Thơ ca như một thứ tôn giáo

02:44 CH @ Thứ Sáu - 21 Tháng Mười, 2005

Kín đáo và ngại ngùng bởi không muốn nói nhiều về mình và tập thơ Trên đường vừa xuất bản, nhưng nhà thơ Trần Anh Thái tỏ ra cởi mở hơn khi đề cập đến thơ ca và công việc sáng tác của người nghệ sĩ. Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên với nhà thơ.

- Tập thơ mới xuất bản của anh có tên là Trên đường, tên gọi tập thơ này có ý nghĩa như thế nào?

- Thơ, theo tôi là một khái niệm không thể định nghĩa được. Khi chúng ta đang loay hoay tìm cho thơ một định nghĩa thì cũng chính là chúng ta đang tìm cách khoác lên thơ ca một cái khuôn mẫu có sẵn. Việc làm này sẽ khiến cho thơ mất đi tính sáng tạo của nó. Văn học theo quan niệm của tôi luôn luôn đòi hỏi sự tìm tòi, khám phá. Đời sống văn chương chưa bao giờ bất biến, ổn định, chưa bao giờ có điểm dừng. Nhà thơ vì vậy luôn phải hiện hữu trên hành trình khám phá cái đẹp, cái mới. Tập thơ của tôi mang tên Trên đường - đó là cái ý thức tìm cho mình một con đường riêng và tôi cố gắng đi đến tận cùng con đường ấy.

- Trong tập thơ Trên đường của anh, phần thơ văn xuôi được đánh giá là “sắc sảo, tinh tế và giàu tính triết lý”. Anh nghĩ gì về đặc điểm của thơ văn xuôi và xu hướng phát triển của nó trong tương lai?

- Thơ văn xuôi ở VN không có gì là mới. Ngay từ đầu thế kỷ XX, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã có những sáng tác thơ văn xuôi rất đặc sắc. Dù là thơ văn xuôi hay thơ văn vần thì tôi nghĩ nó phải là sự phản ánh, thể hiện hiện thực thông qua cảm nhận và trải nghiệm của nhà thơ. Ví dụ khi tôi viết: “Người đánh cá già mải mê rũ sương tìm bình minh trên mắt lưới” thì trong hiện thực tất nhiên chẳng có ông lão đánh cá nào đi tìm bình minh làm gì cả. Nhưng trong cảm nhận và tưởng tượng của nhà thơ, những màng nước biển đọng lại trên mắt lưới được mặt trời soi chiếu vào trông như những tia sáng bình minh. Cách diễn đạt ấy sẽ tạo ra cho người đọc một cách hình dung về con người bình thường ở một chiều kích khác. Con người hiện ra với một vóc dáng cao lớn và bay bổng hơn.

Thơ văn xuôi là một thể thơ tự do, nó có những ưu thế đặc biệt trong việc thể hiện ý tưởng của nhà thơ. Nếu thơ văn xuôi vượt lên trên tình trạng “thơ văn vần nối dài” thì nó sẽ có khả năng biểu hiện rất lớn. Tôi nghĩ thơ văn xuôi rất có triển vọng phát triển ở VN.

- Người ta thường nói: kẻ mạnh mới là người dám làm điều ác. Vậy anh nghĩ gì khi viết: “Sự sợ hãi, yếu đuối là nơi cái ác tìm về”?

- Đúng là kẻ mạnh thường mới có đủ khả năng làm điều ác. Nhất là khi cái mạnh đồng lõa với cái ác. Điều này mỗi chúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra. Nhưng nếu chúng ta sống với cuộc sống ở chiều sâu của nó, trải nghiệm lòng mình với những đau đớn, bi quan, đối diện với sự sợ hãi và cảm giác yếu đuối của chính mình, lúc đó chúng ta mới thấm thía cái ranh giới mong manh giữa cái ác và cái thiện khi con người đánh mất sự tự tin và sức mạnh của chính mình. Con người sợ hãi và yếu ớt, nghĩa là con người ta đã mất đi chỗ dựa ở cái thiện, lúc đó con người rất dễ đánh mất mình để làm điều ác. Chính vì thế chúng ta luôn phải đấu tranh chiến thắng sự sợ hãi và yếu đuối của chính mình để sống một cách tự tin hơn.

- Anh nghĩ gì khi văn xuôi đang đắt hàng còn thơ ca lại ế ẩm?

- Hiện trạng này có nhiều nguyên nhân của nó. Thứ nhất là lỗi của chính nền thơ ca hiện nay. Thơ đang rơi vào hai cực, hoặc gần với hò, vè; hoặc đi vào suy đồi, bí hiểm. Hai trạng thái cực đoan ấy đều khiến cho thơ đánh mất đi độc giả của mình. Thơ cần mới, hiện đại nhưng từ “hiện đại” đến “hay” là cả một vực thẳm. Sự cách tân sẽ trở nên vô ích nếu nó không phù hợp với bản chất của thơ ca. Văn chương cần phải hướng tới cái đẹp và cái nhân tính của con người.

Thứ hai, theo tôi, thơ ca khác với văn xuôi ở chỗ, hiện thực trong thơ là hiện thực trong cõi thẳm sâu. Tác động của thơ nghiêng về sự suy ngẫm, tưởng tượng, liên hệ từ nhiều chiều văn hoá khác nhau. Còn hiện thực của văn xuôi là hiện thực mà người ta dễ nắm bắt hơn. Hiện thực văn xuôi gần với hiện thực trong đời sống thường nhật mà bạn đọc có thể nhìn thấy, sờ thấy và cảm thấy. Vì thế, thơ ca có lẽ hiếm khi trở thành sản phẩm mang tính đại chúng, trừ những bài thơ tuyên truyền, cổ động. Vì bản chất của thơ ca, như một ai đó đã nói: Thơ là tiếng nói thầm. Đọc thơ giống như “xem trộm” những nhịp đập thầm kín của nhà thơ. Do vậy, thơ ca có một lớp độc giả riêng, không nhiều. Nếu thơ đi vào khuynh hướng đại chúng hóa, nó sẽ gần hơn với hò vè. Đây cũng chính là đặc trưng dẫn đến việc văn xuôi có thể quảng bá, tiếp thị, còn thơ ca thì khó khăn hơn và không nên làm như thế. Còn nữa, đời sống hiện đại đã thay đổi cái cách con người ta cảm nhận về nghệ thuật, trong đó thơ ca chịu thiệt thòi nhất. Cuộc sống bây giờ không còn chỗ để con người ngâm ngợi như trước đây.

- Vậy đâu là niềm tin của anh đối với sự phát triển của thơ trong tương lai?

- Thơ ít độc giả chứ không có nghĩa là đã mất độc giả. Thơ ca có những độc giả đặc biệt. Bởi ở một góc nhìn nào đó, thơ ca như là một thứ tôn giáo có khả năng cứu rỗi linh hồn con người. Cuộc sống càng sôi động, càng gấp gáp, con người càng dễ rơi vào những bi kịch. Trong đó cô đơn là một bi kịch lớn. Khi con người cô đơn, người ta sẽ tìm đến những khoảng lặng trong tâm hồn. Thơ ca cũng có những khoảng lặng như thế để đồng điệu với con người và lúc đó nó như là một phương tiện để cứu rỗi. Khi thơ ca phát triển đến đỉnh cao của nó, nó sẽ đi đến chiều sâu tâm linh con người.

- Xin cảm ơn nhà thơ.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thẩm mỹ

    15/10/2014Nguyễn Trần BạtNói đến thẩm mỹ không thể không nói đến khái niệm cái đẹp. Nhưng đó là một câu hỏi làm đau đầu biết bao nhiêu nhà triết học thuộc đủ mọi quốc gia, sống ở mọi thời đại trong lịch sử...
  • "Cô đơn là bản chất của nghệ sỹ"

    30/09/2005Trần Hoàng Thiên KimLuôn bận rộn với các công việc quản lý, lúc nào cũng nhìn thấy ông tất bật cho việc giao ban, họp hành, báo chí... vậy mà khi đến với thơ thấy ông say sưa như thể những vần chữ đang cuốn ông đi. Với gần 30 tác phẩm gồm đủ các thể loại: thơ, truyện thiếu nhi, kịch, kịch bản phim, tuỳ bút, ký, nghiên cứu văn học, nhà thơ Vũ Duy Thông đã khẳng định được tên tuổi của mình trên văn đàn Việt Nam. Ông vẫn tâm niệm "Thơ là cuộc điều trần với chính mình và lời hoà giải với đồng loại"...
  • Thời gian không chết, chỉ có khoa học dễ bị "bức tử" mà thôi!

    30/09/2005Nguyễn HòaSau mấy tháng “dạo qua” một số tòa soạn, cuối cùng tiểu luận Thơ hay là cái chết của thời gian của Ngô Tự Lập đã được đăng tải vừa qua. Theo Lời Tòa soạn của Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam thì: “trở lại định nghĩa thơ ở đầu thế kỷ này không phải là không thú vị… Vấn đề không phải là ở chỗ ai đúng, ai sai. Vấn đề là cùng bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển”. Nhưng theo tôi, đúng - sai lại là một tiêu chí hết sức quan trọng trong khoa học; và người ta chỉ có thể “bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển” một khi nắm bắt được mục đích, góc độ, phương pháp, cách thức nghiên cứu, cách thức đưa ra kết luận…
  • Thơ hay là cái chết của thời gian

    28/09/2005Ngô Tự LậpVề thơ như là một tổ chức ngôn ngữ quái đản. Tiểu luận Thơ là gì là một bài viết rất đặc trưng cho phong cách của ông Phan Ngọc: nhiều tâm huyết nhưng cũng nhiều võ đoán. Suốt bài viết với giọng cực kỳ tự tin này lấp lánh đây đó những nhận xét sâu sắc bên cạnh những từ ngữ và thuật ngữ cố tình lạ tai gây cảm giác khó chịu: “Quái đản”, tính thao tác”, “sự thức nhận”… (Tôi xếp vào loại này cả những từ to tát không cần thiết khác như vượt gộp", "thao tác luận"... rất nhiều trong các bài viết của ông). Mặc dù thú vị, bài viết này, theo tôi, có nhiều điểm chưa thích đáng, cả trong các nhận định lẫn trong thao tác khoa học.
  • Nhà thơ - người thợ lành nghề hay nhà tiên tri?

    08/09/2005Những lý thuyết về thơ từ những thời kỳ xa xưa đều xoay quanh ý niệm nhà thơ như người thợ thủ công khéo léo, như nhà tiên tri đầy cảm hứng, hay như một sự kết hợp thế nào đó của cả hai. Trong thế giới cổ đại, từ “thơ” nguyên nghĩa là “chế tác”, và bao gồm mọi hình thái sáng tạo sinh sôi của con người – chế tác những cái hũ cũng như chế tác những bài thơ. Nhưng nó sớm mang ý nghĩa nghệ thuật “chế tác” văn chương, sự trình bày có tính chất tưởng tượng về hành động, tính cách, và cảm xúc con người – thông qua từ ngữ. “Sự chế tác” như vậy bao gồm những tác phẩm kịch, ...
  • Thơ là gì ?

    30/09/2005Phan NgọcTrong quá trình xây dựng bộ "Phong cách học cấu trúc tiếng Việt", tôi bắt buộc phải định nghĩa lại các khái niệm, bởi vì các khái niệm trước đây về phong cách học là dựa trên nhận thức cảm tính về cái đã có, còn công trình của tôi mang tính thao tác, phải tìm cái lý do, cái sở dĩ của các hiện tượng đã được xem là hiển nhiên....
  • Trong những đường hầm của thi ca

    29/08/2005Ngô Tự LậpCòn các nhà thơ, giống như tất cả mọi người, họ đang đi vào những đường hầm biệt lập, trong đó họ sáng tạo ra những bài thơ mới cho những độc giả mới của họ. Đó là lý do duy nhất để họ tồn tại. Đó cũng là niềm hy vọng làm một điều có ích. Chỉ điều đó thôi cũng đã đem lại cho họ sức mạnh để không gục ngã...
  • Sức sống của một cuộc tranh luận

    02/07/2005Hồ Sĩ VịnhTrong cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh trên văn đàn nước ta vào những năm 1935 - 1939, giữa hai phái đã có nhiều kiến giải dẫn đến điểm hội tụ: Đó là tầm nhìn văn hóa rộng, ý thức dân tộc, lòng yêu nước, sự tôn vinh văn chương dân tộc và sự tự ý thức về văn hóa tranh luận. Đó là một trong những nội dung mà chúng tôi tìm thấy trong cuốn: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh.
  • xem toàn bộ