Có thể quên thời gian khổ, đừng quên điều nó dạy mình

11:02 CH @ Chủ Nhật - 20 Tháng Bảy, 2014

1. Có thể quên thời gian khổ, đừng quên điều nó dạy mình

Hiếm thấy ai mà cả cuộc đời gặp suôn sẻ sung sướng. Có một thời gian khổ, đó là hiện tượng phổ biến của đại đa số con người ở bất cứ thời nào trong lịch sử nước ta.

Đã qua một thời gian khổ; tuy đang sống trong một môi trường được cải thiện, thoải mái hơn, hạnh phúc hơn nhưng ít ai quên cái thời ấy vì nó là môi trường thử thách, môi trường rèn luyện con người vì nó để lại bao kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ. Song con người trong hoàn cảnh mới có lúc cũng phải quên đi quá khứ để tập trung cho hiện tại và tương lai; nhưng có một lời khuyên đáng lưu ý là đừng bao giờ quên những điều mà thời gian khổ đã dạy ta.

Những người sống trong thời gian khổ thường được xác định, được rèn luyện đức tính tằn tiện, chắt chiu, chịu đựng khó khăn thiếu thốn; được bồi dưỡng vun đắp tình thương, đùm bọc nhau, tình đồng bào đồng chí; được hun đúc củng cố ý chí quyết tâm thoát khỏi thời bất hạnh, vươn tới chân trời mới.

Những điều mà thời gian khổ dạy ta có khi là nền tảng tư tưởng giúp ta thành con người chân chính, giúp ta trau dồi những đức tính tốt đẹp hơn, những tài năng mới mẻ hơn để phục vụ cho đời nhiều hơn.

2. Hối hận là tốt nhưng tốt hơn là tránh tái phạm sai lầm

Ai cũng có lúc mắc sai lầm. Điều quan trọng là phải biết sám hối, biết ăn năn hối lỗi.

Trong cuộc sống, có không ít người trơ lỳ, cứ trâng trâng như không có gì xảy ra; coi cái sai lầm của mình, những tác hại do sai lầm đó gây ra là chuyện bình thường. Thái độ đó làm cho mức nghiêm trọng của sai lầm nhân lên nhiều lần.

Tổ chức và mọi người chung quanh không thất vọng vì sai lầm mà anh ta đã mắc, mà rất thất vọng vì thái độ đó của anh ta trước sai lầm.

Làm người phải biết sám hối. Song sám hối không phải để sám hối. Sự sám hối thành khẩn là phải rút ra nguyên nhân gây ra thiếu sót và phải tính ngay cách xóa bỏ nguyên nhân đó để tránh tái phạm lần nữa.

Có thế mới lấy lại được lòng tin của mọi người, mới trưởng thành nhanh chóng, mới hòa nhập được với trào lưu tiến bộ của xã hội. Cái đẹp của con người hiểu biết, con người thông minh là luôn hiểu mình và hoàn thiện mình.


3. Khi chiến thắng đừng đắc thắng

Trong cuộc sống, trong hoạt động xã hội, nhất là trong sự tranh chấp chính kiến quan điểm đấu tranh tư tưởng, tranh cãi những vấn đề về học thuật, có lúc thắng lợi, chiếm ưu thế song cũng có lúc thất bại, bị phủ định. Phải bình thường hóa tư tưởng của mình trước mọi kết quả. Dĩ nhiên ai cũng muốn mình đạt được kết quả như mong muốn; dĩ nhiên phải thường xuyên phấn đấu, nâng cao trình độ tư tưởng và hiểu biết để luôn luôn làm chủ bản thân và đóng góp cho đời ngày càng nhiều, tránh được những thất bại đáng tiếc. Song khi không may thất bại, xin đừng nản lòng và ngược lại khi đạt được kết quả mỹ mãn thì cũng xin đừng đắc thắng, tự cao, tự mãn.

Con người cao thượng, tự trọng bao giờ cũng biết kìm chế, biết giữ trạng thái bình thường trước mọi kết quả trong lao động, công tác cũng như trong học tập, sinh hoạt. Đặc biệt khi đạt được kết quả hơn người, họ vẫn luôn khiêm tốn, tôn trọng những người đạt kết quả kém mình. Họ vẫn luôn nghĩ, hơn kém chỉ là một phạm trù tương đối, hơn người mặt này nhưng lại kém người mặt khác, thắng lúc này nhưng lúc khác có thể bại. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ, tri thức của loài người là mênh mông vô hạn, sự hiểu biết và tài năng của mình chỉ như hạt muối trước biển cả.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những con dốc cuộc đời

    26/07/2019Nguyễn QuỳnhKhi bạn đạp xe lên một con dốc con, mồ hôi chảy ướt áo và bàn chân tưởng như mỏi nhừ thì bạn sẽ được tận hưởng sự tuyệt vời khi chiếc xe lăn nhanh xuống con dốc phía trước, những giọt mồ hôi bốc hơi, để lại cảm giác mát lạnh khiến bạn quên nhanh tất cả mệt mỏi...
  • Cái tôi, thành công và thất bại

    07/01/2018Nguyễn Tất Thịnh- Cái Tôi hoà với cái Chúng ta làm cái Chúng ta mang bộ mặt người và cái Tôi trở nên có tầm vóc.
    - Đánh mất mình thì không giữ được Nhân – Không hiểu mình thì chẳng thấy được Thiên – Không bỏ công thì không dung được Địa...
  • Thất bại là mẹ - vậy ai là cha?

    20/07/2014Tạ TúcThất bại là mẹ thành công - vậy ai là cha? Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn này được nêu ra dựa trên quan điểm âm dương: một người đàn bà sẽ không thể làm mẹ nếu thiếu người phối ngẫu...
  • Thế thái nhân tình

    14/11/2009Tam Dương (soạn theo tài liệu nước ngoài)Bữa tiệc đã bắt đầu, nhưng họ vẫn chưa tới. Nói chung họ không bao giờ đến đúng giờ, vì họ bận và còn vì họ quan trọng. Chủ tiệc đã mấy lần gọi điện thoại, họ đều trả lời sắp đến, sắp đến và cuối cùng thì họ cũng đến.
  • Con đường đến vô cùng

    28/12/2008Linh LinhKhông phải đường quốc lộ mà là đường đời, cuộc sống của chúng ta. Chính vì thế nên ai cũng muốn con đường trần gian của tranh kéo mãi đến vô cùng, càng dài càng tốt, nhưng mọi cố gắng vẫn vô vọng...
  • Thành công là một cuộc hành trình

    27/12/2008John C. MaxwellBạn đã khởi hành như thế nào trong cuộc hành trình tìm kiếm thành công ? Bạn cần trang bị những gì để đi đến thành công? Có hai điều bạn cần phải có đó là: một quan niệm đúng đắn và các nguyên tắc thích hợp để thực hiện. Vua Solomon của người Israel cổ đại, vị vua nổi tiếng thông thái và giàu có từng nói: “Những ai ham thích tiền bạc sẽ không bao giờ cảm thấy đủ, và những ai khao khát sự giàu có sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì mình kiếm được”. Vậy thành công đích thực là gì?
  • xem toàn bộ