Bàn một chút về hạnh phúc
Dạo nọ lên chungta.com đọc được câu này của James Oppenhein “Kẻ dại đi tìm hạnh phúc nơi xa, người khôn vun trồng nó ngay dưới chân mình”. Tôi thấy hay nên chép lại, bây giờ lại thấy càng hay, số là nó vẫn cứ nằm trong một mãnh giấy nào đó rồi cũng bị lãng quên, nhưng không tại vì một chuyện ngẫu nhiên là ngẫu nhiên đọc được vài lời của Kim Thánh Thán trong “Cái cười của thánh nhân” của cụ Thu Giang. Ờ, ngông mà lại khôn, khôn một cách ngông ngông mà đầy trí tuệ và ý nghĩa.
Tôi ngẫm hạnh phúc nó ở ngay cạnh ta, nhìn xung quanh thì thấy ngay chứ đâu xa, chỉ tại ta chưa nhận ra thôi. Nhiều người cứ nghĩ rằng hạnh phúc nó ở xa lắm, khó đạt được và cần phải trả “một cái giá” kha khá mới mong có, chả trách vì thế mà phần lớn người ta “đổ xô” đi leo lên cái than danh vọng, tiền tài, địa vị, quyền lực… mà khổ là chỉ biết leo lên, lúc mệt mỏi cũng phải rán leo vì nếu không thì lỡ người khác lại leo cao hơn mà không khéo còn bị mất chỗ hay bị đạp xuống hay bị thiên hạ chê cười, thế là người ta chỉ biết leo mà chẳng chịu lâu lâu dừng chân dừng tay nhìn xuống một tí, nhìn xung quanh một lát. Một cành cây, một ngọn cỏ, một giọt sương mai, một người bạn tốt bụng, một đứa trẻ ngây thơ… cũng đã đủ làm ta xao lòng mĩm cười, nếu chưa thì cũng còn nhiều lắm lắm nữa đây: cả bầu trời đêm đầy sao, cả đại dương xanh mênh mông, cả kho tàng kiến thức vô tận, tất cả những con người quanh ta, cả xã hội đang từng ngày thay đổi, gia đình-hàng xóm thân yêu…
Có kẻ bỏ cả đống tiền để mua một món hàng “không đụng hàng”, ăn chơi ở những nơi chỉ có kẻ ăn chơi “đẳng cấp”, tiêu xài hoang phí một cách vô tội vạ …hoặc chẳng đến mức ấy nhưng vẫn cứ tỏ vẻ ra là vậy và huyên thuyên trước những người nghèo khổ về những thứ họ có; sự mạt sát, cái cười khinh bỉ trước người nghèo mà họ tự cho đó là hạnh phúc, sự sung sướng của riêng họ mà thôi. Ai cũng có quyền và cũng có thể hưởng hạnh phúc, ngay cả những bậc lỗi lạc viết tuyên ngôn độc lập ở tận bên Pháp xa xôi cũng đã khẳng định “con người sinh ra ai cũng có quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc”, thế thì còn nghi ngờ gì nữa: tất cả chúng ta đều bình đẳng trước hạnh phúc cho dù rằng đó là những người cùng khổ, người tàn tật, trẻ em mồ côi hay một ông hoàng, một vị tổng thống. Chẳng phải ta đã học được những điều này từ hồi còn e a tập đọc hay sao: cứ gì bà vợ ông lão đánh cá lại mơ tưởng cao sang, khi đạt được sự giàu có quyền quý này rồi lại càng muốn leo cao hơn nữa trong khi bà ta lại quên đi thứ quý giá nhất trong cuộc đời mình; tại sao không tìm thấy điều nho nhỏ nhưng vĩ đại như những que diêm sáng rồi vụt tắt, vụt tắt như chính em và nụ cười trên môi trong đêm rét giá lạnh cùng những giấc mơ đẹp; chẳng phải có những điều đến rồi tan vỡ như bong bóng để hoà quyện vào đất trời, chỉ còn lại hư không nhưng trong cái hư ảo đó chính là cái thực tại của nàng tiên cá cùng hoàng tử sao…
Những gì ta đang có lúc nào cũng quý giá hơn những thứ ta chưa có được. Có những thứ mang lại hạnh phúc, giá trị thật sự cho cuộc đời nhưng chẳng phải tìm đâu xa, chẳng phải tốn đồng xu nào cả mà điều quang trọng là ta đã tìm thấy nó chưa và có nổ lực hết mình để đi vào chiều sâu của sự hiện hữu đó không.
“Mùa hè qua tháng bảy, mặt trời đỏ ngang trời. Gió cũng không. Mây cũng không. Sân trước, sân sau, nắng chói như lò lửa. Không một con chim nào dám bay. Mồ hôi ra khắp mình, ngang dọc thành rãnh nước. Cơm để trước mặt, không sao nuốt được. Gọi chiếu muốn nằm xuống đất trời đã tướt như mỡ. Ruồi xanh lại bu đến, leo lên cổ, đậu lên mũi, đuổi chẳng buồn đi. Đương lúc không biết làm thế nào được, bỗng dưng mây đen kéo kín, tiếng rầm rầm nghe như có trăm vạn trống chiêng... Mái tranh chảy như thác. Mồ hôi trên mình biến mất! Đất ráo như lau... Ruồi bay mất hết. Cơm ăn thấy ngon. Chẳng cũng sướng sao!
...Người bạn xa mười năm, thình lình đến vào chiều hôm. Mở cửa chào xong, chẳng kịp hỏi đi thuyền hay đi bộ, cũng chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường... Hàn huyên qua loa, liền chạy mau vào nhà trong, sẽ hỏi vợ: "Mình có được như bà vợ Tô Đông Pha, sẵn có rượu để dành không?" Vợ cười, rút cành trâm vàng đưa cho. Tính ra có thể đãi khách được ba ngày... Chẳng cũng sướng sao!
...Ngồi một mình trong căn phòng không, đang nghĩ đêm qua có tiếng chuột nghe bực quá. Không biết nó sồn sột gặm nát cái gì của mình? Trong lòng bồi hồi, chưa nghĩ ra sao...
Bỗng thấy con mèo đẹp, chú mắt, vẫy đuôi, như đã trông thấy vật gì. Nín tiếng, nín hơi, đợi chờ chốc lát, thì thấy nó chồm lên, lẹ như gió... nghe một tiếng "chít". Con vật đó đã chết rồi! Chẳng cũng sướng sao!
...Đêm Xuân cùng các tay hào uống đã nửa say, thôi đã khó thôi, thêm cũng khó thêm...
Bên cạnh bỗng có một đứa trẻ hiểu ý, đưa vào hơn chục phong pháo. Liền đứng dậy ra ngoài tiệc, lấy lửa đốt chơi! Mùi lưu hoàng xông từ mũi vào tận óc, khắp người khoan khoái.
Chẳng cũng sướng sao!
...Qua phố thấy có hai bác đồ gàn, cãi nhau về một chuyện... Cả hai đều đỏ mặt, tía tai, tưởng chừng không đội trời chung. Vậy mà còn chắp tay lên, khom lưng xuống, đầy mồm "chi, hổ, giả, dã"!
Câu chuyện còn kéo dài, có thể mấy năm không xong.
Bỗng có tay tráng sĩ vung tay đi lại, ra oai quát to một tiếng. Thế là nín thin thít. Chẳng cũng sướng sao!
...Ngủ sớm vừa dậy, hình như nghe tiếng người nhà than thở, nói chàng nọ chết đêm qua! Vội xem, té ra một tay khôn vặt nhất trong cả một thành. Chẳng cũng sướng sao!
...Lâu vẫn muốn đi tu, khốn nỗi không được công khai ăn thịt. Ví cho được làm sư mà vẫn được công khai ăn thịt, thì ngày hè ấy nước nóng, dao bén cạo sạch tóc đầu...
Chẳng cũng sướng sao!
...Đi vắng lâu ngày mới về... Xa trông thấy cửa thành, đàn bà, con trẻ hai bên đường, đều nói tiếng quê nhà...Chẳng cũng sướng sao!
...Mình không phải là thánh, sao cho khỏi có lỗi. Đêm qua làm lén một việc. Sớm dậy áy náy trong lòng không yên. Chợt nhớ nhà Phật có phép sám hối: Không hề giấu giếm điều gì cả là "sám hối" Nhân tự đem lỗi mình mà nói phăng ra cho tất cả khách quen, khách lạ đều biết. Chẳng cũng sướng sao!
...Xem người viết đại tự...Chẳng cũng sướng sao!
...Mở cửa song giấy, thả cho con ong ra...Chẳng cũng sướng sao!
...Món đồ sứ đẹp đã sứt mẻ, chả còn có cách gì hàn gắn... Xem đi xem lại chỉ càng thêm rối ruột. Chẳng cũng sướng sao!
Nhân giao cho nhà bếp dùng làm đồ đựng vặt, không bao giờ lại qua mắt nữa...Chẳng cũng sướng sao!”
Người ta thường bảo “xấu hay làm việc tốt, dốt hay nói chữ” và chẳng biết có phải kẻ bất hạnh lại hay bàn nhiều về hạnh phúc không, mong là cái logic ấy không logic. Tình cờ đọc được vài câu của Kinh Thánh Thán, thấy sướng quá nên hứng lên viết vài dòng chia sẽ cái sướng này cùng những ai hữu duyên đọc đến đây, chẳng phải vậy cũng sướng sao! Tôi hiện tai vẫn chưa có cái gì cả từ sự nghiệp cho đến tình duyên nhưng tôi nghiệm rằng đời này dù có thế nào tôi vẫn có vài thằng bạn chơi được, vẫn trời vẫn đất, vẫn cây cỏ, vẫn sông núi hùng vĩ, vẫn bao chuyện huyền bí, vẫn bầu trời đêm đầy sao, vẫn luôn có tình thương của bố mẹ …bây giờ thò tay vào túi quần chẳng có đồng nào nhưng “alô” một tiếng thì chắc cũng có thằng qua chở đi tắm biển. Chẳng cũng sướng sao!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh