Hạnh phúc quá cũng dở
Đó là kết luận mới được công bố trong những nghiên cứu của các nhà khoa học từ Trường đại học Tổng hợp Yale, Denver (Mỹ) và Trường Đại học Tổng hợp Do Thái ở Jerusalem. Hạnh phúc và khát khao hạnh phúc thái quá có thể làm ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, đầu độc cuộc sống và thậm chí làm giảm tuổi thọ của con người.
Kết luận trên được đưa ra trên cơ sở những thống kê thực tế. Các nhà khoa học đã xác định được rằng, những người mà thời thơ ấu được đánh giá là lạc quan và vui vẻ tính trung bình lại sống không lâu bằng những người tính khí ủ rũ hơn họ. Cảm giác đang hạnh phúc quá cũng gây nên những vấn đề có hại cho con người.
Bởi lẽ, đó là cảm giác dễ làm chúng ta mụ mị, dễ khiến chúng ta trở nên quá vô tư lự và dễ gây ra những hành động mạo hiểm. Mà trong các trường hợp mạo hiểm thì bao giờ cũng kèm theo những chuyện không may, rốt cuộc sẽ làm cuộc sống chúng ta không được kéo dài như mong muốn.
Những cuốn sách dạy bảo chúng ta làm những gì để trở nên hạnh phúc thực ra lại lợi bất cập hại. Đọc xong những cuốn sách này, độc giả tưởng mình đã biết hết bài và thi nhau truy đuổi hạnh phúc, nhưng rốt cuộc lại bị thất bại nhiều hơn thành công và vì thế, sẽ cảm thấy thất vọng nhiều hơn hy vọng. Đúng như tiền nhân đã nói, chấp nhận sự bất hạnh có lẽ còn ít đau khổ hơn cầu cạnh hạnh phúc…
Một vấn đề khác là, cảm giác hạnh phúc quá lắm khi khiến chúng ta bị rơi vào những tình huống khó xử: nhiều khi chúng ta không dám bộc lộ nó ra ngoài vì không muốn làm buồn thêm những bạn bè bất hạnh hơn mình, hoặc không muốn những người khác đố kị với sự may mắn của mình.
Và chính vì thế nên nó lại gây nên dư vị khó chịu cho chính những người đang hạnh phúc nhưng không thể bộc lộ nó ra ngoài. Hơn nữa, những người đang hạnh phúc đều bị suy giảm năng lực sáng tạo. Chân lý này có lẽ được thấu hiểu hơn cả ở các nghệ sĩ. Không ngẫu nhiên mà các nhà thơ thường thành công hơn khi thất tình. Có thể nêu ra đây một ví dụ: đó là nhà thơ Nga Xôviết Konstantin Simonov.
Lúc về già, có lần Simonov tâm sự rằng ông chỉ thực sự là thi sĩ khi yêu nữ nghệ sĩ Valentina Serova bằng một tình yêu đầy đau đớn và hoài nghi. Nữ nghệ sĩ này đã làm ông quay quắt bởi những rối lẫn và cảm giác bất an. Nhưng cũng chính vì thế mà Simonov trong nỗi bất hạnh đó đã viết nên được những vần thơ trác tuyệt của mình, như Đợi anh về hay bài thơ sau đây:
Giá tìm được ai kia
Giống hệt như em ấy
Để khỏi quay trở về.
Nhưng tìm đâu ra tay
Giống hệt đôi tay đó
Để trong cảnh chia ly
Tôi thấy buồn và nhớ?
Tìm đâu ra đôi mắt
Biết như em giận hờn
Chỉ vô cùng thi thoảng
Giọt lệ dâng nỗi buồn?
Tìm đâu ra cái miệng
Biết hát, cười như em,
Để suốt đời tôi lo
Nhỡ đâu nàng lỡ hẹn?
Tìm đâu người mà ta
Luôn thứ tha mọi nỗi
Để bên nàng vẫn sợ
Chỉ tạm thời vậy thôi.
Để sau mỗi đêm trắng
Trở dậy đón ngày sang
Ta như bị vắt kiệt
Cũng giống hệt như nàng.
Để mắt soi ánh mắt
Giữa thao thức đêm sâu
Yêu trong nàng tất cả
Cặp tâm hồn khác nhau.
Sáng không biết rằng tối
Mọi sự sẽ ra sao?
Với ta, nàng sẽ xử
Theo lệnh tâm hồn nào?
Và khốn khổ cùng nàng
Không biết làm chi ổn,
Tôi từng muốn tìm ai
Khác nàng đơn giản sống.
Nhưng muốn để người khác
Có thể thay thế nàng,
Thì cô ấy cũng sẽ
Phải giống nàng y chang.
Nhưng nàng vô giá thế,
Độc địa thế - than ôi
Trong khắp cõi vũ trụ.
Không có người thứ hai!".
Cũng đồng suy nghĩ với Simonov là danh họa người Do Thái Mark Shagal. Ông đã hình dung về tình yêu không phải là cội nguồn hạnh phúc mà là những đau đớn trống vắng đã giúp ông sáng tạo:
ở đâu mộng ước
ở đâu niềm vui
trọn kiếp?
Tôi luôn thấy em từng bước.
Suốt đời tôi luôn thấy em.
Trong đau đớn tôi thấy em và cả
trong khốn khó triền miên.
Giọng em tôi nghe rõ ngày đêm.
Từng tích tắc đồng hồ, giọng em,
tôi nghe rõ.
Ai gọi tôi - cũng là giọng em đó.
Tôi nghe rõ em khi em lặng im…".
Yêu chỉ đơn giản vì yêu, không quá mong được yêu lại. Yêu mà không cầu cạnh hạnh phúc, thế mới may ra được hạnh phúc. Không ngẫu nhiên mà các nhà khoa học đã khuyên chúng ta rằng, hãy chấm dứt những lo lắng về việc chúng ta phải hạnh phúc. Không mong cầu hạnh phúc thì may ra mới có cơ hội được hạnh phúc thực sự.
Có điều, dù thế nào chúng ta cũng không được mất lòng tin vào điều tốt đẹp tất yếu tồn tại trên đời, vào sự "gái có công chồng chẳng phụ", vào việc “ở hiền sẽ gặp lành”. Đúng như tinh thần trong bài thơ Gửi người đang ở trên đườngcủa một nữ sĩ Nga, Margarita Aliger:
Em muốn thành sức mạnh của đời anh,
thành gió mát,
thành thơm lành miếng bánh,
thành trời cao lồng lộng trên đầu.
Nếu lỡ rồi anh sẩy chân lạc lối,
em sẽ biến thành đường đưa anh tới,
anh cứ đi theo nó chớ phân vân.
Nếu anh phải bơ phờ trong cơn khát,
em sẽ hóa thành con suối mát,
hãy lại gần uống cho thỏa nghe anh!
Nếu anh muốn đôi giờ nghỉ lại
giữa màn đêm bóng tối ken dày,
rừng dù rậm, núi dù cao đến mấy,
em vẫn thành ngọn khói bếp bình an,
thành hoa lửa soi bập bùng, yên ấm,
để anh biết rằng, em đang bên anh!
Em sẵn sàng hóa thân thành tất cả
những gì anh thương quí.
Giữa bình minh
anh hãy dậy, tới gần cửa sổ
đón nhận em trong mọi vật quanh mình.
Đó là em giữa điệp trùng cỏ dại
đang vươn lên thành những nhánh mao lương
bên hàng rào cố làm anh trông thấy
để anh động lòng, để anh xót thương.
Đó là em trong tiếng kêu ríu rít
của họa mi.
Hoa nở rộ:
hạt sương
giữa cánh hoa.
Em đó, - anh có biết? -
Em đó anh: mây giăng trải trên vườn.
Anh hạnh phúc? Nghĩa là em liền cạnh,
tình em luôn phù hộ độ trì anh!
Em thấy anh trong bao nhiêu người khác,
lối ta đi không gì chia cắt,
anh của em ơi, có hiểu điều này?
Anh dù ở nơi nào trên thế giới
chắc chắn rồi sẽ tìm thấy anh thôi,
sẽ nhận ra em và yêu em mãi!".
Tháng 5/2011
Mới đây, Tổ chức quốc tế Hành động vì hạnh phúc" (Action for Happiness) đã đưa ra 10 nguyên tắc mà nếu thực hiện chúng, con người có thể cảm thấy mình hạnh phúc. "Mục tiêu của chúng tôi là hình thành một phong trào quần chúng toàn cầu để thay đổi một cách căn bản phong cách sống trong xã hội hiện đại", - văn kiện thành lập tổ chức này nhấn mạnh.
Theo lời giới thiệu, đại diện của Tổ chức Hành động vì hạnh phúc, GS Richard Layard nói: “Bất chấp những tiến bộ vật chất diễn ra suốt 5 thập niên gần đây trong thế giới công nghiệp, con người vẫn không trở nên hạnh phúc hơn mà ngược lại, đã xuất hiện thêm những nỗi lo và nỗi thất vọng mới. Mục tiêu của phong trào là thay đổi tình hình kém lành mạnh này”.
Tổ chức này được thành lập ở London vào tháng 11/2010 bởi các đại diện của thế giới khoa học Anh. Tuy nhiên chỉ tới giữa tháng 4/2011, tổ chức này mới được chính thức công nhận. Hiện nay đã có gần 4.500 người từ 60 quốc gia tham gia.
10 nguyên tắc để trở thành người hạnh phúc 1. Hạnh phúc không phải ở việc nhận mà là cho. Khi rảnh rỗi hãy tham gia các hoạt động từ thiện tình nguyện. 2. Hãy giao tiếp nhiều hơn, hãy nhớ tới những người bạn mà gần đây ta ít có dịp tiếp xúc. 3. Hãy tập thể dục thể thao, ít nhất là hãy chạy. 4. Hãy quan tâm hơn tới thế giới xung quanh, dành thời gian cho việc suy tư về thiên nhiên. 5. Không ngừng tự trau dồi kiến thức, hãy học thêm ngoại ngữ. 6. Hãy đặt ra trước mình những mục tiêu cụ thể và phấn đấu đạt được chúng. 7. Hãy để cho các sai lầm làm chúng ta khôn ra, tự sửa chữa và đi lên tiếp tục. 8. Hãy lạc quan bằng cách lưu tâm hơn tới những khoảnh khắc hạnh phúc trong đời. 9. Hãy chấp nhận bản thân mình như thực tế, đừng quá mặc cảm bởi những điểm yếu của cá nhân mình. 10. Hãy cảm nhận mình như một phần của một tập thể, hãy tham gia một tổ chức hay một câu lạc bộ nào đó. |
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn