Ngày thơ ở Mỹ
Không chỉ Việt Nam mới có ngày thơ mà ở Mỹ cũng có. Mới đây, phóng viên của báo chúng tôi đã có dịp tham dự một ngày thơ như thế và gửi về bài tường thuật dưới đây:
Ngày Thơ được tổ chức trong một công viên. Vào cửa không cần mua vé, nhưng phải nộp một bức ảnh chứng minh mình đã ăn uống, đã leo trèo hoặc đã tắm cùng một nhà thơ nổi tiếng.
Bước qua cổng có hình một cái rổ đựng thơ, quan khách thấy ngay bên trái là các nhà thơ già đang ngồi suy nghĩ. Hỏi ra mới biết họ ngồi từ ngày thơ năm ngoái tới nay, và không ai khám phá nổi họ đang nghĩ gì.
Bên phải là các nhà thơ trẻ đang cãi nhau. Đến gần mới biết họ không cãi về những vấn đề của thơ, mà là vấn đề của giấy in thơ. Kẻ bảo cần giấy trắng, kẻ bảo cần giấy đen, kẻ lại nói cần nửa đen nửa trắng.
Ở giữa là các nhà thơ không trẻ cũng không già. Họ không nhìn lớp trẻ, không nhìn lớp già và cũng không nhìn nhau, mỗi người nhìn ra một phía.
Đúng 8 giờ sáng, ngày Thơ khai mạc. Đầu tiên là ông thị trưởng phát biểu về mối liên quan của thơ với tai nạn giao thông, sau đó tới bà chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của thơ trong vấn đề vệ sinh môi trường. Cuối cùng là ông giám đốc công viên đọc lời nhấn mạnh về giá đền bù các loại cây cảnh ở đây, nếu các nhà thơ làm gãy.
Sau đó là một nhà thơ trẻ lên đọc thơ, có múa minh họa và có nhạc đệm bằng cách gõ thùng tôn. Tiếp theo, một nhà thơ già lên giảng thơ, quấn dây thường khắp mình, đầu dây do ông chủ nhà in cầm.
Khách tham quan bắt dầu túa ra các ngăn thơ quanh công viên. Nhiều hoạt động vô cùng phong phú, rẻ và lạ mắt. Có ngăn biểu diễn tiết mục xiên thơ, nghĩa là dùng thơ cắm vào miếng thịt bò rồi nướng xèo xèo trên bếp lửa. Có ngăn trình bày cảnh nấu thơ, nghĩa là bỏ thơ vào nồi đun nhỏ lửa, sau đó bắc ra để nguội gọi là trường ca.
Có ngăn lại trưng bày cách chẻ thơ. Một bài thơ ở đây có thể chẻ ra thành tám bài, đựng trên tám tờ tạp chí khác nhau mà không ai nhận ra.
Nhưng ly kỳ nhất là ngăn ảo thuật thơ. Họ để một cô gái, một tập thơ vào cái hòm, đậy nắp lại, sau đó cho một nhà phê bình ngồi lên hòm ba phút, mở nắp ra, cô gái đã biến thành võ sĩ quyền Anh, còn tập thơ xếp hàng chờ.
Tiếtt mục đinh của ngày thơ là xiếc thơ. Ba bốn nhà thơ nhảy lên một cây sào, lủng lẳng như chùm nho, giữa chừng sào gãy, họ bám vào một chiếc lá, nhưng lá không hề đứt. Xem tiết mục này, nhiều khán giả đứng tim.
Các quầy thơ khá đông người, nhưng đông không đều. Bán chạy nhất là thơ kinh dị, bán chạy nhì là thơ thể thao, hễ đọc lên là bắp thịt nổi cuồn cuộn. Cuối cùng là thơ chữa bệnh, đọc vào sẽ khỏi được một số bệnh nan y. Nhưng mua thơ này phải có đơn bác sĩ.
Giữa trưa, ngày Thơ nghỉ ăn cơm. Giá đồ ăn không hề đắt, chỉ 10 đôla một suất, nhưng vệ sinh không đảm bảo lắm nên nhiều khách đau bụng thình lình, do đó, buổi chiều khá vắng. Ở ngăn tranh luận về thơ, có hai nhà thơ phải đi cấp cứu do tranh luận bằng chân tay chứ không phải bằng mồm.
Nhìn chung, ngày Thơ diễn ra khá thành công. Ai ra về cũng có tâm trạng buồn man mác rất "thơ".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh