Truyện ngắn của "phu chữ" Lê Đạt

11:44 SA @ Thứ Bảy - 03 Tháng Năm, 2008

Mi là người bình thường

Trần Nhã Thụy(Tuổi trẻ)

Mi là người bình thường (NXB Phụ Nữ) là tập truyện ngắn thứ hai vừa được tái bản của Lê Đạt (sau tậpHèn đại nhân - NXB Phụ Nữ 1997). Sách rời nhà in vừa đúng ngày ông mất (21-4-2008).

Có lẽ cũng như thơ, với truyện ngắn, Lê Đạt cũng làm người "phu chữ", cẩn trọng và kỹ lưỡng. Nhưng ông viết ít, hầu như chỉ chuyên chú về những điển cố có liên quan đến "sự cố" đời sống văn nghệ. Là những chuyện cổ viết lại, song luôn thể hiện một sinh khí thời đại đậm nét.

Lê Đạt có lối viết dẫn người đọc vào vùng sống lạ một cách tự nhiên và tự tin. Những trang viết dễ chịu được tạo ra nhờ công phu chữ. Chữ trường nghĩa, chữ từ cảm - điều thấy rất rõ trong thơ Lê Đạt - thì trong truyện ngắn vẫn thể hiện như vậy. Và, ở đây chúng ta cũng được thấy những tâm tư nghề văn rất thật lòng của ông: "Thiên hạ nghĩ rằng chỉ có làm culi batê mới cực. Viết văn cũng cực nhọc, phu phen chẳng kém gì... Mình đã bôi bẩn những trang giấy thật trong trắng kia để làm gì? Sao mình lại mài mòn bộ óc, tiêu xài hoang phí những giấc mộng đẹp tuổi trẻ để viết những trang sách mà ngày mai, ngày kia... người ta sẽ vứt vào sọt rác..." (Tượng Balzăc).

Cái thú vị, độc đáo trong truyện ngắn Lê Đạt là từ những điển cố văn nghệ, tư liệu nhân vật, ông đã phục dựng những câu chuyện sinh động đến từng chi tiết. Lê Đạt không chỉ giỏi vẽ những nét chân dung mà còn tài tình trong việc tạo không khí. Ví như sự tích về bài thơ Hoàng hạc lâu (Lầu hạc vàng)của Thôi Hiệu, tượng nhà văn Balzăc của thiên tài điêu khắc Rodin (Tượng Balzăc), hay chuyện về văn hào Sêkhôp (Đám ma Sêkhôp), chuyện Bá Nha - Tử Kỳ (Cây đàn long môn)... Cái hư hư thực thực của từng câu chuyện, cộng giọng văn bông lơn trầm tĩnh, khiến tâm hồn người đọc dễ lạc vào vùng cư trú của quá khứ nhưng trí óc vẫn dẫn nhịp vào thực tại.

Khai thác đến cái sơ suất của bản năng, sự trớ trêu của số phận là những điều mà Lê Đạt hay thể hiện ở truyện ngắn (Mi là người bình thường, Hèn đại nhân, Bức tranh có ma, Vùng may rủi...).Sách vở cũng có số phận, thì người làm nên sách vở càng là kẻ không thể thoát số phận. Những bi hài, dối trá ngay trong cả đời sống văn chương là có thật, từ cổ chí kim, từ đông sang tây không chừa một ai, một chốn nào.

Cười như một liệu pháp tinh thần, cười trên những bi hài. Song, những trang văn của Lê Đạt vẫn luôn đọng lại những dư vị như là cái đẹp thuần khiết, hay niềm tin sáng tạo chính là niềm cứu rỗi.

"Mi là người bình thường" - làm người bình thường dễ hay khó?! Đáp số không nằm trong câu ứng đáp mà phải bằng chiêm nghiệm sống. Có lẽ, Lê Đạt cũng đã từng mong được sống như một người bình thường, viết hay một cách bình thường - lời rườm mơ ước rởm gửi ngoài kia(đề từ truyện ngắn Mi là người bình thường).


"Hèn đại nhân"

Trần Nhã Thụy (Thanh niên)

Lê Đạt vốn được biết đến như một nhà thơ tài năng, một "phu chữ" vạm vỡ của văn chương Việt Nam. Nhưng, với riêng tôi, Lê Đạt còn là một cây bút truyện ngắn "thứ dữ". Cả đời ông, dường như chỉ in hai tập truyện ngắn là "Hèn đại nhân" và "Mi là người bình thường" đều ở cùng một nhà xuất bản chuyên lo về chuyện của chị em là Nhà xuất bản Phụ Nữ. Nói vui vậy để thấy, sách hay không tùy thuộc, cũng không cần lấy mác nhà xuất bản nào. Sách hay là tự thân nó hay. Vậy thôi.

Évariste Galois (1811 – 1832) một thiên tài
toán học người Pháp

Nhưng đây không phải là câu chuyện nói về sách, hay về Lê Đạt. Đây là câu chuyện được gợi nhớ từ một truyện ngắn của Lê Đạt có tựa đề "Hèn đại nhân".

Chuyện về một nhà toán học (tương lai) trẻ tuổi, vì nghèo rớt mồng tơi nên bị người tình phụ bỏ để theo một viên sĩ quan. Trong một lần đụng độ, tức khí chàng trai trẻ thách đọ súng. Hai mươi ngày sau cuộc đấu súng sẽ diễn ra. Nhưng, éo le thay, trong hai mươi ngày ngắn ngủi đó, những phương trình toán học bỗng mọc lên như nấm trong đầu chàng trai trẻ. Chàng lao vào, say sưa ghi chép. Thời hạn hai mươi ngày đã hết, nhưng công trình toán học vẫn chưa hoàn thành. Không thể bỏ dở công trình toán học, chàng trai xin hủy cuộc đọ súng. "Đồ hèn" (Lâche) - đó là lời cô người yêu cũ dành tặng cho anh.

Nhục nhã ê chề. Lời miệt thị "đồ hèn" khiến chàng trai trẻ gục ngã, tưởng chỉ có thể chết đi. Nhưng, toán học (chứ không phải văn học) đã cứu anh trong những ngày tháng đó. Nói theo ngôn ngữ bóng đá là "cứu một bàn thua trông thấy". Anh chàng lao vào toán học, mặc cho lời thị phi, ruồng bỏ của đồng loại. Cho đến khi công trình toán học trên hoàn thành, thì "đồ hèn" liền "bùm" một phát vào chính tim mình, bằng chính khẩu súng mà anh đã chuẩn bị cho cuộc đọ súng với tình địch.

Công trình của anh sau đó được một ông thầy tốt bụng lo việc in ấn. Một ngày nọ, nhà bác học trứ danh A.Einstein tình cờ lượm được cuốn Bàn về toán hóa vũ trụ trong một nhà sách cũ, ông cầm lên đọc một cách say mê. Nhưng ông vô cùng ngạc nhiên trước một bút danh kỳ cục: "Le Lâche (Thằng hèn). Không bằng lòng chút nào, A. Einstein cầm bút lên, nắn nót thêm mấy chữ trên bìa sách: Lâche Le Grand - tức "Hèn đại nhân".

Tôi kể lại câu chuyện xưa cũ này không hề có ý định khôi phục lại những cuộc đấu súng hay cổ súy cho việc giải quyết vấn đề danh dự bằng súng đạn. Điều tôi muốn nói là về sự hèn hạ nơi mỗi con người chúng ta! Hèn ư?! Đã làm người thì tránh sao được những lúc hèn. Nhưng, biết vượt qua cái hèn, không phải ai cũng làm được. Và để được người đời nhìn nhận là "hèn đại nhân" thì không phải ai cũng xứng đáng.

Nhiều người, suốt một đời cứ sợ mình sống hèn, sợ mang tiếng thị phi là hèn mà cứ luôn đối phó, luôn "dĩ hòa vi quý" lấy lòng tất cả mọi người (mà làm sao lấy lòng được tất cả mọi người?). Bị một tiếng chê thì "ê ẩm" cả người, bị một lời trách móc thì mất ăn mất ngủ... Cứ thế, rồi loay hoay trong cõi nhân gian bé mọn, làm một người tốt theo kiểu bé mọn, chẳng bao giờ dám nói lên chính kiến của mình, chẳng bao giờ dám hy sinh một thứ gì, chẳng bao giờ dám sống với những thách thức lớn lao... Rồi, một đời vèo qua, một đời tưởng chừng mình sống thanh thản, vì không mích lòng ai, gặp ai cũng tay bắt mặt mừng... Nhưng cuối cùng chợt nhận ra, đó là một đời nhạt. Một đời, có thể gọi là thong dong mà lại không sung sướng, cảm khoái. Một đời tưởng là nhiều bạn, mà lại không có kẻ tri ân. Một đời, đã nhận được nhiều lời khen, mà ngẫm chỉ thấy toàn xã giao...

Đó là chưa nói đến, có những người vừa bị một cú vấp ngã, đã quỵ mãi mãi không thể đứng lên. Anh cứ bị cái thất bại đó giày vò, rồi sống trong mặc cảm, lo sợ. Anh rút vào cái vỏ ốc của mình. Anh trốn đời, nhắm mắt bịt tai lại với tất cả. Cũng có nhiều người tập thiền, tập đi chậm, nói thầm, cười khẽ... Nhưng đấy thực chất là cuộc chạy trốn chính mình. Từ cuộc chạy trốn này, vô tình anh đã hủy bỏ bao nhiêu khát khao dự định. Có thể, anh đã sống một đời còn lại trong an toàn, không ai nói với anh một lời nặng nhẹ, không ai kêu anh là "thằng hèn". Nhưng, rồi chợt anh thấy mình là hèn. Cũng chẳng được là "hèn đại nhân". Một thằng hèn vô danh. Buồn lắm thay!

Thế mới biết, sống cho mình thì dễ, sống cho đời, cho người mới khó. Mà sống trong đời, sống với muôn người thì làm sao tránh được sự hèn. Vậy, nếu trót hèn thì cứ hèn đi, đừng sợ. Thà hèn mà làm được chuyện đại sự, mang ích lợi cho nhiều người, còn hơn là sống một đời bằng an nhạt nhẽo.

Nếu trót hèn, xin nhớ hãy làm "Hèn đại nhân".


Điều bí mật của Xocrát

Lê Đạt

Lòng đầu nguồn trong suối múc tẩy oan
Dòng đục sót khúc giải lầm cuối nước

Các nhà triết học chẳng mấy khi thu được thành tích “top ten” trong các cuộc thi đẹp trai.

Xocrát lại thuộc nhóm đội sổ có nguy cơ xuống hạng. Cái đầu ngoại cỡ ngự trị một giá đỡ chẳng lấy gì làm cao ráo nếu không muốn nói là lùn tè. Có người đã thắc mắc làm sao một thân hình tương tự lại đủ sức cử tạ một cái đầu siêu nặng đến thế. Nhưng vầng trán thênh thang như một sân đá bóng và đôi mắt nghé to tròn đen thẳm của Xocrát đem lại cho anh chàng Trương Chi triết học này một lực hút lạ lùng. Mặt ông có sự tỏa sáng của vòm trời sau mưa mà không phải “người đẹp” nào cũng sở hữu. Nói như một nhà thơ đương thời “Xocrát xấu một cách hấp dẫn”.

Các nhà triết học là một “giống” người khá kỳ quặc. Trong lúc thiên hạ đêm ngày quay cuồng với những mục tiêu sinh nhai cụ thể hay những khoái lạc nhỡ tiền thì có một phạm trù người ít nói, lầm lì, mắt đăm đăm những khoảng xa vô tận hay ngẩng ngắm những vùng tinh vân mù mịt và đặt ra những câu hỏi rắc rối chẳng ăn nhằm gì với lo toan cơm áo gạo tiền đời thường như: con người từ đâu đến, con người đi đến đâu, con người sống để làm gì… con người khác con vật ở điểm nào… Chính vì vậy mà Đơnix Bạo chúa(1) rất kỵ các triết gia và gọi họ là những kẻ nhiễu sự chuyên sản xuất vô tổ chức những thắc mắc trong bách tính.

Kể cũng buồn cười. Chính những câu hỏi tưởng là viển vông kia đã góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng nền văn minh nhân loại và phóng trí tuệ đổ bộ lên những vì sao xa nhiều thế kỷ trước khi con tàu vũ trụ bứt khỏi sức hút trái đất đưa con người chu du thái dương hệ.

Lịch sử chưa hết suy nghĩ về đường trường ý nghĩa câu nói của một nhà triết học già, nó từng làm đăm chiêu không chỉ một thế hệ “con người là sinh vật của những vùng xa”.

*
* *

Các nhà triết học còn ra một điều kỳ quặc nữa. Mỗi cá nhân từ lúc oe oe chào đời đến lúc nhắm mắt về với đất chưa ai từng thăm thú hết những vùng sâu vùng xa ngôi “nhà” mình và tâm hồn, dẫu là của một kẻ thất phu, cũng thăm thẳm chẳng thua kém gì khoảng thiên hà vô tận.

Một trong những nhà thám hiểm có công đầu trong việc phát hiện ra Tân thế giới nội tâm này là Xocrát, người được coi là ông tổ xa xôi của ngành tâm lý học. Và lời cảnh tỉnh của Xocrát “Hãy tìm biết bản thân mình” sẽ còn sống mãi với sự nghiệp vinh quang của trí tuệ như một ngọn hải đăng trên lộ trình đầy sóng xoáy và đá ngầm của đại dương tâm hồn.

Không như một số triết gia mũ cao áo dài, tại những giảng đường uy nghiêm quen truyền giảng những khuôn vàng thước ngọc, một lời “Khổng Tử viết”, hai lời “Khổng Tử viết” với đám môn đồ nhút nhát và thần phục mà bận tâm duy nhất là lặp lại y trang lời thầy dậy “nhà có khách… nhà có khách”, Xocrát sớm sớm tập hợp dăm chục chàng trai trẻ tại một vườn cây hay một bờ suối, thầy trò trao đổi trò chuyện với nhau về những nguyên lý sâu xa của cuộc đời một cách hết sức thân mật và vui nhộn.

Xocrát biết đặt những câu hỏi lúc thì oái oăm, lúc thì bông lơn, châm biếm và bao giờ cũng thú vị, nó mở cửa cho sự suy nghĩ, nó dẫn dắt mọi người ra khỏi thói ỷ lại trì trệ, nó bắt học trò phải tự tìm ra những lời giải bất ngờ, khiến bản thân từng người không khỏi ngạc nhiên trước trữ lượng thông minh của những vỉa trí tuệ bỗng được khám phá.

Xocrát đã sáng kiến ra phương pháp giáo dục giờ đây vẫn còn được coi là hiện đại, nó căn bản dựa trên phép đối thoại cởi mở và dân chủ giữa thầy và trò ở tư thế những đối tác bình đẳng mà trong thuật ngữ triết học người ta gọi là phép đỡ đẻ tư duy (maieutique)

“Ông thầy giỏi ít dạy dỗ mà tạo điều kiện cho trò tự làm thầy”.

Người học trò giỏi là người cả gan suy nghĩ khác và dám tranh luận với thầy.

Quan hệ thầy trò không phải quan hệ một chiều, mà là quan hệ hai chiều.

Trò “hèn” kéo thầy “hèn” theo.

*
* *

Không phải vô cớ mà chẳng cần tiếp thị, chẳng cần quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, lớp học của Xocrát lúc nào cũng đông “khách”. Thấy đám thanh niên trẻ măng rồng rắn theo thầy đến những nơi cây xanh nước mát như đi píc-níc trao đổi về những căn do cao sâu của lẽ đời, không ít những ông đồ Hy Lạp đã phải ứa nước miếng “them thèm”.

Mặc dầu là bậc trí giả, các nhà triết học cũng là con người, họ không tránh khỏi căn bệnh mãn tính của kiếp người: bệnh đố kỵ. Đây là một nan y, nếu không chữa trị kịp thời có thể biến chứng thành thù hằn giết người. Những lời đồn đại đầy ẩn ý về Xocrát không biết tự đâu được loan truyền như những đám mây dông ùn ùn kéo đen vòm trời xanh trong của đô thành Aten văn hiến. Một người như Xocrát không thể tự hạ mình bận tâm đến những điều ong ve thấp hèn đó. Và ông đã lầm.

Ai cũng biết, những bộ óc độc đáp thường phát ra những lời lạ rất “khó nghe” với những lỗ tai của quán tính. Sống trong một thời đại sùng mộ thánh thần mà Xocrát dám trực ngôn:
- Thánh thần muốn được con người yêu mến, gần gũi hơn là sùng bái, kính nhi viễn chi. Không bố mẹ nào lại mong có những đứa con khiếm thị. Không thần thánh nào lại mong có những tín đồ mù lòa.

Yêu mến thánh thần là cố gắng tự nâng mình lên ngang hoặc vượt thánh thần như con hơn cha nhà có phúc.

Muốn đánh đối thủ một đòn chết tươi người ta không thể khoanh lại vùng học thuật mà phải mở rộng xuyên tạc sang địa hạt xã hội và chính trị. Người ta cắt đầu cắt đuôi, người ta bóp méo những lời của Xocrát, người ta vu cho Xocrát là báng bổ thánh thần, làm bại hoại tuổi trẻ và thuần phong mỹ tục của ông cha.

Thời nào cũng có những lính đánh thuê, những đầu gấu. Nhưng một tài năng như Arixtốt mà cũng “uốn cong ngòi bút” viết hẳn một vở kịch Thần mây để “đánh” Xocrát, thật là một điều đáng buồn.

Trong vở kịch “nổi tiếng” này, Xocrát được trình bày như một kẻ ngụy biện chuyên nghề đổi trắng thay đen, “quân tử nói đi là quân tử dại, quân tử nói lại là quân tử khôn” và nhân vật chính Philiphit một môn đồ của nhà triết học, sau khi hạ sơn, việc đầu tiên là dùng “võ” hùng biện của thầy để vỗ nợ cãi nhau với bố và biến cuộc “đối thoại” giữa hai bố con thành một cuộc “đối thụi”.

Cái ngòi bút thành danh trên kịch trường kia mà tên tuổi còn lưu lại đến ngày nay đã không đủ cẩn tắc để “thành nhân”.

Xocrát từng căn dặn các môn đồ:
“Các em không được cẩu thả bản thân mình”


Một lần nữa “hiệu ứng chó dại” lại phát huy tác dụng sát nhân của nó. Xocrát bị đưa ra tòa vị tội truyền bá những tư tưởng độc hại gây nguy hiểm đến an ninh cộng đồng.

Trong bản cáo trạng hùng hồn, công tố viên, vốn là một người yêu văn học, đã hơn một lần viện dẫn những đoạn thơ trong Thần mây của Arixtốt để luận tội Xocrát. Và điều phải xảy ra đã xảy ra.

Xocrát bị kết án tử hình nhưng vì ưu ái trí thức nên được chết toàn thây và được uống thuốc độc.

Môn sinh Xocrát có nhiều con nhà quyền thế và nạn tham nhũng đâu phải chỉ là đặc sản của thời kinh tế thị trường, tuổi của nó xấp xỉ tuổi của loài người. Họ đã ngã giá với bộ phận lính gác và chuẩn bị cho Xocrát vượt ngục.

Chương trình đã được hoạch định hết sức tỉ mỉ thì sự cố xảy ra.

Sự cố này chính là Xocrát. Ông nhất định không chịu chạy trốn.

- Sự sống đã đành là đáng quý, nhưng có cái còn quý hơn sự sống nhiều, đó là chân lý và danh dự - Việc thầy bỏ trốn có thể khiến nhiều người nghĩ nhầm là thầy có tội. Tòa án một thời dầu cao đến đâu bao giờ cũng thuộc cấp sơ thẩm – chỉ tòa án thượng thẩm của lịch sử mới có quyền phán quyết cuối cùng.

Khi người quản ngục đem bát nhân ngôn đến, Xocrát vẫn giữ nguyên vẻ thanh thản thường ngày. Ông lễ phép nói với nhân viên chấp pháp:

- Xin vĩnh biệt ông, chúc ông và gia quyến bình an.

Rồi nhà triết học lấy ở đầu giường ra gói kẹo.
- Ông mang về làm quà cho cháu.

Người quản ngục cố nén xúc động hỏi một lần cuối:
- Thầy có cần gì nữa không?

Xocrát ngẫm nghĩ một lúc:
- Xin ông một chậu nước rửa tay. Người ta cần nhất là sự sạch sẽ.

Sau khi rửa tay, nhà triết học cầm bát thuốc độc uống một hơi rồi từ từ nằm xuống bảo Phêđông đắp chăn cho mình (Phêđông là học trò trẻ nhất và cưng nhất của Xocrát. Vào những giây phút cuối cùng ông chỉ giữ có Phêđông bên cạnh). Đôi mắt đã nhắm lại bỗng mở ra. Ông mấp máy môi như muốn căn dặn một điều gì. Phêđông quỳ sát đầu giường thầy.
- Phêđông, thầy còn mua chịu của bà Xintix một con gà mái… em trả nợ… trả nợ.

Đám môn sinh của Xocrát đã ùa vào chật ních căn ngục hẹp chỉ kịp nghe được mấy tiếng “trả nợ… trả nợ” trăn trối của thầy.


*
* *

Trưởng tràng Platông(2)kéo Phêđông ra một chỗ hỏi khẽ:
- Thầy bảo trả nợ gì?

Phêđông vừa khóc mếu vừa trả lời:
- Thưa đại sư huynh… thầy bảo trả nợ tiền gà…

Phêđông bỗng thấy đại sư huynh trừng mắt nghiêm nghị một cách khác thường:
- Sư đệ không được nói bậy… Ta cấm sư đệ từ nay không được nhắc lại…

*
* *

Trong cuốn Phêđông nổi tiếng ghi lại những cuộc đối thoại giữa Xocrát với cậu học trò nhỏ do Platông chấp bút hoàn toàn không đả động đến phần kết thúc nói trên vì Platông cho rằng hoặc Phêđông nghe nhầm hoặc Xocrát lúc đó đã mê sảng.

Hậu thế gọi đó là điều bí mật của Xocrát.

1)Còn gọi là Đơnix già, người đã sáng kiến ra cực hình nổi tiếng (thanh gươm Damôclét) – không nên lẫn với Đơnix trẻ, một mạnh thường quân đối với triết học và thi ca

2)Platông sau này trở thành cây đại thụ còn lưng lẫy hơn thầy. Ông được coi là cha đẻ của nền triết học hiện đại. Không hiểu sao kẻ viết những dòng này vẫn thiện cảm Xocrát hơn.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những đoản khúc Lê Đạt

    15/12/2018Nhà phê bình Phạm Xuân NguyênNgười “phu chữ” Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong “bộ tứ” nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn – Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần. Cả bốn ông rồi ra đều được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật...
  • Đường chữ

    01/05/2008Nhà thơ Lê ĐạtCâu thơ khổ tu xí xoá nợ luân hồi Sau Nhân Văn, tôi vẫn tiếp tục…
    Nhân Văn chỉ là một chặng chứ không phải toàn bộ Đường chữ của Lê Đạt...
  • Con đường văn học

    01/05/2008Nhà văn Nguyễn Huy ThiệpKhi tôi nhận ra rằng văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết thì không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị văn học. Tôi chỉ vạch ra khía cạnh vô bổ, vô nghĩa của văn học mà thôi. Tôi cũng đã cảnh tỉnh để người viết dè chừng khả năng bị tha hóa về mặt tinh thần, đạo đức khi cầm bút viết...
  • Nhà thơ Lê Đạt: Người lạc quan ngoan cố

    20/03/2008Sưu tầmSau hơn một tháng rét đậm, rét hại kỷ lục thế kỷ, Ngày Thơ Việt Nam 2008 bỗng rực nắng bất ngờ, như một minh chứng cho sức sống vượt mọi thử thách của thơ Việt. Minh chứng thứ hai, lão tướng thơ Lê Đạt, chân bước cà nhắc vào tuổi bát tuần, vẫn có mặt làm rộn một góc sân Văn Miếu - Hà Nội với tiếng cười "lạc quan” ngoan cố rất đặc trưng...
  • Nhà thơ Lê Đạt và Tình U75

    20/03/2008Hữu ViệtTuổi 80 “lão tướng” Lê Đạt lại tiếp tục lên đường vào trận thơ mới có tên gọi “U75 từ tình” (NXB Phụ Nữ, 2007). Có lẽ để giúp bạn đọc khỏi phải vắt óc đoán trận chữ rất biến hóa của mình ngay từ cách đặt tên tập thơ, ông đã dành phần phi lộ để định nghĩa từ tình...