Giáo dục phổ thông - Những tồn tại lưu niên
Suốt cả một đời gắn bó với ngành giáo dục, Nhà giáo ưu tú Hàn Liên Hải đau xót nhận xét "Giáo dục phổ thông vẫn đang tiếp tục trong tình trạng khủng hoảng" . Ông đã viết gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước những ý kiến đầy tâm huyết của mình với mong muốn góp phần nhỏ bé tháo gỡ tình trạng trên.
Giáo dục phổ thông (GDPT) là cơ sở của giáo dục đào tạo. Là một nhà giáo đã được dạy học và tham gia quản lý GDPT ngót 50 năm, tôi càng thấm thía điều đó.
Từ sau cách mạng Tháng 8 và nhất là trong hơn 20 năm trở lại đây, GDPT nước ta đã có sự thay đổi về căn bản và có những chuyển biến mạnh mẽ cả về số và về chất.
Tuy nhiên, hiện đang tồn tại những vấn đề cơ bản làm cản trở bước tiến của nó. Những tồn tại đã trở thành lưu niên này đang có nguy cơ phá vở những mục tiêu tốt đẹp mà chúng ta đã đề ra. Việc chỉ đạo và quản lý của Bộ Giáo dục - Đào tạo đang rơi vào tình trạng bế tắc, lúng túng có tính chất "chữa cháy" quẩn quanh. Xin nêu một vài biểu hiện có tính thời sự sau để minh họa nhận xét trên:
Chất lượng sút kém
Đa số người dân và không ít người trong ngành giáo dục cho rằng chất lượng GDPT của ta trong nhiều chục năm lại đây rất sút kém. Những người có tuổi và có học thức thì so sánh con, cháu mình bây giờ với bản thân mình trước đây, phàn nàn con cháu mình viết văn, tính toán kém quá, học hành lười quá! Người dân bình thường thì thấy con em mình cứ đi học thêm hoài mà vẫn bị điểm kém hoặc học chưa giỏi. Thầy cô giáo thì một mực chê bai học sinh. Còn các nhà quản lý thì cũng không vượt được ra khỏi luồng suy nghĩ bi quan đó, thậm chí còn tỏ ra đồng tình với nhận xét "bệnh hoạn này".
Trong nhiều văn bản chính thức đánh giá chất lượng GDPT của các cấp quản lý vẫn luôn lặp đi lặp lại những từ "chất lượng giảm sút".
Dạy thêm - học thêm tràn lan và tiêu cực
Tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan và tiêu cực vẫn tiếp tục phát triển mặc dù Chính phủ đã có chỉ thị cấm từ ngót chục năm nay. Một triết gia nổi tiếng đã nói. ”Cái gì tồn tại, phải có hạt nhân hợp lý của nó". Vậy thì, trong trường hợp này, dạy thêm - học thêm tràn lan và tiêu cực có cái gì "hợp lý" đây? Phải chăng không học thêm thì không hiểu được bài, không được học sinh giỏi, không vào lớp đầu cấp trên, không vào được Đại học… Nếu thế thì ai chẳng phải học thêm. Mặt khác, ai cũng thừa nhận dạy thêm - học thêm tràn lan và tiêu cực có hại nhiều hơn có lợi. Vậy thì nguyên nhân sâu xa ở đâu? Làm cách nào để hiện tượng này được lãnh mạnh hóa? Việc cấm đoán rõ ràng là một việc không hợp lý. Lâu nay cũng không thấy Chính phủ và Bộ kiên quyết cấm và Quốc hội cũng chán chẳng muốn chất vấn Bộ về vấn đề này nữa và kết quả là dạy thêm, học thêm tràn lan và tiêu cực càng nặng nề hơn.
Chủ trương "giảm tải" vừa không rõ, vừa hình thức
Bộ GDĐT có chủ trương giảm tải đối với chương trình của GDPT. Yêu cầu khá cụ thể là phải giảm từ 15% - 20%. Nghe có vẻ hợp lý và rõ ràng dứt khoát như đem kéo ra mà cắt đi vậy. Do chủ trương này, các Hội đồng bộ môn (các ban tư vấn gồm các giáo sư đầu ngành và một sẽ rất ít đại diện giáo viên do Bộ chỉ định) đã rà soát lại chương trình và có cắt bỏ hoặc giảm đi một số nội dung xem ra dễ làm nhất, không động chạm gì nhiều đến các phần khác và cũng không động chạm đến "ai". Kết quả là sách giáo khoa các bộ môn có mỏng đi và một tài liệu hướng dẫn, trong đó cuốn "Quy định về điều chỉnh nội dung học tập" bậc trung học của Bộ GDĐT ra đời trong năm 2000. Nhưng rõ ràng là chủ trương giảm tải vừa không rõ, vừa có tính rất hình thức nên nó đã không đi được vào nhà trường và học sinh, rút cục học sinh vẫn là người chịu đựng tất cả và sự quá tải vẫn đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của họ.
Chỉ đạo của Bộ GDĐT không nhất quán, bảo thủ, trì trệ. Ngoài một số không nhiều chủ trương, biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực, còn thấy không ít sáng kiến không nhất quán, thiếu tính thuyết phục vã còn cả những bảo thủ, trì trệ khó hiểu. Mới đây nhất là việc Bộ chủ trương không có tài liệu hướng dẫn ôn thi cho các môn thi tết nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2001-2002, trong khi chủ trương này đã được thực hiện liên tục nhiều năm trước đó. Tất nhiên các tài liệu hướng dẫn của Bộ hàng năm còn nhiều điều phải cải tiến, nhưng đó là những tài liệu rất thiết thực đối với học sinh và giáo viên trong giảng dạy và ôn tập trước khi thi. Nếu Bộ có những ý định thay đổi về cách dạy, cách học thì lại càng phải hướng dẫn kỹ cho thầy giáo và học trò.
Quyết định đột ngột trước các kỳ thi 2 tháng này đã làm hoang mang cả ngành học và làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc in ấn và phát hành một loại tài liệu "Kiến thức cơ bản" mà nhiều học sinh vẫn phải mua và nhiều giáo viên vẫn phải dùng trong tình trạng hoang mang, ngờ vực.
Các chủ trương khác như: năm học chỉ có một kỳ nghỉ dài duy nhất trong hè từ thời thuộc Pháp đến nay, việc hạ điểm liệt trong kỳ thi tốt nghiệp, việc duy trì các kỳ thi tiểu học quy mô và tốn kém, việc bỏ lớp chuyên - lớp chọn... là những vấn đề còn nhiều bàn cãi.
Tóm lại, cách nghĩ và cách làm của những người quản lý giáo dục chưa phù hợp vơi sự phát triển và sự thay đổi cơ bản của GDPT, còn nửa vời, còn vương vấn với cái cũ, chưa nhất quán, chưa theo kịp với cái mới đang phát triển. Nó chưa giúp cho GDPT thoát khỏi tình trạng “bế tắc", nếu không muốn nói là tình trạng "khủng hoảng".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu