Thơ, thay đổi để tồn tại
1. Chủ nghĩa hiện đại manh nha từ C. Monet, xuất phát từ quan niệm ông cho rằng sự vật biến đổi theo ánh sáng và bị tác động bởi chuyển động nhanh. Năm 1863, bức họa Bữa ăn sáng trên cỏ của E. Manet “gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người bênh vực truyền thống kinh viện và các văn nghệ sĩ trẻ” (Fragonard, 1997). Gần mười năm sau, khi trưng bày bức Ấn tượng, rạng đông (1872), Monet đã gây sửng sốt cho giới thưởng ngoạn hội họa thời ấy. Bố cục thiếu rõ ràng, không còn sự cân xứng hòa hợp như người ta thường thấy ở các tác phẩm cổ điển, chỉ có cảnh vật mơ hồ chìm ngập giữa màu sắc chập chờn, u u minh minh. Họa sĩ không còn quan tâm đến đường nét cảnh vật mà chú trọng hiệu ứng quang học trên cảnh vật. Trường phái ấn tượng tạo bước ngoặt lớn trong thể hiện hiện thực, mở đường cho sự bùng nổ các trường phái hội hoạ hiện đại sau đó.
Năm 1877, rời bỏ ấn tượng, P. Cézanne thách thức chính không gian của các nhà ấn tượng. Sự vật không còn thuần túy là đối tượng bị nhìn, ở đó còn có cả người nhìn. Tương tác qua lại tạo hiệu quả của sự tri giác thực tại một cách đặc thù. Nhưng phải đợi đến năm 1907, khi Những cô gái ở Avignon của P. Picasso xuất hiện, chủ nghĩa hiện đại mới ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử mỹ thuật. Việc bóp méo hình dạng tạo sự chuyển hướng quyết định, như một tuyên ngôn về hình thức hoàn toàn mới: một phản biểu đạt mới. Từ đó, liên tục xảy ra cách mạng lật đổ. Trường phái đánh đổ trường phái. Cuộc cách mạng còn xảy ra trong mỗi nghệ sĩ nữa. Cùng với G. Braque, Picasso giai đoạn thứ hai mở cuộc tấn công vào mục tiêu của Cézanne. Hình dạng méo mó và góc cạnh bị đơn giản hóa thành những khối và mặt phẳng hình học. Nhiều điểm nhìn đồng thời trong một bức họa, các chuyển động đan cài vào nhau; ở đó ta thấy sự tổng hợp giữa không gian và hình thể. Cách mạng lập thể là một chấn động mạnh (Fragonard). Nó quy tụ nhiều anh tài, làm mưa làm gió.
Vẫn còn là chưa đủ. Năm 1918, Tuyên ngôn Dada ra đời, các nghệ sĩ Dada không còn quan niệm nữa! Với khẩu hiệu: Phá huỷ cũng chính là sáng tạo, “Dada tồn tại vì tự nhiên và chống lại nghệ thuật giả tạo” (Jean Arp). Có thể nói, Dada khai mào cho chủ nghĩa tự động(automatism), nghệ sĩ ném bỏ mọi quy tắc truyền thống. Thế nhưng chủ trương vô Chính phủ, chống lại mọi thứ giá trị của phong trào này bị phản đối bởi những người trong cuộc: A. Breton cắt đứt quan hệ với Dada và tuyên xưng một trường phái mới: 1924, Tuyên ngôn siêu thực ra đời, nỗ lực khám phá cái vô hình đằng sau cái hữu hình giả tạo. Hầu như tất cả để chống lại sự hời hợt đầy giả tạo lan tràn trong nghệ thuật lẫn cuộc sống. M. Duchamp không còn “nặn” tượng hay “vẽ” tranh nữa; ông dùng ngay vật có sẵn, tước bỏ công dụng của chúng, mang chúng vào phòng trưng bày. Thế là tác phẩm nghệ thuật ra đời. Giá đựng chai (1914) và Bồn tiểu (1917) là rất tiêu biểu.
Rồi D. Buren xuất hiện, đặt dấu hỏi về chính chiến tích oanh liệt của Duchamp: nơi chốn trưng bày tác phẩm có phải là đặc quyền của phòng triển lãm? Tại sao không là khoảng không gian rộng hơn: rạp hát, quán cà phê hay công viên? Và cuối cùng, chủ nghĩa hậu hiện đạilại mở cuộc công phá mới, khác nữa. Bao nhiêu quan điểm, bấy nhiêu trào lưu chừng chưa đủ. Chủ nghĩa Tân-Dada, Nghệ thuật sắp đặt, Trình diễn, Video Art hay Đa phương tiện,… cấp tập ra đời ở phương Tây.
Thử nghiệm tiếp nối thử nghiệm! Cái mới luôn kêu đòi cái mới hơn, cạnh tranh nhau hay xô ngã cái mới trước đó, hình thành bao làn sóng sáng tạo dồn dập, sôi động vô cùng lí thú. Chỉ cần đặt một dấu hỏi đúng hay thay đổi một mệnh đề là nghệ sĩ có thể đánh đổ hoặc chuyển hướng một kĩ thuật thể hiện, thậm chí cả một thi pháp, một hệ mĩ học. Chúng đòi hỏi nhà nghệ sĩ/ người thưởng thức nghệ thuật thay đổi lề thói tư duy. Như vậy, mỗi cuộc cách mạng nghệ thuật luôn làm trương nở/ nổ tung tầm mong đợi (horizon of expectations) của người thưởng ngoạn đương thời. Chúng đi tìm/ tạo ra bộ phận người thưởng ngoạn mới, khác.
2. Chuyển động của thơ ca cũng thế. Chưa đầy hai thế kỉ, nhân loại chứng kiến bao nhiêu là trào lưu ra đời, phát triển và suy thoái. Chúng ra đời, phát triển và bị vượt qua, trùng trùng điệp điệp. Như những cuộn sóng và những xoáy nước trong dòng sông lớn của thi ca nhân loại, chúng lặn đi, để sẵn sàng khai sinh đợt sóng mới, đột biến và bất ngờ, góp phần làm nên hình ảnh đẹp của dòng sông. Làm giàu sang biển cả thơ ca nhân loại.
Đó là chuyện ở phương Tây. Phương Đông thì sao?
Có lẽ trong lịch sử Trung Hoa, công chúng văn học đã biết đến vài cuộc thay đổi lớn. Các trường phái triết học hình thành và phát triển qua các thời kì khác nhau hoặc xuất hiện cùng thời và cạnh tranh quyết liệt; thêm các biến động kinh tế-xã hội,… kéo theo sự biến động của văn học. Người viết tiếp nhận tư tưởng mới, đáp ứng đòi hỏi của thời đại cũng như nhu cầu làm mới tự thân, chắc chắn đã có những lối thể hiện mới, khác. Nhưng bởi nguyên nhân khách quan: kĩ thuật in ấn chưa phát triển, thông tin còn hạn chế và nhất là thời đại cũ chưa hình thành lớp độc giả tiêu thụ văn chương nên, văn chương Trung Hoa chỉ thay đổi, thậm chí thay đổi lớn chứ chưa có cách mạng.
Nói như Lưu Hiệp, văn chương đã thay đổi theo thời: thời tự. “Từ thời Trung hưng về sau, các người tài hơi đổi lối văn”, “thời Hán Hiến Đế nhường ngôi, văn học chuyển nhanh”, “Thời Giản Văn Đế văn học nổi lên đột ngột”, “từ Minh Đế trở xuống, văn lí thay đổi”,… Người đọc, tùy gu hay não trạng, chọn lựa thứ văn chương hoặc tác giả mình yêu thích. Chỉ đến khi tiếp xúc với văn học phương Tây, Trung Hoa mới ý thức và đã làm nên cách mạng văn học. Việt Nam không là ngoại lệ.
Thử lướt qua ba cuộc cách mạng thơ Việt thế kỉ qua. Thơ Mới mở màn cuộc cách mạng. Nó hội đủ yếu tố: cơ hội tiếp nhận nền văn học hoàn toàn mới là văn chương Pháp thế kỉ XIX; bên cạnh sự ra đời và phát triển của báo chí tiếng Việt, Thơ Mới còn sở hữu thế hệ thi sĩ đầy tài năng. Kế tiếp là thơ Cách mạnggiai đoạn chiến tranh thống nhất đất nước và sau đó là hậu duệ của nó với thành tựu chói lọi trong trào lưu sáng tác mang tính sử thi (1975-1985). Cùng giai đoạn lịch sử, ở miền Nam, nhóm Sáng Tạo ra đời - qua diễn đàn độc lập là tạp chí Sáng tạo -, dẫu chỉ tồn tại thời gian khá ngắn, nhóm thơ này bẻ gẫy hệ thống thi pháp từng thống ngự thơ Việt trước đó, nhất là thi pháp Thơ Mới. Cuộc cách mạng đã mở ra khả tính mênh mông cho phát triển thơ Việt. Và cuối cùng, có thể xem giai đoạn đổi mới (1985-2000) như bước tiến mới: các nhà thơ nỗ lực đưa thơ bứt ra khỏi thi pháp cũ, lối thơ đã từng hiện hữu trước đó. Hàng loạt khuôn mặt thơ xuất hiện, làm nên một làn sóng khá sôi động. Thời kì này, các nhà phê bình cũng đã nói nhiều đến cách tân, làm mới, sự chuyển giao thế hệ, đổi gác thơ, vân vân… Như vậy, theo “thời tự”, đáp ứng trúng nhịp với nhu cầu thời đại, các thế hệ nhà thơ Việt Nam đã có nỗ lực lớn, đưa thơ phát triển không ngưng nghỉ. Sau Thơ Mới, là thơ Tự do có vần, rồi thơ Tự do không vần, thơ xuôi, thơ vắt dòng, thơ vận dụng các thủ pháp hậu hiện đại…
3. Tiếc là, vài người viết không theo kịp những bước đi kia, mãi nhớ nhung về loại thơ đã lưu kho, có vài nhận định lệch lạc. Rằng thơ hậu hiện đại kém làm cho độc giả quay lưng lại với thơ.
Chẳng thời nào là thời của thơ cả, nhất là thơ đang tìm đường khai phá. Thơ ca luôn là món hàng ế ở mọi thời đại và mọi nơi. Không vấn đề gì cả... Hãy dẹp tâm lí tô hồng quá khứ qua bên đi. Figaro cho biết: Alcools của Apollinaire chỉ in nổi 241 cuốn trong năm xuất bản đầu tiên, thế nhưng đến nay tổng số thi phẩm của ông vượt con số triệu bản. Và hãy nhớ lại thân phận của họa phẩm Van Gogh thuở sinh thời. Mấy chục năm trước, Ginberg bị văn chương chính thống Mỹ kì thị, giới Đại học tẩy chay, chính quyền cấm đoán; Whitman của thế kỉ trước cũng lâm cảnh tương tự vì dám làm thơ khác thơ truyền thống. Nhưng chính họ đã làm nên sự lẫy lừng của thơ ca Hoa Kỳ. Quên cái “huy hoàng” (đâu riêng gì thơ) của thơ thời bao cấp đi mà hãy nhìn thẳng vào vấn đề của hôm nay: dù thơ cách tân bị kì thị và ế ẩm, nhưng kẻ sáng tạo quyết đổi mới thơ, thử nghiệm mọi dạng thơ cứ xuất hiện, thế hệ này sang thế hệ khác.Nhọc nhằn và dũng cảm. Chính họ sẽ vẽ nên diện mạo thơ ca Việt ở thì tương lai. Họ dũng cảm từ bỏ cái hay hôm nay để khai phá cái hay ngày mai. Cái viết của họ hướng đến thế hệ độc giả mới.
Nhưng, thế nào là thơ hay? Tại sao các thế hệ/ trường phái thơ không thể chấp nhận nhau? Cụ Huỳnh Thúc Kháng chê bai thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu cho thơ Nguyễn Đình Thi lủng cà lủng củng, còn thế hệ sau đó kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi! Cứ thế... Đâu phải cái mới nào cũng hay! Phải qua bao nhiêu cuộc sàng lọc mới đọng lại vài cái đáng lưu kho. Qua thẩm định của người đọc đặc tuyển, nghĩa là kẻ được trang bị vốn hiểu biết về hệ mĩ học đó, đánh giá hay/ dở từ số lượng khổng lồ các tác phẩm thuộc hệ mĩ học đó. Và còn phải qua sàng lọc của thời gian nữa. Khi phong trào Thơ Mới nở rộ, thơ mới tràn lan mặt báo, để trong hơn mười năm thế hệ nhà thơ đó cho ra đời hàng mấy vạn bài thơ [mới], mấy trăm tập thơ được in để chỉ còn trăm bài sáng giá được Hoài Thanh - Hoài Chân cho đăng kí hộ khẩu thường trú trong Thi nhân Việt Nam. Để độc giả thời Thơ Mới có thể cảm được Xuân Diệu, Huy Cận,... chương trình Pháp đã cho họ làm quen với Vigny, Hugo, Musset,... từ thuở ngồi ghế trung học rồi là gì! “Người đọc cũng cần được đào tạo” - tôi đã có tít một bài phỏng vấn như thế ở tạp chí Thơ.
Thử đặt vào trường hợp hội họa, bạn quá bộ vào một phòng triển lãm tranh cổ điển, dù trình độ nghệ thuật hạn chế tới đâu bạn cũng có thể mơ hồ nhận ra bức này đẹp [giống], bức kia xấu [không thật]. Nhưng rồi, sau đó bạn thử dời gót sang phòng tranh lập thể, chắc chắn bạn sẽ rối lên mà coi! Một khi bạn chưa biết gì về hệ mĩ học của trường phái lập thể, bạn không thể hiểu, không thể thưởng thức thì chẳng vấn đề gì cả. Nhưng khi bạn đứng giữa phòng triển lãm kia và la lối rằng bọn họa sĩ phương Tây vẽ rối mò, cái nào cũng như cái nào, tôi chẳng hiểu gì sất, mới nên chuyện! Đâu phải cả trăm bức tranh mới lạ kia đều đẹp. Muốn thưởng thức nó, và nhất là muốn biết nó đẹp/ xấu thế nào, bạn phải được kinh qua trường lớp, bằng tiếp xúc thường xuyên, nhất là qua giới thiệu phân tích của các nhà phê bình tay nghề cao. Không thể khác.
Thời đại mới, người làm thơ thay đổi đã đành, chính người đọc thơ cũng phải thay đổi cách đọc.
4. Quan niệm rằng thơ không cần thay đổi chi cả, miễn sao viết cho hay, là lối nghĩ sai mà không tự biết. Ngồi mãi hệ mĩ học cũ, hỏi thơ sẽ về đâu? Việt Nam không truyền thống khai sinh tư tưởng, hệ mĩ học mới nên, tiếp nhận của thiên hạ không có gì phải mặc cảm cả. Nếu không chịu “học”, ta cứ thử tạo ra cái mới đi. Cho thế giới chạy theo! Làm như ta chưa từng học lãng mạn với tượng trưng Tây trễ đến gần thế kỉ. Làm như nó chưa từng làm nên truyền thống ta? Chớ nghĩ ta ngôn ngữ nhược tiểu khó tác động đến thế giới. Hãy ngó sang Kierkegaard của Đan Mạch bé tí… Học, nhưng luôn luôn trễ tàu. Hai mươi năm qua, trong khi hậu hiện đại “tạo thành cơn sốt trên khắp thế giới”, từ Mỹ cho đến Nga, từ Trung Quốc cho đến Nhật Bản, từ châu Âu cho đến châu Mỹ Latinh,… thì mãi văn học mạng hình thành vào đầu thiên niên kỉ này, hậu hiện đại mới thập thò ngoài cửa nhà ta. Mà cửa lại he hé.
Nghĩ rằng nghệ thuật thay đổi chỉ khi thời cuộc thay đổi thì chưa rốt ráo. Thơ vừa thay đổi theo “thời tự” vừa thay đổi bởi nhu cầu tự thân, mà chính cái sau quyết định bước tiến của thơ ca nhân loại. Chỉ trong vòng một phần tư đầu thế kỉ XX, non mươi trào lưu nghệ thuật ra đời ở Pháp. Cách mạng còn xảy ra ngay trong mỗi nghệ sĩ (Picasso và Cézane chẳng hạn) nữa. Sau chiến tranh lạnh, xã hội Mỹ khá ổn định nhưng tại đó bao nhiêu phong trào nghệ thuật được khai sinh và phát triển, ảnh hưởng đến thế giới.
Ở Việt Nam, sau thời đổi mới với những nỗ lực cách tân là thời kì hậu đổi mới, khi nhân loại bước sang toàn cầu hóa và văn chương mạng ra đời, thơ Việt buộc phải mở hướng đi mới, khác. Tôi đã một lần nói đến cuộc khủng hoảng của nó, ”khủng hoảng như là một tín hiệu tốt lành”!
Tạm phân làm năm dòng chính: Ngoài Thơ “cổ truyền” không gì hơn thơ hậu Thơ Mới và các biến thái, sáng tác quẩn quanh hệ mĩ học cũ, cảm quan cũ đang in tràn khắp mặt báo, đã tạo khủng hoảng thừa. Thơ tân hình thức, một trào lưu khai sinh ở Hoa Kỳ vào năm 2000, truyền bá sang Việt Nam, được các thi sĩ không chính lưu ở Sài Gòn hưởng ứng. Ba năm từ ngày nhập cảng, nó chưa tạo nên dấu ấn đáng kể, sau đó đuối sức. Thơ nữ quyền luận khai mào từ khá sớm qua vài tên tuổi: Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư,… nhưng nó vẫn còn khá mờ nhạt và bị lẫn với thơ hậu lãng mạn; phải đợi đến nhóm Ngựa Trời xuất hiện tại Sài Gòn bằng tập Dự báo phi thời tiết, dòng thơ này mới rộ trở lại. Sau đó là Thơ trình diễn du nhập vào Việt Nam hơn năm qua, đậm nổi qua sinh hoạt của Hội đồng Anh và Thơ thực hiện do Nguyễn Tôn Hiệt tuyên ngôn và thử nghiệm. Nhưng có thể nói Hậu hiện đại là trào lưu phát triển sớm nhất và được [người đọc cấp tiến] kì vọng hơn cả trong thời kì hậu đổi mới. Nó khai sinh đồng thời với văn chương mạng tiếng Việt. Hậu hiện đại chấp nhận tồn tại bên lề sinh hoạt văn học dòng chính qua hình thức mạng Internet và cả ở dạng in photocopy.
Mỗi trường phái mới bằng mỗi thử nghiệm hay mỗi bước chuyển đều có sự thất bại hay thất thố bên cạnh bật lên các đại biểu xuất sắc của nó. Nhà phê bình không thể dùng tiêu chí thẩm mĩ này để đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học khác. Càng không đánh giá sáng tác thuộc mĩ học mới qua những sản phẩm kém cỏi được. Nhà tư tưởng chỉ có thể bị vượt qua khi phần vô ngôn của tư tưởng ông ta được khai mở trọn vẹn, - Heidegger nói thế. Một trào lưu văn nghệ chỉ có thể bị vượt bỏ khi chính tác phẩm đại biểu xuất sắc của nó bị vượt qua. Vượt qua, không phải người đọc không còn thưởng thức nó nữa, mà là: người viết hết còn sáng tác theo vết mòn của nó!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh