Nhà văn Nhật Chiêu: Chơi cùng giấc mơ
Đang được nhiều độc giả yêu mến như một dịch giả, một nhà nghiên cứu văn học nước ngoài, văn học Phật giáo và văn học Nhật Bản uy tín, Nhật Chiêu bất ngờ xuất hiện với những truyện ngắn gây xôn xao văn đàn, khởi đầu là Người ăn gió, rồi gần đây nhất là Mưa mặt nạ...
Như tìm thấy một tình yêu mới với cõi sáng tạo của chính mình, trong vòng chưa đầy một năm, Nhật Chiêu đã viết gần 30 truyện ngắn, tạo nên một phong cách mới ấn tượng. Kết quả của cuộc chơi mới về ngôn ngữ và niềm đam mê sáng tác của ông là tuyển tập truyện ngắn vừa ra đời - Người ăn gió và quả chuông bay đi (Công ty văn hóa Đông A và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2007). Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với ông xung quanh tập sách này.
* Ông có thể cho biết vì sao tập truyện được chia thành bốn phần: Bắt mộng, Hành trình, Trò chơi và Huyền ảo?
- Giấc mơ là một chủ đề trở đi trở lại trong tác phẩm của tôi. Có thể nói như tên của phần một tôi đặt cho tập sách: tôi là người cố gắng bắt mộng giống như người câu cá cố gắng bắt cá. Giấc mơ cũng thật như sợi tóc của ta, giọt nước mắt của ta, giọt mồ hôi của ta. Trong ta có một thần kinh nào đó tiết ra giấc mơ. Tuy ta không thể nhìn thấy và sờ thấy giấc mơ khi ta tỉnh thức nhưng giấc mơ vẫn còn đó. Tôi thường nghĩ rằng giấc mơ chứa đựng nhiều điều chân thật hơn là cuộc sống mà chúng ta nhìn thấy ở các đám đông. Đối với tôi, giấc mơ là rất thật và tôi muốn cho cái thật đó trình hiện.
Còn trò chơi mà người Ấn Độ vẫn quen gọi là lila không phải là một cái gì tào lao mà là một sự sống động trong thiên nhiên và thế giới. Ví dụ hoa nở tức là hoa chơi vậy. Chơi là một cái gì tự nhiên, không có mục đích. Chơi là thể hiện niềm vui của mình để hòa vào niềm vui của vũ trụ.
Tôi muốn nhìn cuộc sống này qua dạng thức giấc mơ và trò chơi, và nghệ thuật của tôi đích xác là vậy. Và đã là giấc mơ và trò chơi thì nó phải biến ảo. Nó không tự cố định vào bất kỳ khuôn mẫu nào cả.
* Truyện của ông có rất nhiều câu hỏi, đặc biệt như truyện Nàng đi đâu được cấu tứ chỉ toàn câu hỏi. Dường như chỉ có câu hỏi chứ không hề có ý định trả lời?
- Thật ra, trong thế giới nghệ thuật, đặt câu hỏi quan trọng hơn trả lời. Những câu hỏi nguyên sơ nhất thì không có nhiều, ví dụ như “ta từ đâu?”, “ta đi đến đâu?” là câu hỏi từ ngàn xưa. Trả lời thì cứ trả lời, câu hỏi trong nguyên tính của nó vẫn còn đó. Không vì anh trả lời rồi thì câu hỏi mất đi. Ở đây ta không nói tới những câu hỏi vụn vặt hằng ngày, ta muốn nói đến những câu hỏi bản nguyên (ví dụ: tại sao có, không có được không?). Hay “hạnh phúc là gì?”, “tình yêu là gì?” là những câu hỏi mọi người tự chứng nghiệm lấy, không ai trả lời thay ai được.
Tôi muốn trả về cho những câu hỏi bản nguyên tầm quan trọng của nó. Những câu hỏi xưa cũ nhưng mỗi lần nhắc lại là một lần mới.
Nhật Chiêu(ảnh): Trong nghệ thuật, người ta phải luôn sử dụng tối đa “quyền được khác”, do đó trước hết là khác với những cách làm đã trở nên khuôn khổ, sáo mòn và thứ hai là khác cả chính mình trong từng giai đoạn. Tất nhiên, ở một người sáng tạo, phải có cái gì đó là phong cách nhưng nếu cứ giẫm chân tại chỗ, tự mình bắt chước mình thì cũng sẽ là một thất bại. Tôi cố gắng tránh điều này trong khả năng và mong ước của mình. |
- Trong cái thế giới của kỹ trị và tốc độ của ngày hôm nay, tôi chỉ muốn tìm kiếm sự thanh thản qua cái đẹp của thiên nhiên và của những cuộc tản bộ lãng du chậm rãi, thật chậm rãi. Cái đẹp có thể hiển lộ qua nhiều điều khác nhau: cỏ cây, sông núi, trăng sao... và người phụ nữ là một biểu tượng của cái đẹp.
Một trong những tác phẩm tôi thích nhất của văn chương nhân loại là Hồng lâu mộng, tác phẩm đã làm nên một Hồng học đối lập với Kinh học.
Khi nhìn cuộc đời qua Kinh học, ta sẽ thấy vô số điều bịa đặt: nào danh, nào chí, nào tứ đức tam tòng, nào quân tử, tiểu nhân... Đó chỉ là những điều bịa đặt của một xã hội mà nam giới thống trị.
Với Hồng học, người ta không rập theo kinh điển mà nhìn cuộc đời qua cái đẹp, cho nên Giả Bảo Ngọc nhìn thấy trong vẻ đẹp của phụ nữ cái mà họ đáng được thấy. Sắc đẹp của phụ nữ không phải là bịa đặt. Tôi cũng muốn nhìn như vậy.
* Tập truyện này cũng như nhiều bài viết của ông luôn thấp thoáng hình ảnh đại thi hào Nguyễn Du, vì sao, thưa ông?
- Tôi có một tình yêu đặc biệt với Nguyễn Du. Như trong một bài viết gần đây, tôi đã mượn lời ca từ của Trịnh Công Sơn để nói về Tố Như: “Người ôm lấy muôn loài”... Trái tim của Nguyễn Du là một trái tim đầy tình yêu đối với muôn loài. Và do đó, khi nhắc đến bất kỳ trường hợp nào cũng có thể dẫn thơ ông. Tôi đã mượn từ ngữ của Nguyễn Du rất nhiều như “người ăn gió”, “bụi hồng chiêm bao”, “bạch dương”. Thế nhưng, tôi thích chơi đùa cùng Nguyễn Du hơn là đặt ông lên ngai thần tượng. Và tôi nghĩ Tố Như thích điều đó hơn. Do đó, trong truyện ngắn Bạch dương, tôi hình dung ông là một người gác thang máy, tất nhiên đó như là một trò chơi.
* Truyện của ông như thơ, và giữa những câu văn xuôi như thơ ấy lại thường rơi ra những câu thơ hay, cũng như những cách ngôn được trích dẫn khá đắt…
- Tôi yêu thơ ca và do đó khi viết văn xuôi, tôi vẫn bị tình yêu đó ám ảnh. Cho nên, thật tình khi viết, tôi trôi vào thơ hồi nào có khi không hay. Thậm chí những dòng thơ cứ tuôn ra như thể là tôi đang tiếp tục viết văn xuôi vậy.
Những câu cách ngôn minh triết thường xuất hiện trong truyện dường như là ngẫu nhiên, tình cờ nhưng nó tạo ra một nhân duyên nào đó và từ đó người đọc sẽ tự động bước ra ngoài văn bản của tác giả một chút để rồi bước vào lại với cái nhìn mới hơn.
* Ông nghĩ sao về nhận xét của một nhà văn thời danh về truyện ngắn của ông: “Đây là một hiện tượng của văn xuôi”?
- Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì truyện của mình được đón nhận nhanh chóng, vì tôi vẫn thấy rằng những gì mình làm trước tiên là chơi, và như thế tôi không ngại thể nghiệm. Mà thử nghiệm rất dễ dẫn tới thất bại, dị ứng. May quá, những cái tôi nghĩ sẽ bị phản ứng theo chiều hướng nghịch lại dường như chưa xảy ra. Nhưng thôi, không sao, khen chê là chuyện thường tình, nhưng tất nhiên rất vui nhận được sự đồng cảm, còn nếu có lời chê trách thì cũng không có gì đáng buồn.
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyRobert Langdon tái xuất trong cuốn sách mới nhất của Dan Brown
09/02/2018Thu HoàiBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhĐêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnĐi tìm cái tôi đã mất
29/05/2006Nguyễn KhảiCòn không chữ “hiếu”, chữ “tình”
17/11/2006Trịnh Thanh SơnTừ nguồn cội văn chương
06/11/2006PGS, TS Trần Thị TrâmĐọc tiểu thuyết "Dòng đời"
07/12/2006Phan Đình Diệu“Dựng lại” chân dung văn học: Cực khó!
26/04/2006N.L400 năm Đôn Kihôtê: Cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại
17/08/2005