều là sản phẩm sáng tạo của người Việt!

Ngày 29 tháng 9 năm 1998 đóng cột mốc son trong lịch sử khoa học nhân văn thế giới, khi nhóm nghiên cứu do Giáo sư J.Y Chu đứng đầu công bố công trình nghiên cứu “Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc”, bằng công nghệ gene đã phủ định Thuyết Đa vùng về nguồn gốc loài người thống trị trước đó, khẳng định sự thực sau:

  1. Người hiện đại Homo sapiens được sinh ra từ Đông Phi khoảng 160.000 đến 200.000 năm trước.
  2. Người tiền sử từ châu Phi băng qua Hồng Hải, men theo bờ biển Ấn Độ dương tới Việt Nam 60.000 đến 70.000 năm trước.
  3. Tại Việt Nam, họ hòa huyết, tăng số lượng rồi 50.000 năm trước di cư ra các đảo ngoài khơi Đông Nam Á, tới Ấn Độ. 40.000 năm trước, khí hậu phía bắc được cải thiện, họ đi lên Trung Quốc và khoảng 30.000 năm cách nay vượt qua eo Bering sang chinh phục châu Mỹ.

Thông tin trên gây chấn động giới khoa học Mỹ vì nó có ý nghĩa lật đổ Thuyết Đa trung tâm về nguồn gốc loài người và mở ra viễn cảnh to lớn cho khoa học nhân văn thế giới.

Đây là một phát hiện mang tính nền tảng, khẳng định dấu mốc lịch sử về cư dân, chủng tộc, địa bàn sinh sống và định cư của người Việt từ thái cổ. Và khi Thuyết một trung tâm thắng thế, chúng ta có thể an nhiên lật từng trang sử theo thứ tự mà nó đã từng tồn tại. Từ chủng tộc đến ngôn ngữ và văn hóa. Từ Đại chủng Viêm Việt đến Bách Việt, Văn lang, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam… và đến nay là Việt Nam.

Trên đây là những phát hiện độc đáo của Triết gia Kim Định về tư tưởng văn hóa đã khởi phát và thức tỉnh tâm thức mỗi người dân Việt, lan tỏa và ảnh hưởng tới giới trí thức khắp Đông Nam Á, Âu, Mỹ và Thế giới.

Những tác phẩm của Triết gia đã trở thành nguồn tư liệu quý giá và được đặt vào vị trí trang trọng trong Thư Viện Quốc gia và Quốc tế.

Văn Hóa Việt Nho và Triết lý An Vi với đỉnh cao là Minh triết Việt là hiển nhiên và hiện diện, là niềm tự hào và niềm tin hướng tới tương lai.

Tháng Năm 2015

Nguồn tài liệu tham khảo:

  • Về nguồn gốc và hành trình chiếm lĩnh trái đất của loài người: xem các trang bradshowfoundation.com và alice-roberts.co.uk với youtube.com/watch?v=vwa6o-s1Yvs - Hành trình vĩ đại của nhân loại- youtube.com/watch?v=FxstOfFUlSY&feature=endscreen&NR=1, Châu Á.
  • Kết quả xác định chủ nhân văn hóa và nông nghiệp đầu tiên trên thế giới – Đề tài Đa dạng di truyền người Trung Quốc, nghiên cứu Cổ nhân học bằng xét nghiệm ADN của Nhóm Giáo sư người Mỹ gốc Trung Quốc Chu J.Y, Texas Universityet al: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci. USA 1998 No. 95, p. 11763-11768.
  • LI YIN, Distribution of halotypes from a chrosmosomes 21 Region - distinguishes multiple prehistotic human migrations - Proc.of Natl. Acad. Sci - USA, Vol.96, pp. 3796-3800 (1999).
  • Stephen Oppenheimer, Địa đàng ở Phương Đông bản PDF free trên mạng.
  • Triết giaKim Định, 32 tác phẩm (còn gọi Kinh Việt Nam) và các nghiên cứu của nhiều tác giả về Văn Hóa Việt Nam - vietnamvanhien.net, dunglac.org, minhtrietviet.net, laclong.tk, anviettoancau.net.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thời Hùng Vương tổ tiên ăn mặc thế nào?

    14/04/2016Nguyễn Vũ Tuấn AnhNgười Việt thời Hùng Vương đã có một nền văn minh rực rỡ, xứng đáng với danh xưng văn hiến trải gần 5000 năm, một thời huyền vĩ bên bờ nam sông Dương Tử.
  • Lương Kim Định một gương mặt sĩ phu lớn thế kỷ XX

    06/07/2015Nguyễn Khắc MaiTưởng nhớ Triết gia Kim Định, tôi hình dung tới một cây cổ thụ sum xuê, tỏa bóng. Dẫu cổ thụ nào cũng có cành cộc, nên chớ làm con kiến leo ra leo vào. Hãy cố trèo cho đến cành cao, bằng không thì đứng tựa thân cổ thụ nhìn xa ra một chân trời mới, tìm cho mình một Đạo trường , để cho mình được sống An vi, Nhân bản, như cánh diều buộc nơi gốc cây, bay bổng trên trời cao, vẫn níu giữ, gắn liền với nguồn cội...
  • Kim Định không là một sử gia

    06/07/2015Việt NhânTheo thiển ý, trước hết Kim Định là một Triết gia, không những thông suốt về Triết Tây mà cả Triết Đông nữa, phần quan trọng nhất của Công trình của Kim Định làTriết lý An Vi. Triết lý An Vi là một tổng hợp về Triết lý Vô thể của Đông phương và Triết lý Hữu thể của Tây phương. Triết Đông chuyên về lãnh vực Vô thuộc Tâm linh, còn Triết Tây chuyên về lãnh vực Hữu thuộc lãnh vực Thế sự của Thế giới Hiện tượng ...
  • Sử gia lớn nhất (không ai biết đến/không được công nhận) của Việt Nam

    06/07/2015KelleyKhi đọc những gì ông đã viết, không cần nhiều thời gia để kết luận rằng Kim Định, cho đến nay, là sử gia táo bạo nhất và giàu trí tưởng tượng nhất mà Việt Nam đã từng biết. Nói đơn giản, Kim Định là một thiên tài. Tuy nhiên, theo như tôi có thể nói, không ai có thể nhìn thấy thiên tài trong những gì ông đã làm...
  • Tác phẩm của triết gia Kim Định

    06/07/2015Nếu đề cập đến Thành Tựu Văn Hóa của Cố Triết Gia KIM ĐỊNH thì có lẽ Ngài đã thực hiện được một TỔNG HỢP Đông Tây về phương diện Triết Học dựa trên những Nguyên Lý của nền Siêu Hình KINH DỊCH đồng thời thâu tóm TINH HOA các bộ môn Khoa Học, Triết Học Hiện Đại. Thành quả là một Công Trình Văn Hóa đồ sộ bao gồm khoảng 45 tập sách mà 32 Tác Phẩm Triết Học đã ra đời xoay quanh hai Chủ Đề Chính Yếu là AN VI và VIỆT NHO...
  • Triết gia Kim Định với minh triết Việt

    04/07/2015Hà Văn ThùyĐơn thương độc mã và chịu nhiều sự đả kích, trong 50 năm qua, triết gia Kim Định đã có những khám phá độc đáo về Minh triết Việt. Tiểu luận này bước đầu trình bày những cống hiến của ông...
  • Vài lời chia sẻ nhân đọc các bài về lịch sử và văn hóa Việt Nam trên vanhoanghean.com.vn

    03/07/2015An Vi LeTôi cũng là độc giả của Văn Hóa Việt Nam (VHVN), đặc biệt là Văn Hóa Việt Cổ (VHVC) từ thời các vua Hùng trở về trước từ 5.000 đến 7.000 năm, bởi vì thời kỳ này rất ít các nhà nghiên cứu Việt Nam đi sâu vào và nó tạo niềm cảm hứng và ấn tượng sâu sắc khi tiếp cận...
  • Triết gia Kim Định với văn hoá dân tộc

    28/05/2015An Vi LêTinh thần Văn Hóa ấy đã lọt vào mắt xanh của Triết gia Kim Định qua những tác phẩm trong “Kinh Việt Nam” và trở thành “Hiện tượng Kim Định” trong lĩnh vực Triết học văn hóa và Triết học sử Việt Nam, có ảnh hưởng rất lớn tới các nhà nghiên cứu văn hóa & lịch sử như Trần Quốc Vượng, Nguyễn Khắc Mai, Trần Ngọc Thêm … chưa kể đến trường phái An Vi ở ngoài nước với Trung tâm An Việt toàn cầu tại London, England...
  • Tâm linh: Nguồn sống và nguồn sáng của mùa xuân

    27/05/2015An Vi LêSuy đến cùng Tâm Linh chính là nền tảng của Văn Hóa Việt Nam từ cội nguồn. Tâm Linh vừa là nền móng vững bền, vừa là cái cột trụ trời, là cõi siêu linh của Văn Hóa Việt. Hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc trưng siêu việt về cả Văn lẫn Vật, cả Văn lẫn Hiến, tự hào là: "Đất Nước Ngàn Năm Văn Vật và Văn Hiến Chi Bang."...
  • Cách tiếp cận các công trình nghiên cứu Nguồn gốc dân tộc

    16/04/2015Việt Nhân & Lê An ViViệc giải nghĩa thuật ngữ, từ ngữ trong các công trình nghiên cứu, cụ thể là các tác phẩm của các nhà nghiên cứu thuộc nhóm An Vi là một việc quan trọng và cần thiết...
  • Kim Định với việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam

    09/03/2015GS.TSKH. Trần Ngọc ThêmBài viết gồm bốn nội dung: (1) Hiện tượng Kim Định; (2) Những điểm mạnh và những thành công của Kim Định; (3) Những điểm yếu và những hạn chế của Kim Định; (4) Cơ hội, thách thức và những trách nhiệm của chúng ta.
  • Về một thái độ vị chủng văn hóa

    29/07/2014Đỗ Minh TuấnCông trình là những đóng góp đáng trân trọng ghi nhận như là một trong những viên gạch đầu tiên lát trên con đường xây dựng một khoa học về văn hoá. Nhưng chính trong những mặt mạnh này công trình Tìm về bản sắc văn hoá dân tộc của Trần Ngọc Thêm cũng bộc lộ những hạn chế mà chúng tôi xin phân tích cụ thể dưới đây để mong rút kinh nghiệm cho những công trình tương tự...
  • Bước đầu tìm hiểu sự nghiệp triết gia Kim Định

    24/12/2012Hà Văn ThùyTôi xin trình bày ba vấn đề: Thứ nhất, đôi dòng về cuộc đời triết gia Kim Định. Thứ hai, bước đầu tìm hiểu sự nghiệp triết gia kim Định. Và thứ ba, thử đánh giá công hiến của triết gia Kim Định...
  • Một số ý kiến về minh triết Việt

    02/01/2010TS. Hồ Bá ThâmLàm rõ đặc dểm và vai trò của minh triết Việt Nam trong lịch sử trong quá trình tiến lên văn minh, hiện đại...
  • Trở về cội nguồn minh triết Việt

    10/10/2009Hà Văn ThùyTrong ý nghĩa nào đó thì minh triết là “Sự khôn ngoan và sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa và tỏa năng lượng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.” Vì vậy, muốn tìm cội nguồn của minh triết, trước hết phải tìm ra cội nguồn văn hóa.
  • xem toàn bộ