Nhà thơ - người thợ lành nghề hay nhà tiên tri?

02:57 CH @ Thứ Năm - 08 Tháng Chín, 2005

Thưa tiến sĩ Adler,

Tôi nhận thấy rằng các nhà tư tưởng chịu ảnh hưởng sâu đậm từ truyền thống kinh điển nói về thơ như thể nó là một trong những nghệ thuật sản xuất, và như thể nhà thơ là người thợ lành nghề.Tôi tự hỏi phải chăng là một nhà thơ thì chỉ có thế thôi sao. Chẳng lẽ không từng có những thời kỳ các nhà thơ được tôn sùng như là những người mang lại cho chúng ta những trực giác đặc biệt và sự thấu thị về cốt lõi của sự vật sao? Chẳng lẽ một nhà thơ đích thực không giống như nhà tiên tri hơn người thợ đóng giày sao?

T.P.

T.P. thân mến,

Những lý thuyết về thơ từ những thời kỳ xa xưa đều xoay quanh ý niệm nhà thơ như người thợ thủ công khéo léo, như nhà tiên tri đầy cảm hứng, hay như một sự kết hợp thế nào đó của cả hai. Trong thế giới cổ đại, từ “thơ” nguyên nghĩa là “chế tác”, và bao gồm mọi hình thái sáng tạo sinh sôi của con người – chế tác những cái hũ cũng như chế tác những bài thơ. Nhưng nó sớm mang ý nghĩa nghệ thuật “chế tác” văn chương, sự trình bày có tính chất tưởng tượng về hành động, tính cách, và cảm xúc con người – thông qua từ ngữ. “Sự chế tác” như vậy bao gồm những tác phẩm kịch, cả hài kịch lẫn bi kịch và những thiên sử thi, cũng như câu thơ trữ tình mà chúng ta thường gán cho nó từ “thơ”.

Trong ý nghĩa cổ sơ của thơ, việc sử dụng những hình mẫu và nhịp điệu văn vần tự chúng không làm cho một tác phẩm văn chương có chất thơ, vì những tác phẩm về lịch sử, khoa học và những nghệ thuật chuyên môn thường được viết bằng văn vần (verse) nhưng không được coi là thơ (poetry). Chúng là những mô tả thực tại hơn là những sáng tạo hư cấu “mô phỏng” những phương diện phổ quát của động thái con người – vốn là chức năng thiết yếu của thơ, theo Aristotle.

Bỏ qua một bên câu hỏi thơ có thể được viết bằng văn xuôi lẫn văn vần hay không, chắc chắn là chúng ta muốn nói một điều gì đặc biệt và độc đáo với những từ “thi tính” và “nhà thơ”. Các triết gia cổ đại nhận ra điều này và gắng truy tầm cho được đúng điều gì mà sự độc đáo này hàm chứa. Mặc dù nhà thơ trong ngôn ngữ nguyên thủy của Plato và Aristotle có nghĩa đen là “người chế tác”, nhưng hai ông không coi nhà thơ đồng nhất với những nhà chế tác sự vật khác – với thợ đóng giày, thợ đóng tàu, và các thợ thủ công khác.

Thật vậy, ý tưởng cho rằng nhà thơ là một kiểu người điên hoặc một người thấu thị đầy cảm hứng đã đến với chúng ta từ Plato. Và một nhà tư tưởng điềm tĩnh như Aristotle cũng thừa nhận rằng “một khuynh hướng điên rồ”, thay vì “một món quà may mắn của tự nhiên”, có thể trong một số trường hợp giải thích tài năng của nhà thơ trong việc đứng bên ngoài chính anh ta và nhập vào cá tính của các nhân vật hư cấu của anh ta. Điều mà Plato và Aristotle gọi là “điên rồ” thì tương đương với điều chúng ta gọi là “cảm hứng”. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý rằng “cảm hứng”, và từ tương tự “hăng say”, gợi lên nghĩa sự điều khiển từ một sức mạnh ngoại tại, siêu nhiên.

Jacques Maritain(1), một triết gia hiện đại lỗi lạc, trong những năm gần đây đã xử lý câu hỏi nghệ sĩ có phải là tiên tri hay thợ thủ công (ở bậc cao) này. Lý thuyết cơ bản của Maritain là nghệ sĩ hay nhà thơ là “người chế tác”, một người thợ giống như những người chế tác mọi thứ khác, có kỹ năng làm ra các đồ vật. Nhưng hiển nhiên là có cái gì đó khác biệt về thơ, bởi vì nó là một nghệ thuật tinh thần hơn là nghệ thuật thủ công. Nó đòi hỏi một động thái khác thường của tâm trí con người. Vì lý do đó, Maritain nhấn mạnh yếu tố “trực giác sáng tạo” trong nghệ thuật và thơ. Qua đó ông muốn nói đến một thiên hướng, một năng lực hay sự cởi mở đặc biệt trước những bình diện sâu xa nhất của tinh thần con người. Nhưng ông khẳng định rằng đây là tiến trình hoàn toàn tự nhiên và hoàn toàn thuộc về con người, và ông ghê tởm bất kỳ sự làm ra vẻ của nhà thơ nào cho mình là tiên tri có trực giác đặc biệt về những bí ẩn tối cao. Ông kết tội các nhà thơ hiện đại, như Poe(2),Baudelaire(3)và Rimbaud(4), ham mê theo đuổi sự giả nhận đó.

Tuy nhiên, nhà phê bình Harold Rosenberg(5)vặn lại rằng những nhà thơ này không hề có những giả nhận siêu nhiên, rằng họ chính là những nhà cách tân và những nhà hệ thống hóa về kỹ thuật, họ cố gắng, bằng những nỗ lực có chủ ý của riêng mình, làm ra trạng thái “cảm hứng” mà nhờ đó thơ luôn luôn nảy sinh. Họ nhấn mạnh kỹ thuật, những phép ẩn dụ và những thao tác ý thức rồi tìm cách xây dựng một kỷ luật có tính hệ thống cho việc làm thơ. Nhà thơ hiện đại Rosenberg nói, là nhà kỹ thuật nhạy cảm, kết hợp “người chế tác” và “nhà tiên tri” theo một phương cách mới.

(1)Jacques Maritain(1882 – 1973): triết gia Pháp, là người ủng hộ chủ nghĩa Tân Kinh viện; những tác phẩm lớn của ông bàn về tri thức luận, triết học chính trị, và mỹ học.
(2)Edgar Allan Poe
(1809 – 1849): nhà văn và nhà phê bình Mỹ. Thơ và truyện ngắn của ông đều lấy đề tài những điều huyền bí và rùng rợn.
(3)Charles Baudelaire
(1821 – 1867): nhà thơ và nhà phê bình Pháp. Thơ tượng trưng của ông, đáng chú ý nhất là thi tập Les Fleurs du Mal(“Hoa Trái Độc”; 1857), khám phá ý nghĩa của u sầu, cô độc, và sự quyến rũ của tội lỗi và đồi bại.
(4)Arthur Rimbaud
(1854 – 1891): nhà thơ Pháp. Mặc dù ông ngừng sáng tác ở tuổi 19, những bài thơ của ông đã gieo ảnh hưởng quan trọng lên chủ nghĩa Tượng trưng.
(5)Harold Rosenberg(1906 – 1978): nhà phê bình và nhà viết sử nghệ thuật người Mỹ.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Định nghĩa về cái đẹp

    20/08/2017Hầu hết những người cố gắng định nghĩa cái đẹp đều nhất trí rằng nó dính dáng đến sự đáp ứng của ý thích. Chúng ta gọi một cái gì đó là đẹp khi nó làm chúng ta vui thích hay hài lòng ở một phương diện đặc biệt nào đó. Nhưng cái gì gây nên sự đáp ứng này từ phía chúng ta? Nó có phải là cái gì trong chính bản thân đối tượng ...
  • Trong những đường hầm của thi ca

    29/08/2005Ngô Tự LậpCòn các nhà thơ, giống như tất cả mọi người, họ đang đi vào những đường hầm biệt lập, trong đó họ sáng tạo ra những bài thơ mới cho những độc giả mới của họ. Đó là lý do duy nhất để họ tồn tại. Đó cũng là niềm hy vọng làm một điều có ích. Chỉ điều đó thôi cũng đã đem lại cho họ sức mạnh để không gục ngã...
  • Viết để làm gì ?

    17/08/2005Sartre, Jean-Paul (Nguyên Ngọc dịch)Mỗi người có lý do riêng của mình: với người này, nghệ thuật là một cuộc chạy trốn; với người kia, một phương cách chinh phục. Nhưng người ta có thể trốn vào một nơi cô tịch, vào đam mê, vào cái chết; người ta có thể chinh phục bằng vũ khí. Tại sao phải đích thị là viết, làm những cuộc trốn chạy của mình bằng cái viết?
  • Bản chất của nghệ thuật có giống với kỹ năng không?

    21/07/2005Một lúc nào đó trong thế kỷ 19, từ “nghệ thuật” bắt đầu được dùng chủ yếu cho một loại hình nghệ thuật – cái gọi là “nghệ thuật tạo hình”. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại không loại trừ những ngành như điêu khắc, âm nhạc, và thi ca khỏi danh sách các nghệ thuật của họ, nhưng họ cũng không tuyên dương những ngành nghệ thuật này như nghệ thuật tới mức loại bỏ hết mọi sự tạo tác khác của con người.
  • Sức sống của một cuộc tranh luận

    02/07/2005Hồ Sĩ VịnhTrong cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh trên văn đàn nước ta vào những năm 1935 - 1939, giữa hai phái đã có nhiều kiến giải dẫn đến điểm hội tụ: Đó là tầm nhìn văn hóa rộng, ý thức dân tộc, lòng yêu nước, sự tôn vinh văn chương dân tộc và sự tự ý thức về văn hóa tranh luận. Đó là một trong những nội dung mà chúng tôi tìm thấy trong cuốn: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh.