Ăn phở rất khó thấy ngon

06:21 CH @ Thứ Hai - 25 Tháng Hai, 2008

Ăn phở rất khó thấy ngon là tập tản văn của Nguyễn Trương Quý - tác giả cuốn Tự nhiên như người Hà Nội đã xuất bản năm 2004… Mọi người vẫn nghĩ những người đi làm công sở là một khối người không có nhiều biến động, chừng ấy mong muốn, chừng ấy nhu cầu và chừng ấy hành động.

Bề ngoài là như vậy, song với bản tính đa sự của mình, những dân văn phòng này lại phức tạp về chuyện nghĩ ngợi nhất trong xã hội.

26 bài viết của tập sách đề cập và xoay quanh các vấn đề cuộc sống văn phòng được thể hiện bằng giọng văn vừa thâm sâu vừa dí dỏm lột tả gần như hết sự thật ở cái nơi mà người ta chỉ dùng một từ dành cho nó “chán”.

Mời bạn cùng đọc và cũng “không chán” tới tận chữ cuối cùng của cuốn sách vì cái tài dẫn dắt, gài đặt vấn đề “cực khéo” của tác giả.


Đó là một cuốn tạp văn "moi" đủ thứ "lục phủ ngũ tạng" của đời sống thị dân ra mổ xẻ.

Ăn phở rất khó thấy ngon – cuốn sách mới thoạt nhìn cái bìa một tưởng sách nói chuyện ăn uống, lật sang bìa bốn thấy khịa chuyện đời sống văn phòng. Mượn chuyện này, nói chuyện kia… đó là cái thâm sâu không phải ai cũng làm được, mà đã làm được, ắt sẽ dễ làm người đọc có tật rục rịch giật mình. Vậy "Ăn Phở" nói gì về đời sống văn phòng đây, có phải cái từ “chán” mỗi người đều mở miệng để ra một dàn đồng ca “chán” phụ họa cho một đời sống công sở u ám.

Và như người từ trong ruột nói ra, như ở trong chăn thấy được con rận, "Ăn Phở" chỉ ra hàng loạt bệnh tật, thói quen, tính cách, suy nghĩ và tùm lum tà la thứ rất văn phòng, rất công sở, rất đời sống thị dân… mà càng đọc, người ta càng chán ngán nhận ra. Cái sự chán ngán ấy là nói về cảm giác như khi định bệnh, nhưng bằng cách viết ví von, so sánh xen lẫn triết lý kiểu Bắc kỳ càng làm cho người ta thấy sướng. Không phải người ta bệnh mà được nói đúng bệnh, là vừa thấy chán, vừa thấy sướng đó sao.

Nên này nhé, cái khổ sở làm sao sống cho vừa lòng mọi người cùng chỗ làm, làm sao tặng quà tạo hiệu quả cho không những sếp mà còn cả những cô giáo, người quen, cả chuyện ăn cưới hóa ra có nhiều chuyện nực cười, lẫn chuyện biết làm gì cho hết những ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần. Chuyện nghe bình thường mà thì ra rắc rối cả sự đời, nhức nhối cả suy nghĩ.

Những chuyện nghe bình thường thôi, mà sao không bình thường cũng được "Ăn Phở" tinh tế quan sát, rút ra bài học kinh nghiệm, rồi khịa vào cả trong trang viết. Như chuyện mượn miệng cậu bé mô tả buổi tối ấm cúng gia đình, hóa ra nghe rất đau đớn “nhà em chẳng ai nói gì, bố đi làm về mặt mũi vô cảm, mẹ làm bếp chỉ nghe tiếng dằn mạnh của dao băm xuống thớt, thế nhưng khi chiếc tivi được bật lên, bầu không khí gia đình bỗng như vui vẻ hẳn” để nói chuyện thực đơn buổi tối chẳng qua rất "dối". Tình hình mà nó tình hình là thế, nên chuyện bà con ở quê ra phố chơi, đi du lịch, nghỉ mát thoát khỏi thị thành, thưởng thức nghệ thuật hóa ra thành chuyện biết rồi, khổ lắm nói mãi nghe nhàm mà chẳng mấy (và cũng chẳng ai) đổi thay.

Để thấy thực sự phũ phàng là thế, đời công sở chán thật, chán như bát phở, cái món tự hào quốc hồn quốc túy, dẫu có “công nghiệp hóa” như phở 24, hay “gia truyền quát, tháo” cũng chẳng là chi hay ho hơn.

Cuốn sách 26 bài, mỗi bài chỉ dăm trang, viết dưới dạng tạp văn bằng một giọng điệu rất Bắc Hà thâm nho chọt chẹt nhẹ nhàng, moi đủ thứ lục phủ ngũ tạng của đời sống thị dân ra mổ xẻ. Sách phát hành trong dịp Tết nên có nhiều bài đề cập chuyện Tết xem ra cũng đáng đọc trong mấy ngày nghỉ Tết nếu chẳng biết đi đâu hoặc chẳng muốn đi đâu, hoặc ít ra trong mấy ngày sau Tết đến giờ làm nhưng chưa thấy không khí làm. Để thấy, liệu có phải, những nhân viên văn phòng, công sở ơi, liệu chúng ta có như một con lăn chạy với tốc độ chậm dần đều trên đường biểu đồ dốc xuống”.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tình là cái tình chát

    24/02/2016Tạp văn Nguyễn Trương QuýYêu qua mạng thì có gì mà phải rộn? Mười năm qua, tiến bộ về Internet và các dịch vụ trên mạng đã phát triển không ngừng. Hãng Yahoo lừng danh với phần mềm chất của mình đã làm lễ kỷ niệm 10 năm với nỗi lo bị các hãng khác cạnh tranh. Chát chít với hẹn hò nhau trên cõi ảo đã thành miếng đất hấp dẫn các nhà lập trình. Còn với dân văn phòng, đường yêu đương đã được mở rộng với những kênh thông tin hơn hẳn các cách thức cổ truyền...
  • Ăn phở rất khó thấy ngon

    25/02/2008Tản văn Nguyễn Trương Quý“Bây giờ ăn phở rất khó thấy ngon.” Đó là điều nhiều người Hà Nội nhận xét. Tại sao lại khó thấy ngon? Phở bây giờ, thịt nhiều, gia vị đủ thứ trên đời có sẵn, mà lại kém ngày trước? Không… tại vì phở đã có thêm thời gian để được xem như một món công thức, vừa như fast food, vừa như khẩu phần dinh dưỡng. Tại vì cái miệng lẫn cái đầu của người ăn phở càng ngày càng biết nhiều thứ dinh dưỡng khác. Đến một ngày đẹp trời, à thì ra thú ăn chơi của người Hà Nội nếu chỉ dừng ở phở thì mãi cũng… chán.