Yếu tính của thơ
Thưa tiến sĩ Adler,
Tôi muốn biết yếu tính của thơ là gì, cái gì làm cho nó khác với các loại trước tác khác. Có phải nó là vấn đề những giá trị vững chãi, vấn đề sắc thái và nhịp điệu của âm tiết, từ ngữ, và các dòng chữ? Hay yếu tính của thơ nằm trong một cảm tưởng, một sự nhạy cảm, hoặc một thái độ nào đó đối với sự vật?
I.D.L.
I.D.L. thân mến,
Hầu hết chúng ta ngày nay đều đồng nhất thơ với văn vần. Đối với chúng ta, một bài thơ là một trước tác được sắp xếp theo các dòng chữ có một mẫu hình xác định về nhịp điệu, và bày tỏ những cảm tưởng và ấn tượng cá nhân. Chúng ta phân biệt thơ với văn xuôi, là loại ngôn ngữ của hành ngôn và trước tác thông thường.
Nhưng thơ có một nghĩa rộng hơn nhiều so với cách dùng hiện nay thừa nhận. Từ này xuất phát từ ngữ nguyên Hy Lạp có nghĩa là “tạo ra”. Mặc dù, từ khởi thủy, thơ có nghĩa là bất kỳ hành động sáng tạo nào của con người, nhưng nó sớm mang ý nghĩa riêng biệt về sự sáng tạo văn chương. Nhà thơ – khác với nhà điêu khắc, họa sĩ, và các nghệ sĩ khác – lao động với những từ ngữ.
Aristotle, trong tiểu luận thời danh của mình về thơ, nói rằng thơ là sự mô phỏng động thái con người, được biểu hiện trong ngôn ngữ, với sự trợ giúp của hòa âm và nhịp điệu. Nói “mô phỏng”, ông không có ý nói là bản sao của những biến cố thực tế, như cái máy ghi âm hay máy quay phim có thể đem lại. Ông muốn nói đến việc trình bày lại của những phương diện phổ quát của kinh nghiệm nhân sinh được tâm trí nhà thơ thu nhận và biểu hiện bằng những nhân vật, biến cố, và đối thoại cụ thể mà ông ta sáng tạo nên.
Theo quan điểm này, thơ không nhất thiết phải được viết bằng văn vần. Có thể hình dung những sử thi của Homer có thể đã được viết bằng văn xuôi, và những tác phẩm lịch sử và khoa học có thể được viết bằng văn vần. Khác biệt căn bản là giữa tưởng tượng và thực tế. Nhà thơ, đối với Aristotle, cơ bản là người kể chuyện, người sáng tác huyền thoại, người viết truyện hư cấu.
Aristotle dành ít thời gian cho thơ trữ tình, loại thơ thu hút hoàn toàn sự chú ý của chúng ta. Ông bàn chủ yếu về thơ tự sự, hoặc dưới hình thức sử thi, như Iliadvà Odysseycủa Homer, hoặc bi kịch, như Oedipus Rexvà Antigonecủa Sophocles. Đối với Aristotle, những khuôn mẫu đặc thù của âm thanh và nhịp điệu, văn phong và thi pháp, chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Cái chính đối với ông là những gì bài thơ nói tới – một chuỗi nối tiếp những động thái có quan hệ hỗ tương của con người.
Một trường phái phê bình khác từ xa xưa đã nhấn mạnh đến các khía cạnh “ngữ pháp” và “tu từ” của thơ. Nhà thơ La Mã Horace(1), người cũng đã viết một công trình về thơ, tập trung vào những yếu tố của âm thanh, bút pháp, và sự sắp đặt ngôn từ. Phái Phê bình mới(2), những người xuất chúng tại Mỹ trong những năm gần đây, thuộc về trường phái phê bình cổ xưa này. Họ nổi tiếng vì sự phân tích tỉ mỉ ngôn ngữ của những bài thơ, thường dưới hình thức trữ tình. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến thực chất của thơ, như Aristotle khuyên, chúng ta nhất định sẽ xếp các tiểu thuyết và các vở kịch văn xuôi vào loại thơ. Nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi nghe Cervantes, Fielding(3), và Melville(4) tự xem mình là nhà thơ. Thật vậy, các nhà phê bình đương thời đọc những tiểu thuyết lịch sử về Scotland của Scott(5) và gọi chúng là những bài thơ. Và chúng ta sẽ hoàn toàn đúng khi gọi Hemingway(6), Faulkner(7), Arthur Miller(8), và Tennessee Williams(9) là những nhà thơ.
Qua các thời kỳ các nhà phê bình bất đồng với nhau ở điểm chúng ta nên cho thơ là quan trọng như thế nào. Một số người xem chức năng đầu tiên của thơ là mang lại điều thú vị, sự thư giãn, niềm vui thích. Đó là quan điểm của Horace. Những người khác chủ trương rằng thơ có chức năng đạo đức và tiên tri, mang đến cho chúng ta hiểu biết lẫn niềm vui. Triết gia Do Thái Maimonides (10), tuy cho rằng thơ thế tục là phù phiếm đáng khinh, vẫn nhận thấy khả năng tưởng tượng là thiết yếu trong sự tiên tri của tôn giáo. Triết gia Ý, Vico(11) nghĩ rằng thơ là hình thức nguyên thủy của sự biểu hiện mang tính tôn giáo.
Tuy nhiên, Plato cảm nhận mạnh mẽ về phương cách mà các nhà thơ xử lý những chân lý đạo đức và tôn giáo căn bản đến nỗi ông cấm không cho họ ở trong cộng đồng lý tưởng của ông. Aristotle, như thường thấy, chọn lập trường trung dung. Một mặt, ông cho rằng thơ mang lại sự thích thú và sự thanh thoát cảm xúc đáng ao ước. Mặt khác, ông nói rằng thơ tượng trưng cho những phương diện phổ quát của hiện hữu. Sự tưởng tượng của thơ, đối với Aristotle, trình bày những thực thể thiết yếu nên phải hết sức coi trọng nó.
(1)Horace(65 – 8 tr. CN): nhà thơ La Mã. Xuất thân trong một gia đình nô lệ, ông được giáo dục tại La mã và Athens, sau trở thành nhà thơ trữ tình xuất sắc ở thời ông. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Odes(“Những Bài tụng ca”; 23 tr. CN) và Epistles(“Thư các Thánh Tông đồ”; 20? tr. CN).
(2)Phái Phê bình mới(New Critics): xuất hiện sau Thế Chiến I, trường phái phê bình này nhấn mạnh vào giá trị nội tại của một tác phẩm nghệ thuật và tập trung vào tác phẩm riêng lẻ mà thôi, coi đó như một đơn vị ý nghĩa độc lập. Công trình The New Criticism(“Phê bình mới”; 1941) của John Crowe Ransom được coi là tuyên ngôn của phái này.
(3)Henry Fielding(1707 – 1754): nhà văn và nhà viết kịch Anh. Ông được coi là cha đẻ của tiểu thuyết Anh với Joseph Andrews(1742) và Tom Jones(1749).
(4)Herman Melville(1818 – 1891): nhà văn Mỹ. Tiểu thuyết phúng dụ Moby Dick(1851) của ông thỉnh thoảng được coi là tác phẩm hư cấu vĩ đại nhất trong văn chương Mỹ.
(5)Walter Scott(1771 – 1832): nhà văn và nhà thơ Scotland. Những bài ballad và tiểu thuyết lịch sử của ông chủ yếu đề cập đến đề tài văn hóa và lịch sử Scotland, nhờ đó mà cả thế giới và riêng châu Âu quan tâm nhiều đến đất nước này.
(6)Ernest Hemingway(1899 – 1961): nhà văn Mỹ. Các tác phẩm chính: The Sun Also Rises(“Mặt Trời Vẫn Mọc”; 1926), A Farewell to Arms(“Giã từ vũ khí”; 1929), For Whom the Bell Tolls(“Chuông gọi hồn ai”; 1940), The Old Man and the Sea(“Ngư ông và biển ca”; 1952)… Ông đoạt giải Nobel văn chương năm 1954.
(7)William Faulkner(1897 – 1962): nhà văn Mỹ. Ông được coi là một trong những nhà văn Mỹ vĩ đại nhất vì những tác phẩm giòng ý thức (stream-of-consciousness) viết về đời sống miền Nam nước Mỹ, nổi tiếng nhất là cuốn The Sound and the Fury(“Âm thanh và Cuồng nộ”; 1929). Ông đoạt giải Nobel văn chương năm 1949.
(8)Arthur Miller(1915 - ): nhà viết kịch Mỹ. Ông đoạt giải Pulitzer với vở bi kịch Death of a Salesman(“Cái chết của người chào hàng”; 1949). Người vợ thứ hai của ông là diễn viên điện ảnh nổi tiếng Marilyn Monroe.
(9)Williams Tennessee(1911 – 1983): nhà viết kịch Mỹ. Các vở kịch của ông phần lớn lấy bối cảnh ở miền nam nước Mỹ. Ông hai lần đoạt giải Pulitzer vào năm 1947 và 1955. Vở kịch nổi tiếng nhất của ông, A Streetcar Named Desire(“Chuyến tàu mang tên dục vọng”; 1947), được chuyển thành phim.
(10)Moses Maimonides(1135 – 1204): triết gia Do Thái gốc Tây Ban Nha.
(11)Giambattista Vico(1668 – 1744): triết gia Ý. Ông được coi là người tiền bối của khoa dân tộc học.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh