Nhà thơ Lê Đạt: Người lạc quan ngoan cố
- Nhà thơ Lê Đạt: Người lạc quan ngoan cố - Hoàng Hưng (Người đô thị)
- Lê Đạt với cái tâm đắc đạo - Thanh Hằng (Công An nhân dân)
- "Thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi!" - Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên)
- Vĩnh biệt nhà thơ Lê Đạt: Bóng chữ động trần ai...Hoàng Cầm, Mai Sen ghi (VietnamNet)
Sau hơn một tháng rét đậm, rét hại kỷ lục thế kỷ, Ngày Thơ Việt Nam 2008 bỗng rực nắng bất ngờ, như một minh chứng cho sức sống vượt mọi thử thách của thơ Việt. Minh chứng thứ hai, lão tướng thơ Lê Đạt, chân bước cà nhắc vào tuổi bát tuần, vẫn có mặt làm rộn một góc sân Văn Miếu - Hà Nội với tiếng cười "lạc quan” ngoan cố rất đặc trưng: "áo trắng chân dài nắng lạ/ Sáng ngần thân phố khóa xuân". Ai dám bảo đôi mắt kia là mắt tám mươi nhỉ?
Hai ngày sau, tôi đến thăm ông tại ngôi nhà mới xây, căn nhà phố bốn tầng nằm dưới chân đê Yên Phụ. Mình ông một tầng. Giữa căn phòng rộng, ông ngồi trước màn hình tinh thể lỏng mỏng chiếc máy vi tính đời mới. Hai năm trước, ông đã rời nội đô sau 40 năm nằm giữa các kiện khăn bông, gối thêu ngốt người trên một con phố tiêu biểu của khu "36 phố phường” Hà Nội. Chúng tôi mở đầu câu chuyện với "người của đô thị" bằng những kỷ niệm về nó.
Người của "hồn muôn năm cũ”
Anh có nhớ, có tiếc nơi ở cũ của mình không?
Nhà thơ Lê Đạt (10/9/1929 - 21/4/2008) tên thật là Đào Công Đạt, sinh tại Yên Bái, bên bến Âu Lâu, sông Hồng. Ông là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, từng là cán bộ tuyên huấn. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Lê Đạt có các tác phẩm: Bài thơ trên ghế đá (tập thơ, 1991); Bóng chữ (tập thơ, 1994); Hèn đại nhân (tập truyện ngắn, 1994) và mới đây nhất là tập thơ "U75 từ tình" (2007). Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2007. |
Nhà thơ Lê Đạt
: Thật ra, mình đã mất nó từ lâu rồi. Phố cổ của mình, của một thời, từ lâu đã tàn lụi, đã bị phá hỏng.Nhưng đã có bao nhiêu ý tưởng, dự án... bảo tồn, khôi phục phố cổ đó thôi?
Nhà thơ Lê Đạt: Phố cổ, đúng là cái duy nhất đã được định hình từ xưa của Hà Nội. Giá mà ta để nguyên nó, rồi xây dựng những khu đô thị mới xung quanh thì rất tết. Bây giờ, còn gì mà bảo tồn với phục hồi. Còn những gì đang thêm thắt vào nó chỉ lộ rõ sự pha trộn tạp pí lù, rất vô duyên. Nhìn rộng ra cả Hà Nội, cái cũ thì đã mất, cái mới thì chưa ra đâu vào đâu.
Bây giờ còn giữ được cái gì thì cố mà giữ thôi.
"Suốt 30 năm hoạn nạn, bờ Hồ là người bạn tốt nhất của tôi.. . " Và, anh đã giữ một thói quen tuyệt vời: Mỗi ngày đi quanh Hồ Gươm, sáng 4 vòng, chiều 4 vòng. Vậy anh là một trong những người có thẩm quyền nhất nhận xét hiện tình của nó?
Nhà thơ Lê Đạt: Tôi có cái may mắn của người làm thơ: người đi trong hiện tại, nhưng hồn vẫn sống ở quá khứ với tôi hồ Gươm chỉ đẹp trong ký ức. Thuở mình còn học trò.
Thời nay đòi hỏi phải có học
Chẳng lẽ một người được tiếng là trẻ mãi không chịu già như anh mà cũng hoài cổ đến thế. Vậy chắc anh cũng thuộc những người quyết chống lại việc xây nhà cao tầng quanh hồ Gươm?
Nhà thơ Lê Đạt: Định kiến như thế cũng không đúng. Mình không cho là tuyệt đối không thể xây nhà cao tầng gân hồ Gươm. Vấn đề là xây thế nào, theo quy hoạch nào. Thành phố cũng như con người, phải sống, phải thay đổi, không thể giữ mãi cái cũ, không khéo thì ta chỉ giữ được một xác chết. Song tôi tin là có những cách làm cho thành phố phát triển mà vẫn đẹp.
Theo anh, nguyên nhân chính của cái tình trạng "phát triển mà xấu” là gì?
Nhà thơ Lê Đạt: Nguy hiểm nhất là tình trạng ứng phó tùy tiện, tùy hứng, không có bài bản, không có tầm nhìn xa. Vẫn cứ du kích như hồi kháng chiến ấy. Người Việt Nam nổi tiếng là tháo vát, nhanh trí, hoạt bát, những ưu điểm ấy để đánh du kích thì tốt, nhưng bây giờ hóa ra có hại. Không thể cứ làm đi, sai thì sửa. Làm như thế với một thành phố khác nào sửa mặt một người đẹp. Lỡ xấu rồi, làm sao làm lại cho đẹp đây? Thời đại này đòi hỏi phải có học.
Quản lý một gia đình mà không biết cách, cũng còn loạn nữa là một thành phố lớn. Phải học cách quản lý đô thị, phải có kiến thức về "kiến đô". Mình mới thấy báo Người Đô Thị đưa ra một nhận xét của ai đó khá đau xót: các quy hoạch phát triển Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh của chúng ta kém xa những quy hoạch mà người Pháp làm cách đây trăm năm.
Anh đồng tình với cách nhìn về quy hoạch của báo?
Nhà thơ Lê Đạt: Vì không có bài bản và tầm nhìn nên sinh ra nhiều ý kiến quá. Thay đổi thành phố mà mỗi người lên lại vẽ ra một quy hoạch. Nhiều sáng kiến quá. Trong khi đó, sáng kiến nhiều khi chỉ là làm sao giữ lại cái đã có.
Cũng từ đó mà nhiều dự án quá. Bây giờ mình rất dị ứng với từ dự án. Hình như nó đồng nghĩa với "vụ án sắp xảy ra".
"Ta đang mắc chứng thích hô hoán..."
Người ta có thể quy hoạch phát triển đô thị nhưng xây dựng văn hóa đô thị có lẽ còn khó khăn, phức tạp hơn. Theo anh, cái gì mấu chốt?
Nhà thơ Lê Đạt: Tự do là tinh thần quan trọng nhất của đô thị, là cái làm nó khác biệt với nông thôn. Vẫn có sự e ngại không đúng với hai tiếng "tự do". Trong khi đó, đời sống văn hóa Hà Nội hiện nay lại đang ở trong tình trạng tự do không ra tự do, bảo thủ không ra bảo thủ, mà "vô Chính phủ” thì đúng hơn. Điều này có gốc gác từ thói quen tư duy của người Việt Nam, một kiểu tư duy huyền thoại, không phải tư duy khái niệm. Thí dụ như ngành giáo dục có dự án đào tạo mấy nghìn tiến sĩ, nhưng cái đầu tiên là phải xác định Tiến sĩ là thế nào, chuẩn của Tiến sĩ là gì đã chứ.
Tinh thần dung nhận cũng là tinh thần tiêu biểu của đô thị. Biết nghe cái khác mình. Biết đối thoại. Tôi vẫn muốn nhắc lại câu này của mình: "Đối thoại bao giờ cũng tốt hơn đối thụi".
Nói về hiện đại, rất dễ có những ngộ nhận xung quanh từ này. Thí dụ như có người cứ tưởng hiện đại là hô hoán. Ta đang mắc chứng thích hô hoán. Hôm nay thấy cái gì mới một chút là hô hoán: ngôi sao đây, triển vọng đây. Ngày mai, thấy có gì đó không ổn lại hô hoán: lai căng, chống lại truyền thống. Văn hóa là bình tĩnh.
Anh có một chiếc máy vi tính rất high-tech, nhưng tôi lại thấy trên bàn phím những tờ giấy viết tay... Có phải là anh chủ trương "kết hợp truyền thống và hiện đại"?
Nhà thơ Lê Đạt: (Cười sảng khoái) à, đấy là những tờ nháp Đoản khúc. Đoản khúc là những suy nghĩ về nghệ thuật, về sự đời. Suy nghĩ thì phải từ tốn chứ, vội gì đâu mà phải gô tanh tách. Đấy, người ta cứ nhầm hiện đại với vội vàng, chụp giật. Phải có thì giờ để suy nghĩ, trừ khi không chịu nghĩ. Sợ nhất là chủ trương chạy đua theo các dịp kỷ niệm. Ngay kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long cũng thế. Tại sao ta cứ bịa ra các thứ nhân dịp ấy để tự trói buộc mình? Đã từng có vụ một nhà hát đổ sập ngay trong ngày khai mạc nhân dịp… rồi mà không sợ hay sao?
Xin cảm ơn Nhà thơ Lê Đạt!
Lê Đạt với cái tâm đắc đạo
Thanh Hằng(Công An nhân dân)
Sinh thời, khi tâm sự với chúng tôi, không giống như nhiều lời đồn đại, nhà thơ Lê Đạt giữ một tâm thế hết sức hồ hởi, dễ gần: "Có người cứ bịa ra tâm trạng của tôi, chứ bản thân tôi không có thời gian ngoái nhìn quá khứ. Không nên quá quan trọng cuộc đời, vì khi ta quan trọng cuộc đời tức là ta tự đánh giá mình cao quá đó thôi! Bình thường tâm là đắc đạo!"
Tin nhà thơ Lê Đạt mất đột ngột loang nhanh, khiến không ít người nửa tin nửa ngờ. Bởi ông vừa cùng các nhà văn trở về từ một trại viết ở Tây Nguyên do Tạp chí Tia sáng tổ chức.
Cũng vừa tối hôm trước, ông còn ngồi trò chuyện cùng mấy bạn văn già. Tôi gọi về cái số máy hồi nào ông đưa, hy vọng vẫn còn được nghe tiếng cười lạc quan của ông như hôm nào ở căn nhà mát bóng cây trên đường Phó Đức Chính, Hà Nội, song không còn liên lạc được nữa.
Nhưng thông tin này đã được nhà văn Nguyễn Hoa xác nhận với sự nghẹn ngào: "Tôi đang viết tin buồn đây!" Hóa ra, đêm hôm đó, tai nạn ngã cầu thang đã đưa ông về cõi vĩnh hằng.
Tôi vẫn còn nhớ lần được gặp ông cách đây ít lâu, khi ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2007. Cả giọng nói và tiếng cười của ông luôn vang âm, khỏe khoắn trong căn nhà cao tầng, như bất chấp thời gian đã ngả trên mái tóc trắng màu sương.
Cuộc trò chuyện bên chậu mai tứ quý luôn đầy ắp tiếng cười sảng khoái của ông. Không giống như nhiều lời đồn đại, nhà thơ giữ một tâm thế hết sức hồ hởi, dễ gần: "Có người cứ bịa ra tâm trạng của tôi, chứ bản thân tôi không có thời gian ngoái nhìn quá khứ. Không nên quá quan trọng cuộc đời, vì khi ta quan trọng cuộc đời tức là ta tự đánh giá mình cao quá đó thôi! Bình thường tâm là đắc đạo!"
Với cái tâm đắc đạo ấy, ông trút lòng mình vào tác phẩm. Đã là người cầm bút thì phải tin vào tác phẩm của mình. Nếu không thì viết làm gì? Đã mang hết lòng mình vào trong tác phẩm thì trước sau cũng sẽ được công nhận. Bởi thế, suốt mấy mươi năm qua, ông chưa bao giờ không sáng tác. Ông bảo, khi viết, ông luôn tràn đầy hy vọng và độ lượng, bao dung. Mỗi ngày ông đều đặn viết 2-3 tiếng, kể cả khi đã ở tuổi 80.
Có thể nói, Lê Đạt không chỉ là một nhà thơ viết khỏe, mà còn là người đặc biệt cẩn trọng trong từng âm tiết, để làm nên những câu thơ thật độc đáo. Đọc thơ ông thật khó lẫn, khó quên với những hình ảnh có lẽ chỉ riêng ông mới cảm để viết lên được: "Chia xa rồi anh mới thấy em/Như một thời thơ thiếu nhỏ/Em về trắng đầy cong khung nhớ/Mưa mấy mùa mây mấy độ thu" hay "Mộng nhớ trán vầng đêm hằn nếp/Bóng em tạm trú nếp nhăn nào".
Sức viết khỏe, cái nhìn cá tính trong từng trang viết không có tuổi. Vì thế, cách đây vài tháng, ông đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ “U75 từ tình” (NXB Phụ nữ) gây ấn tượng với bạn đọc và đang tiếp tục hoàn thành cuốn “Đoản ngôn” và tập tiểu luận “Đường chữ”. Đấy là chưa kể, ông còn là một cộng tác viên ruột của Tạp chí Tia sáng đã lâu.
Trong cuộc đời, ngoài viết, người bạn trung thành nhất của nhà thơ Lê Đạt là sách. Ông tâm sự: "Lúc khó khăn nhất, tôi đọc sách, tránh “nhàn cư vi bất thiện”. Khi đọc sách, tôi được giao lưu với những bậc đại gia của văn hoá nhân loại, làm cho mình sang trọng lên. Điều quan trọng là luôn sống bao dung và giữ gìn sự hài hước.
Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe ông kể rằng, ngoài lúc viết, đọc sách, nhà thơ cao niên này còn rất thích nghe nhạc, xem phim Hàn Quốc và đặc biệt là thích xem biểu diễn thời trang.
"Thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi!"
Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên)
Nhà thơ Lê Đạt, người được coi là nhà cách tân xuất sắc của thơ Việt đương đại đã qua đời lúc 3 giờ 15 phút rạng sáng 21.4.2008 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 79 tuổi.
Cùng với Trần Dần, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt đã làm một cuộc cách - tân - thơ âm thầm trong suốt 30 năm qua và thế hệ các ông đã ghi dấu ấn khởi đầu cho chặng đường nhọc nhằn đổi mới của thi ca Việt Nam sau thơ Tiền chiến. Lê Đạt tâm sự: "Ngay từ nhỏ, tôi đã ôm ấp mộng cách tân thơ Việt - lẽ dĩ nhiên lúc đó tôi không ý thức được rõ rệt nên cách tân như thế nào. Sau Cách mạng Tháng 8, nhà thơ ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là nhà thơ Xô-viết Mayakovsky. Tôi thích những hình ảnh quả đấm hết sức táo bạo cũng như những bài thơ quảng trường mạnh mẽ tham gia trực tiếp vào quá trình thay đổi xã hội của ông. Ảnh hưởng của Maya rất đậm nét trong những bài thơ đầu tiên có những hình ảnh sinh sự, khiến tôi ít nhiều được công nhận như một nhà thơ cách tân: "Những kiếp người sống lâu trăm tuổi/Y như một dãy bình vôi/Càng sống càng tồi/Càng sống càng bé lại".
Cách ngày nhà thơ Lê Đạt mất vài tháng, phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc chuyện trò khá thú vị về thi ca hiện đại với ông tại nhà riêng ở phố Phó Đức Chính (Hà Nội). Và tôi cũng không ngờ rằng đấy là buổi cuối cùng được gặp ông. Buổi sáng hôm ấy, tâm sự về gia cảnh, nhà thơ vui vẻ cho biết: "Tôi vừa in cuốn U 75 từ tình tập hợp những bài thơ mình viết từ năm 70-80 tuổi".
"Các nhà thơ trẻ để tránh khỏi nhạt nhẽo, sáo mòn thì không nên đến cửa hàng đặc sản gọi cho mình một món bi kịch và không nên tự bịa ra bi kịch để tập dượt vì bi kịch chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trước mặt khi bạn chọn nghiệp làm thơ, thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi" |
* Thưa nhà thơ, tập U 75 từ tình có những thể nghiệm thơ khác với trước đây không?
- Khác nhiều chứ, nó khác với thể loại thơ hai-kâu (hai-ku) trước đây của mình. Một nhà thơ nước ngoài đã nói: "Khi ngôn ngữ thơ là hình ảnh, nó trói buộc ta trong một nhà tù rất ghê gớm và thoát ra khỏi nhà tù ấy là bước đầu tiên đã dám đổi mới, ta dám sống mới". Điều ấy quan trọng lắm và tôi cho rằng cách tân là quan trọng nhất. Vì những câu thơ hay bao giờ cũng xuất phát từ cách nhìn mới, bởi hiện tượng chính là tự nhiên cùng với cách quan sát về nó, nên thay đổi cách nhìn là điều quan trọng nhất đối với một nhà thơ. Trong tập thơ mới này của tôi, ngoài phần thơ hai-kâu còn thêm phần đoản ngôn rất mới và là một hình thức suy nghĩ ngắn gọn về nghệ thuật và cách ứng xử trong cuộc đời. Thể thơ đoản ngôn này thoải mái hơn thể thơ hai-kâu vì nó viết theo kiểu thơ văn xuôi.
* Vậy đời sống xã hội, đời sống nhân văn được thể hiện trong đó thế nào?
- Đây là những suy nghĩ của tôi trong rất nhiều năm trời vì các thể thơ trước đây không thể nói hết được nên tôi chuyển sang thể thơ đoản ngôn. Nó bổ sung cho phần thơ hai-kâu trước đây của mình với tiêu chí: chữ ngắn - tình dài - chở được nhiều. Như câu thơ "Khi thánh hiền dạy các tông đồ phải chống lại bản thân thì họ lại hiểu rằng phải chống lại kẻ khác".
* Ông đánh giá ra sao về những đóng góp của nhà thơ Trần Dần, Hoàng Cầm trong lĩnh vực cách tân thơ?
- Theo tôi, Trần Dần là trưởng môn phái của thơ cách tân thế hệ chúng tôi, nên anh ấy rất quyết liệt, bận tâm với việc đổi mới thơ. Nhưng cái nhược điểm của anh là hơi cứng nhắc, hơi ý chí chủ nghĩa. Tôi vẫn coi thơ Trần Dần là một bản giao hưởng của lý trí. Còn Hoàng Cầm thì anh ấy không bận tâm về đổi mới, cách tân thi ca nhưng giời cho anh ấy thơ và tập Kinh Bắc là một tập thơ rất hay và có nhiều cái mới.
* Còn các thế hệ thơ trẻ hôm nay?
- Thế hệ trẻ rất được nhưng chưa nên nói nhiều về nó, họ là tương lai của thi ca Việt Nam nhưng họ cần phải thấy được trách nhiệm lớn lao và phải lao động thật sự nghiêm túc hơn nữa, học nhiều hơn nữa. Cái quan trọng là họ khác Thơ mới tiền chiến. Phần sôi nổi của thơ trẻ cũng quan trọng, nhưng phần lắng sâu mới là điều cốt lõi và phần lắng sâu trong thơ trẻ hơi ít trong khi phần sôi nổi thì hơi nhiều. Với các nhà thơ trẻ, cái khẳng định mình là quan trọng, nhưng cái suy nghĩ về bản thân mình cũng rất quan trọng. Các nhà thơ trẻ để tránh khỏi nhạt nhẽo, sáo mòn thì không nên đến cửa hàng đặc sản gọi cho mình một món bi kịch và không nên tự bịa ra bi kịch để tập dượt vì bi kịch chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trước mặt khi bạn chọn nghiệp làm thơ, thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi.
* Điều quan trọng cốt lõi của nghề thơ là gì?
- Điều quan trọng nhất là phải lao động thơ một cách cần mẫn và không ngừng nâng cao văn hóa. Các nhà thơ cần phải cố gắng hơn nữa để cho độc giả thơ chấp nhận mình. Trong động tác chân, tôi ghét nhất là dậm chân tại chỗ vì nó đi mà vẫn đứng; trong mọi thứ phải vội thì không nên vội khi làm chữ và khi tự tử.
* * *
Cuối buổi chuyện trò nói trên, nhà thơ Lê Đạt còn dò dẫm từng bước cầu thang xuống nhà, tiễn tôi ra tận cửa. Tôi cũng không thể ngờ được rằng, mấy tháng sau, cũng trên những bậc cầu thang ấy, sau chuyến đi thực tế ở Tây Nguyên, vừa về tới Hà Nội, vào khoảng 22 giờ tối 20.4, khi nhà thơ xuống gác, ông đã bị vấp ngã và chấn thương nặng, tới 3 giờ 15 phút ngày 21.4 thì qua đời. Giờ, nhà thơ đã ở rất xa nhưng tôi vẫn còn thấy văng vẳng bên tai câu nói đầy thi vị của ông: "Bi kịch chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trước mặt khi bạn chọn nghiệp làm thơ, thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi".
Vĩnh biệt nhà thơ Lê Đạt: Bóng chữ động trần ai...
Hoàng Cầm, Mai Sen ghi(VietnamNet)
Giờ ông ấy đi rồi, tôi vừa buồn, vừa chán. Đáng nhẽ tôi phải đi trước chứ. Tôi cứ hết nằm lại ngồi gần 5 năm nay, đầu óc cứ đảo lộn chuyện cuộc đời. Hiện giờ tôi đang trong “một cơn hấp hối dài” chứ không phải là sống nữa - Hoàng Cầm.
Sáng nay (21/4), cô con dâu út thông báo tin ông Lê Đạt mất. Tôi không thấy đột ngột chuyện này. Vì tất cả chúng tôi đều già rồi. Nhưng tôi cứ nghĩ mình phải đi trước ông ấy. Tôi nằm liệt gần 5 năm, lại hơn ông Lê Đạt mấy tuổi nữa… Vậy mà đùng cái ông ấy đi, tiếc lắm.
Nhưng tôi vẫn vững tin vào tài năng của anh em, những gì chúng tôi viết đều có cái để lại cho đời sau. Thật ra, chúng tôi gồm tôi, ông Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Đặng Đình Hưng và cậu em út Phùng Quán đã sống với nhau từ thời hoạn nạn nghèo túng. Lúc nghèo khổ khó khăn chúng tôi thân nhau hơn là sau khi phục hồi.
Tôi còn nhớ thời gian “bị đánh”, trên đánh, dưới đánh, anh em đánh… Anh em chúng tôi viết có hay đến đâu cũng không được báo nào chấp nhận đăng. Vì mọi người đều cho rằng những người từng làm tờ “Nhân văn giai phẩm” là cái gì đó tội lỗi. Hồi đấy sống khổ cực vậy, nhưng cả mấy chúng tôi lại viết hăng hơn.
Cuộc sống chúng tôi vất vả lắm, ông Lê Đạt đi dịch sách, có bà cụ buôn bán giỏi lắm nên chu cấp cho cũng đỡ. Còn tôi và ông Trần Dần khổ hơn. Ông Trần Dần phải đi tô ảnh màu, người ta mang đến từng thúng ảnh, ông ấy cứ ngồi cặm cụi tô. Thỉnh thoảng, tôi cũng giới thiệu được sách cho ông Trần Dần dịch, tiền chẳng được bao nhiêu nhưng cũng là một cách cải thiện. Có lần ông Trần Dần vừa tô xong thúng ảnh được vài chục bạc. Thấy tôi với ông Lê Đạt xuống chơi, ông ấy ra chỗ quen quen làm cút rượu mấy anh em lại ngồi nhâm nhi với nhau.
Anh em chúng tôi lúc bấy giờ hay gặp nhau lắm, cứ chiều đi bộ xung quanh Hồ, rồi ngồi ghế đá nói chuyện. Có bản thảo đưa nhau xem, góp ý kiến nhiều lắm, nhưng chả bao giờ khen nhau cả. Phần lớn là chê. Ông Lê Đạt xem thơ tôi xong có nói: “Bây giờ mà mày làm thơ cũ quá, không mới. Mày phải đổi thế nào đi chứ, thế này thì cũ quá. Sao mày vẫn sống với cái cũ…”.
Tôi ghi nhận và cũng về xem lại, rồi sửa, nhưng tất nhiên vẫn không thoát khỏi cái cũ được. Hơn nữa, đó là thơ của mình rồi, chứ mới quá lại thành ra thơ ông … Lê Đạt. Trong mấy anh em chơi với nhau, chúng tôi coi Phùng Quán là trẻ con, con nít nên rất gượng nhẹ, còn lại mấy đứa đối xử với nhau rất bình đẳng.
Ông Lê Đạt đúng là phu chữ thật. Ông ấy rất kỹ tính và cẩn thận từng câu chữ trong thơ. Tôi đã từng đọc bản thảo thơ ông ấy, tôi biết có nhiều chữ ông ấy phải vật vã mất mấy ngày, thậm chí mất ăn mất ngủ. Thơ Lê Đạt có tính nhạc, đọc lên rất dễ nhớ. Như câu: “Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu” lúc đó vừa đọc xong là tôi nhớ ngay. Còn giờ bảo đọc hết cả bài thì chịu, không nhớ được.
Lê Đạt bắt đầu nổi tiếng hơn nhờ bài thơ in trên Nhân văn giai phẩm có tên “Nhân câu chuyện mấy người tự tử”, sau bài này, danh tiếng Lê Đạt ai cũng biết. Nếu nói về Lê Đạt thì ông ấy là người rất phóng khoáng, hay gọi là phóng túng cũng được. Nhưng ông ấy không yêu nhiều như tôi, ông ấy chỉ có bà Thúy Thúy thôi. Cũng có thể, ông ấy không phải lo lắng về cuộc sống vật chất nhiều nên có cái chất phóng túng ấy.
Lê Đạt nói mình là “phu chữ” cũng đúng, vì khi viết ra một chữ gì mới, ông ấy chọn lọc và suy nghĩ ghê lắm. Tôi đọc thơ ông ấy cũng thấy được chỗ nào ông ấy làm công phu, cân nhắc rồi dằn vặt chữ nọ chữ kia đến mệt…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng