Vùng thương nhớ

08:02 CH @ Thứ Ba - 17 Tháng Hai, 2009

Liệu có bao nhiêu dân thành phố không có một gốc gác nông thôn? Năm hết Tết đến, thật thú vị cho những người thành thị nào có được niềm vui về quê ăn Tết.

Bất cứ người Việt nào cũng có, và cần có, một vùng quê để thương để nhớ. Thật bất hạnh cho ai đó không có được một “vùng thương nhớ" ấy trong hoài niệm tuổi thơ. Mà là hoài niệm, thì cho dù nơi ấy có cơ cực tủi nhục đến đâu, có xơ xác lam lũ thế nào, có để lại những dấu ấn buồn đau đến mấy, thì vẫn có sức gọi dậy những vang bóng một thời đầy ắp những kỷ niệm mông lung, ấm áp.

Cơn lốc đô thị

Về làng, ta về làng, những tiếng ấy giục giã đến nao lòng những người vì cuộc mưu sinh phải xa cái làng quê yêu dấu của mình. "Ai về làng cũ hôm nay, Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi. Con đi men mấy năm trời, Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương... Con đi năm ấy tháng tư, Lúa chiêm xấp xỉ giỗ từ tháng ba. Con đi quạnh cửa quạnh nhà, Cha già đập lúa, mẹ già giũ rơm. Cha giậm gạo, mẹ vần cơm. Có con, con vắng, ai làm thay cho". (Nguyễn Bính).

Và, nói như Tô Hoài thì "mỗi cái cây ở thôn xóm cũng như con người đều mang sự tích cuộc đời và cái hồn cốt của nó" (Chuyện cũ Hà Nội). Chẳng phải chỉ Nguyễn Bính, chỉ Tô Hoài, không thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật sáng giá đã khơi dậy trong sâu thẳm tâm hồn người dân thành thị nỗi niềm xao xuyến ấy, bởi lẽ đơn giản: Đúng là không có người thành thị nào lại không có gốc gác làng quê.

Xin chỉ gợi ra đây nét độc đáo đó trong tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái mà một trong đó , "Phố Phái" , danh xưng đã đi vào lịch sử, được người Hà Nội trân trọng giữ gìn như báu vật của thủ đô. Qua đôi mắt thiên tài và đường nét, sắc màu của "Phố Phái", cảm quan thẩm mỹ đậm đặc đã thức dậy trong người nhìn ngắm niềm xao xuyến giữa “phố” và “làng”.

Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta đến tận gốc rễ, đến mức rồi ta phải tự biến đổi chính mình để tồn tại trong môi trường đó.

Với “Phố Phái”, chỉ có mái nâu cũ kỹ chẳng khác mấy với những mái ngói làng quê, được thăng hoa bên những gam màu quen thuộc trong cảm thức dân dã. Nét dáng "làng" và nét dáng "phố" quyện vào nhau, thức dậy những ý niệm sâu lắng về đất nước: nghèo, nhưng dám là mình. Phải chăng điều đó là một minh chứng sáng tỏ của cái gọi là bản sắc dân tộc? Nghĩ kỹ ra, ngọn nguồn của bản sắc ấy đến từ đâu nếu không phải từ văn hóa làng?

Trong sâu thẳm tâm thức người Việt, hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình làng, ngôi chùa làng luôn ở vào cung bậc nhạy nhất và có sức gợi nhớ mãnh liệt.

"Ngày qua ngày lại qua ngày. Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng. Bảo rằng cách trở đò giang. Không sang là chẳng đường sang đã đành. Nhưng đây cách một đầu đình. Có xa xôi mấy cho tình xa xôi"! Có người cho rằng, cái quy luật tất yếu và phũ phàng của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa "ngày qua ngày lại qua ngày" dường như đã vùi dập không thương tiếc nền văn hóa làng. Cho dù có muốn cưỡng lại cũng chỉ là những khát khao vô vọng: "Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa, Như hôm em đi lễ chùa, Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh". Câu thơ ấy ra đời đã hơn hai phần ba thế kỷ, giờ đây sau bao biến động, vật đổi sao dời, đọc lại càng thấy tội nghiệp cho sự vô vọng đó.

Đánh đổi?

Liệu có nhất thiết buộc phải đánh đổi một nông thôn xanh tươi và hài hòa với thiên nhiên, nơi ấp ủ nền văn hóa truyền thống dân tộc để đổi lấy một nông thôn tàn tạ, nham nhở, phố không ra phố, làng chẳng ra làng không? Câu hỏi đó như một điệp khúc buồn day dứt, cứ trở đi trở lại mãi khi người thành thị nghĩ về làng quê của mình, nghĩ về nền văn hóa làng. Không khéo lần công phá dữ dội của làn sóng đô thị hóa và công nghiệp hóa kỳ này, nếu không có một chuyển đổi về nhận thức và đường lối, sẽ là đòn trí mạng làm sụp đổ hẳn nền văn hóa làng ấy. Mà cần nhớ rằng, làm sụp đổ nền văn hóa làng, tức là nhổ bật cái gốc của văn hóa Việt Nam với cấu trúc chặt chẽ của ba nhân tố: văn hóa nhà, văn hóa làng và văn hóa nước, cái làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Nhạt phai gốc gác - làm sao phát triển?

Cần nhớ rằng các thế lực ngoại xâm trong mọi thời đại đã không sao đồng hóa được dân tộc này vì chúng có thể chiếm giữ được nước (thủ đô, huyết mạch giao thông) song không sao chiếm được làng, băng hoại được nền văn hóa làng. Còn làng thì còn nước, sự gắn kết làng-nước là sức sống bất tận của dân tộc ta. Cốt lõi của sức sống đó là gì, chất xi măng gắn kết mọi con người trong cộng đồng dân tộc này là gì, nếu không phải là văn hóa?

"Văn hóa làng" chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam, góp phần hun đúc nên bản sắc văn hóa dân tộc được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, không có cái gốc đó, không thể có bề dày văn hóa hôm nay.

Đương nhiên, cũng trong văn hóa làng đã trầm tích những nét tiêu cực của con người Việt Nam nông dân. Lối suy nghĩ vụn vặt, tản mạn tự trói mình trong lũy tre làng của lối sống tự cấp tự túc không sao chuyển nổi sang kinh tế hàng hóa để phát triển bứt lên. Nhưng văn hóa làng không chỉ có thế. Cùng với những tiêu cực phải xóa bỏ, phải biết ra sức trân trọng gìn giữ và phát huy những cốt lõi tinh hoa của văn hóa làng, cái gốc của văn hóa dân tộc.

Càng đi vào hiện đại, càng tiến sâu vào quá trình hội nhập quốc tế, càng phải biết gìn giữ, vun đắp cho cái gốc ấy. Đã mất gốc thì làm sao phát triển, cho dù kinh tế có tăng trưởng bao nhiêu mà văn hóa lai căng, mất gốc thì sự tăng trưởng đó chẳng có được bao nhiêu ý nghĩa. Đấy là chưa nói đến chuyện, trong những thập kỷ bước sang thế kỷ XXI, thế giới ngày càng nhận thức rõ chính văn hóa mới là động lực và sức mạnh của phát triển. Trong quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, mỗi quốc gia lại phải lo gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của mình. Văn hóa Việt Nam là gì để có thể góp vào sự đa dạng đó?

Liệu có thể đánh thức cảm quan thẩm mỹ “Qua đình ngã nón trông đình. Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu” và biết xao động với hình ảnh "Sư già quét lá sau chùa, Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông" trong xã hội hiện đại?

Hoài cổ ư? Cũng có thể. Nhưng xin nhớ cho, một trong 18 bộ phim hay nhất qua mọi thời đại của điện ảnh châu Á do đài CNN (Mỹ) bình chọn năm 2008 chính là phim Bao giờ cho đến tháng mườicủa đạo diễn Đặng Nhật Minh, bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam được đưa vào trong danh sách bình chọn đó. Phải chăng vì chiều sâu thẳm của bộ phim đó đề cập đến một chủ đề hiện đại trên một cái nền của cảm quan thẩm mỹ dân tộc.

Và có đúng là đã một đi không trở lạicâu thơ Nguyễn Bính: "Trên đường cát mịn một đôi cô. Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa. Gậy trúc dắt bà già tóc bạc. Tay lần tràng hạt miệng nam mô"? Liệu có phải đây chỉ là hoài niệm về một vùng thương nhớ, quyến rũ mà dường như đã một đi không trở lại? Nhất là khi mà tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa được đẩy tới, mà ai đó trong cái nhìn thiển cận ăn xổi ở thì, cứ ngỡ như chỉ muốn đưa chuyện thi “người mẫu”, thi “hoa hậu” lượn lờ khoe các vòng eo thay cho "yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa"! Liệu có tất yếu phải cho lên ngôi chiếc áo tắm hai mảnh là biểu tượng của văn minh đô thị thay cho nét duyên thầm kín đáo của cô gái làng không nhỉ?

Trong một bài viết cảm động, tác giả của Về nguồn đăng trên Văn hóa Phật giáo, nhà sư Thích Chơn Thiện khẩn khoản: "Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt; chùa làng vốn là căn bản của Phật giáo, với số nông dân chiếm khoảng 70% dân số cả nước, thế mà hình ảnh ngôi chùa làng, tiếng chuông thanh thản, đầm ấm đang trở nên hiếm hoi ở nóng thôn... Về làng cũng chính là về nguồn, về với tâm hồn dân tộc, với an bình, hạnh lạc. Mong thay!".

Phải chăng đây cũng là niềm mong ước của phần lớn người thành thị gắn bó với cội nguồn của mình?

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Truyền thống

    24/04/2018Nguyễn Trần BạtMột đất nước mà không có truyền thống, không có lịch sử, không có những giá trị vĩnh hằng thu không thể có hiện tại, càng không thể có tương lai. Tuy vậy, vai trò của truyền thống trong quá trình phát triển của quốc gia, đặc biệt là đối với các quốc gia đang cải cách thể chế, luôn luôn có tính hai mặt....
  • Truyền thống cần được trẻ hóa

    10/02/2009Lê ĐạtNhiệm vụ cấp bách của Thơ Việt là phải mở cửa ra năm châu để thở, để chống lại nguy cơ tỉnh lẻ của nền thơ khuất gió...
  • Truyền thống và hội nhập

    16/01/2009Tô PhánLịch sử luôn có thăng trầm nhưng xu thế là không ngừng phát triển. Sự phát triển đó hội tụ đủ những giá trị truyền thống tốt đẹp như một sự kế thừa tất yếu di sản, đồng thời thích nghi trong chọn lọc giá trị thời đại...
  • Tết quê

    16/01/2009Vương Minh

    Ấm nồng như ký ức, đẹp đẽ như tuổi thơ, Tết quê chợt về miên man trong hồi tưởng. Tôi lại nhớ, lại nôn nao, lại ước mình được nhỏ bé...

  • Chuyện hỉ, nộ, ái, ố về kiến trúc nông thôn

    16/01/2009KTS Phạm Thanh TùngChuyện về kiến trúc nông thôn trong thời kỳ mới là câu chuyện dài, nó có đủ cả hỉ, nộ, ái, ố như đời người vậy. Đi tìm một mô hình kiến trúc nông thôn mới đòi hỏi không chỉ tài năng, mà hơn cả là cái tâm, lòng yêu quê hương của các nhà quản lý, quy hoạch, kiến trúc sư, cùng sự tham gia, sẻ chia của toàn xã hội.
  • Lời quê

    09/12/2008Lê ĐạtCuộc sống muôn màu muôn vẻ vẫn cảm thấy chật chội trong những cấu trúc vĩ đại. Vì thế nảy nòi một loại những triết gia "bụi" luôn đề ra những nghịch lý cốt để chứng minh tính thiếu sót cố hữu của mọi kiến trúc tổng thể.
  • Bàn về các yếu tố thẩm mỹ trong kiến trúc đô thị

    04/05/2007Lương Bửu HoàngKhi đi tìm những bước đầu tiên của kiến trúc, có lẽ trước hết chúng ta thường liên tưởng đến những câu chuyện mang dấu vết của cái hang, cái lều, cái nhà, thành lũy... Những hình thức đó đáp ứng nhu cầu thiết thực của đời sống hàng ngày: nơi cư ngụ, sinh hoạt và mọi hoạt động của đời sống định cư.
  • Hướng các giá trị đạo đức truyền thống theo hệ chuẩn giá trị chân - thiện - mỹ

    04/08/2006TS. Đặng Hữu ToànToàn cầu hoá kinh tế theo hướng phát triển kinh tế thị trường khi mà thang giá trị và chuẩn giátrị ở các nước còn nhiều khác biệt đang đặt ra những vấnđề cấp bách cho mọiquốc gia, dân tộc trong việc định hướng giá trị nói chung, định hướng các giá trị đạo đức truyền thông nói riêng...
  • xem toàn bộ