Cần gì phải học thơ văn!

02:03 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Chín, 2005

Trong tuần qua, liền sau Đại hội Hội nhà văn Việt Nam từ 24 đến 25-4-2005, ngày 26-4-2005 có Hội thảo tại Đại học sư phạm Hà Nội về “Văn học Việt Nam từ sau 1975 -Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy". Dạy văn và học văn luôn luôn còn là vấn đề nóng bỏng trong Giáo dục.

Phóng viên Khuất Tố Quyên có cuộc trò chuyện với ông Phạm Toàn (nhà văn Châu Diện) về vấn đề này. Xin đăng nguyên văn để rộng đường dư luận, nhân kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI và Giáo dục chắc chắn sẽ là một trong nhiều nội dung “nóng" tại kỳ họp này.

Khuất Tố Quyên (KhTQ) - Ông cho rằng Giáo dục Việt Nam hiện có khủng hoảng. Cóthật là khủng hoảng, thưa ông?

Phạm Toàn (PT) - Nói không, thiên hạ người ta cười cho đấy ! Hãy nhìn vào từng gia đình thì thấy Giáo dục đáp ứng đến đâu. Chỉ một đứa con đi học đủ cho cả gia đình loạn cả lên.

KhTQ - Vâng, thì cử coi là có khủng hoảng, nhưng có thể tìm được nguyên nhân không?

PT - Nếu định tìm sao lại không tìm ra nổi nguyên nhân?... Ngẫm mà xem, chỉ có một nguyên nhân này thôi: cách tư duy quen mui, nghĩ rằng hễ là bề trên thì đều có thể giáo dục dạy dỗ bề dưới, bất cần tính chuyên nghiệp.

KhTQ - Làm gì đến nỗi vậy?

PT - Bạn hãy đến từng gia đình và thế nào cũng gặp câu cửa miệng này: "Bà đẻ ra mày mà bà không dạy được mày à?" Tất nhiên cách nói thời hiện đại sẽ uyển chuyển hơn, và "bà" ở đây còn có thể là "ông", là các cấp trên của đứa bé được yêu thương theo lối chèn ép trong từng gia đình. Và bạn hãy theo dõi thảo luận ở một diễn đàn lớn và công khai của cả nước, bạn sẽ gặp hai ba ông giáo sư hẳn hoi tranh cãi cao đạo nên đổi tên gọi "cấp 1" thành "tiểu học" hoặc ngược lại chăng, và cứ thế mà câu giờ, thử hỏi đó có tính chuyên nghiệp không?

KhTQ - Xin ông phân tích cái sai ở chỗ nào?

PT - Luận điểm đẻ ra con được thì cũng dạy được con có thể đúng ... trong trường hợp con sư tử chẳng hạn... Sư tử mẹ và sư tử bố thừa sức dạy con nó vồ mồi, nhai thịt sống, và làm các công việc kéo dài nòi giống... Còn chuyện đặt tên bậc học cũng vậy. Bên Mỹ và Canada người ta có College nhưng lại là đại học danh tiếng đấy. Vì sao? Vì ban đầu từ hai ba trăm năm trước người ta mới mở ra trường cỡ College thôi, sau đó cứ nở ra mãi, nhưng cứ giữ cái tên College thì đã sao nào? Vấn đề là nội dung và cách thực hiện nội dung chứ không phải cái tên.

KhTQ - Tư duy đó có lan rộng ra nữa không?

PT - Tư duy gì?

KHTQ - Tư duy đơn giản hoá một sự nghiệp quan trọng như Giáo dục.

PT - Về triết học có cái luật này: nêu câu hỏi là đã hàm chứa câu trả lời. Tôi nghĩ bạn đã tự trả lời rồi đó.

KhTQ - Nhưng chúng tôi muốn ông nói rõ ra cái sự đơn giản hoá đó ảnh hưởng thế nàođến việc dạy Văn ở trường phổ thông?

PT - Tư duy theo lối đó dẫn đến việc coi hễ ai là bề trên thì đều có thể là giáo viên, và giáo viên chỉ là đại diện đặc biệt của thế giới người lớn. Người lớn thì có đặc quyền diễn thuyết, còn giáo viên trong lớp học thì có đặc quyền giảng giải, tựu trung đều là cái đặc quyền dạy dỗ kẻ khác.

Tư duy đơn giản chủ nghĩa như thế dẫn đến cách hiểu à uôm về tính chuyên nghiệp của nhà giáo, mà à uôm nhất là giáo viên dạy Văn.

KhTQ - Ông đừng chữ à uôm, ông không sợ ăn đòn à?

PT - Tôi xin nhận đòn giữa thanh thiên bạch nhật ở Bờ Hồ cho thiên hạ coi nếu các giáo viên Văn bây giờ trả lời được câu hỏi này: tại sao các thầy cô lại dạy văn?

KhTQ - E rằng ông có thể bị ăn đòn đây! Dạy văn để đào tạo con em thành những con người toàn diện.

PT - Thế Toán không toàn diện à? Sinh vật không toàn diện à?

KhTQ - Dạy cho các cháu biết yêu cái đẹp.

PT - Toán không đẹp à? Thiên nhiên không đẹp à? Thể thao không đẹp à?

KhTQ - Dạy văn để con em thành những con người yêu nước vì biết yêu quý tiếng nói đẹp đẽ của dân tộc.

PT - Thế thì tôi e rằng bây giờ có nhiều giáo sư không yêu nước!

KhTQ - Ông đùa?

PT - Tôi rất nghiêm túc. Vì một lẽ đơn giản là có nhiều giáo sư viết tiếng Việt không thành câu. Một lần đi dạy thuê về cách viết báo cáo khoa học cho Chương trình Lâm nghiệp Xã hội (Social Forestry Support Programme) của Thuỵ Sĩ tại Việt Nam, tôi đã cho học viên làm bài tập chữa một đoạn văn rút từ lời nói đầu một cuốn sách tiêu đề rất to tát Tôi yêu cầu chỉ chữa câu sai cú pháp thôi, chứ không chữa cái tư duy nhợt nhạt ở nội dung...

Kết quả thật buồn. Anh chị em sau đó cứ hỏi tôi trích sách của giáo sư nào? Tôi bảo họ, đừng coi đây là chuyện cá nhân, hãy coi đây là điều cần tránh mang tính xã hội.

KhTQ - Vậy theo ông, dạy văn ở trường phổ thông để làm gì?

PT - Qua bài văn, qua bài thơ dạy cho trẻ em cái ngữ pháp nghệ thuật để rồi các em sẽ đem dùng vào việc chiếm lĩnh các môn nghệ thuật khác trong đời.

KhTQ - Không có tình cảm nghệ thuật à? Chỉ có ngữ pháp thôi ư?

PT - Có được ngữ pháp nghệ thuật thì trên cơ sở đó may ra sẽ nhờ sự am tường đó mà có tình cảm nghệ thuật, ngược lại, chỉ nghe tán về nghệ thuật thì chẳng có cả ngữ pháp lẫn tình cảm.

KhTQ - "Ngữ pháp nghệ thuật” sao mà cao siêu thế?

PT - Trái lại! Nếu cứ để tác phẩm nghệ thuật ở trạng thái mù mờ, khi ấy nó mới "cao siêu và mọi người sẽ thấy hình như chỉ những ai có năng khiếu lắm thì chỉ những người ấy mới hiểu và tán được về cái Đẹp. Nay tổng kết ra một ngữ pháp thì ai ai cũng học được và dùng được, văn chương và nghệ thuật từ trong tháp ngà sẽ hạ giới xuống với tất cả mọi người một khi họ bước qua cửa trường phổ thông.

KhTQ - Những yếu tố của cái ngữ pháp đó là gì?

PT - Tôi đã tổng kết những việc làm tại hệ thống trường thực nghiệm Công nghệ Giáo dục và trình bầy khá kỹ cái ngữ pháp này trong hai cuốn sách, cuốn Nghề dạy văn in năm 1991, và cuốn Công nghệ dạy văn in năm 2000, nay xin nói vắn tắt thôi.

Trước hết có những vật liệu: văn dùng vật liệu ngôn ngữ, múa dùng vật liệu thân xác, nhạc dùng vật liệu âm thanh, kịch dùng vật liệu hành động quy ước trên sàn diễn, hội hoạ dùng vật liệu ánh sáng, đường nét và màu sắc. Nhà trường chỉ cần dùng một thứ vật liệu rất sẵn và không tốn tiền mua (“lời nói không mất tiền mua") là ngôn ngữ là cái rất thuận tiện, rất dễ cung cấp, để dạy học sinh phân giải vì sao những con chữ xé lẻ ra thì thật vô nghĩa lại đủ sức làm ta mê đắm...

KhTQ - Vì sao?

PT - Tìm ra nốt cái "vì sao" đó nữa là có được ngữ pháp.

KhTQ - Vâng, vì sao?

PT - Đó chính là cách biểu đạt Ngôn ngữ có cách biểu đạt thế nào mà đủ sức khiến cho cậu bé Gorki ngồi đọc sách dưới trăng đã phải soi cuốn sách lên trời để tìm xem giữa hai dòng chữ có cái gì đã khiến mình bị mê hoặc. Cách biểu đạt của mọi môn nghệ thuật đều nằm ở chỗ tạo ra hình tượng tác động vào tưởng tượng của ta. Ở văn thơ hình tượng tạo ra bằng vật liệu ngôn ngữ tỏ ra cực kỳ hiểm.

Những hình tượng tạo ra bằng các vật liệu của các bộ môn nghệ thuật khác thường trực quan và khá cụ thể. Nó khác với vật liệu ngôn ngữ là thứ mang tính lưu chất(chảy tuột đi như nước, lời nói gió bay), nên khi con người dùng tưởng tượng để gìn giữ cái hình tượng bị trôi tuột đi ấy, thì con người cũng tạo dựng cho riêng mình cái hình tượng theo cách riêng của mình, và đó chính là sức sống của nghệ thuật. Và một khi học sinh được tự mình tìm ra cách sống, cách tồn tại của hình tượng nghệ thuật bằng vật liệu ngôn ngữ, thì các em cũng hiểu được các môn nghệ thuật khác.Ngữ pháp nằm ở chỗ đó.

KhTQ - Đơn giản vậy thôi à? Có áp dụng được trong các lớp học văn bình thường không hay là phải đưa cách học đó vào trường chuyên lớp chọn?

PT - Công phu nghiên cứu thì không đơn giản, nhưng thành tựu thì bao giờ cũng đơn giản. Nghiên cứu cái Tivi thì lâu công và không dễ, nhưng dùng sản phẩm là cái Tivi thì ai cũng dùng được.

KhTQ - Đã có bao nhiêu giáo viên dạy văn được theo cách như ông nói?

PT - Nhiều. Vì Công nghệ Giáo dục từng có mặt ở 43 tỉnh và thành phố. Những giáo viên dạy văn theo cách Công nghệ vẫn còn đông đủ cả.

KhTQ - Thêm tại sao không áp dụng cách dạy như ông vừa trình bày?

PT - Xin bạn đi phỏng vấn những người có quyền.

KhTQ - Những người có quyền hồi đó nay chắc là đang bận việc khác... và cũng nhiều vịnói rằng trẻ em bây giờ ghét học văn vì xã hội có nhiều tiêu cực...

PT - Có xã hội nào không có tiêu cực? Có xã hội nào tuyệt đối có đạo đức? Xã hội đó chỉ có ở ... đài Hoá thân hoàn vũ... Đọc các tác giả lớn, thì đều thấy tác phẩm của họ viết ra trong hoàn cảnh hoàn toàn chẳng có gì là đạo đức hết. Trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov một nhân vật đã nói "ai ai thì cũng có một lần nghĩ đến giết bố mình", thế có là bóng dáng của một xã hội đạo đức nào đó chứ? Tại sao trong xã hội như thế vẫn có người thích học văn và giỏi văn?

KhTQ - Vậy tại sao bây giờ trẻ em không thích học văn?

PT - Vì các dạng nghệ thuật xung quanh các em nhàm chán. Sự nhàm chán không bao giờ là đồng hành của một đời sống nghệ thuật phát đạt cả. Hai tượng đài của hai hoạ sĩ lại giống nhau, thế không là nhàm chán à? Cái anh nhà văn nói năng táo tợn trò chuyện với bông hoa gì đó không phải là không nói lên một phần sự thật. Xem những bộ phim đoán biết ngay từ đầu ai là địch ai là ta, xem những vở múa suốt bao nhiêu chục năm vẫn chỉ ưỡn ẹo có thế, ăn toàn những sự lặp đi lặp lại, thế mà còn cứ nằng nặc nói đến "tính sáng tạo" thì quả thực là trơ trẽn. Mà trẻ em học sinh lại chân thành, các em không thích thì bày tỏ ý kiến ngay, không xin phép, không vòng vo sợ sệt như người lớn.

Các em không thích học văn nữa, làm gì nhau nào?

KhTQ - Sách văn của chương trình năm 2000 có thay đổi đấy chứ?

PT - Bạn vừa nói đến cái điều khiến tôi buồn cười muốn chết đây này. Sách văn mới có "đường lối" mới là đọc-hiểu bạn thấy đường lối ấy là sai hay đúng?

KhTQ - Chắc là theo ý ông thì nó sai?

PT - Tôi nói là nó sai, và ông giáo sư chủ biên nếu thấy tôi sai thì xin chỉ giáo. Đọc-hiểu là đường lối học ngôn ngữ, nó nằm trong các sách dạy ngoại ngữ in đầy ra và bán đầy ở chợ. Còn theo tư chất của nghệ thuật văn, thì đường lối phải là đọc-cảm. mới đúng chứ? Nào, bẻ tôi đi!

KhTQ - Có mỗi một tý...

PT - Mọi sự tầy đình đều bắt đầu từ cái một tý. Ung thư cũng bắt đầu từ một cái tế bào bé tý. Lải nhải mười hai năm đèn sách mà chỉ đọc-hiểu thì lấy đâu ra tình cảm nghệ thuật, lấy đâu ra cái Đẹp và sự sáng tạo và vô vàn thứ này nọ? Lại còn đòi học văn phải có đồ dùng trực quan nữa mới vớ vẩn chứ! Hình tượng văn mạnh mẽ vì nó kích thích trí tưởng tượng khi buộc phải dùng vật liệu ngôn ngữ mang tính lưu chất thoắt hiện thoắt biến, trên kia tôi đã nói. Thế mà lại chủ trương giáo cụ trực quan. Chẳng còn hiểu các giáo sư - tác giả sách văn "tư duy" ra sao nữa...

KhTQ - Nhưng nó đang tồn tại, ông khuyên nên có thái độ thế nào?

PT - Tôi già rồi, chẳng khuyên ai hết, vì tôi đã có kinh nghiệm, lời khuyên không phải bao giờ cũng có tác dụng. Nếu khuyên mà thành công hết thì chẳng cần có toà án và nhà tù và trại cai nghiện bắt buộc...

KhTQ - Ông mong đợi điều gì vậy?

PT - Mong đợi con người hãy dùng tưởng tượng để hình dung ra hình tượng về một xã hội thế nào đó và Lịch sử sẽ phải đối mặt với những gì đó... tưởng tượng thôi, và... thôi... xin cho tôi đành khuyên một câu vậy: Hãy biết tưởng tượng. Cần gì phải học thơ văn mới biết tưởng tượng! Hãy biết tưởng tượng, và thế là đủ!

KhTQ - Xin cảm ơn ông.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những bài văn cười ra nước mắt

    26/06/2010Trong khi chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay, các giáo viên lại bắt gặp rất nhiều bài làm văn học sinh viết rất ngây ngô, tréo ngoe. Những bài văn chương “rợn tóc gáy” này cứ tái diễn hằng năm.
  • Vì sao môn văn trong nhà trường không hấp dẫn?

    19/09/2005Ngô Tự LậpBài văn của Nguyễn Phi Thanh làm chấn động dư luận xã hội và đặc biệt là các nhà giáo, nhưng thật ra nó chỉ lặp lại một sự kiện tương tự xảy ra trước đó 3 năm (2002)...
  • "Chúng em yêu văn, nhưng chúng em chán học văn"

    06/07/2005Chu Thuỳ AnhHọc sinh bây giờ không phải đã hết thích học văn. Nhưng môn văn bây giờ, có thể cần đem ra phường đổi tên lại thành môn chính tả. Học sinh lớp 12 còn tập chép chính tả, khác chăng là chính tả lớp 12 chữ có thể xấu hơn chính tả lớp 1 mà thôi!
  • Học như vẹt!

    02/07/2005Lê Vương Kiều TrangVới cái nhìn của một người trong cuộc đang trực tiếp giảng dạy môn lịch sử ở nhà trường phổ thông, tôi cho rằng học sinh bây giờ không nhớ, không hiểu sử và không thích học môn lịch sử là kết quả tất yếu của cách dạy - học - thi cử hiện nay.
  • Tự nhiên lấn át xã hội

    11/01/2004Lan Hương80/20 là tỷ lệ học sinh theo học tại ban KHTN và ban KHXH tại hầu hết các trường phân ban. Trong 100 học sinh có tới 80 em chọn học ban KHTN.
  • Báo động về tình trạng học sinh học văn ngày càng kém

    10/11/2003Ninh HồngTheo kết quả sơ bộ kỳ thi đại học năm nay có gần 10.000 bài thi bị 0 điểm, trong đó môn văn chiếm phần không nhỏ. Cũng sau kỳ thi đại học này, nhiều bài phân tích, bình giảng văn, thơ của các sĩ tử đã khiến các thầy, cô giáo trực tiếp làm công tác giảng dạy cũng như các cán bộ trong ban chấm thi phải lên tiếng trước công luận, rung một tiếng chuông buồn báo hiệu về một thực tế: học sinh ngày càng cảm thụ các áng văn hay, các bài thơ truyền cảm bằng những tư duy rất thường, nếu không muốn nói là thô tục...
  • Báo động tình trạng học văn của học sinh

    26/08/2003"Thân thể người lái đò rất tráng lệ; Nguyễn Tuân rất hung bạo..." là những câu trong bài thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua. Nhiều giáo viên chấm văn nhận xét, mỗi năm bài làm của học sinh lại kém hơn một chút. Có những lỗi sai không thể chấp nhận được, có những bài thi giám khảo không sao đọc được, có những câu văn của học sinh, giám khảo ôm bụng cười tới năm phút sau mới chấm tiếp được...
  • Gọi đúng tên thực trạng giáo dục

    10/02/2003Tương LaiTôi muốn đề nghị gọi đúng tên thực trạng của nền giáo dục nước nhà khi những băn khoăn, lo lắng về một mùa thi, một mùa tuyển sinh vừa kết thúc, một năm học mới sắp khai giảng, tạo nên một mối bất an trong tâm lý xã hội.
  • Nhà nghề trong nhà trường

    10/02/2003Hàn LongNhìn một cách nào đó, sinh viên vừa là sản phẩm vừa là khách hàng của nhà trường. Vì vậy, nhà trường vừa phải liên tục theo dõi chất lượng sản phẩm, vừa phải ghi nhận ý kiến phản hồi của khách hàng.
  • xem toàn bộ