Giàu và nghèo
Cho dù về mặt lý thuyết, trong cuộc đời có nhiều phạm trù khác quan trọng và ý nghĩa hơn, nhưng xét về quan điểm thực tiễn, đa số con người ta kể từ khi nhận thức được tầm quan trọng của vật chất cho đến khi chính chúng ta.trở thành một loại vật chất tổng hợp, đều nhắc nhỏm và chú trọng hai từ giàu - nghèo. Thật lòng ai chẳng muốn giàu hay nói đúng hơn là ham giàu, bởi giàu sẽ sang và miệng kẻ sang bao giờ cũng đầy gang thép. Giàu đến độ nứt đô đổ vách chẳng mấy chốc được tiếng ngông với đời, chứ còn nghèo lúc nào cũng rụt rè e ngại, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, nghèo đến rớt mồng tơi thì đâm ra hèn mọn. Cho nên cổ ngữ nhận định chí lý: nghèo ra giữa chợ đứng không ai thèm để ý, giàu ở nơi thâm sơn cùng cốc vẫn có người quen. Biết vậy nhưng hiềm nỗi không phải cứ muốn là được mong chạy mà thoát, chuyện đời cứ thản nhiên vô tư ngoài ý muốn chủ quan của ta.
Các cụ dạy rằng: số giàu số đến dửng dưng. Từ xưa người giàu chủ yếu do cần cù mùa màng nhờ mưa thuận gió hòa, chăm chỉ làm ăn, buôn bán, hưởng lộc triều đình do công trạng hoặc may mắn đào được kho vàng của bọn cướp biển. Bây giờ thời đại tiên tiến với phương châm nhanh hơn, nhiều hơn, đầy hơn nữa nên người ta làm giàu bằng mọi cơ hội và khả năng: sử dụng sức lao động, trí tuệ kinh doanh, cổ phiếu và cũng không ít kẻ làm giàu bất chính như tham ô, tham nhũng, ma túy, buôn lậu trốn thuế thậm chí đem cả danh dự đất nước ra cá cược. Những kẻ giàu phất như diều, trở thành trưởng giả học làm sang không biết tiêu gì cho hết tiền, đành vung phí ăn chơi trác táng, hưởng thụ, phá tán rồi tự chôn vùi mình trong tiền, thân tàn ma dại, vào tù ra tội mà không bao giờ thấm thía bài học: tiền bạc là phương tiện của người thông minh và là mục đích của kẻ ngu dốt. Trong khi đó nhiều người dùng sự giàu có của mình làm việc thiện, giúp đỡ cuộc đời, chăm lo thế hệ tài năng trẻ chỉ để đổi lấy hai chữ thanh tâm. Rõ ràng là ăn cơm với rau nằm ngáy o o, ân cơm thịt bò lại lo ngay ngáy. Kết cục giàu đến như Thạch sùng thì cũng chỉ tắc lưỡi vì tiếc của, còn những kẻ giàu khi tiếc đời chỉ còn cách câm như hến.
Cũng có thể do vừa sinh ra con người ta đã khóc và khóc cho đến khi nào biết cười điều đó dưa đến nhận định rằng chúng ta khổ nhiều hơn sướng, bằng chứng ấy cũng có thể vận vào sự giàu nghèo được bởi người ta chỉ thống kê, lập danh mục, đưa tên tuổi điển hình và nêu số lượng người giàu trên thế giới, còn người nghèo thì có ai biết đấy vào đâu mà có đếm cũng không thể chính xác được. Không ai muốn, nhưng cái nghèo cứ đến lừ lừ như ông từ vào đền cùng rất nhiều nguyên nhân gây đói nghèo: khách quan là vì thiên tai, khí hậu, đất xấu, thất bát, tai nạn, ốm đau, bệnh tật và có những sự nghèo chẳng biết kêu ai ngoài ông trời... nhưng cũng có kẻ tự làm nghèo mình bằng sự dốt nát, lười biếng, rượu chè, hút chích, cờ bạc rồi đổ tại số đen! Tuy nghèo, nhưng phẩm cách phân chia khác hẳn: cứ theo bản năng thì đói ăn vụng, túng làm càn nhưng còn nhiều gia cảnh bất chấp bần hàn, giấy rách vẫn giữ lấy lề, cố gắng đói cho sạch, rách cho thơm, sống vật lộn bươn chải với đời để hy vọng tươi sáng sẽ trở thành hiện thực như chuyện Chử Đồng Tử gặp được Tiên Đung. Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh Dịch lý, đặt sự giàu nghèo trong vòng luân chuyến ta sẽ thấy: Nghèo sinh ra cần kiệm, Cần kiệm sinh ra giàu sang, Giàu sang sinh ra kiêu sa, Kiêu sa sinh ra nghèo hèn. Như vậy phải luôn nhớ: Giàu không tiết kiệm khó liền tay, khó không tiết kiệm khó ăn mày. Có biết thế chưa chắc đã xử thế bởi ít ai lúc có tiền nghĩ đến ngày không có tiền, đa số chỉ đến khi không còn tiền mới nghĩ lại ngày đã có tiền, có lẽ vì thế câu lên voi xuống chó luôn có ý nghĩa chăng?
Nghiền ngẫm sự giàu nghèo của một đời người đã phức tạp thế, sự phồn thịnh của cả một quốc gia càng khó khăn hơn vì dân có giàu thì nước mới mạnh được. Về chuyện này, sách Luận ngữ viết: “Người dân làm ăn có đầy đủ thì sự chi dùng trong nước mới đầy đủ, dân còn thiếu thốn thì nước lấy đâu cho đủ được”. Mạnh Tử nghĩ xa hơn về đạo đức xã hội: "Người dân có của để sinh sống mới hay giữ được tấm lòng lành, ví bằng nghèo khó, quanh năm lo cái sống không xong còn nghĩ gì đến lễ với nghĩa mà chỉ xoay sang càn rỡ, làm bậy". Tăng Tử lại phân tích: "Muốn cho trong nước được nhiều của cải thì phải có phương pháp: số người làm việc sinh lợi ngày càng nhiều, số người ăn xài phung phí càng ngày càng ít. Nhưng kẻ làm ra của phải chuyên chú siêng năng, kẻ tiêu dùng phải thư thả từ từ, như vậy tài sản đất nước sẽ dồi dào".
Cuộc đời vốn trắng đen, phải trái, đúng sai, trong đục với bao thị phi, nên sư tổ Trương Tam Phong khai sáng phái Võ Đang nói rất đúng: Làm gì cõng được miễn không thẹn với lòng mình là thanh thản! Vậy cần gì phải trau chuốt quá kỹ đôi chữ sang hèn làm chi cho mệt nên người giàu thường nghèo tri thức văn hóa và ngược lại. Và nói cho cùng giàu nghèo gì cũng dưới ba tấc đất, xấu đẹp mấy cũng đến nhắm mắt xuôi tay, cốt yếu nhất phải sống cho ra sống để: “Giàu sang không đánh mất được tâm tính. Nghèo nàn không đổi được khí tiết, Uy quyền bạo lực không làm mình nhụt chí. Như thế mới đáng bậc trượng phu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá