Thơ là gì

07:58 SA @ Thứ Tư - 25 Tháng Mười Một, 2009

Câu mở đề: "Thơ là gì?" chắc nhiều người nghĩ ngay rằng thơ là những câu có vần có điệu, hợp lại thành từng bài hoặc vắn hoặc dài, mà nói những chuyện bóng bảy xa xôi. Cứ hình thức mà xét thời thơ là thế thật, nhưng ngoài cái hình thức ấy hay là ở trong cái hình thức ấy lại còn có một cái tinh thần nữa, muốn giải cho rõ, thật không phải dễ. Cho nên có nhiều người làm thơ mà vị tất đã hiểu cái tôn chỉ của thơ thế nào. Theo lí tưởng của văn học Tàu thời thơ là một nghề phong nhã, chủ diễn những tình ý cao thượng ra lời đẹp, có âm khoái trí. Lí tưởng ấy không phải là không chính đáng; nhưng tuy hợp với phương diện mĩ thuật mà chửa gồm được hết phương diện triết lý. Vì thơ nếu chỉ ở lời đẹp ý nhã, đủ cho người ta khoái trí vui tai, thời chẳng qua là một nghề tiêu khiển, có quan hệ gì đến những lẽ lớn ở đời cái nghĩa cả làm người?

Mà thật thế, phần nhiều các nhà thơ ở nước Tàu nước ta coi thơ là một nghề chơi phong nhã bình đẳng với ba nghề khác nữa là: cầm, kì, họa. Thảng hoặc cũng có người có lí tưởng cao, lấy thơ để mà tả cái khí khái cao thượng, giãi lòng hoài vọng xa xôi của mình, hay là bày những nỗi bất bình, tình oan uổng, nhưng mà không kể các hạng thi nhân ấy thường vẫn ít có, dẫu có thường cũng vượt ra ngoài nhân thân mình mà quan cả đến những lẽ cao xa về nhân sinh, về vũ trụ. Còn đại để là những tay ngâm hoa vịnh nguyệt cả. Nói tóm lại thời các nhà làm thơ ở Đông phương ta phần nhiều là những nhà mĩ thuật mà ít khi là nhà triết lý. Ở Thái Tây thời không thế: người Tây coi thơ vừa là mĩ thuật vừa là triết lý, có nhiều tính cách riêng khác với triết học thường. Bởi vậy nên thơ Âu Mĩ tuy cũng trọng ở lời nhiều, mà lại trọng ở ý nhiều hơn; mỗi bài thơ không những là một tác phẩm mĩ thuật, lại là một tác phẩm triết lý nữa. Cái tinh thần của thơ Tây và thơ ta có khác nhau ở đó.

Kí giả nhân mới đọc bài diễn thuyết của một thi sĩ có tiếng bên nước Pháp giải nghĩa "Thơ là gì", xin lược dịch đại ý ra sau đây, để gọi là giới thiệu cho các nhà thơ ta biết cái tôn chỉ của thơ Tây thế nào.

Bài diễn thuyết này là của ông Paul Géraldy diễn ở nhà "Nữ sĩ giảng tập viện" (Université des Annales) ở Paris ngày mồng 1 tháng 3 năm 1921.

Lời diễn văn đại lược như sau này:

"Tôi thấy trong chương trình nhà Nữ sĩ giảng tập viện biên đề mục bài diễn thuyết hôm nay rằng: "Nói về thơ và giảng thơ nên thế nào là hay là phải". Đề mục đã biên ra như vậy thời chắc là tự tôi bảo biên như thế. Tôi nghĩ đi nghĩ lại mà càng rõ rằng tôi chọn cái đề mục ấy thật vụng quá, vì coi ra ý tự cao quá. Nhà làm thơ không có lẽ định phép tắc cho thơ được, chẳng qua là chịu phép tắc của thơ mà thôi. Vì thơ vốn có phép tắc tự nhiên, mình phải cố mà tìm cho được, mà theo cho đúng. Thơ ví như một vị thần, gồm hết cả những sự tất đẹp ở đời, khiến người đáng yêu đáng mến, mình phải ra sức mà phụng sự vị thần ấy cho thành tín, chứ lại muốn tự cao mà định phương châm, đặt phép tắc cho thơ, thời thật là điên cuồng ngông ngáo quá… Vậy tôi xin phép các phu nhân(1) (1 Nhà "Nữ sĩ giảng tập viện" (Universtité des Annales) là một hội học do bà Yvonne Sarcey sáng lập ra và làm giám đốc, để dạy học cho các bà các cô trong xã hội thượng lưu ở Paris, và dạy toàn bằng lối giảng thuyết, nhờ những bậc bác học văn sĩ có tiếng trứng nước đăng đàn diễn về các khoa văn chương, triết lý, lịch sử, sư phạm. Hội học này có tiếng là một nơi học tập cao thượng, giao thiệp phong nhã ở kinh đô Pháp.) cùng tôn ông cho tôi sửa lại đầu đề như sau này:

"Thơ là gì? Làm thế nào mà tìm mà biết được thơ?...

"Tôi đã nói thơ ví như một vị thần. Thần ấy có nhiều người tự xưng là đệ tử, ra công phụng sự. Nhưng mà người hay thì ít, người dở thật nhiều... Làm thế nào mà phân biệt được người dở với người hay? Lấy cái cảm giác tự nhiên của ta có thể biện biệt được không? Chắc cũng có khi phân biệt được. Nhưng nhiều khi thời các nhà làm thơ mỗi người lập một môn hộ riêng, mỗi người theo một tôn phái riêng, dẫu cảm giác của ta tinh nhuệ đến đâu cũng khó lòng cho khỏi lầm lẫn được. Cứ thực ra, ngày nay đối với thi học, chẳng là đương giữa buổi người ta không biết đâu là bờ bến, không lấy gì làm chỉ nam dư? Bọn ta đương đi tìm thơ mà chửa biết thơ ẩn vào chốn nào vậy.

"Xưa kia, thơ đã có hình thức riêng, cái gì có vần có điệu là thơ, dễ nhận biết ngay. Cứ xem cái nghi lễ bề ngoài thời biết được vị thần ở đâu. Nhưng ngày nay thơ nhiều khi có hình thức bề ngoài mà không có tinh thần ở trong. Cái hình thức là cái người ta dễ bắt chước hơn cả: vần với điệu, trắc với bằng, hễ có tập thời dễ nhập điệu ngay. Cứ xem như những kẻ tài học rất tầm thường mà dụng công mô phỏng, cũng lên mặt thi ông thời đủ biết. Viết bằng lời thơ cũng là một nghề tiểu xảo, ai tập mà chẳng được. Nhưng viết cho nên thơ mới khó. Một anh học trò trung học, ra công gắng sức mà tập, cũng có thể viết được những câu thơ vần điệu nhịp nhàng êm ái, đọc lên âm hưởng linh lung như thơ Hugo, thơ Verlaine vậy,... duy có cái tinh thần trong thơ các ông ấy thời không có mà thôi.

"Cũng như về đời Phục hưng, có vô số những danh họa xuất hiện, rồi sau kế đến phái Bologne (Ecole Bolonaise), những bọn như Carrache, Guide, kế thừa được người trước cái ngọn bút vẽ khéo, nhưng vẽ có khéo mà trong nét vẽ không có tinh thần gì cả, chỉ để lại được cho đời sau những bức tranh có đẹp mà trơ, không chút sinh hoạt gì.

"Vậy thời ta phải biết phân biệt, đừng có lẫn cái hình thức thơ với chân thi vị. Nhiều bài thơ đọc lên rất êm tai, mà nghĩa lí thật tầm thường. Có lẽ câu thơ thường lại là cái vỏ rực rỡ để cho tư tưởng tầm thường, và càng trong thể thơ lại càng hay thấy những ý kiến thấp hẹp. Nhiều người làm thơ không có hứng, hoặc chỉ cần lấy cho đúng phép tắc, không thất niêm thất luật mà thôi, hoặc lại vụ phá hẳn quy củ, chẳng ra lối lăng gì. Dù theo phép tắc hay dù phá quy củ, câu thơ như vậy chẳng qua là cái áo, cái áo ấy không thể làm cho nên thơ được, cũng tức như thầy Nhân ngôn trong bài tuồng Bệnh tưởng tuy mặc áo y sĩ mà nghề thuốc vẫn dốt đặc.

"Lại trong một bài tuồng khác của Molière có vai trưởng giả nọ (Jourdain) bàn về văn chương, nói rằng muốn phân biệt thơ với văn có khó gì, cái gì không phải là văn thời là thơ, mà cái gì không phải là thơ thời là văn. Lời ấy ngày nay vị tất đã là đúng, vì gần đây những nhà làm thơ mà không dùng thể thơ cũng nhiều. Nhưng giả sử lời ấy vẫn còn đúng cũng không nên vội tưởng rằng phàm cái gì không viết bằng thơ là không phải thơ đâu. Các vua chúa ngày nay đi chơi trong phố phường cũng ăn mặc như người thường. Thơ cũng vậy, thơ mà mặc áo tản văn không phải là không được, và có nhiều bài văn có thi vị hơn là lắm bài thơ nhiều. Như vậy thời làm thế nào mà nhận biết được thơ? Có khi mình tìm ở phương này mà thơ là ở chốn nọ, cũng có khi đứng gần thơ mà không biết rằng thơ; làm thế nào cho khỏi sai lầm? Như vậy thời thơ là cái gì, vì không phải rằng cứ có hình thể thơ mà là thơ?... Ừ, thơ là cái vật chi chi? Có lẽ ngày nay đã đến lúc thử nên giải kĩ xem thơ là chỉ vật gì... Bữa nay tôi xin cùng các ngài thử giải xem có được không?

"Các ngài chắc đã từng cảm giác rằng người ta ở đời có hai cách sinh hoạt, một là cách sinh hoạt tầm thường, phần nhiều người cũng cam chịu như vậy, nhưng ít ai lấy thế làm bằng lòng; hai là cách sinh hoạt khác thường, có phong phú, có thi vị, đặc biệt li kì, làm người ai cũng có lúc hoài vọng sống một cách phi thường như vậy.

"Sự sinh hoạt tầm thường là sự sinh hoạt theo thói quen. Đứa con trẻ nó không có thói quen gì, tư chất còn mềm nõn như cái măng mới mọc, mỗi ngày mỗi thay đổi, vì mỗi ngày một lớn lên, chưa kịp tập nhiễm thành thói quen; cho nên cách sinh hoạt của nó có cái vẻ li kì; cách sinh hoạt của nó là cách sinh hoạt rất nên thơ, là cách sinh hoạt có thi vị vô cùng. Bởi thế nên tính khí con trẻ thường vui vẻ; tuổi đồng ấu chính là cái hình ảnh sự vui vẻ ở đời…

"Đến như những người đã thành niên như bọn ta, thời sau khi thu hoạch được những điều trí thức cần dùng để sinh hoạt ở đời, thường thường không còn có tấn tới thêm được nữa, muốn cho tấn tới, thời phải gắng sức lắm mới được. Theo cái luật "tối thiểu xuất lực" (la loi du moindre effort), người ta không ai muốn chịu khó, đủ biết đủ dùng thời thôi và hay có tính cứ theo việc cũ mà làm, cứ theo câu sáo mà nói. Bởi thế nên lâu ngày thành chán, sự chán nản là cái bệnh của người đời. Đã không tự mình xuất lực cho tinh thần mới mẻ ra, thời lâu dần thành như cái máy tự động, hễ vặn thời chạy, không có ý thức gì nữa và tư tưởng cảm giác mới ngày như mê ngủ dần đi, tư tưởng cảm giác đã không hoạt động nữa, thời người ta sống cũng như chết vậy. Vì sống cũng không biết cái hứng thú của sự sống nữa...

Cho đến sự sung sướng cũng vậy: người ta dẫu được thập phần sung sướng, mà cứ sướng mãi, cứ sướng đều, không có thay đổi chút nào, thời dần dần cũng không biết răng sướng nữa, thấy như cái sướng của mình không có thú vị gì nữa.

"Tuy nhiên những sự hành vi trong đời người đã nhất định, không thể cứ hằng ngày mà biến hóa vô cùng được.

"Đã nhất định thời cứ y thế mà làm, hà tất phải thay đổi cho phiền. Vả lại công việc ở đời đã nhất định thời tinh thần người ta không phải bấn bíu vào đây cho lắm mà được thư thái hơn lên. Như vậy thời cái thói quen theo như các sách triết học đã dạy tức là kẻ nô lệ cho người ta sai khiến, người ta đã được cái thói quen nó hầu hạ, không phải bận nhọc về những công việc ở đời, tất các năng lực về tinh thần được thong dong thư thái, vậy phải tìm cách khác để lợi dụng, kẻo bỏ không thành ra hao mòn hư nhụt đi mất. Nếu nhân loại chỉ bằng ở thói quen mà không biết thường thường luyện tập các năng lực cho được tinh nhuệ hoạt bát thêm lên, thời có một ngày kia, cũng đến như loài ong nọ, đã mấy nghìn năm nay cứ sinh hoạt theo những phép tắc nhất định, không phải dùng đến trí khôn nữa, thành ra trí khôn tiêu mòn đi mất, đã bao nhiêu lâu nay không còn tấn tới được chút nào nữa. Người ta tuy là một giống có trí tinh tiến, nhưng có lẽ có một ngày tấn tới đã đến cực điểm, lấy thế làm mãn nguyện, không muốn bước cao hơn lên nữa. Hiện nay thời chưa đến bậc ấy, sự tiến hóa còn chưa tới cõi hoàn toàn. Vả lại người ta dẫu có căn tính lười biếng chỉ muốn theo thói quen mà làm cho xong chuyện, nhưng cũng còn có căn tính khác nữa, khiến cho càng ngày càng cầu muốn cho hay cho tốt hơn lên. Nhà triết học Đức Nietzche đã nói rằng "Người ta là một giống vật vốn có tính muốn càng ngày càng hơn mình". Thật thế, người ta có biết hằng ngày hằng đổi mới, nhật tân, nhật nhật tâ, hằng ngày hằng tấn tới mãi lên, thời mới giữ được cái vui vẻ như thuở đồng ấu. Ngày xưa người thợ nung nung được cái vò, tự nghĩ trong bụng rằng: "Ngày nay ta làm thế này, ngày mai chắc ta làm đẹp hơn". Có bụng phấn khởi như thế, cho nên vừa làm vừa hát, vui vẻ vô cùng. Người thợ nung ngày nay biết rằng cái vò ngày mai rồi cũng giống cái vò hôm nay, biết mình chẳng qua như một cái máy vô hồn, người vặn thời chạy, nên làm không có vui vẻ chi nữa, không những không có vui vẻ nữa, mà lại thành ra bực mình, sinh lòng oán phẫn. Là vì rằng người thợ, dẫu làm việc chân tay, mà cũng biết ham cái thi vị. Thơ là gì? Thơ chính là thế. Thơ là vượt qua ra ngoài thói quen, mà bước vào một cõi mới lạ, có hứng thú hơn. Cái phạm vi sinh hoạt của người ta khác nào như một cánh đồng đã trồng trọt cầy cấy, ngoài cánh đồng cỏn con ấy còn những rừng ruộng mênh mông bát ngát, bao bọc bốn bề. Cái “hồn thơ” (instinct poétique) tức là cái sức mạnh kia nó run rủi người ta ra ngoài phạm vi sinh hoạt của mình, phạm vi ấy dù to rộng đến đâu, chẳng qua cũng chỉ là một nơi giam hãm cho cái chí bay bổng của ta. “Hồn thơ” chính là sự yếu cần cho ta phải ra tay mà khai thác cái khoảng không vô tận ở quanh mình, để dần dần thu thập sát nhập thêm vào bờ cõi của mình, để lấy thêm tài liệu cho sự tư tưởng cảm giác của mình. Hễ khai thác được phần nào, sáp nhập ngay phần ấy, khiến cho cái vòng trí thức của người ta mỗi ngày một to rộng mãi ra, cái phạm vi của đời người mỗi ngày một khoáng trương thêm ra, và giống người mỗi ngày lại chinh phục được thêm một cõi đất trong cái vũ trụ mang nhiên vô cùng tận nó bao bọc ở quanh mình.

"Nhưng mà khám phá cái cõi mang nhiên ấy, tấn tới ra ngoài phạm vi mình, bỏ những lề thói đã quen hằng ngày đi thám hiểm những nơi hãy còn xa lạ, ôi! khó biết bao? Cái thói quen nó đàn áp mình, nặng như đá đè, có lúc gắng sức cũng nâng lên nổi, nhưng nhiều khi nâng lên rồi mà kiệt lực lại phải để rơi xuống; nhân thế mà sinh ra chán nản, mà đành chịu cam tâm... Như khi sắp đi chơi đâu xa hay là lúc định kết duyên người tri kỉ, tưởng nhân sinh còn lúc nào lòng thơ lai láng bằng những lúc ấy. Tàu vừa rời bến, mình đứng trên sàn, trông xa trước mắt, trời nước mênh mang, nghĩ đến những phương xa cõi lạ, mình sắp tới đây, mà trong lòng khoan khoái biết dường nào? Lại lúc đứng trước người yêu, trao lời gắn bó, thệ hải minh sơn, định cùng nhau đề huề dắt díu mà kết nghĩa trăm năm, tấm lòng hoan hỉ, tấc dạ bồi hồi biết bao nhiêu? Nhưng mà càng trông cảnh lạ mà kẻ du khách kia nhiều khi cũng chán mắt, nhìn lắm hóa nhàm, Cảnh có đổi mà lòng vẫn thế, không thấy thêm du khoái chút nào. Lại người tân hôn nọ, trước khi thành vợ chồng thời tưởng cái cảnh vui thú biết bao; vậy mà đến lúc đã thành gia thất thời có khi chán cảnh vợ chồng. Là bởi người du khách nọ, kẻ tân hôn kia, đều không thoát khỏi cái căn tính lười biếng của loài người, hễ đã để mình vào trong một cảnh ngộ thời dễ nhiễm những thói quen trong cảnh ngộ ấy, thói quen đã tập nhiễm thời hứng thú tất tiêu mòn. Thành ra đi chơi đi mãi cũng thành chán, vợ chồng ở đời thường cộng sinh chán.
"Bởi thế nên người ta sinh hoạt muốn cho giữ được mãi cái phong thú như trong thuở đồng ấu, thời phải hằng đổi mới luôn. Nhưng không phải là đổi mới cách sinh hoạt bề ngoài mà thôi. Nếu như vậy thời cứ đổi nơi nhà ở, đổi cách ăn mặc cũng mới đủ rồi, mà thực có nhiều người làm như thế thật. Song đổi mới ở bề ngoài như thế có ăn thua gì. Phải đổi mới chính mình, phải đổi mới cái tâm hồn tính tình mình mà thi hành cái phép "tự tân". Người ta sở dĩ khao khát tìm thơ mà không thấy thơ, là vì chỉ biết tìm ở bề ngoài, không biết tìm ở ngay mình. Phấn khởi tự tân, người đời lấy thế làm khó nhọc quá. Đổi nhà, đổi bạn, đổi vợ, đổi tính, cho là còn dễ hơn, tiện hơn là tự đổi mình... đi thế nên thiên hạ thiếu chi là khách giang hồ người bội bạc... Bôn ba bốn bể ăn ở ngược xuôi, cũng là một cách đổi mới chứ sao? Những người ấy cũng là đi tìm thơ, cũng là theo đuổi thơ; tưởng rằng trông thấy thơ ngay trước mắt, nắm được thơ vào trong tay, không ngờ rằng càng đuổi thơ càng chạy, tưởng nắm được mà hóa ra không, nên cả đời cứ bôn tẩu hoài, đi hết xứ này đến xứ khác, thử hết người nọ đến người kia.

"Không biết rằng ngược xuôi bôn tẩu như vậy có ăn thua gì, chính là phải định tĩnh tinh thần, kết ngưng trí tuệ mới được. Ở người nào, ở vật nào là không có thơ? Nhưng cái hồn thơ ấy nó thâm trầm u ẩn, không phải bộc lộ ra ngoài, phải có chí, phải chịu khó mới tìm ra được.

"Nhưng mà ở đời mấy người biết chịu khó, biết có chí như vậy? Trong cổ bản hí kịch có vai Don Juan, một đời không biết bao nhiêu kẻ nhân tình, trăng gió với mọi người, hết người nọ đến người kia, người nào cũng chóng chán, mà rút cục không biết ái tình là cái chi chi. Chàng Don Juan đó ví biết định tĩnh tinh thần mà chung đúc bụng yêu vào một người nào, thời có lẽ được biết và được hưởng cái thú ái tình. Nhưng chàng không biết chịu khó mà tìm tòi, yên lòng mà yêu dấu; chàng lại muốn nay đông liễu, mai tây đào, đem bụng yêu mà tản mạn bốn phương, kết cục thành ra lầm mất một đời người mà chung quy không được hưởng cái khoái lạc rất phong phú ở đời là hai chữ ái tình vậy. Đến lúc biết rằng khờ, thời tuổi đã già rồi, còn chi là cái xuân xanh.

"Tôi đã nói rằng thơ là cái chí tiến thành, nghĩa là tấn tới cho được thành tựu. Như vậy thời Don Juan chung thân không được biết thơ là gì, vì chung thân không được thành tựu hai chữ ái tình. Don Juan tức là một vai giả ái tình cũng như ở đời có những người giả đạo đức, giả văn chương, đều là những kẻ "đuổi thơ hụt", tìm thơ mà không được gặp thơ vậy. Vì nhiều người có mang cái hồn thơ ở trong mình mà không biết diễn xuất thực hiện nó ra, chỉ chăm chăm yêu hãnh những sự đâu đâu, muốn làm cưỡng, làm khác mình đi, tưởng thế mới là thơ. Này như những kẻ có tính “làm bộ” (les poseurs) chính là những kẻ ham thơ đó, vì rằng muốn làm ra bộ một người tốt đẹp cao thượng hơn là cái bản thân mình, mà đương lúc làm bộ như thế tưởng tượng như tự mình đã là cái người mới ấy rồi.

Đó là một cách giả dối, nhưng tựu trung cũng có cái chí tiến thành (la volonté de devenir) muốn cho mình hơn mình, duy không biết rằng cái hồn thơ mình đã sẵn có, chỉ phải chịu khó tìm mà phát minh ra, mà lại phí công tưởng tượng ra những vẻ thơ phù phiếm ở đâu đâu... Lại đến kẻ sàm báng hay chỉ nghị người ta cũng là những kẻ có cái bụng ngầm ham thơ. Nói thế chắc các ngài lấy làm lạ, nhưng nghĩ kĩ thật như thế. Tự mình ham muốn sự hay sự tốt mà không thể làm được, bèn quay ra trách bị ở người, đối với người sinh lòng nghiêm khắc, hình như không thể dung được kẻ khác không biết thực hành cái lí tưởng cao xa mà tự mình đã không làm được. Nên cố chỉ trích để tìm các vết xấu của người ta, tựa hồ như trông thấy cái xấu ấy, vạch được rõ ra, tức là chứng rằng tự mình cũng biết cái tốt thế nào, dù không thể làm được nhưng cũng biết quan niệm và thưởng thức vậy...

"Cứ suy chứng như thế, có thể nói rằng người ta ai cũng có cái bụng ham thơ, người ta ai cũng có cái lòng khao khát muốn sinh hoạt một cách nên thơ, nói thế không phải là nói cưỡng và cũng không phải là nói qua vậy.

"Hoặc giả rằng: nếu người ta ai cũng có bụng ham thơ, thời xã hội là gồm tất cả người ta, tất phải là cái hình ảnh chân chính của thơ…

'Tôi xin chịu rằng chưa xã hội nào được như thế, mà còn lâu lắm nữa cũng chưa tôi được bậc đó. Nhưng mà đó không phải là cái hồn thơ không có: chỉ là cái cách suy diễn ra vụng về sai lạc mà thôi. Người ta hay khuynh hướng vào cái thơ giả mà không biết đến cái thơ thật, vì cái giả vẫn rõ hơn và dễ hơn cái thật, như ở đời mà muốn cho thực nên tư cách người anh hùng hào kiệt thời tưởng cũng khó lắm, chứ như đến ngày hội "tung hoa" (le carnaval), ăn bận áo võ sĩ, vênh váo đi ngoài phố thời có khó gì...

"Cho nên hồn thơ vẫn có mà diễn ra không nên, ấy cái thông bệnh của phần nhiều người là thế. Diễn không nên, nên diễn sai cả. Kẻ thời mơ màng những đất lạ phương xa, người thời tưởng vọng những bồng lai tiên cảnh, nhưng kì thực có phải là ham những tiên cảnh bồng lai, phương xa đất lạ đó đâu, chẳng qua là mượn đó để thực hành cái lòng hoài vọng cao xa của mình, mà thực hành không nên đó mà thôi.

"Nhưng mà đối với những người ấy ta cũng chớ nên nghiêm khắc quá. Cái bản tâm người ta không phải là không hay, vì bản tâm ấy tức là hồn thơ đó. Những người có cái hồn thơ ấy, muốn thực hiện mà không thực hiện được, hoặc làm sai lạc đi, còn đáng trọng hơn là kẻ ù lì, chỉ biết an phận, không có lòng hoài vọng chi, người mà không có cảm giác như loài mộc thạch, thật đáng khinh bỉ vô cùng. Những kẻ anh hùng hụt, đạo đức non, văn chương cưỡng, tuy nhiều khi không khỏi làm trò cười cho người đời, song cũng tỏ ra là người có chí ham những sự cao thượng, có hồn thơ lai láng hơn người thường.

"Tuy vậy nhưng cũng nên cẩn thận, đừng có bắt chước những kẻ ngông cuồng bất tự lượng kia, lòng ham muốn to quá mà tài trí không đủ thực hành. Người ta ai cũng có thể trở nên hay hơn mình được, nhưng mà phải kén chọn cho kỹ kẻo mà sai lầm.

"Ấy chính vấn đề thơ là ở sự kén chọn đó. Mà vấn đề ấy, ít người tự mình giải quyết được. Cần phải có người khác giúp cho. Người khác ấy tức là các thi nhân vậy Cái nhiệm vụ, cái thiên chức của các thi nhân là phải khai đường mở lối cho người ta ra ngoài cái phạm vi sinh hoạt hằng ngày, bước tới cõi mang nhiên vô cực nó bao bọc chung quanh mình. Đã khai kinh cúc, đã phá thiên hoang rồi, thời phải chỉ nẻo cho người đời theo, phải giục giã cho bước tiến lên; nói tóm lại, phận sự nhà làm thơ là phải chỉ vẽ cho ta cái mô phạm tương lai (tupe d’avenir) thế nào.

"Tay thi hào tuyệt đối là người nào biết vẽ ra cái kiểu hoàn toàn nhất, kiểu đẹp mà lại vừa sức người ta có thể thực hành được, dù người tầm thường không ngưỡng tới, mà kẻ có chí có thể làm nên được, chứ nếu rộng bút vẽ ra những kiểu hoang đường quá thời cũng không bổ ích gì…

"Thường thường thời mỗi giống người có một cái hồn thơ riêng, gồm những tính cách riêng của giống ấy. Thi hào của một dân tộc nào phải diễn được cái hồn thơ riêng của dân tộc ấy một cách rực rỡ hùng hồn.

"Nay thơ mà muốn cho lưu tồn được mãi mãi, thời trong khi vẽ ra cái mô phạm tưởng lại phải vẽ thế nào cho vừa đẹp mà lại đủ rõ ràng cho người đời có thể ngưỡng mộ mà bắt chước được, cho cái dự tưởng ở trong óc một người một ngày có thể thành sự thực được.

“Xưa kia thời mô phạm của thơ giản dị lắm, khác nào như một bức phác họa có mấy nét mà gồm được hết hồn tính một dân tộc. Ngày nay thời sự sinh hoạt càng ngày càng phiền phức, nhà làm thơ không có tài nào mà vẽ ra một cái kiểu đủ làm mẫu cho hết thảy mọi người trong dân tộc, về một thời đại. Vì cách sinh hoạt phiền phức thời tâm lí người ta cũng phiền phức, cho nên nhiều nhà làm thơ tuy có tư cách thi hào mà cũng chưa sáng tạo ra được một cái mô phạm hoàn toàn, chẳng qua là mới ghi được một vài cái dáng điệu, ít nhiều những nét riêng mà thôi. Có nhà làm thơ tự nghiên cứu mình là thấy mình như đã đi lên trước người đương thời, càng nghiên cứu mà lại càng thấy cái bước đường nó cách mình với người đồng thời càng xa mãi ra, bấy giờ thời hình như có nhiều điều chân lí u âm người ta không biết mà tự mình đã biết. Cho nên có thể nói rằng thơ ngày nay chẳng qua là một sự ghi chép những điều phát minh thuộc về tâm tính. Đời xưa mới có những nhà làm thơ vẽ được toàn bức, ngày nay thời bức tranh to lớn quá, dù những tay cừ kiệt chẳng qua cũng là phác họa từng mảnh từng phần mà thôi. Song dù vẽ cả toàn bức, dù phác họa từng phần, thơ bao giờ cũng là một cuộc thám hiểm về tương lai (une exploration dans le domaine de l’avenir) vậy.

"Vậy cứ theo ý kiến riêng của tôi thời tôi xin giảng nghĩa thơ như thế này:

"Thơ là sự hình dung tưởng tượng ra một cái kiểu làm người về tương lai này.

"Ngạn ngữ có câu rằng: Người là bậc thiên thần ở trên trời rơi xuống mà vẫn nhớ tiếc cõi trời.

"Câu đó tôi tưởng không được đúng. Người ta chính là một bậc sắp thánh thần mà còn đương tưởng tượng nơi thiên quốc vậy.

"Nay thử xin giải cái thứ thiên quốc ấy thế nào mà khiến cho người ta mơ màng tưởng vọng, và hiện nay các thi nhân đương cấu tạo là cấu tạo ra cái mô phạm người đời sau thế nào.

“Trước hẵng xin phân biệt các nhà làm thơ ra hai hạng. Tôi đã nói rằng cái tôn chỉ của thơ là diễn tả ra người ta về sau này thế nào. Vậy các nhà làm thơ có hai cách diễn tả khác nhau: một cách u ám, một cách rõ ràng. Cách u ám thời chỉ có cái cảm giác mơ màng về cõi thơ hình như đoán mà biết, chứ không phải tiếp mà hay, nên đến khi diễn ra nó mung lung, phiếu diểu, như mờ như tỏ, như gần như xa, như kinh hoa thủy nguyệt, như hạc lệ phong thanh. Cách này nó ghen, nó gợi, nó giục, nó xui cái tình tứ của người ta, mà không giải rõ, không nói tường không in sâu, không vẽ đậm; phảng phất như gió thoảng qua, văng vẳng như tiếng tiêu thổi, mà thiệt các thi nhân ấy chính là những tay âm nhạc, dùng chữ như tiếng đàn, để truyền ra một cái âm hưởng sâu xa vào trong tâm hồn người ta.

"Thường thường những bài thơ véo von như thế, ta lại thích hơn các thơ khác, hình như càng đọc càng có ý nghĩa, không bao giờ hết. Nhưng mà kì thực thời nó không có cảm vào ta sâu, vì nó không tiếp đến trí tuệ ta. Mỗi lần đọc thời lấy làm hay lắm, mà đọc rồi quên ngay, đọc đi đọc lại bao nhiêu lần cũng vậy, cũng tức như nghe đàn, càng nghe càng hay mà nghe rồi quên hết. "Nhưng lại có nhiều nhà làm thơ khác thời không ưa các lối mung lung mờ mịt ấy mà muốn cho thơ được rõ ràng sáng sủa. Những nhà này trực tiếp với trí tuệ, cảm giác cái hồn một cách thẳng hơn và diễn ra một cách minh liệu. Thơ này thuộc về triết lí hơn là về âm nhạc, câu thơ dẫu vẫn có tiết tấu, đọc vẫn véo von mà đó chẳng qua là cái dư vận ở ngoài, chính tinh thần thời ở nơi triết lí, không phải ở chỗ âm điệu. Vì thế nên nhiều câu thơ về lối này thành như những câu cách ngôn về triết học, lời lẽ rắn rỏi mà ý tứ sâu xa. Thường thường là ở về những thời đại văn chương toàn thịnh mới có lối thơ này: lối thơ này tức là lối thơ điển nhã, đủ làm cổ điển cho đời sau. Khi văn chương còn non nớt hay là lúc văn vận đã suy vi thời đều xa cổ điển, không sáng sủa rõ ràng mà mung lung mờ tối, xa triết lí mà gần âm nhạc vậy.
"Nói tóm lại thời thơ là uyên nguyên ở âm nhạc âm thầm mà cứu cánh ở triết lí sáng sủa. Âm nhạc là thơ còn mờ còn đục, triết lí là thơ đã sáng đã trong. Lúc đầu là cái thanh âm êm ái nó rung động bộ thần kinh, đến sau là lời cách ngôn thâm trầm nó xúc động đến trí nghĩ. "Như thơ của nước Pháp vì trọng triết lí quá, ưa sáng sủa quá, nên người ta thường trách là cứng cỏi lạnh nhạt, không có cái phong phú phảng phất êm đềm. Nhiều bài thơ của các bậc thi hào nước Pháp, ý nghĩa rõ ràng quá, hầu như không còn có một chút gì là cái khí vị mơ màng phiếu diểu nữa. Vả tâm lí người Pháp vẫn thiên về trí nhiều hơn về tình, ưa triết lí hơn là thanh âm. Về thế kỉ thứ 19, tuy cũng có nhiều những nhà làm thơ hay vì âm điệu, nhưng các nhà ấy là chịu ảnh hưởng của ngoài nhiều, nhất là ảnh hưởng của các thi nhân nước Anh. Thơ nước Anh vốn vẫn trọng về thanh âm và thật là thuộc về lối thơ mung lung u ám như trên kia vừa giải. Vậy về thế kỉ 19, các nhà làm thơ nước Pháp có ý bắt chước các nhà làm thơ nước Anh, tưởng cũng là một sự hay, vì nhờ đó mà cái tinh thần triết lí điều hòa với cái tinh thần âm nhạc, gây nên những khúc thi ca tuyệt diệu. Song tôi thiết tưởng rằng cái tinh thần cố hữu của nước Pháp bao giờ cũng vẫn lấy sự rõ ràng sáng sủa làm trọng; cứ xem như các văn chương cổ điển về thế kỉ thứ 17 ngày nay ta cũng vẫn còn hâm mộ, vẫn lấy làm mô phạm, thời đủ biết vậy.

"Vả lại muốn chứng tỏ rằng cái thơ sáng sủa của nước ta không phải là không có giá trị đặc biệt hơn là lối thơ u ám như trên kia, thời cứ nghiệm ngay rằng phàm thơ có nghĩa lí rõ ràng hay cảm giác vào trí tuệ người ta một cách sâu xa hơn là những thơ mơ màng phảng phất, đọc có êm tai vui miệng, mà đọc xong rồi, trừ một chút du vận xa xa, không còn để lại trong tâm trí người ta một tí gì; thơ có nghĩa lí rõ ràng, thời đọc xong rồi, dù không còn nhớ được mãi cái hình thể câu thơ, mà cái cảm giác nó đã in sâu vào trong óc, đủ làm một động cơ để kích thích cho tinh thần hành động. Trong lối thơ mơ màng thời cái kiểu của thi nhân vẽ ra, nó xa xôi, nó mập mờ quá, như cái hình cái bóng thấp thoáng trong khoảng không, người đọc khó lòng mà lĩnh lược lấy được, như vậy thời cũng ít có cái bụng hứng khởi muốn mô phỏng mà thi hành ra sự thực. Khi nào âu sầu buồn bã thời thường giở ra đọc ra ngâm, vì cái âm điệu nó mát như gió, êm như ru, đọc lên đủ khiến cho tinh thần được sảng khoái, nhưng chỉ thoảng qua một lúc mà không có dấu vết lâu dài. Đến như đọc một bài thơ có ý nghĩa rõ ràng, thời cái cảm giác nó như giục giã ta phấn khởi lên để mà thực hành kiểu mẫu của nhà thơ đã bày ra đó.

"Song ta phải nên biết rằng thi nhân chỉ có giá trị là giúp được cho ta có cái lòng phấn khởi thực hành đó. Người nào giúp được ta vượt ra ngoài thói quen như trên đã nói, để ra sức mà tinh tiến, ấy là thi nhân có công với người đời hơn cả. Vì thơ của các thi nhân rút lại phải truyền sang cho ta, phải thực hiện ra đời ta thời mới là thơ có giá trị; phải như cái động cơ khiến được ta có lòng hứng khởi, muốn hằng ngay hằng đổi mới tinh thần cho tỉnh táo mạnh mẽ thì mới là thơ có hiệu lực. Như khi ta đọc bài tuồng Le Cid mà cái khí anh hùng như chuyển động cả não cân, tưởng như cũng muốn hăm hăm cầm thanh kiếm mà ra quyết đấu với giặc Mô, ấy cái động lực của thơ có khi hùng mạnh như thế… Nhưng nếu nhà làm thơ chỉ cho ta một cái mĩ tình mĩ cảm trong một chốc một lát, thời thơ đó không có giá trị gì…
Thi nhân phải trước hết nghiền ngẫm những căn duyên thâm trầm trong tâm tính người ta (việc này ai chịu khó cũng có thể tự mình làm được), rồi sau quy nạp thành một lí tưởng cao thâm mà diễn xuất nó ra lời thơ đích đáng để làm cái phương châm hành động cho người đời (việc này thời không phải ai cũng có tư cách làm được và chính là chức vụ riêng của người làm thơ) Như một câu: "làm người phải thương yêu lẫn nhau (aimez-vous les uns les autres), đó là cái lí tưởng của một bậc thánh nhân đã quan sát tâm tính người ta mà quy nạp thành một câu cách ngôn thiên cổ. Bậc thánh nhân ấy tức là Đức Giám, mà Đức Giám đề xướng ra cái lí tưởng ấy tức là làm nên sự nghiệp một thi nhân tuyệt luân, vì nhân đó mà đã mở cho loài người một trường sở rất rộng để mà luyện nhân cách cho được thanh cao… Chắc rằng không thể trách bị những nhà thơ ta ngưỡng tới được bậc đó. Nhưng phàm thi nhân muốn cho xứng đáng thiên chức thời phải làm thế nào cho khoa trương được cái phạm vi sinh hoạt của người đời, làm thế nào cho người đời nhớ mình có một quan niệm sáng suất đối với cái hồn thơ cố hữu, cái chí muốn đến thành vậy.

"Nay ta đã biết tôn chỉ thơ là gì và tư cách các nhà làm thơ thế nào, ta nên xét xem thơ đời trước thế nào và sau sẽ thế nào.

"Tôi đã nói trên kia rằng tôi không dám tự phụ đặt phép tắc cho thơ. Vậy chỉ xin lấy lịch sử mà chứng rằng cái hồn thơ mỗi một thời đại có thay đổi: như về thế kỉ thứ 17 là thời đại thơ văn toàn thịnh, sau này lấy làm đời cổ điển cho văn học nước Pháp, thơ cũng như văn lấy điều hòa đúng bậc, sáng sủa, rõ ràng làm trọng, và cái mô phạm của thơ chỉ hoạch ra là một kiểu người ôn hòa chính trực, nho nhã phong lưu, ăn ở theo lẽ trung bình mà không làm điều gì thái quá.

"Kế đến thế kỉ 18 thời nhân tâm biến đổi, thời thế suy vi, người ta chỉ ưa sự hành lạc phóng túng, ăn sổi ở thì, có nghĩ gì đến cái mô phạm làm người về tương lai mà thiết đến thơ. Cho nên đời ấy là đời cái hồn thơ suy kém hơn cả. Một xã hội chỉ biết ăn sổi ở thì, không có lòng hoài vọng cao xa, thời xã hội ấy không sao có thơ được; dẫu có thơ cũng là cái thơ hư huyền phù phiếm mà không phải là thơ chân chính cao thượng.

"Tiếp đến thế kỉ 19 thời chủ nghĩa lãng mạn thịnh hành, lòng người đã chán những sự phù phiếm đời trước, muốn ra sức mà chấn loát cái hồn thơ đã bị đè nén trong bấy lâu. Nhưng mà lại làm thái quá; đời trước phóng túng về sự ăn chơi, đời này phóng túng về đường tình cảm. Các nhà thơ đều chỉ thờ thần ái tình, coi cuộc đời như một trường xuân mộng, tha hồ mà đằm thắm mơ màng, say sưa vui thú, không ngờ rằng đến khi tỉnh dậy, thấy mình già rồi, xuân xanh đã qua, hứng thú cũng mai một, bấy giờ mới sinh ra phiền muộn chán nản, mang cái lòng yếm thế, không thiết gì đến sự đời nữa. Cái hồn thơ của thế kỉ này diễn xuất ra những hạng người vui thời vui quá đến say sưa, buồn thời buồn quá đến thất vọng, não nùng thiết tha, u âm sầu thảm, như các nhân vật trong sách Chateaubriand, sách Musset vậy.
"Nay đến thế kỉ ta đây thời cái hồn thơ xuất hiện thế nào? Hiện nay chưa có thể dự đoán mà biết được. Nhưng cũng có lẽ người đời theo đuổi thơ ở ngoài mãi đã nhọc, sẽ tỉnh ngộ mà quay về tìm thơ ở trong tâm hồn mình, và cũng có lẽ tìm ở đấy thời thấy chăng? Cũng có lẽ thơ ở ngay mình mà không phải ở đâu xa, cũng có lẽ thơ ở trong chốn gia đình, mà không phải ở đâu những nơi giang hồ bốn bể. Người biết ra thời cảnh gì là cảnh chẳng nên thơ, mà cảnh gì là cảnh không có thơ? Đã có thân làm người ở đời, thời cũng phải sống ở đời một cách nên thơ. Thơ và làm cho người ta sinh hoạt được, du khoái, chấn loát được tinh thần, phát đạt nhân cách được hoàn toàn, mở mang cuộc đời rộng rãi, thơ ấy mới là thơ chính đáng, còn ngoại giả những lời phù phiếm hư nguy cả. Nếu thực hành được thơ ấy, thời nơi Thiên quốc chính là ở chốn nhân gian này vậy. Nhưng mà đời này có thực hành được cái thơ ấy không? Thế nào tương lai sẽ biết..."

(1921)

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thơ, thay đổi để tồn tại

    13/03/2009InrasaraMỗi trường phái mới bằng mỗi thử nghiệm hay mỗi bước chuyển đều có sự thất bại hay thất thố bên cạnh bật lên các đại biểu xuất sắc của nó. Nhà phê bình không thể dùng tiêu chí thẩm mĩ này để đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học khác. Càng không đánh giá sáng tác thuộc mĩ học mới qua những sản phẩm kém cỏi được. Nhà tư tưởng chỉ có thể bị vượt qua khi phần vô ngôn của tư tưởng ông ta được khai mở trọn vẹn, - Heidegger nói thế. Một trào lưu văn nghệ chỉ có thể bị vượt bỏ khi chính tác phẩm đại biểu xuất sắc của nó bị vượt qua. Vượt qua, không phải người đọc không còn thưởng thức nó nữa, mà là: người viết hết còn sáng tác theo vết mòn của nó!
  • Đường chữ

    01/05/2008Nhà thơ Lê ĐạtCâu thơ khổ tu xí xoá nợ luân hồi Sau Nhân Văn, tôi vẫn tiếp tục…
    Nhân Văn chỉ là một chặng chứ không phải toàn bộ Đường chữ của Lê Đạt...
  • Yếu tính của thơ

    29/06/2006Hầu hết chúng ta ngày nay đều đồng nhất thơ với văn vần. Đối với chúng ta, một bài thơ là một trước tác được sắp xếp theo các dòng chữ có một mẫu hình xác định về nhịp điệu, và bày tỏ những cảm tưởng và ấn tượng cá nhân. Chúng ta phân biệt thơ với văn xuôi, là loại ngôn ngữ của hành ngôn và trước tác thông thường. ...
  • Thơ và vật lý hiện đại

    13/06/2006Lê ĐạtVào những năm 60 của thế kỷ trước, một sự kiện văn học đã đẩy tôi vào một tình trạng hết sức trầm luân về vật chất cũng như tinh thần...
  • Thơ hay là cái chết của thời gian

    28/09/2005Ngô Tự LậpVề thơ như là một tổ chức ngôn ngữ quái đản. Tiểu luận Thơ là gì là một bài viết rất đặc trưng cho phong cách của ông Phan Ngọc: nhiều tâm huyết nhưng cũng nhiều võ đoán. Suốt bài viết với giọng cực kỳ tự tin này lấp lánh đây đó những nhận xét sâu sắc bên cạnh những từ ngữ và thuật ngữ cố tình lạ tai gây cảm giác khó chịu: “Quái đản”, tính thao tác”, “sự thức nhận”… (Tôi xếp vào loại này cả những từ to tát không cần thiết khác như vượt gộp", "thao tác luận"... rất nhiều trong các bài viết của ông). Mặc dù thú vị, bài viết này, theo tôi, có nhiều điểm chưa thích đáng, cả trong các nhận định lẫn trong thao tác khoa học.
  • Thơ ca như một thứ tôn giáo

    21/10/2005Nhà thơ Trần Anh TháiKín đáo và ngại ngùng bởi không muốn nói nhiều về mình và tập thơ Trên đường vừa xuất bản, nhưng nhà thơ Trần Anh Thái tỏ ra cởi mở hơn khi đề cập đến thơ ca và công việc sáng tác của người nghệ sĩ. Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên với nhà thơ...
  • Thơ là gì ?

    30/09/2005Phan NgọcTrong quá trình xây dựng bộ "Phong cách học cấu trúc tiếng Việt", tôi bắt buộc phải định nghĩa lại các khái niệm, bởi vì các khái niệm trước đây về phong cách học là dựa trên nhận thức cảm tính về cái đã có, còn công trình của tôi mang tính thao tác, phải tìm cái lý do, cái sở dĩ của các hiện tượng đã được xem là hiển nhiên....
  • Trong những đường hầm của thi ca

    29/08/2005Ngô Tự LậpCòn các nhà thơ, giống như tất cả mọi người, họ đang đi vào những đường hầm biệt lập, trong đó họ sáng tạo ra những bài thơ mới cho những độc giả mới của họ. Đó là lý do duy nhất để họ tồn tại. Đó cũng là niềm hy vọng làm một điều có ích. Chỉ điều đó thôi cũng đã đem lại cho họ sức mạnh để không gục ngã...
  • xem toàn bộ