Họp lớp cũ

06:39 CH @ Thứ Hai - 11 Tháng Tám, 2008
Nguyễn Việt Hà bao giờ cũng thế. Luôn chỉ là chính mình. Giọng giễu nhại thường quen. Hả hê chen phiền muộn, huỵch toẹt lẫn vào khôn khéo. Không hề muốn che chắn sau hào nhoáng nhung lụa tu từ.

Dù khá điệu đà. Chẳng mấy nhọc lòng nhận thực phong cách Hà, chỉ cần đọc mấy dòng đầu. Nhưng giễu cợt kiểu Hà thì phải là dân Hà Nội chính hiệu "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm" (Nguyễn Đình Thi). Và "chỗ trũng văn hoá" này, Hà-Nội-thành-phố-làng-to, đến lượt nó, đáng được hưởng cử chỉ tử tế, phong nhã, âu yếm của cái viết Việt Hà: "thương nhớ đồng quê".

Chẳng riêng gì truyện này, thường khi, nhân vật chính của Hà là tâm trạng trữ tình,với phức cảm "xanh vỏ đỏ lòng" rất riêng của chủ thể viết. Thế đấy. Hà trúng chóc là thị dân Hà Nội hiện đại: tự mình mua sầu chuốc não, "vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa" (Nguyễn Du)...


Nguyễn Thị Minh Thái

Thằng Quốc đến đón tôi bằng chiếc xe hơi bốn chỗ, đệm ghế mới hăng một mùi của rau diếp cá. Tôi loay hoay chui vào xe, giống như lúc nãy thằng Quốc loay hoay giữa mẹt bánh cuốn của con Nhung "rỗ" nhà ở tận Thanh Trì và gánh bún bò giò heo lấn vỉa hè của em Lan "đít to" gốc ba đời Hà Nội nhưng giả giọng the thé nói dối khách hàng mình là người Huế.

Nguyễn Việt Hà (là bút danh, tên thật là Trần Quốc Cường)
Sinh ngày 12.7.1962
Nơi sinh: Hà Nội

Tác phẩm: "Cơ hội của chúa" (Tiểu thuyết - Nhà xuất bản Văn học - 1999), "Khải huyền muộn" (Tiểu thuyết - Nhà xuất bản Văn học - 2005), "Của rơi" (Tập truyện ngắn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2002).

Hôm nọ, thằng Quốc rủ tôi đi hát karaôkê bằng taxi, rồi hai đứa đi chơi gái. Nó bảo cái con bé ở phòng nó là còn trinh, giá thị trường chẵn sáu triệu. Hôm sau tôi vô tình đọc báo thấy có bài "phá một đường dây trinh nữ rởm" với bông gòn thấm tiết lợn, cũng đúng giá sáu triệu.

Thằng Quốc lái xe bằng một tay, nửa như khoe nửa như muốn đầu tôi được văn minh khai mở, nó bấm ổ đĩa CD đang nhấp nháy đèn xanh. Màn hình sát mặt tôi hiện lên cô ca sĩ má phinh phính bụ bẫm bánh đúc. Vài tháng gần đây, tôi hay bị nhìn cái mặt chua loét này, cô ta là thần tượng của vợ tôi.

- Vợ mày thế là hỗn. Rất không được, mày là thằng đàn ông thì phải biết bảo nó.

- Thôi mà, mày chấp làm gì cái bọn nhà quê ấy.

Tất nhiên, giá lúc nãy thằng Quốc vào nhà tôi nó cho mấy đứa nhóc vài thanh sôcôla hay cái quái gì đấy thì chắc vợ tôi đã lịch sự chào nó. Nhưng cũng giống như nhiều đứa đi Đức về có lắm tiền, thằng Quốc đã học được cái thói tằn tiện tiết kiệm Giécmanh rồi vô thức trở thành bần tiện.

Ngày xưa, cách đây khoảng hai chục năm, thằng Quốc tiêu hoang lắm. Nhà nó gốc tư sản, bốn anh em trai chia nhau thừa tự một ngôi biệt thự cũ ở phố Lý Thường Kiệt. Các anh nó đều độc thân, làm những nghề buồn buồn vớ vẩn, hoặc dịch sách hoặc khảo cứu tư liệu Hán Nôm cổ.

Thằng Quốc giống mẹ, đảm đang tần tảo không thích chữ. Vừa hết phổ thông, nó phá ngang tìm cách đi xuất khẩu lao động. Bố nó rúm ró, ngồi dưới mấy cái hoành phi câu đối chỉ khe khẽ lắc đầu. Hồi Pháp thuộc, bố nó là ông Tín Minh vô cùng hoành tráng, nhưng sau mấy đợt cải tạo tư sản tư doanh thì ngay cả nói với vợ cũng rón rén thầm thì.

Tôi với thằng Quốc học chung lớp suốt mười năm phổ thông, hầu hết các kỳ nghỉ hè tôi đến ở nhà nó nhiều hơn ở nhà tôi. Mẹ tôi hồi chưa mất thường nói là nhà nó đặc biệt có phúc, anh trên em dưới biết thương yêu tôn trọng nhau. Thằng Quốc vất vả kiếm tiền, quen thói nhìn đời qua lỗ đồng xu, nhưng cũng tự hào gật gù công nhận. Tuy nhiên nó cho rằng, các anh nó trong trắng tử tế đến vậy là vì đều không có vợ. Bây giờ tôi đang có ba con gái và một vợ là đàn bà, tôi thấy nó nói cũng khá chí lý.

Thằng Quốc bỗng bật văng tục, nó dúi dụi phanh, suýt đâm phải một nàng thiếu phụ đi Vespa LX đột ngột rẽ trái theo cái kiểu thôn nữ ngây thơ đạp xe đường làng. Thằng Quốc cằn nhằn là Hà Nội của nó hôm nay sao mà ồn tạp nhếch nhác. Ở bên kia á, thì quên mẹ nó đi. Kể cả mày cực kỳ nhà quê nhưng đã vào phố lớn là phải ngăn nắp sang trọng.

Tôi định a dua, chửi đổng vài câu cho thằng Quốc vui. Hà Nội mười năm gần đây đang ở thời kỳ quá độ văn minh. Nếu chỉ nhìn ngoài đường thì bố thằng nào biết đấy là quê hay là tỉnh. Ông giống thằng, thằng giống quý bà, còn quý bà thì nhang nhác như cave đồng chiêm trũng.

- Tao với mày bây giờ đi qua đón thầy Phấn, sau đó lên thẳng quán "Legend" bia.

Thằng Quốc về nước lần này rất ngạc nhiên khi biết năm ngoái lớp cũ phổ thông bỗng dưng mò mẫm được nhau ngồi họp lại. Tất cả là nhờ công của cái Hồng lớp phó, nó quờ quạng ăn rùa chừng dăm tỉ cổ phiếu chứng khoán, nổi hảo tâm đi tìm địa chỉ của từng đứa một. Nó tìm đến nhà tôi lúc tôi đang cởi trần ngồi phân loại rau. Khoảng chục năm trước tôi cưới vợ, nó là đứa duy nhất ở lớp phổ thông cũ tôi mời.

- Ơ, tớ tưởng cậu là đi làm ở cái viện toán hay hoá gì cơ mà".

Tôi bảo rằng tôi đã về mất sức. Vợ tôi đang cho đứa út ăn bột cười khẩy giải thích. Không phải thế đâu chị ạ, người ta cho cái ông ngớ ngẩn này giảm biên chế. Thời nào cũng vậy, miếng ngon vào hết người khôn.

Cái Hồng thông cảm chia sẻ, dúi vào bỉm con bé tờ hai trăm ngàn đồng. Con bé đang đầy mồm bột bỗng khanh khách bật cười thành tiếng, hy vọng lớn lên nó sẽ thành quan to, mới tý tuổi đầu đã biết hớn hở thích hối lộ. Tuần trước, thằng Quốc bắt tôi đi tìm cái Hồng để tổ chức họp lớp lại. Tiền nong chẳng là cái đinh gì, nếu mày đã tha hương thì mày mới thấy bạn xưa thầy cũ là quý.

- Mày còn gặp em Tú không?

Em Tú "vịt" ngồi phía trên tôi một bàn, có phao câu to đùng, nhà bán bún măng khét tiếng phố Cầu Gỗ. Ở những năm ấy, Hà Nội ít có người ăn ngan. Thằng Quốc và Tú "vịt" yêu nhau, thầy Phấn chủ nhiệm nghe đồn, bắt hai đứa phải viết kiểm điểm.

Thằng Quốc tâm sự, người em hoi hoi nồng nồng mùi húng, nhưng ti em tròn cực kỳ và nó sờ mãi không thấy núm. Năm ngoái, em Tú đến họp lớp đi xe Honda Civic một chấm tám, đẫy đà có ba đứa con, lạch bạch ra dáng thương gia lớn. Mông em đã thon nhiều vì em hay phải đi xa làm từ thiện.

Nghe tôi kể, thằng Quốc đần mặt hoài niệm, khoé mắt long lanh ký ức cũ. Hình như mối tình đầu nào cũng làm bất cứ ai bị nghẹn ngào nhớ.

Tôi dẫn thằng Quốc đến khu chung cư cao cấp nhà cái Hồng, vì năm ngoái tôi có đi ké cái xe Le Xợt của nó về cùng thầy Phấn. Khu chung cư này toàn bọn giầu mới, nồng nặc mùi tiền phảng phất như mùi rau cải thối.

Thằng Quốc đi thang máy, mắt nhìn rộng quanh hành lang vẻ mặt hơi choáng vì thấy nội thất hợm hĩnh cầu kỳ. Cái Hồng có nhà, ngồi bơ vơ giữa phòng sạch không đồ đạc. Nó phờ phạc pha nước mời khách, vừa lảm nhảm kể lể. Chứng khoán xuống dã man, nó thua lỗ gần trắng tay. Nó không làm trưởng ban liên lạc nữa mà thay nó là cái Thuỳ Hương.

Thằng Quốc à, vẻ xốn xang, ngày xưa nó suýt bỏ Tú "vịt" vì mê nàng này. Cái Hương không những là hoa khôi lớp tôi mà còn là tầm cỡ người đẹp toàn trường. Tôi hồi ấy còi gí, nhưng đũa mốc cũng đua đòi mâm son, tặng nàng khoảng chín bài thơ trong đó bảy bài là đạo văn người khác. Năm ngoái họp lớp, cái Hương đưa tôi xem lại sổ lưu niệm vẫn giữ nắn nót chữ tôi. "Nàng là tuyết hay da nàng điểm tuyết. Nàng là hương hay nhan sắc lên hương". Nó tâm đắc, càng già lại càng thấy hai câu thơ của cậu tuyệt hay.

Cái Hương tuy lẳng lơ xinh nhưng dốt văn, nó không hề biết đấy là thơ của ông Bích Khê tả một thiếu nữ đang cởi truồng. Cái Hồng kể là cái Hương mới lấy một ông quan chức cỡ Bộ, giầu dã man. Tôi có biết cái ông đó, ông ta hay lên tivi rưng rưng nói về những chính sách thắt lưng buộc bụng. Căn phòng cũng như xe hơi của cái Hồng đều bán cho vợ chồng nhà ấy.

Tôi nhớ hôm họp lớp nó còn độc thân, tôi với nó ngồi hai bên thầy Phấn ở băng sau, còn cái Hồng thì lò dò tự lái. Tôi bỗng hoang mang thở dài. Mà thôi, tôi cũng chẳng muốn nhớ nữa. Thằng Quốc xin số mobile cái Hương, một số vừa độc đáo vừa dễ nhớ.

Tối qua tôi bảo vợ là hôm nay thằng Quốc sẽ đón tôi đi họp lớp, thị cáu kỉnh buông gọn lỏn "Rặt những đồ rửng mỡ". Vợ tôi hay cằn nhằn, giống y hệt tính thằng Quốc. Tất nhiên, vấn đề không ở tầm vĩ mô như ở thằng bạn tôi. Thị thường tủn mủn rền rĩ là giá gạo tăng, giá điện tăng mà giá rau của thị chẳng chịu tăng. Tôi gọi vợ tôi là thị Nơ, gọi to hẳn hoi, và vợ tôi hơi nhíu mày cố nghĩ xem có ẩn ý xỏ xiên gì không.

Phải mã hoá như thế vì một phần hồi con gái cô ta khá xinh, phần nữa là cẩn thận để đánh lạc hướng, bởi tuy mới học hết lớp 7 trường làng nhưng có thể kiến văn cô ta biết tới thị Nở. Văn học phổ thông nước nhà, sau ông Tố Hữu thì ông Nam Cao cũng được nhắc nhiều.

Vợ tôi hồi chập chờn yêu tôi, loay hoay giúp mẹ bán rau rong ở ngay đầu vỉa hè nhà tôi. Mẹ vợ tôi mặt tròn phúc hậu, người phía mạn Sơn Tây có núi "Ba vi" lang thang mây trắng. Bà nấu ăn tuyệt ngon và không hiểu sao cứ coi tôi là người hiền lành có học. Bà rụt rè thầm thì trình bày với mẹ tôi, người cho phép bà giấu rau vào nhà mỗi khi có xe công an phường đi tuần, cũng đang sốt ruột về thằng con trai độc đinh đã ba mươi hai tuổi mà vẫn chưa vợ. Suốt bốn đời gần đây, họ nội đằng tôi chỉ lần lượt duy nhất có một đứa con trai.

Mẹ tôi tuy con ông đốc tờ Tây học, nhưng kể từ khi về làm dâu đâm bị ngấm đẫm cái phong khí nho giáo của nhà chồng. Hồi chưa mất, cụ luôn có hai điều lo lắng ám ảnh. Một là đứa cháu nội đích tôn. Hai là phải giữ bằng được căn nhà hương hoả. Cụ xét nét ngắm nghía đứa con dâu tương lai thua tôi gần một giáp rồi gật đầu.

Tính tôi phiên phiến không trầm trọng, cho dù không thể nuốt nổi bất cứ hàng bún nào ngoài quận Hoàn Kiếm, nhưng nếu đổi được nhà để vừa thêm tiền vừa rộng rãi thì tôi cũng ầm ừ đồng ý. Tất nhiên thị Nơ trừng mắt khăng khăng không chịu. Ngay cả chuyện thêm một thằng cu cũng là chuyện của thị Nơ.

Vợ tôi và mẹ tôi hợp nhau đến mức kỳ lạ, có lẽ do cùng chung nỗi lo về một thứ của nợ là tôi. Mẹ tôi mất lúc thị Nơ đang mang bầu con bé thứ hai. Vợ tôi cầm bàn tay dăn deo của mẹ tôi áp vào cái bụng sồ sề của thị, không dám nói thật. Hôm trước thị ngấm ngầm đi siêu âm giới tính. Tôi chờ ở ngoài phòng khám, chỉ cần nhìn thấy cái mặt nhăn nhó bầm tím của thị là tự biết đừng có dại mà hỏi.

Mẹ tôi ốm tai biến mạch máu não bán thân bất toại nằm liệt gần ba năm, thị Nơ ngay cả lúc bụng chửa vượt mặt thì không ngày nào là không bế bà đi tắm. Rồi thị đút thức ăn cho cụ, rồi mátxa đấm bóp. Hồi ấy tôi cãi nhau với lão viện phó đĩ tính ngu dốt, nổi máu ngông kẻ sĩ từ thời cụ nội, bỏ về mất sức một cục phụ việc lặt vặt cho vợ. Gánh rau của thị Nơ được tiếng là rau sạch nên đông khách quen, bữa ăn của mấy bố con tàm tạm có cá có thịt.

Tính thị Nơ tằn tiện, sáng ra bố con tôi đi ăn phở còn thị nuốt cơm rang. Những ngày giỗ bố mẹ chồng, thị làm hoành tráng một mâm cỗ đủ bốn bát tám đĩa rồi lầm rầm nức nở khấn khứa rất lâu. Tôi nghe lỏm thấy thị hứa là hạ quyết tâm sẽ có một đứa con giai và tuân theo ý ông bà có chết đói cũng không bán nhà.

Cách đây năm rưỡi khi đẻ con bé thứ ba, thị Nơ suýt chết vì không chịu mổ. Thị bắt đầu lên kế hoạch gạ gẫm tôi đẻ đứa thứ tư. Tôi sẽ thua thôi chứ biết làm thế nào. Tổ quốc bi tráng của tôi từ bao đời nay đều do những người mẹ, người vợ gìn giữ.

Thằng Quốc theo tay tôi chỉ, đỗ sát xe vào cổng sắt nhà thầy Phấn. Nó hơi tròn mắt khi thấy căn nhà xây giả kiểu vila nằm sang trọng giữa một ngõ rộng. Hồi thầy Phấn làm chủ nhiệm lớp tôi, giống như biết bao ông giáo, thầy tùng tiệm nghèo. Thầy Phấn dạy văn, để râu lưa thưa gần giống một hoạ sĩ, nổi tiếng toàn trường là uyên bác, phóng khoáng vô tư.

Cái hồi 20 tháng 11 năm cuối cấp, chúng tôi lóc nhóc bẩy tám thằng con trai mua cam đến thăm thầy. Thầy Phấn ngồi giữa đám con gái dậy thì lớp tôi, phê phê nổi hứng nghệ sĩ vừa uống rượu chanh mậu dịch vừa du dương hát. Bọn con gái tồ tệch, nghịch ngợm biết thầy say, có đứa cứ đứng sát sau lưng mân mê tai thầy.

Thằng Bình "gỉ", bây giờ làm giám đốc một ngân hàng khả nghi nào đó, khoe khoang giắt theo một cái bút Kim Tinh do bố nó đi công tác Trung Quốc về tặng. Ở thời trong trắng khốn khổ ấy, bút Kim Tinh là vật xa xỉ đắt tiền. Thằng Bình mải liếc trộm vú cái Thuỳ Hương để rơi bút trên giường nhà thầy. Hôm sau đến lớp, ngay đầu tiết thầy trân trọng nói "Hôm qua có em nào tới thăm thầy, muốn tặng thầy cái bút. Nhưng có lẽ rụt rè không dám nói nên có để lại chỗ đầu giường. Thôi thì thầy đành cảm ơn và chúc các em luôn giữ được tính chân thành dạn dĩ". Tôi nhìn sang bàn thằng Bình "gỉ", mắt nó ngân ngấn nhìn lại tôi, mặt nó dài ra trông giống như mặt nàng ca sĩ má bánh đúc đang chua loét gân cổ gào điệp khúc bài "Tình thôi xót xa".

Tôi và thằng Quốc xuống xe bấm chuông. Căn nhà này thầy xây đúng vào năm thầy nghỉ hưu, thằng Bình "gỉ" nói là hoàn toàn bằng tiền thầy tiết kiệm. Thầy gửi sổ ở ngân hàng nó và con gái nó học lớp thầy luyện thi. Lò của thầy học phí khét tiếng là đắt nhưng tỉ lệ đỗ lại chót vót cao. Nàng Ôsin khoảng hai nhăm hai sáu õng ẹo ra mở cửa, khinh khỉnh nhìn chúng tôi.

- Họp lớp cũ hả. Thầy đi rồi, có cái chị tên là Thuỳ Hương gì đấy đi xe hơi một mình đến đón.

Giọng mát mẻ như hờn như ghen, thằng Quốc xa đất nước đã lâu nên không nhận ra được điều ấy, nó vừa đề xe vừa cằn nhằn.

- Thầy Phấn nghiêm khắc thế mà nuôi cái con người ở bố láo quá. Người Hà Nội càng ngày càng bị bọn nhà quê bắt nạt.

Thằng Quốc vừa tăng ga vừa vĩ mô ta thán. Với nó, duy nhất chỉ thấy tình bạn cũ, tình thầy xưa là ngăn nắp sang trọng. Tôi ngồi im, nhìn những biển hiệu hàng quán vùn vụt lướt ngược. Lần trước tan họp lớp về, sau bao nhiêu năm không gặp học trò cũ thầy Phấn cảm động uống hơi nhiều. Cái Thuỳ Hương và tôi phải dìu thầy vào băng sau của xe cái Hồng.

Từ quán Hoa Viên về nhà thầy khá xa, thầy mệt mỏi ngả đầu vào vai tôi. Tôi nhìn những sợi tóc bạc đã phủ dầy trên trán thầy, lòng bất chợt rưng rưng. Những sợi tóc mang màu phấn trắng.

Cái Hồng tay lái còn non, liên tục lập cập đạp phanh. Mỗi lần phanh gấp, tay của thầy Phấn lại vô thức rơi dần xuống ngực cái Thuỳ Hương. Trong xe không bật đèn, đôi lúc ánh đèn đường bên ngoài xanh đỏ loé vào. Tôi thấy tay thầy run run dừng lại ở đỉnh vú vẻ như thăm dò rồi từ từ co lại miết chặt. Cái Hương khẽ liếc sang tôi, tia mắt chớp nhanh giống như bao lần nó thành thạo quay cóp ở những kỳ thi có các giám khảo đẫm đầy đạo đức.

- Chết mẹ tao rồi, tao quên lẵng hoa đặt tặng thầy.

Chúng tôi mới vụt qua cửa hàng hoa chừng bốn trăm mét, nhưng đường một chiều không thể quay xe. Tôi bảo, tôi đi bộ xuống lấy cho rồi sẽ nhảy xe ôm cầm tới. Ôkê, thằng Quốc rút tờ năm trăm ngàn đưa tôi. Lẵng hoa quá đẹp, chạy giữa bát ngát những đoá hồng bạch là một băng lụa đỏ chữ vàng. "Không thầy đố mày làm nên - Học trò cũ lớp 10D kính dâng". Tự nhiên tôi thấy chán, tôi bảo tay xe ôm là chở tôi về nhà và định qua bãi rác nào đấy thì kín đáo vứt lẵng hoa.

Đường vẫn một chiều và tay xe ôm vô tình chạy ngang quán bia lớp tôi tụ họp. Hai cái loa thùng để ngay ngoài cửa, trong veo một giọng trẻ con hát bài "Bụi phấn": Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi... Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy. Tôi lưỡng lự xuống xe.

Hôm nọ, lúc ở nhà tôi, thằng Quốc xem tấm ảnh năm ngoái chụp cả lớp cũ với thầy chủ nhiệm, nó vụng dại giấu giếm lau trộm khoé mắt. Tôi thở dài chẳng muốn nghĩ gì, hai tay chầm chậm nâng lẵng hoa đi vào quán.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vây chặt

    27/05/2018Lưu Quốc Phương (Lê Bầu dịch)Người đàn bà đã có một lịch sử hôn nhân ngăn ngắn, sau khi kết thúc cuộc hôn nhân ngắn ngủi ấy kết thúc, người đàn bà ấy không nản lòng, và không mất hy vọng. Người đàn bà ấy mới có ba mươi tuổi, có thể gọi là còn trẻ, hơn nữa, lại rất xinh đẹp. Người đàn bà tự cảm thấy mình như một tờ cổ phiếu sáng giá, tất cả đều có thể bắt đầu lại từ đầu...
  • Khi người ta còn trẻ

    14/12/2017Nguyễn Thị Ngọc TúTôi đưa mắt nhìn đồng hồ. Bên ngoài, nắng đã nhạt và tắt dần. Các nhà đã lên đèn. Tại sao đến lúc này anh vẫn chưa về? Tôi điên lên nhìn mâm cơm nguội ngất và các nhà hàng xóm bát đũa đã kêu lách cách báo hiệu một ngày đã qua...
  • Ẩn sĩ và ẩn nhân

    24/02/2016Nguyễn Việt HàẨn sĩ còn gọi là u nhân, dật nhân, cao vĩ vân vân. Những người vốn có đạo đức tài năng có thể làm quan nhưng vì lý do khách quan hay chủ quan nào đó không bước vào hoạn lộ. Hoặc đang làm quan rất thuận lợi nhưng cũng vì lý do khách quan hay chủ quan nào đó mà rời bỏ quan trường tìm nơi để ẩn...
  • Truyện ngắn của "phu chữ" Lê Đạt

    03/05/2008Sưu tầmMi là người bình thường (NXB Phụ Nữ) là tập truyện ngắn thứ hai vừa được tái bản của Lê Đạt (sau tập Hèn đại nhân - NXB Phụ Nữ 1997). Sách rời nhà in vừa đúng ngày ông mất (21-4-2008)...
  • Văn học trẻ - khát vọng lối đi riêng

    27/04/2008Tiểu QuyênDù là phản ánh bức tranh cuộc sống hay một khoảng khuất riêng biệt, không ít nhà văn trẻ đang muốn nói tiếng nói riêng của mình với bạn đọc..
  • Cọng rêu dưới đáy ao

    22/04/2008Với cuốn "Chuyện làng ngày ấy", Võ Văn Trực đã cất tiếng kêu cứu về làng quê mình bị tàn phá và chứng minh một chân lý: Phá hoại văn hóa sẽ dẫn đến phá hoại lương tâm và con người dễ trở nên độc ác...
  • Tu bụi

    05/04/2008Trần Kiêm ĐoànCó lẽ đã rất lâu rồi mới lại có một cuốn sách cùng một lúc đạt đến nhiều tiêu chí như "Tu Bụi". Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử truyền tải nhiều nội dung Phật giáo đồng thời lại phân tích và lý giải rất sâu sắc những triết lý sống mà đạo Phật hướng vào...
  • Một tôi và một đám đông

    06/03/2008Nguyễn Thị Châu GiangChuyện tình bắt đầu từ bậc thang này. Không phải bậc thang trong một ngõ tối dẫn lên căn phòng tù túng có chiếc giường đôi phủ drap trắng vứt nhàu nhò quần áo. Không phải bậc thang dẫn lên quán cafe đèn mờ nằm trên gác có những mái tóc dài, ngắn trộn vào nhau lẫn lộn khói thuốc khét nghẹt...
  • Ăn phở rất khó thấy ngon

    25/02/2008Tản văn của Nguyễn Trương QuýĂn phở rất khó thấy ngon là tập tản văn của Nguyễn Trương Quý. Mọi người vẫn nghĩ những người đi làm công sở là một khối người không có nhiều biến động, chừng ấy mong muốn, chừng ấy nhu cầu và chừng ấy hành động...
  • Định vị toàn cầu

    04/01/2008Hà ThịNhững người đàn ông đang phiêu lưu trên đại dương thăm thẳm, đang liều lĩnh dấn thân vào sa mạc mênh mông hay đang mạo hiểm giữa hoang vu rừng rậm đều phải tìm đến một vì sao dẫn đường, một cột mốc, một dấu hiệu, một cái la bàn hay một tấm bản đồ để loay hoay dò dẫm tìm đường cho mình... Xưa quá rồi những chuyện ấy. Hãy nói cho các cụ ông ham thích việc bỏ nhà đi rằng thời buổi này chẳng ai cần nhìn lên những ngôi sao nữa. Sao có thể tăm tối nhạt nhòa hoặc không nhìn thấy khi trời mưa.
  • Kafka bên bờ biển

    21/11/2007Minh ThiLà một tín đồ của nhà văn bậc thầy Kafka, các tiểu thuyết của Haruki Murakami vẫn luôn đi theo dấu vết của "Hoá thân" theo phong cách hậu hiện đại...
  • Dịch giả Trần Hữu Kham viết cổ tích đời mình

    28/07/2007Mỹ LệDiễn tả hai bước ngoặt đời mình, anh dẫn lời đứa cháu: Một, khi anh mới bị mù - như chạm vào tận cùng sự bất lực - "Cậu Kham sao giống con heo quá! Suốt ngày cứ ăn rồi ngủ". Một, khi anh lấy vợ - lại ở trạng thái ngược lại - "Cậu Kham mà cũng lấy vợ hả? Sao giống chuyện cổ tích vậy?"...
  • Nhà văn Nhật Chiêu: Chơi cùng giấc mơ

    06/04/2007LINH THOẠI thực hiệnĐang được nhiều độc giả yêu mến như một dịch giả, một nhà nghiên cứu văn học nước ngoài, văn học Phật giáo và văn học Nhật Bản uy tín, Nhật Chiêu bất ngờ xuất hiện với những truyện ngắn gây xôn xao văn đàn, khởi đầu là Người ăn gió, rồi gần đây nhất là Mưa mặt nạ...
  • Bản lĩnh đàn ông

    06/02/2007Phan Thị Vàng AnhNgười đàn ông ấy bạn như đã gặp ở đâu đó, "bản lĩnh" ấy, tâm lý ấy hình như cũng quen quen. Đứng từ xa nhìn lại, quan sát và nheo mắt cười, Phan Thị Vàng Anh sắp kể với bạn một câu chuyện khác lạ với những gì mà tác giả của Khi người ta trẻđã từng kể nhiều năm trước đó. Không viết về những gì mình đã từng trải nghiệm nữa, thứ viết một cái gì không dính đến tình yêu xem sao, có lời thách đố đó hay không Vàng Anh cũng không nhớ nữa, nhưng chị lại nhìn thấy từ đó một thách thức, một hướng đi...
  • Kịch Câm

    06/11/2006Phan Thị Vàng AnhTừ đây, nó nghĩ, mọi thứ tự, luật lệ đã thay đổi: Với mẩu giấy này, nó trở nên một người có vai vế trong nhà, nó sẽ được tự do, tự do tiếp bạn bè và chiều tối, thoải mái mà đi chơi và nhất là, nó đã có cái cớ để đổ tội cho những sai lầm nếu có, sau này...
  • Sau những hẹn hò

    06/11/2006Phan Thị Vàng AnhTỉnh dậy thấy trời mờ mờ sáng và tiếng radio, tiếng trẻ con léo nhéo ngoài đường, tôi mất vài giây để xác định xem lúc này là năm giờ sáng hay sáu giờ chiều. Đầu giường, một phong bì với rất nhiều con dấu chồng chéo nằm đợi. Tôi cầm lên, nhìn qua một cái rồi nhét xuống dưới chiếu. Đây là chỗ tôi để thư, những cái thư tôi ghét...
  • Lỗ mọt

    14/03/2006Khôi VũNgười thợ sửa xe đạp ở góc ngã ba đường vào xã Quỳnh Giao có dung mạo của một người trên dưới 60 tuổi với cái trán đầy vết nhăn và hàm râu quai nón muối tiêu, rất ấn tượng với người mới gặp lần đầu.
  • xem toàn bộ