Hãy Quên và Nhớ
Sau khi móc giây từ xe Ông vào xe tôi và chỉ tôi cách thức, Ông đã kéo được xe tôi ra khỏi vũng bùn. Tôi đã ngỏ lời cảm tạ Ông.
Vài hôm sau, khi đi ngang gần nhà Ông, tôi thấy Ông trước cửa nhà, tôi đã gật đầu và mĩm cười chào, nhưng Ông không trả lời đáp lại. Tôi nghĩ là Ông không thấy tôi chào Ông. Rồi cách vài hôm, tôi lại nhìn thấy Ông khi đi ngang qua nhà, tôi vội chào và mỉm cười với Ông, nhưng Ông không chào lại. Tôi thoáng thấy khó chịu, nhưng vẫn nghĩ là Ông, có lẽ, đang bận suy tư điều chi nên không lưu ý và thấy tôi chào.
Rồi sau đó một hôm, tôi cũng lại nhìn thấy Ông đứng trước cửa nhà phía bên kia đường, tôi lại chào Ông. Lần nầy, không như trước kia, khi mĩm cười tôi lại vẫy tay chào Ông để Ông dể nhận ra. Nhưng cũng như những lần trước, Ông vẫn thản nhiên như không nhìn thấy. Lần nầy, quả thực là tôi không thể nào tự bào chữa cho Ông được nữa, chắc chắn là Ông thấy tôi chào, nhưng lại làm lơ như không thấy để khỏi chào lại. Tôi cảm thấy thật ngượng ngùng và và bực bội. Tôi tự nhủ: kể từ nay, khi gặp Ông, tôi cứ kể như là người hoàn toàn xa lạ, chưa hề gặp gỡ, kể như Ông chưa từng giúp đỡ tôi, dù là trong phút chốc, kể như tôi chưa từng thọ ơn Ông và tôi sẽ chẳng mỉm cười, chào Ông nửa. Vậy cho nó “khỏe”, “khỏe” Ông và “khỏe” tôi; Ông khỏi phải làm lơ và tôi khỏi phải ngượng ngùng như những lần vừa qua. Dù nghĩ và quyết định như vậy, nhưng tôi vẫn còn cảm thấy kém “thoải mái” thêm một thời gian sau đó nữa.
Tôi là một người Việt Nam, cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác, sau khi nhận ơn của ai, dù “nhỏ” hay “lớn” cũng đều nhớ ơn người đã giúp. Nếu không phải trả ơn hay không thể trả được ơn, thì khi gặp gỡ cũng luôn luôn chào hỏi thân thiện để biểu lộ chân tình cho một sự nhớ ơn tiềm tàng trong tâm khảm.
Rồi tôi quên hẳn đi chuyện nầy cho đến mấy năm sau, trong một lần nói chuyện với vài người bạn người Mỹ nhiều thân tình, tôi mới hiểu thêm được: người Mỹ sau khi làm cho ai, giúp đỡ ai điều gi thì quên đi, không ghi nhớ hay nhắc đến.
Tôi có một người bạn Mỹ rất thân vì làm việc sát cạnh bên nhau nhiều năm. Anh có kể cho tôi nghe về chuyện một người thân của anh môt hôm tình cờ, trong một hoàn cảnh nào đó, đã gặp một người phụ nữ Việt Nam mang thai, trong lúc bị bể “nước ối” có nghĩa là sắp sanh. Người Mỹ này vội chở người sản phụ thẳng vào nhà thương. Tại đây, nhân viên bệnh viện đã hỏi Ông địa chỉ và những điều cần thiết để ghi vào hồ sơ vì ngỡ Ông là chồng đưa vợ đi sanh. Ông trả lời là: hãy hỏi người sản phụ ... vì Ông không biết.
Ngày hôm sau, Ông trở lại bệnh viện và mang theo một thùng sữa gởi tặng người sản phụ và sau đó đã “biệt vô âm tính”. Riêng về người sản phụ Việt Nam kia, theo chỗ tôi nghĩ thì sau đó sẽ có phần “khổ sở” lắm vì không biết vị ân nhân đã giúp đỡ mình một cách thật dể thương và đầy tình người là ai và cư ngụ nơi nào để ngỏ lời tạ ơn.
Sau khi biết được điều trên và nghe câu chuyện kể, tôi nghĩ: thế cũng hay ! Và như vậy, giữa hai nét văn hóa Mỹ, Việt có một vài khác biệt trong sự suy tư và ứng xử. Cả hai đều mang sắc thái đáng yêu.
Người Việt Nam sau khi làm điều gì tốt hay làm ơn cho ai thì dễ có khuynh hướng nhớ đến chuyện đã làm. Nếu một người đã nhận ơn mà sau đó gặp lại người đã làm ơn mà vẫn thản nhiên, không chào hỏi thì sẽ dễ bị trách cứ chẳng hạn như: “người gì mà không biết ơn .... !” hoặc “người gì mà được người ta giúp cho ... mà còn làm mặt lạ ...” ....v..v.... Nhưng, trái lại, nếu nhận được ơn của người thì luôn luôn nhớ và chào hỏi thân thiện để biểu lộ sự nhớ ơn. Còn người Mỹ thì ngược lại, làm ơn xong thì quên hẳn đi, nhận ơn xong thì sẽ nói lời cám ơn nhưng không biểu lộ nhiều thân tình, nhớ ơn như người Việt Nam chúng ta, nhưng cũng không có nghĩa là không biết ơn.
Phối hợp lại hai nét trên, tôi thiển nghĩ: khi làm ơn xong thì hãy như người Mỹ: không nhớ và bận tâm đến việc đã làm cho người; nếu nói theo ngôn từ nhà Phật, theo thiển nghĩ nông cạn của tôi, thì đây chính là “làm ơn“ hay “bố thí” Ba La Mật, nghĩa là làm ơn mà không thấy có người làm ơn, không thấy có người nhận ơn và không thấy có vật đựợc tặng biếu để làm ơn. Còn nếu đã nhận ơn thì hãy như người Việt Nam: luôn nhớ đến điều người đã làm khi giúp đỡ mình và biểu lộ thân tình.
Khi phối hợp hai lối suy nghĩ và hành xử nói trên và xử sự được như vậy trong khi tiếp nhân xử thế, mọi người sẽ đạt đến điều gần như hoàn hảo đúng như lời một danh nhân đã nói:
Nếu bạn thi ân, đừng nhớ nó.
Nếu ban thọ ân, đừng quên nó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh