Tài sản của chúng ta: nỗi nhục nghèo khó!

11:19 CH @ Thứ Năm - 06 Tháng Mười, 2005

"Tôi đi công tác xa nhưng vẫn dõi theo diễn đàn “Tuổi 20 của chúng ta” trên Tuổi Trẻ, khi về đến TP.HCM muốn được tham gia ngay. Vẫn thấy mình còn trẻ, diễn đàn bày ra cho mình sao lại đứng ngoài?...” TS. Lê Nguyễn Minh Quang, TGĐ Công ty xây dựng Bachy Soletanche - bắt đầu như thế...

Từ một sinh viên nghèo, nhận học bổng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ 16 năm trước, nay là tổng giám đốc, đại biểu HĐND, anh nghĩ thế nào về khái niệm “tài sản của một thanh niên”?

Tài sản ít nhất với tôi chính là nghèo khó. Nhờ đó mới nghĩ rằng mình không thể tự nhiên mà có được thứ gì. Phải nắm bắt cho bằng được tri thức mới mong tháo gỡ mọi cản ngại. Năm năm đại học, sáng đến trường, chiều dạy bổ túc kiếm tiền, tối tôi đi học Anh văn, Pháp văn đều đặn; tham gia CLB Quốc tế của Thành đoàn, làm hướng dẫn viên và được một nhóm người Pháp bảo trợ giúp sang Pháp học.

Đến Pháp, tự đi xin vào một trường lớn, chấp nhận học vắt giò lên cổ, rồi về nước làm một kỹ sư... Nhưng biết tự tạo cơ hội là sở trường tiềm ẩn của thanh niên nói chung, không chỉ riêng thanh niên nghèo.

Viết thư cho Thủ tướng năm 2002, anh ray rứt với “nỗi nhục của thanh niên một đất nước nghèo”, anh đã ý thức về nỗi nhục đó khi nào?

Từ năm 9 tuổi, xuất phát từ nỗi khổ của một gia đình nghèo, đi đến đâu tiếng nói của mình dẫu đúng cũng bị coi thường. Vào đời, nhất là những năm còn bao cấp, càng thấm thía. Học giỏi, có học bổng nhưng xin visa đến nước nào dự hội nghị cũng nhận được câu hỏi: “Anh có tính ở lại luôn không đấy?”. Nhục khủng khiếp!

Các bạn trên diễn đàn còn băn khoăn nếu trở về có được trọng dụng không? Chia sẻ của tôi là: hãy về đi và đừng chờ “thảm đỏ”.

Những bạn điều kiện chưa thuận lợi, hãy tự tạo cơ hội cho mình một lần nữa bằng cách tìm đến những công ty nước ngoài có đại diện tại VN để tìm một việc làm.

Có thể chỉ làm một vị trí bình thường, thu thập kinh nghiệm để thực hiện những kế hoạch, hoài bão lớn hơn của mình.

12 năm trước, đi dự một hội nghị về xây dựng tại Nhật, nhiều người còn không biết VN nằm ở đâu. 10 năm sau quay lại Nhật trong hội nghị doanh nghiệp trẻ, ai cũng biết đất nước mình đang nỗ lực phát triển, họ còn đưa ra dự báo “nếu biết sử dụng nguồn nhân lực đầy triển vọng mà VN đang có, 10 năm nữa châu Á sẽ nhắc đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam”. Và tôi nghĩ đến khái niệm “tài sản của thanh niên một đất nước nghèo” chính là nỗi nhục nghèo khó.

Nhưng không phải đa số thanh niên VN đang khắc khoải với nỗi lo đất nước nghèo? Có bạn tham gia diễn đàn băn khoăn: “Tôi không rõ hoài bão tuổi 20 của mình là gì?”...

Nhưng cũng chính diễn đàn chứng tỏ giới trẻ không hề quay lưng với đất nước, thời cuộc và cả truyền thống. Chỉ có điều việc giáo dục về một “tinh thần Việt” còn tản mạn, đôi lúc giáo điều. Cần phải giáo dục hình ảnh tổ quốc cụ thể, bằng nhật ký của anh Thạc, chị Trâm, dạy đứa bé biết làm đẹp ngõ nhà mình, con hẻm mình ở, những gì làm mình chạnh lòng, xót xa, yêu không rời ra được.

10 năm làm doanh nhân, anh nuôi dưỡng “tinh thần Việt” đó trong công việc cụ thể của mình ra sao?

Tôi chưa bao giờ quên nhiệm vụ “Việt hóa” đội ngũ của công ty mình, phương châm là “từng vị trí phải học tập để đạt những vị trí mới”, những thợ phụ được học để thành thợ chính, xây dựng những giám đốc dự án, và đấu tranh để người nước ngoài nhường những chỗ hợp lý cho người Việt.

Là công ty đầu tiên mang công nghệ nền móng, công trình ngầm vào VN, với khoảng 25 công trình lớn, chúng tôi hướng đến chất lượng những công trình bền vững và tiết kiệm cho đất nước. Tôi khước từ những gợi ý “lách luật, chia chác phần trăm” của đối tác, vì làm sao có thể “ăn” vào tiền của dân tôi như vậy...

Và anh đã từng làm một tổng giám đốc đối tác Singapore bị sa thải chỉ vì đòi “chi 10%”. Thẳng quá có lạc lõng không?

Lương tâm mình thanh thản thì không lạc lõng cho dù cái tốt và cái xấu quá gần nhau. Tôi tin đa số thanh niên đều có những giá trị tinh thần trung thực học được từ gia đình, nhà trường, nhưng xã hội đang thừa nhận những giá trị nào sẽ ảnh hưởng đến lối sống của họ. Cuộc chiến “đánh” tham nhũng của chúng ta hiện nay cũng vậy, nếu đó là một cuộc quyết chiến đồng lòng như năm xưa chúng ta đánh giặc thì thanh niên không bao giờ đứng ngoài cuộc.

Tại công trình chống thấm hồ Dầu Tiếng, Công ty Bachy Soletanche đã áp dụng phương án táo bạo: tạo một bức tường dày 0,6m, dài 181m xuyên vào đập, giảm chi phí từ 13 tỉ đồng xuống 9 tỉ .

Năm 2005 trúng thầu các công trình: đường hầm Thủ Thiêm; cầu Cần Thơ và trạm bơm dự án thoát nước Q.8 (TP.HCM).

Ra đi và trở về. Anh có cho rằng tuổi trẻ nhất thiết phải lãng mạn một tí không?

Và phải mạo hiểm nữa. Gia đình phản đối vì ám ảnh chuyện lý lịch. Tôi được công ty Pháp hứa trả lương gấp nhiều lần nếu ở lại. Lấy tờ giấy trắng chia đôi ở lại /trở về, cho điểm, cộng lại tôi thấy nếu trở về sẽ được hạnh phúc hơn, vật chất sẽ đến từ công việc, hằng ngày được gọi “mẹ, cha”, được làm công trình hiện đại trên chính quê mình. Tôi nghĩ sự lãng mạn của tuổi trẻ là như vậy, bao hàm một chút rủi ro nhưng phải gắn với những hoài bão, dự định lớn.

Nhưng anh cũng đã từng lên tiếng đất nước quá lãng phí khi không trọng dụng những người trở về?

Đúng. Tôi bức xúc khi Chính phủ bỏ 100 triệu đôla để đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, thế mà hầu như “bỏ rơi” một lực lượng du học sinh VN đã được đào tạo bài bản trong 15 năm qua. Tôi nhắc lại nguyện vọng là chiến lược nhân lực phải bắt đầu bằng những cuộc thi tuyển công khai, để Thánh Gióng có cơ hội xuất hiện, chấm dứt cơ chế “quen biết, đề cử, cất nhắc”.

Xin cảm ơn anh.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: