Kafka bên bờ biển
Là một tín đồ của nhà văn bậc thầy Kafka, các tiểu thuyết của Haruki Murakami vẫn luôn đi theo dấu vết của "Hoá thân" theo phong cách hậu hiện đại.
Cụ thể, từ cái giếng sâu trong "Biên niên ký chim vặn dây cót", cho đến cửa mở vào một thế giới song hành với thực tại trong "Kafka bên bờ biển", đó là cách con người quán tưởng mình, "đào xới tầng tầng lớp lớp bên trong của bản thể" (ý của James Urquhart), xoá nhoà ranh giới về không gian.
Càng gần tới hư vô, vào khoảng trống không của một cõi, một thể khác, con người càng chạm tới cả hoan lạc lẫn nỗi đau. Nhưng những gì tưởng làm nên ký ức thì luôn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của thời gian, khiến người ta phải vứt bỏ tất cả, để tâm thế hoàn toàn trống rỗng, mới có thể rón rén chân không đi vào thế giới tưởng chừng siêu thực, nhưng lại ở ngay bên trong mỗi linh hồn.
Kafka Tamura, nhân vật chính mới 15 tuổi, đã bắt đầu cuộc hành trình từ một thực tại với lời nguyền rủa đáng sợ của cha đến một nơi xa lạ, đi qua những trải nghiệm không nói ra được, thậm chí, tiến sát đến cái chết, chỉ để tìm được đường trở về nhà. Số phận của cậu như một trò chơi quái dị, đã dẫn dắt Kafka đến với mặc cảm Oedipe, đến với sự phân tách hai nửa của một linh hồn, đến độc thoại với chính nội tâm-một nửa cái tôi của mình (nhân vật Quạ), cuối cùng tìm thấy lý do của cuộc dấn thân.
Cậu đã hiểu và không còn oán ghét cái vỏ xác bọc bản thể cậu, dòng máu trong người, gene di truyền của bố mẹ, bởi qua sự soi chiếu vào nội tâm của Oshima, một nhân vật trong truyện, thì đã hiểu ra rằng: "Nếu ta đảo ngược cái vỏ ngoài và cái cốt lõi - nói cách khác, coi cái vỏ ngoài là cốt lõi và cái cốt lõi chỉ là vỏ ngoài, thì cuộc sống của chúng ta ắt có thể dễ hiểu hơn nhiều".
Và một nửa của Kafka cũng nhận thức được rằng cậu đang "bị hút thỏm vào một đoạn cong vênh của thời gian". Thế giới luôn có độ cong vênh bởi nó ba chiều. Còn có một độ vênh nữa ở thế giới bên trong con người- mê cung của thời gian, nỗi sợ, cái chết, chỉ khi vượt thoát khỏi cái ngưỡng lầm lạc ấy, con người mới tìm thấy đích thực bản thể của mình.
Cùng song hành với Kafka, đi mấp mô giữa hai bờ siêu thực huyền bí và kỳ ảo, còn có một nhân vật hay hơn gấp nhiều lần - lão già mất một nửa bóng mình Nakata. Sau sự cố gặp vật thể lạ như chiếc B29 ở Đồi Bát Cơm, chỉ một mình Nakata bị thiếu hụt ký ức, không bao giờ tỉnh lại như một người bình thường. Nhiều năm sau, ông trở thành người tìm thuê mèo lạc vì nói chuyện được với loài mèo, có khả năng ngoại cảm.
Sau khi bị ép giết nhân vật kẻ diệt mèo Johnnie Valker- tượng trưng cho kẻ ác để giải cứu hai con mèo, Nakata buộc phải rời khỏi nơi lão từng sống, đi theo sự chỉ dẫn của một lực vô hình ở ngoài mình. Tâm tính hồn hậu như tờ giấy trắng của lão, cách nói chuyện ngây ngô, chất phác nhưng sâu sắc như một triết gia, những hành tung bí ẩn, cùng với những trận mưa cá, mưa đỉa, tảng đá mở thời gian, sự xuất-nhập hồn... đã tạo ra một nhân vật kỳ bí mà hấp dẫn, lôi cuốn người đọc từng phút một cho đến khi gấp sách lại.
Mỗi nhân vật trong truyện, từ khi xuất hiện cho đến khi lộ diện bản thể, đều có những tính cách hết sức riêng biệt, độc đáo. Họ đều lần lượt trải qua câu hỏi "Ta là ai?", vì sao sống một thời gian hoàn toàn cô độc trong rừng, thậm chí, người anh cũng trải qua mê cung trong rừng rậm để đi sang cõi khác. Cửa đã mở, luôn mở theo đúng thời khắc để mỗi người có cách hành xử đúng đối với đời mình, không bị cơn hư vô của cái chết mòn mỏi quật ngã hay chế ngự tinh thần.
Mỗi nhân vật gần như không rõ xuất xứ, nhưng thân phận của họ có thể sờ thấy được, nổi lên trên nền tác phẩm, trong "mê cung". Đồng thời, mỗi nhân vật đều đóng vai của một nhà hiền triết, nói lên những suy nghiệm của mình. Chính vì thế mà cô gái điếm cũng trích dẫn lời Hegel về tự ngã ý thức: "Con người không chỉ ý thức về bản ngã và khách thể như là những thực thể tách biệt, mà qua việc phóng chiếu bản ngã lên khách thể bằng cách suy ngẫm, còn có thể chủ động hiểu sâu hơn về bản ngã". Đó cũng là chìa khoá mở ra câu chuyện hậu hiện đại của H.Murakami.
Biết cách biến những ám ảnh về Kafka trong văn chương của mình thành một cuộc hoá thân mới vào tâm thế hậu hiện đại, H. Murakami cũng đã một lần nữa hoá thân trong giọng văn biến ảo, đầy sức mạnh con chữ, để kể lại một câu chuyện hoang đường nhưng lại nằm ở sâu bên trong mỗi chúng ta, kể một cách sáng tạo thông qua việc đốt cháy từng câu chữ, những thuật ngữ triết học thành tia sáng của sự thông hiểu, mạch lạc và lôi cuốn theo kiểu đọc mãi không dừng lại được của "Nghìn lẻ một đêm".
Sau "Rừng Na Uy", "Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới", "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời", "Người tình Sputnik", "Biên niên ký chim vặn dây cót", thì theo đánh giá của nhiều nhà phê bình phương Tây, "Kafka bên bờ biển" là cuốn xuất sắc nhất. Haruki Murakami được trao giải thưởng văn học Franz Kafka năm 2006 vì tác phẩm chịu ảnh hưởng rõ nét tiểu thuyết phương Tây, đầy nét siêu thực, mang tính toàn cầu và nhân bản sâu sắc.
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyRobert Langdon tái xuất trong cuốn sách mới nhất của Dan Brown
09/02/2018Thu HoàiBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhĐêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnĐi tìm cái tôi đã mất
29/05/2006Nguyễn KhảiThực nghiệm tâm linh
12/10/2007R.TagoreNhà văn Nhật Chiêu: Chơi cùng giấc mơ
06/04/2007LINH THOẠI thực hiệnCòn không chữ “hiếu”, chữ “tình”
17/11/2006Trịnh Thanh SơnTừ nguồn cội văn chương
06/11/2006PGS, TS Trần Thị Trâm