Nhớ những điều quên

01:52 CH @ Thứ Ba - 30 Tháng Chín, 2014

Lãng quên những thứ vặt vãnh để cuộc sống thăng tiến là tốt. Nhưng lãng quên những giá trị sống để hối hả chạy theo giá trị phù phiếm là nguy cơ cho những vùng nội tâm bị hoang ruỗng.

1. Đối thủ/ đối trọng của lãng quên là sự nhớ

Nhớ được khoác lên tấm áo của vai chính, lắm lúc mĩ miều và bay bổng. Một cuộc tình bao giờ cũng bắt đầu bằng hội chứng nhớ; một ân nghĩa ở đời bao giờ cũng bắt nguồn từ sự tạc dạ ghi lòng Nhớ còn được coi là chất men để đánh giá nồng độ của ly rượu tình cảm. Hay, lúc nào đó, nhớ còn là biểu hiện của tuổi già - khi mà con người không còn ngưỡng vọng tương lai nữa và muốn náu thân ngọt ngào trong ao đầm ký ức.

Còn quên bao giờ cũng được dán cho lớp nhãn báo động bạc bẽo. Cũng có đôi khi quên (khá lắm) chỉ được cất nhắc lên như một liệu pháp thắng lợi tinh thần để cầu viện một chút xí xóa bao dung hay tìm đến sự nhẹ lòng khả dĩ khi mà sự đã rồi, có bận tâm cũng không còn cứu vãn được gì. Lãng quên vừa gắn với xóa bỏ tạp niệm trong Zen - Thiền vừa là một trang thái biểu hiện của chứng vô tâm, phản trắc.

2. Nhớ và quên, hai khái niệm gắn với trục trạng thái thời gian lùi, một trạng thái tâm lí xúc cảm đặt trong tương quan hiện tại với quá khứ, cũng có thể là một thái độ nhận thức với cái đã qua. Đây không hẳn là câu chuyện sinh học nơi những nơron chằng chịt rối rắm quanh các nếp nhăn của não bộ. Dù những ca chấn thương, tâm thần gần đây vẫn cho thấy yếu tố tổn thương sinh học quyết định rất nhiều đến trạng thái quên hay nhớ nơi mỗi con người. Nhưng trường hợp đại loại chập mạch quên quên nhớ nhớ vì tác động chấn thương vật 1ý, xin miễn bàn!

Văn chương nghệ thuật xưa nay dù không muốn làm vai trò điệp viên chỉ điểm tinh ranh, nhưng cũng gián tiếp ám chỉ rằng, nỗi nhớ thường nằm trong tim còn sự lãng quên lại thuộc về não bộ. Nỗi nhớ có màu hồng hào tươi đẹp còn sự lãng quên thì có màu xám xịt bi đát.

Thật oan nếu làm một cuộc điều tra chấm tọa độ và phát hiện ra sự ghi nhớ lẫn lãng quên lại nằm đúng một chỗ. Chỗ ấy, cứ tạm gọi là nội thức. Nội thức, tâm thức có một lớp trên là ý thức, lớp giữa là tiềm thức và lớp dưới cùng là vô thức. Nhà tâm lí học nói rằng trạng thái tư duy và xúc cảm con người là một cuộc.đi đi về về giữa những điểm mấu chốt ấy. Nhớ và quên nằm trên các nẻo đi về ấy.

3. Chúng ta chống lại lãng quên bằng cách lưu trữ vào bộ nhớ những dữ liệu có tên ký ức. Ký ức, điểm ký ức là cái vĩnh hằng vì nó luôn đặt trong tương quan với xúc cảm hiện tại sống động của một cá nhân hay nhóm cá nhân, của một cộng đồng tập thể hay một dân tộc.

Có một thứ nữa mà ta cứ nghĩ là biện pháp hữu hiệu để chống lại lãng quên, đó là căn cứ lịch sử Nhưng xét ra, lịch sử vẫn là cái đóng khung nội dung quá khứ và nó được phản ánh với phương thức thiên về tính phê phán tổng kết theo nhu cầu đặt hàng của thể chế hoặc một dẫn dắt của thế/ áp lực nào đó.

Ký ức lại là cái xúc cảm sống động, trạng thái tiếp diễn liên tục. Còn lịch sử được chỉ đạo bởi cái nhận thức, không có tính nối kết, đẩy dạt những điểm ký ức đi xa vì nó chỉ lý tính chạy theo những sự kiện và sự cố; rồi đến bản thân nó cũng sẽ là đối tượng trong các pho sử của ngày mai. Rồi lịch sử cũng trở thành lịch sử của lịch sử.

4. Ký ức tiếp nối tự do, nên nó không bao giờ là ký ức của ký ức

Những cuốn nhật ký, hồi ký là cách phản đối yếu ớt và quả cảm của từng cá nhân trong cộng đồng trước thời đại chỉ biết vin vào thông tin, sự kiện lịch sử mà dần quên những xáo trộn nội tâm hay thân phận, tâm thế con người/ cộng đồng/ dân tộc trong những bối cảnh mà nó diễn tả.

Sai lầm cho những ai tin tưởng tuyệt đối rằng, lịch sử độc quyền sự thật quá khứ. Nhưng may mắn cho những ai tin tưởng rằng, trong các bộ nhớ, ổ lưu ký ức của cộng đồng, có những thứ không thuộc về lịch sử nhưng phản ánh chân thật nhất về ngày hôm qua.

Một đời sống lành mạnh là một đời sống mà môi trường ký ức không bị can thiệp hay chỉ đạo. Họ vừa là nhân chứng bổ khuyết, bù đắp cho những phiến diện từ sách giáo khoa lịch sử vừa là những nhà sưu tập kiên cường lưu giữ những di chỉ của mất mát.

Sự thật trong ký ức cộng đồng đủ sức chống lại nguy cơ của một sự thật qua lăng kính và ngòi bút giới hạn của nhà sử học.

5. Những ổ dữ liệu ký ức cộng đồng chẳng bao giờ có báo động đầy nhưng nó đòi hỏi một hệ điều hành tốt để vận hành và khai thác.

Có lẽ trừ những thiền sư đắc đạo nhìn đời như mây bay gió thoảng, sự lãng quên không hẳn nhẹ nhàng như cách người ta dọn một ổ đĩa. Đời sống công nghệ số (digital) chứng minh rằng, trong đời sống bội thực bởi thông tin này, chúng ta save (ghi) những file dữ liệu dễ dàng chừng nào thì delete (xóa) chúng vô tội vạ từng ấy.

Ngày nay, chúng ta có quá nhiều thứ để nhớ và cũng có quá nhiều thứ để dễ dàng lãng quên. Lãng quên những thứ vặt vãnh để cuộc sống thăng tiến là tốt. Nhưng lãng quên những giá trị sống để hối hả chạy theo giá trị phù phiếm là nguy cơ cho những vùng nội tâm bị hoang ruỗng…

6. Một cộng đồng phóng tới tương lai bằng sự lãnh đạm với quá khứ chẳng khác nào một cá nhân uống thuốc an thần thường xuyên đến mức lạm dụng thuốc. Nguy hiểm đang rình rập ở vùng trống không của giấc ngủ hắn ta. Một cộng đồng chỉ chăm chăm lưu giữ quá khứ chẳng khác nào một kẻ u sầu hy sinh tuổi trẻ để lưu giữ ký ức mối tình đầu, một mối tình hoa mộng và xót xa bứng hắn ta khỏi hiện thực già nua và khô khan, thiếu sức thích ứng.

7. Chúng ta vẫn đặt câu hỏi: Nên quên gì và nhớ gì?

8. Trong đời sống mà lịch sử được đặt trên cỗ máy vận hành với gia tốc lớn, thông tin như thác lũ, chúng ta nhận ra xung quanh mình đang xuất hiện ồ ạt những hồi ký, những hình thức bán tự truyện đương đại, cộng đồng blog, web cá nhân nở rộ… tất cả đang tạo ra một không gian, môi trường cho nghệ thuật, ký ức và truyền thông. Tất cả đang vẽ lại những sự thật của nội thức đầy xáo trộn và có khi phải trả giá vì sự đi ngược chính thống của nó. Tất cả đang chống lại hiểm họa tốc độ, hiểm họa tẩy não hay xoá trắng ký ức và làm liệt kháng mọi ý nghĩa tồn tại

9. Một ngày nào đó dưới lớp sóng ồn ào của tâm thức, tôi nhận ra khuôn mặt người tình cũ mà từ lâu mình cố lãng quên. Hình ảnh ấy trở về nguyên vẹn với một xúc cảm mới. Tôi đã nhớ những điều tốt đẹp nhất. Và đã lãng quên sự phũ phàng đớn đau nhất. Tôi đang sống với hiện tại và tư duy về tương lai. Nhưng hiện tại của tôi đã được những mất mát lẫn thăng hoa của diện mạo mối tình ấy làm cho vạm vỡ.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chúng ta ngủ quên trên kho báu trí tuệ của nhân loại!

    10/06/2015TS. Nguyễn Xuân XanhHay chúng ta hỏi ngược lại, Việt Nam có được bao nhiêu sách, bao nhiêu thư viện cổ, so với thế giới? Tại sao một dân tộc được cho là hiếu học mà lại ít sách như thế? Tôi chợt nghĩ ra, có lẽ dân ta hiếu học, nhưng thực sự chỉ một “giai cấp” nhỏ nào thôi...
  • Có thể quên thời gian khổ, đừng quên điều nó dạy mình

    20/07/2014Trường GiangĐã qua một thời gian khổ; tuy đang sống trong một môi trường được cải thiện, thoải mái hơn, hạnh phúc hơn nhưng ít ai quên cái thời ấy vì nó là môi trường thử thách, môi trường rèn luyện con người vì nó để lại bao kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ...
  • Trí nhớ có giảm sút khi nhiều tuổi hơn?

    12/09/2013Trí nhớ bị giảm sút khi nhiều tuổi hơn? Điều này chỉ đúng đối với những người không sử dụng trí nhớ một cách phù hợp: trí nhớ giống như một cơ bắp – càng được sử dụng nhiều hơn càng trở nên khoẻ hơn và ngược lại.
  • Không thể ngủ quên trên kho báu

    15/12/2010Trần Bạch ĐằngDân Việt Nam nói chung chưa giàu, còn những tiêu chuẩn công bằng, dân chủ, văn minh, hạnh phúc thì đang trong quá trình xác lập có khi còn rất dài lâu. Với thể chế của Việt Nam, khả năng giữa nước mạnh với dân giàu không đối chọi. Không đối chọi với điều kiện đất nước đang được quản lý đúng theo những gì mà tổ chức lãnh đạo kỳ vọng...
  • Bài học những tưởng nhớ đời

    19/03/2007Trần Ngọc LânBên tỉnh Đông, có một gã nhà giầu. Nói về đường ăn học, thì cái chữ, cái nghĩa trong bụng hắn chẳng được một ly nhưng nói về cách sống đầy mưu mô: Biến phải thành trái, biến trắng thành đen và đặc biệt là ngón " lừa thày phản bạn”, “qua cầu rút ván", "dây máu ăn phần", "gắp lửa bỏ tay người", "vu oan giáo họa"... của hắn bấy lâu đã được bọn đàn em tôn vinh xứng danh vào hàng..."Sư phụ”!