Hoa cẩm chướng trong mưa
Đi trên đường nắng gắt
Hoa cẩm chướng xanh
Rơi trên bậc đá bến tàu
Biển mù sương
Ngọn đèn đêm nhấp nháy
Đôi mắt màu mưa
Luôn giã từ và gặp gỡ
Giọng hát nào nức nở:
“Bao giờ cẩm chướng nở hoa
Người tôi mong chờ
Trở về cùng tôi mãi”
Đó là bài hát của cô gái nghèo ở bến tàu
Cô hát từ lâu lắm
Từ cái ngày những con tàu còn chạy bằng buồm
Theo ngọn gió hồn nhiên
Những nhà máy chưa gầm thét
Thành phố còn nhỏ hẹp
Cô gái ngồi trong giấc mộng xa xôi
Nếu tôi tìm được tới nơi
Chắc cô sẽ hát cho tôi
Và sẽ yêu tôi
Từ bé
Tôi đã có những giấc mơ như thế
Tôi biết thế giới rộng vô cùng
Bao nhiêu chân trời cửa bể
Mênh mông cánh chim trắng xoá
Bao dòng sông như sông Mã sông Hồng
*
Tôi theo bầy chim nhiệt đới tối đen
Đêm đem lang thang
Cùng người hát rong mù loà
Dưới vầng trăng đỏ thắm
Những tượng cổ trong đêm sừng sững
Tiếng trỗng gõ rập rình
Đoàn thuyền lao vùn vụt mũi tên
Con thuyền dài như chiếc ngà voi trắng
Trái đất tôi rộng lắm
Trở thành quen thuộc cùng tôi
Trái đất tròn như quả bóng các em chơi
Sự ngăn cách chỉ là trò bịa đặt
Mặc người lính đứng nghiêm bên cột sắt
Đứa trẻ chạy ùa qua
Các đồng cỏ đang mùa hoa
Mùa gieo hạt mùa ấp trứng
Đâu cũng có những vườn cây, giếng nước
Những người đàn bà đẹp
Vai phì nhiều sáng chói mặt trời
Bánh thơm ngon và rượu nồng say
Cô gái tôi yêu
Múa trong tiếng đàn điên dại
Áo khăn bay như đám mây bốc cháy
Những chiếc vòng tay vung vãi
Những chiếc vòng tay chứ không phải xiềng xích
Gã đàn ông quầng mắt tối đen
Trong cuốn sách buồn
Nói với tôi lời buồn bã:
Con người chỉ là ống sậy cô đơn
Trái đất giữa không trung
Như một giọt nước mắt
Như cái đầu bị chặt
Bay trong uất hận ngàn năm
Con người sinh ra để chém giết lẫn nhau
Mới là quả bom, cũ là lưỡi dao
Những bông hoa thơ ngây đã chết
Theo làm chi người hát rong mù loà
Đi vô vọng trên đường nắng gắt
Vực sâu sau lưng, vực sâu trước mặt
Người hát rong đi tìm gì
Nhà tiên tri râu bạc trắng
Nhà tư tưởng, vị tướng, nhà thơ
Chúng ta làm gì bây giờ?
Hãy quên đi, hơi đâu lo nghĩ
Cô gái nơi xa bảo thế
Hãy uống rượu say
Và hãy hôn em
Nhưng nếu bông hoa của tôi đã chết
Tôi làm sao sống được
Trước đầm lầy mù mịt khói bay
Cuốn sách tuổi thơ những hình vẽ rợn người
Hàng đoàn người lê đi trong hoang mạc
Đấm ngực khóc và vặn mình la hét
Bóp cổ nhau bằng những ngón tay gầy
Các ông vua lông lá khắp người
Các vị quan toà mỉm cười
Những pho sử bê máu
Những năm tháng bồng bế nhau ảo não
Chọn rồi lại bỏ, mất rồi lại tìm
Thỉnh thoảng một đám người kêu lên:
“Ông này đã tìm ra chân lý!”
Không thoát khỏi những xiềng xích rên rỉ
Trong ngục tối âm thầm
Thầy phủ thuỷ lưỡi đỏ lòm
Người đàn bà quằn quại trong đống lửa
Tiếng chuông chùa thức ngủ
Các nhà thơ xanh tái u buồn
*
Người ta tác đá tạc tượng thần
Dâng cho tượng những đồ ăn quý nhất
Dâng cả máu trẻ con tinh sạch
Sau một đêm mưa, thần vỡ tan tành
Ngơ ngác nhìn lại tay mình
Anh không giết kẻ thù, nó sẽ giết anh
Nhưng máu đổ ra vẫn máu người đặc quánh
Chưa ai nghĩ ra cách khác
Cho đất thôi sôi sục máu người
Bài hát khác xưa rồi
Em vẫn ngồi mong đợi
Thành phố đã lên đèn
Những con tàu sừng sững màu đen
Điệu nhạc mới ồn ào trong quán rượu
Tôi vẫn muốn tìm em
Tin rằng em có thật
Đi nhiều nơi, nơi nào tôi cũng gặp
Những xóm làng đường phố rừng cây
Trái đất mình rộng quá
Ở đâu cũng có con người
Sao chưa tìm được cách nào
Sống với nhau cho ổn thoả?
*
Luthơkinh, Agienđê, Panmơ…
những người cự tuyệt dùng súng
Đều đã chết vì súng
Nền văn minh lầm lạc
Tôn sùng đồ vật và bạo lực
Thế giới xấu xa, thế giới đê hèn
Đã tới giờ cùng tận của đêm
Cái giờ kinh khủng nhất
Tất cả đều khác trước
Nhà cửa cứ phình ra
Đồ sộ những nhịp cầu sắt thép
Những chiếc xe lao đi như thú vật
Những cẳng tay bị cưa đứt
Những cái miệng đen ngòm
Những tất chân nhàu nát
Những bức tường đầy bọt nước
Ai lao xuống từ tầng gác hai mươi
Hay những con lôi long cổ đại đã sống dậy
Đi kiếm thịt người
Tiếng nổ của những tiếng súng hơi
Trên vòng quay ngựa gỗ
Hay tiếng cười những cô đào nguyên tử
Khoả thân trên vô tuyến truyền hình
Con người nhai của cải của mình
Mửa lên tiện nghi của mình
Đàn ông và đàn bà lừa dối nhau
Các “mốt” quần áo đều lạc hậu
Hãy mặc vỏ cây đi ra đường
Đã tới giờ quyết định
Những mỏ quặng đã khai thác hết
Đã tận cùng hoan lạc
Đã tận cùng tội ác
Đêm nay những đứa trẻ đi đâu
Tóc chúng dài như những cụ già
Mắt chúng gườm gườm hằn học
Nhà bác học kêu lên hốt hoảng:
Con người ngồi trên những máy điều khiển học
Tiếp tục nhổ vào mặt nhau
Chẳng cứu vãn được đâu
Tất cả đều vô nghĩa
Như một đồng xèng han rỉ
Trong khi chiến hạm cứ bắn súng chào
Các vị tổng thống ôm hôn nhau
Các nhà ngoại giao đập bàn đứng dậy
Các võ sĩ quyền Anh đấm nhau hộc máu
Các dòng sông bẩn thỉu
Các thành phố bị ô nhiễm hoàn toàn
Những người điên hò hét om sòm
Lũ đồng tính luyến ái kêu rên
Bọn cướp trẻ măng đốt phá các bảo tàng
Chúng không tin các nhà duy tâm
Chúng không theo các nhà duy vật
Đã tới cái giờ kinh khủng nhất
Cái giờ quyết định
Những bước chân chạy ầm ầm
Biển sôi như vạc dầu nóng bỏng
Bây giờ em ở đâu
Cô gái nghèo của bến tàu
Đôi mắt màu mưa ướt đẫm
Tôi yêu trái đất này sao được
Người ta ném bom xuống làng xóm chúng tôi
Những máy bay nhanh hơn tiếng động
Những người con trai của một thành phố khác
Cày nát đất tôi rồi
Bao đứa trẻ con đã chết
Dưới mặt trời ô nhục
Trái đất mình đẹp lắm phải không em?
*
Ngực tôi như khu rừng nhiệt đới tối đen
Đom đóm nửa đêm thức dậy
Nếu tôi gặp em thưở ấy
Chắc em sẽ hát cho tôi
Và sẽ yêu tôi.
Nhưng những cây gai đã lớn vụt giữa trời
Những cây gai giận dữ
Những con kiến lửa
Những bụi xương rồng trần trụi âm u
Móng tay tôi nhọn hoắt căm thù
Nụ cười tôi rách nát
Đêm tôi rền tiếng trống từ thưở trước
Nỗi buồn của ngọn giáo cổ sơ
Của những con người đầu tiên bị con người giết
Món nợ truyền đời cay nghiệt
Tôi còn phải trả đến hôm nay
Nhưng may sao trái đất không chỉ trong tay những kẻ điên rồ
Còn bao người thông minh người tốt bụng
Người làm vườn người xây nhà người dạy học
Ở đâu tôi cũng gặp
Họ đông vô cùng và mạnh vô cùng
Họ đã chán đau thương và thù hận
“Thế giới không phải món hàng
Của các ngài tổng thống
Con người không phải đồ thí nghiệm
Con người là mục đích không phải là phương tiện
Kẻ nào thích giết người
Muốn huỷ diệt trái đất này
Lên mặt trăng mà ở”
Những người thông minh nói thế
Triệu triệu người, triệu bàn tay mạnh mẽ
Vây quanh tôi như sóng biển muôn trùng…
Đêm nay từ sông Mã sông Hồng
Tôi lại là đứa trẻ lang thang
Đi tới bao miền xa lạ
Tìm em và bài hát ngày xưa
“Bao giờ cẩm chướng nở hoa
Quả dâu da chín ngọt”
Những bông hoa mở ra như ánh sáng
Nước mưa tràn trên vại đất thô sơ
Mưa mênh mông trên các ngôi nhà
Những đền đài kỳ lạ
Những tháp cao như ngực người thiếu nữ
Mọi binh khí nằm han rỉ
Cào cào bay trên cổng rào xanh
Hải cảng đèn rung rinh
Những người lính cứu hoả đã về đi ngủ hết
Bờ đá khuya vắng ngắt
Cô gái vẫn ngồi
Dẫu muộn mằn bao năm tháng đã qua rồi
Mắt em đã gần mờ đục
Tôi đã già nua vàng vọt
Em có nhận tôi không?
Nơi tận cùng mọi con đường
Hoa cẩm chướng mọc xuyên kẽ đá
Những gì anh mong, rồi anh sẽ có
Người đi đường mệt mỏi hãy kiên gan
Cánh cửa sẽ mở toang
Tiếng trống của những người thổ dân sống dậy
Chiếc vòng tay gãy
Trên tay người liền lại nỗi bơ vơ
Sẽ về đây người hát rong mù loà
Tóc bạc trắng nỗi buồn trên mặt đất…
Chỉ là ống sáo mong manh yếu ớt
Con người cần được thương yêu
Không phải cần ít đâu, cần nhiều, rất nhiều
Như tôi cần hướng về em
Cần được em mong đợi
Cần tin vào một sớm mai
Con người mang gương mặt mới
Biết trả lời mọi câu hỏi
Biết gieo những hạt giống khổng lồ
Hài cốt ngàn đời lạnh ngắt than tro
Sẽ tái sinh mùa màng ấm áp
Các chiến binh xưa và nay vứt đao khiên trụ giáp
Trở về làm những con người
Hãy đánh lên tiếng cồng thơ dại tuổi sơ khai
Uống rượu trong những bình gốm ché đồng đẹp nhất
Nỗi cô đơn tuyệt vọng
Cháy theo giấc mộng kinh hoàng
Chuyện hai ta chỉ là kỷ niệm buồn
Về một cô gái nghèo ở bến tàu
Đợi chờ hoa cẩm chướng.
Lưu Quang Vũ (1948-1988) là nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn hiện đại của Việt Nam, chồng của nhà thơ Xuân Quỳnh. Các tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng. Tác phẩm ông nổi bật lên từ những năm sau chiến tranh, đặc biệt là những năm 80. Ông đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Vũ được bạn bè nhận xét: "Anh thực sự đam mê và đắm đuối với thơ ca. Kịch dường như là thứ nghệ thuật Vũ viết để sống với cuộc đời thường nhật; còn thơ mới là thứ anh viết để sống với chính mình, với bạn bè, với tình yêu và cả những khát vọng nhân văn, cao cả." Vợ chồng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Ảnh tư liệu. |
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá