Tại sao học sinh bây giờ không nhớ sử?

Giảng viên Trường ĐH Quốc gia TP.HCM
08:55 SA @ Thứ Bảy - 02 Tháng Bảy, 2005

Nhưng từ đó cho rằng học sinh bây giờ không chăm chỉ, thông minh bằng thế hệ trước thì chưa thỏa đáng...

Thế hệ trên dưới 50 tuổi chúng tôi có nhiều kỷ niệm về những cuốn quốc sử thời tiểu học. Đó là những cuốn sách giáo khoa đẹp và hấp dẫn. Mỗi bài được biên soạn thành một câu chuyện kể gọn gàng, chặt chẽ về một võ công lừng lẫy, một tấm gương trung liệt hoặc một công trạng hiển hách của những bậc anh hùng, chí sĩ; mở đầu bằng một tiêu đề hàm súc nêu toát yếu sự kiện và con người, và kết thúc bằng một câu lục bát có tính chất khẳng định ngợi ca.

Chúng tôi nhớ: Trận Bạch Đằng - Trần Hưng Đạo cùng câu thơ hào sảng: “Non sông muôn thuở vững bền, Bạch Đằng một trận quân Nguyên tan tành”; người anh hùng tí hon Trần Quốc Toản đầy khí phách: “Hoài Văn tuổi trẻ chí cao, Cờ đề sáu chữ quyết vào lập công”; vị tướng sa cơ Ngâm thơ nuốt hận Đặng Dung mang tâm trạng cay đắng, ngậm ngùi: “Mài gươm dưới ánh trăng tà, Thù nhà chưa trả đầu đà điểm sương”...

Thật lòng lúc ấy chúng tôi chẳng hiểu hết từ vựng, ý nghĩa những câu trên nhưng vì nó ngắn gọn và có vần lại nêu bật được tên sự kiện và nhân vật nên cũng dễ thuộc, dễ nhớ (không biết các em nhỏ có hứng thú khi học những vấn đề hàn lâm như Chùa thời Lý, Nhà Trần và việc đắp đê, Nhà Lê và việc quản lý đất nước... trong sách lịch sử hiện nay hay không?!).

Về hình thức, mỗi bài đều dành một trang tranh màu minh họa rất có hồn. Có lẽ soạn giả muốn giúp đầu óc non nớt chúng tôi hình dung rõ hơn về sự kiện và con người miêu tả ở dưới. Nhưng chúng tôi thường biến những bức tranh ấy thành trò chơi của mình. Chúng tôi nhắm mắt lật sách, đếm người trong tranh để tính ăn thua. Cứ hơn bao nhiêu người thì thắng bấy nhiêu cái búng tai hoặc bấy nhiêu cái cốc vào đầu gối.

Ai lật được những bài như Một mẹ trăm con, Phù Đổng Thiên Vương hoặc Lê Laihi sinh vì đại nghĩa... thì vui như pháo tết vì những tranh ấy có đến mấy mươi người (giáo mác, nón mão thấp thoáng cũng được tính). Còn ai lật phải những trang toàn chữ hoặc chỉ là tranh vẽ theo kiểu truyền thần thì đành nhăn nhó chịu trận. Chơi mãi thành ra chúng tôi cũng dần nhớ được bài nào ở đâu, trang mấy, nói về ai và về sự kiện gì một cách rất hồn nhiên, nhẹ nhàng.

Ở cuối mỗi bài, sau phần ghi nhớ độ năm dòng, thường có thêm bài hát về sự kiện hoặc danh nhân đó. Chúng tôi được thầy hướng dẫn hoặc nghe các anh chị lớp lớn hát mà hát theo.

Những lời hát: “Anh em ta cùng mẹ cha, nhớ chuyện cũ trong tích xưa khi thế gian còn mù mờ” (Con Rồng cháu Tiên); “Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà, mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca” (Trưng Nữ Vương); “Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng biên thùy rung chuyển” (Hội nghị Diên Hồng); “Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng” (Bạch Đằng Giang); “Màn đêm âm u, ngàn tiếng gió thét, muôn bóng quân Nam dồn bước” (Đêm Lam Sơn)... đã sống cùng tuổi thơ chúng tôi, khắc sâu trong tiềm thức chúng tôi (dường như trẻ em bây giờ không còn hát những bài đó trong học đường?!).

Lũ nhóc chúng tôi hồi đó nhớ đến quốc sử còn vì một lẽ khác. Chúng tôi học sáu buổi một tuần nhưng được nghỉ lễ rất nhiều, trung bình mỗi tháng có đến ba, bốn ngày. Ngoài Giáng sinh, tết tây, Tết Nguyên đán... chúng tôi còn được nghỉ vào các ngày giỗ tổ Hùng Vương (10-3), Hai Bà Trưng khởi nghĩa (6-2), Lê Lợi chiến thắng giặc Minh (22-8), Quang Trung đại phá quân Thanh (5-1)...

Những ngày đó chúng tôi hoàn toàn “gác bút nghiên”, đứa đi cắm trại, đứa theo ba mẹ về thăm ông bà, đứa cùng anh chị đi xem phim, bọn nhà quê như tôi thì tắm sông, câu cá, hái bần. Rồi khi gặp lại chúng tôi có bao điều thú vị, vui buồn làm quà cho nhau. Thật giản dị! (Trong các bài lịch sử bây giờ không có ghi ngày kỷ niệm sự kiện hoặc danh nhân, làm sao học sinh biết mà nhớ!).

Những cuốn quốc sử xa xưa của chúng tôi hẳn có nhiều hạn chế, nhất là về quan điểm, phương pháp và dụng văn. Chúng có vẻ đề cao vai trò cá nhân trong lịch sử, có thể gây sự nhầm lẫn giữa huyền sử và lịch sử (ngoại kỷ và bản kỷ), quá lạm dụng từ ngữ Hán Việt.

Dù vậy, chúng tôi vẫn tin rằng tuổi thơ của mình đã tiếp cận được những gì thật sự là căn cơ và tinh túy của lịch sử nước nhà từ những cuốn sách ấy. Những cuốn sách vừa để đọc, để học vừa để chơi, để hát và để nhớ quốc sử một cách hồn nhiên, lâu bền. Những cuốn sách vun bồi “tình nghĩa giáo khoa thư” cho một thế hệ học đường.

Nguồn:Tuổi trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc: