Giáo dục, sản phẩm bị động hay tác giả chủ động?
Vừa rồi tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa nhậm chức, đã có thư gửi đồng bào, và không chờ đợi, đề cập ngay đến một số vấn nạn đang nóng bỏng của ngành, không chỉ đề cập mà còn bày tỏ quan điểm riêng của mình, khá thẳng thắn, tuy có thể hơi vội. Ông nói ngay đến bệnh thành tích, cho rằng giáo dục có chịu trách nhiệm về căn bệnh nặng đó, tất nhiên rồi, nhưng phụ huynh cũng là đồng tác giả của căn bệnh này, chẳng kém. Không chữa ở phụ huynh, thì bệnh cũng cứ nan y như thường. Và nói phụ huynh tức là nói xã hội, xã hội không chữa thì chỉ giáo dục thôi cũng chẳng làm gì được.
Đúng ra thì bệnh thành tích chẳng qua chỉ là một mặt, một biểu hiện của một bệnh, một tên gọi khác cho sang của một thói tật xấu chung hơn, bao quát và nguy hiểm hơn nhiều: bệnh giả dối, nói dối... Và bệnh nói dối, giả dối quả khá phổ biến trong xã hội, không phải chỉ mới đây, có người còn cho rằng nó thuộc về một cái gốc nào đó của xã hội. Gốc đã vậy thì cành nhánh như vậy ắt là tất yếu. Chuyện phao thi trắng xóa sân trường hàng năm, chuyện ông bí thư Trung ương Đoàn vi phạm qui chế thi, chuyện bệnh thành tích... của giáo dục thì cũng như chuyện rút ruột công trình, thay cọc sắt cho bê tông bằng cọc tre, cả chuyện PMU18..., và vô số những chuyện khác nữa, ngành đương sự phải chịu trách nhiệm, tất nhiên, nhưng nói cho cùng ngành đương sự cũng chẳng làm gì được, nếu xã hội vẫn còn như thế. Giáo dục cũng chỉ là một ngành đương sự như các ngành đương sự khác, không thể hơn. Theo tôi, có thể vấn đề nằm chính ở chỗ này: đối với xã hội, giáo dục có phải cũng chỉ là một ngành "đương sự" trong cái chung là xã hội như bao nhiêu ngành khác không? Cũng chỉ là sản phẩm tất yếu của xã hội, xã hội nào thì giáo dục ấy, xã hội hư thì giáo dục hư, không thể nào khác? Hay có thể ngược lại: giáo dục không chỉ là sản phẩm tất yếu của xã hội, mà còn là, có thể là, phải là, và đó là thiên chức lớn lao nhất của nó: tác giả của xã hội. Chính nó phải chủ động đẻ ra xã hội chứ không phải chỉ có thể là con đẻ bị động một bề của xã hội. Sai lầm lớn nhất của giáo dục lâu nay chính là ở chỗ này: nó đã cam tâm chịu làm sản phẩm xuống cấp của một xã hội xuống cấp, không những không chạy chữa, không vực xã hội ấy lên, dựng xã hội ấy dậy, không bằng thiên chức và khả năng riêng có của nó, làm cuộc cách mạng đạo đức ghìm giữ sự trong sạch, và trong sạch hóa, cải tạo xã hội. Không những thế, nó lại còn, cũng lại bằng chính khả năng riêng có, là tác dụng vô cùng rộng lớn, sâu sắc của nó (nó tác động vào con người ở chính tuổi quyết định hình thành nhân cách của con người, và mạng lưới tác động của nó thì mênh mông, hơn bất cứ ngành nào khác) góp phần rất lớn, không nên che giấu điều này, làm hư hỏng thêm xã hội. Bằng bệnh thành tích nặng nề và phổ biến của nó, nó dạy thêm cho xã hội, từ đứa bé nhất, tật xấu nhất, tồi tệ nhất ở đời, bệnh nguy hiểm nhất của một xã hội: bệnh nói dối, sống giả dối. Nguyên Ngọc (5 tháng 9, 1932 – ) tên thật là Nguyễn Văn Báu, bút danh khác là Nguyễn Trung Thành. Ông là nhà văn, nhà văn hóa -giáo dục Việt Nam, phóng viên chiến trường, tổng biên tập báo và dịch giả. "Tôi sống và làm theo những điều mình tin, và chịu trách nhiệm về tất cả điều đó, không thối lui, không nhân nhượng. Đúng sai là điều khó tránh ở đời, nhưng tôi luôn coi trọng sự nhất quán trong thái độ sống: bao giờ cũng sống như một người tự do, trước hết với chính mình. ... Thiết lập lại một nền giáo dục khác hẳn nhằm tạo nên những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo." >> Trang tác giả:Nguyên Ngọc
Nó cần và hoàn toàn có thể làm khác, và chính vì sự khác đó mà người ta mới gọi nó là quốc sách hàng đầu. Có rất nhiều ví dụ về điều này, lớn và nhỏ, lịch sử và thường ngày, ngoài nước và trong nước.
Ví dụ lớn: như chúng ta đều biết, rất nhiều cuộc cách mạng vĩ đại và nhiều cuộc duy tân, bứt phá của các dân tộc đã bắt đầu bằng giáo dục. Cách mạng Pháp: Jean Jacques Rousseau, một trong những cha tinh thần chủ yếu của cuộc cách mạng vĩ đại này là nhà giáo dục lớn. Nhật Bản, nước Châu Á đầu tiên trở thành cường quốc, đã bắt đầu công cuộc Duy tân lừng danh của mình chính bằng giáo dục. Rồi Hàn Quốc, Đài Loan, cả Xinhgapo, Thái Lan... đều vượt lên từ tình trạng lạc hậu, thậm chí còn tệ hơn ta rất nhiều ở bước khởi điểm, trước hết bằng giáo dục, cải cách giáo dục, mạnh mẽ, quyết liệt, tập trung toàn lực vào đó... Ở ta cũng không phải không từng có kinh nghiệm: đầu thế kỷ 20, Phan Châu Trinh đã tìm ra nguyên nhân mất nước chính trong nền giáo dục hư học tệ hại, và quyết chủ trương cứu nước trước hết bằng công cuộc Khai dân trí, cụ thể là một cuộc cải cách giáo dục sáng suốt và sớm một cách đáng kinh ngạc...
Ví dụ nhỏ: vừa rồi, trong một bài báo, một tác giả đã kể câu chuyện, hình như ở Châu Âu, một em bé đi học về, thấy bố hút thuốc trong nhà, đã nghiêm khắc phê phán, yêu cầu bố tắt thuốc ngay, hoặc ra ngoài đường mà hút. Riêng tôi thì có lần được tận mắt chứng kiến câu chuyện nhỏ này, ở Mỹ: một bé gái, học lớp 5, ở trường về được các bạn tết cho đầu tóc thành những bím con lăn tăn theo lối Châu Phi. Mẹ em tỏ vẻ không bằng lòng. Em nghiêm khắc phê bình mẹ ngay: Vậy là mẹ có tư tưởng xấu phân biệt chủng tộc! Thật buồn và xấu hổ biết bao, khi trở về trong cái xóm nhỏ của mình là một khu tập thể dân cư ngay giữa thủ đô, tôi được nghe một em bé mới học lớp 3 thỏ thẻ kể chuyện cô giáo em cẩn thận bố trí, bày cách cho các em dựng một màn lừa như thế nào để che mắt đoàn kiểm tra cấp trên sắp đến lớp. Ai cũng biết những chuyện như vậy bây giờ có thể nghe thấy hằng ngày bất cứ đâu ở ta... Chuyện rất nhỏ, nhưng ý nghĩa thì không nhỏ chút nào: bệnh thành tích, cần được gọi đích danh là bệnh nói dối, đang được "dạy" khá phổ biến trong các trường của ta. Chính nó góp phần chẳng nhỏ chút nào làm hư hỏng thêm xã hội, đặc biệt nguy hiểm là ở những thế hệ sẽ làm chủ xã hội, trong khi nhà trường có thể tạo ra thế hệ những người sẽ làm thay đổi xã hội, chữa bệnh cho xã hội, cho cha anh nếu cha anh "có vấn đề". Nhà trường có thể và cần cải tạo phụ huynh, chứ không phải ngồi chờ phụ huynh, tức xã hội cứu cho nhà trường.
Rất có thể sự xuống cấp của giáo dục có nguyên nhân trước hết ở chỗ nó đã tự tầm thường hóa thiên chức xã hội của mình đi như vậy đấy.Và nếu xã hội (bao gồm cả lãnh đạo) có lỗi thì trước hết cũng là ở chỗ đã tầm thường hóa thiên chức của giáo dục.
Nhân ý kiến về bệnh thành tích trong giáo dục do ông Bộ trưởng mới của Bộ nêu ra, nguyên nhân của nó, cách chữa trị, tôi muốn đề nghị ta thử thảo luận cho đến nơi đến chốn chuyện này xem sao. Có thể sẽ vỡ ra được một lẽ phải lớn nào ở đây chăng?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường