Bản “thành tích”... đạt chuẩn quốc gia

12:04 CH @ Thứ Tư - 12 Tháng Mười, 2005

Cà Mau là một tỉnh thuộc vùng ĐBSCL - vùng đất đang nằm ở vị trí thấp nhất trong bản đồ giáo dục cả nước. Thế nhưng báo cáo mới nhất của Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết hiện tỉnh này đã có 76/89 xã, phường, thị trấn và 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGD THCS) và đến cuối năm nay Cà Mau sẽ cố gắng để đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS.

Oái oăm thay, các con số báo cáo này được xây dựng dựa trên sự gian lận của những cán bộ quản lý ngành giáo dục và giáo viên nhiều trường...

Kỳ thi mới nhất ngày 20 và 21-8-2005, Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau thành lập 19 hội đồng thi (HĐT) tốt nghiệp bổ túc THCS đặt tại các huyện nông thôn và thành phố Cà Mau. Do đây là kỳ thi tốt nghiệp THCS cuối cùng vì sang năm 2006 cả nước sẽ miễn thi tốt nghiệp nên đã có khoảng 1.700 thí sinh đăng ký dự thi.

Thế nhưng kỳ thi này bị dư luận phát hiện nhiều điều không bình thường: rất nhiều thí sinh vừa rớt trong kỳ thi tốt nghiệp THCS vừa qua, chưa học đúng và đầy đủ chương trình vẫn được ngành giáo dục cho phép dự thi, nhiều nơi thầy giáo còn nhờ học sinh học các lớp thấp hơn vào phòng thi để thi giùm nhằm chạy nước rút đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS vào cuối năm 2005!

Thi giả, đạt thật!

Tại Trường tiểu học 2 thị trấn Năm Căn - nơi có 43 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ có 30 em có mặt. Chúng tôi tìm đến nhà các em Cao Huyền Trang, Trần Thùy Linh, Từ Tuấn Anh... để tìm hiểu chuyện thi vừa qua. Các em cho biết: “Tụi em được các thầy kêu đi thi chứ không hề biết mình học lớp PCGD thời gian bao lâu, học mấy môn, tên giáo viên bộ môn”.

Em Cao Huyền Trang có hồ sơ dự thi học bạ ghi rất đầy đủ, có bằng tốt nghiệp tiểu học mang đúng tên em nhưng ảnh dán lại là của người khác. Còn em Từ Tuấn Anh cho biết: “Em mới vào học lớp 9 nhưng chỉ học được mấy hôm rồi nghỉ học luôn, lâu lắm rồi. Vừa rồi mấy thầy đến nhà kêu đi thi cho có bằng. Mẹ em nói cứ ráng đi thi lấy bằng rồi muốn học nữa thì học, muốn nghỉ làm vuông tôm cũng được”.

Tại huyện U Minh - huyện đầu tiên của tỉnh Cà Mau đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS (tháng 3-2005), kỳ thi vừa qua có hai HĐT tốt nghiệp bổ túc THCS tại xã Khánh Lâm, Khánh Hòa. Trước tình trạng thi hộ diễn ra công khai, nhiều phụ huynh ở xã Khánh Hòa bức xúc: “Con tôi đang ở nhà chuẩn bị đi làm mướn cho hàng xóm, thầy giáo đến kêu đi thi giùm các bạn, nhưng không cho cháu đồng nào để ăn sáng”.

Em Lý Mùa Xuân, học lớp 8 Trường THCS Khánh Hòa, U Minh, người thi hộ cho thí sinh Hoàng Trúc Nin trong kỳ thi vét đuôi công tác phổ cập THCS ngày 20 và 21-8-2005 tại HĐT xã Khánh Hòa, cho biết: “Hôm đó em đang ở nhà thì thầy Lam (giáo viên dạy ở Trường Khánh Hòa) nhắn với ba mẹ kêu em ra trường đi thi giùm các bạn. Em định không đi nhưng sợ thầy la rầy nên cố lội bộ ra trường và được thầy phát số báo danh 36, của bạn Nin, một người em chưa hề quen biết”.

- Em đang học lớp 8 sao có thể làm được bài lớp 9? - Chúng tôi hỏi.

- Em không làm được nhưng các thầy đưa đáp án sẵn, chỉ chép thôi.

- Có ai bồi dưỡng cho em không?

- Không có! Em chỉ thi giùm thôi - Xuân đáp.

Ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, chúng tôi được nhiều người dân ở xung quanh trường THCS cho biết năm học 2003-2004 trường này cũng có tổ chức lớp học một vài ngày rồi bỏ luôn vì các em đều bận làm tôm nên không đến lớp. Lớp PCGD đã bị “khai tử” từ lâu nhưng ban giám hiệu trường vẫn cứ báo cáo về trên để rút tiền và tổ chức thi thố.

Nhiều kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THCS được tổ chức tại điểm trường này không chỉ lập thành tích cho “xã nhà” mà cho cả “huyện nhà” trên đường đạt chuẩn PCGD THCS. Những em học sinh học lớp 9 tại Trường THCS xã Tân Hưng năm học 2003-2004 không ngần ngại khi nói về các lần thi hộ cho bạn mình.

Em T.V.T., hiện đang học Trường THPT Nguyễn Việt Khái, kể: “Năm đó, trường của em có bốn lớp khối 9 được các thầy giáo kêu thi giùm học viên bổ túc. Các thầy dặn kỹ có ai hỏi học ở đâu thì nói học phổ cập, đừng nói học phổ thông. Sợ người lạ mặt thôi chớ thầy cô giáo trong HĐT đừng sợ. Lần thi vào khoảng tháng 3- 2004, tất cả học sinh lớp 9 phải nhận thẻ dự thi, trình giám thị, vô phòng chép bài giải ghi sẵn trên bảng.

Còn lần thứ hai, các thầy chỉ chọn học sinh khá, giỏi đi thi. Các thầy động viên ráng đi thi giùm các bạn học bổ túc để kỳ thi tốt nghiệp THCS sắp tới khỏi run! Tụi em đi thi giùm, ăn cơm nhà. Còn các bạn ở trường khác đến thi hộ thì được giáo viên hướng dẫn bao ăn cơm”.

Các em còn cho chúng tôi biết: “Tụi em thi giùm nhưng không sợ vì các thầy giám thị kêu chép bài lẹ lẹ, nộp nhanh, ra về. Nhưng tụi em thi giùm cho ai thì không nhớ rõ”. Theo điều tra của chúng tôi, số lượng thí sinh dự thi, kết quả tốt nghiệp các kỳ thi bổ túc THCS tại xã Tân Hưng vừa qua trùng khớp với lời các em kể lại.

Cụ thể kỳ thi ngày 20-3-2004, có 174 thí sinh của xã Tân Hưng và xã Thạnh Hưng, đậu tốt nghiệp 159 em. Kỳ thi ngày 15-5-2004, trường huy động các học sinh có học lực khá, giỏi thi hộ nên kết quả có 69 thí sinh dự thi thì cả 69 thí sinh đều đậu tốt nghiệp. Ông Nguyễn Văn Tân -một phụ huynh ở cạnh Trường THCS Tân Hưng - bức xúc: “Tôi thấy con mình phải đi thi giùm cho người không quen, chẳng đem lại lợi ích gì nên phản đối. Nhưng con mình còn đang học ở đây đâu dám kêu vì sợ các thầy trù dập”.

Những bằng cấp trời ơi

Cao Huyền Trang và tấm bằng lạ hoắc

Áp lực thành tích trở thành tỉnh thứ hai trong khu vực ĐBSCL về đích đạt chỉ tiêu PCGD THCS đã khiến nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau tiếp tục dấn sâu vào con đường gian lận. Điển hình là kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THCS ngày 25 và 26-5-2005 (trùng với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông THCS).

HĐT tốt nghiệp bổ túc đặt tại xã Tân Hưng phải huy động học sinh lớp 8 thi hộ (vì học sinh lớp 9 phổ thông của trường đang bận thi tốt nghiệp cho bản thân mình). 93 thí sinh được giáo viên phụ trách PCGD các xã chở đến bằng đò máy, bao ăn trưa để các em thi giùm.

H., đang học lớp 8 của Trường THCS Tân Hưng, cho biết: “Hôm chuẩn bị nghỉ hè, cô Thảo chủ nhiệm lớp em dặn ngày 25 và 26-5-2005 em phải đến trường để thi giùm cho các bạn lớp 9. Nghe lời cô, sáng 25-5 vừa rồi em cũng đến trường, nhưng lo lắm, vì em mới học lớp 8 làm sao biết giải bài thi của lớp 9. Các thầy cô động viên cứ an tâm.

Em vào phòng thi được chừng 20 phút, bên ngoài có bài giải gửi vô. Cứ thế mà chép lại thôi. Mỗi ngày sau khi thi xong được hai môn, các thầy đưa cho em 5.000 đồng. Hai ngày thi em nhận được 10.000 đồng...”.

Em N.T.Q., cũng đang học lớp 8 Trường Tân Hưng, thì nhớ lại: “Em thi giùm cho Phùng Kim Thà, số báo danh 81. Em biết mặt bạn này, bạn ấy học chung nhưng nghỉ học từ hồi cấp I. Mỗi bàn có một bài giải, tụi em chuyền tay nhau chép. Em viết nhanh nên về trước. Thằng bạn tên N. thi chung về sau, gặp em đưa 5.000 đồng bồi dưỡng”.

Để kiểm chứng thông tin này, chúng tôi đến Sở GD-ĐT Cà Mau lật ngay bảng điểm thì đúng như lời em N.T.Q. trình bày: Phùng Kim Thà có số báo danh 81, kết quả đỗ tốt nghiệp với 22 điểm.

Ông Phùng Văn Thiệt, ở ấp Cái Giếng, xã Tân Hưng, trố mắt khi nhìn thấy tên con gái mình là Phùng Kim Thà có trong bảng vàng thi đô tốt nghiệp lớp 9 trong kỳ thi bổ túc văn hóa ngày 25 và 26-5-2005. Ông chối lia: “Làm gì có chuyện này! Con gái tôi đã nghỉ học đi làm công nhân chế biến hải sản trên Cà Mau”. Bà nội của Thà thì cười ngất: “Sao kỳ cục vậy, cháu tui hổng thi cũng đậu hả”.

Ông Trương Văn Đặng, phụ huynh của học sinh Trương Văn Giỏi, cũng ngạc nhiên không kém khi chúng tôi đưa ông xem danh sách đỗ tốt nghiệp có tên con ông. Ông nổi gân cổ lên cãi: “Tôi cam đoan con trai tôi không có thi cử chi hết”. Mẹ của thí sinh Bùi Minh Nhạt - cũng có tên trong “bảng vàng” tốt nghiệp - thì chưng hửng: “Trời đất! Con trai tôi học đến lớp 8 nhưng hoàn cảnh khó khăn quá nên cháu phải nghỉ học đi làm thuê tận Bạc Liêu từ mấy năm nay rồi”.

Phía sau thành tích

Ngày 28-9, chúng tôi trở lại huyện U Minh. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện U Minh cho biết: hiện tỉ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 ở huyện đạt 100%, trẻ 12 tuổi vào lớp 6 đạt 93,79%, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt đến 99,76%. Nếu nghe lời ông này, ai cũng mừng vì đây là huyện vùng sâu, vùng xa có đến bốn lâm trường trồng rừng đóng trên địa bàn.

Thế nhưng, khi chúng tôi ghé ngẫu nhiên mười nhà thì hết chín nhà có trẻ thất học, có gia đình có đến chục người con không biết đọc, biết viết. Ghé vào một căn nhà lá nằm bên bờ kênh, ấp 4, xã Khánh Hòa, chị chủ nhà tên Xanh cho biết: “nhà tui có cả thảy bảy đứa con, đứa lớn đã 19 tuổi, nhỏ nhất 7 tuổi, nhưng các cháu đều thất học, đứa lớn học hết lớp 3 rồi nghỉ, đứa kế khá hơn đeo đến lớp 5 cũng nghỉ, thằng út vừa rồi cũng định cho đi học nhưng vì từ nhà đến trường quá xa, đời sống khốn khó, nên thôi”.

Chị bảo: “Không riêng nhà tui mà ở cái ấp này 10 nhà hết tám nhà có con, cháu bỏ học giữa chừng đi mần thuê kiếm sống”. Bi đát hơn là gia đình chị Lê Hồng Việt, ở cuối kênh Xáng Mới, xã Khánh Lâm, U Minh. Cơn bão số 5 đã cướp đi người chồng của chị là anh Lý Nết, để lại cho chị chín mặt con. Chị bảo tất cả các con của chị gần như không ai biết đọc, biết viết, ngay chuyện ký tên cũng phải lăn tay!

Cứ thế, gần như các huyện đã được công nhận đạt chuẩn PCGD THCS của tỉnh Cà Mau mà chúng tôi có dịp đi qua đâu đâu cũng bắt gặp các cảnh đời cơ cực, nhiều đứa trẻ lần lượt ra đời trong đói rách, thất học và mù chữ.

Vâng! Những gì mà chúng tôi ghi nhận được ở Cà Mau cho thấy đằng sau những con số lý tưởng trong công tác PCGD là những kỳ thi gian dối được tổ chức bởi những người thầy hưởng lương nhà nước. Nó không phản ánh đúng thực trạng học vấn kém cỏi của vùng đất này. Chúng tôi rời Cà Mau mà lòng đau nhói, nhưng vẫn mong nó là địa phương duy nhất mắc căn bệnh thành tích trong giáo dục ở VN.

Nguồn:Tuổi Trẻ
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cần nhìn sâu hơn vào tệ gian lận trong thi cử

    19/07/2018Một mùa tuyển sinh lại trôi qua và những người chịu trách nhiệm tổ chức công việc muôn phần phức tạp ấy đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng không ít người, trong đó có tôi, lại vẫn thấy có cái gì đó đè nặng trong tâm tưởng khi mà một lần nữa kỳ thi vẫn nổi cộm lên sự gian lận trắng trợn hơn, tinh vi hơn và thậm chí được hiện đại hoá với “những thí sinh VIP, những thí sinh lắm tiền dùng công nghệ cao để trang bị kiến thức ảo cho mình” ...
  • Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn là... bệnh nan y?

    23/08/2005Quốc Thanh - Sông Ngân64,15% - tỷ lệ tốt nghiệp THCS ở Khánh Hòa - đã gây “sóng gió” cho tỉnh này trong suốt mấy tuần qua. Nhưng từ con số này đã nói lên điều gì trong cách dạy và học hay tổ chức thi cử?
  • Thi cử: Có dám chấp nhận sự thật?

    07/07/2005Như BìnhKhông hiểu có phải ngẫu nhiên hay không, các kỳ thi tốt nghiệp trung học năm nay bỗng tạo ra sự kiện “bất thường”: nhiều địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp chỉ dưới 70%.
  • "Phao" là một bệnh dịch của xã hội

    02/07/2005Tiến sĩ Hồ Thiện HùngChuyện “phao” tràn ngập ở các hội đồng thi không còn mới mẻ, nó đã tồn tại từ nhiều năm nay. Nếu giám thị thực thi nhiệm vụ thì có nơi xuất hiện những kẻ côn đồ hành hung cả thầy.
  • Đồng Nai: 27 thày cô 'quay cóp' khi thi giáo viên dạy giỏi

    10/02/2004Ban tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học cấp tỉnh năm học 2003-2004 của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai đã phát hiện số giáo viên trên vi phạm nội quy phòng thi (sử dụng tài liệu) trong buổi thi lý thuyết ngày 9/2...
  • Đổ xô kiếm “mác” tiến sĩ để thăng tiến

    14/01/2004Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bằng tiến sĩ “hấp dẫn” chủ yếu đang chỉ bởi tư cách là “giấy thông hành” bắt buộc cho sự thăng tiến. Số người dự định theo học sau đại học với toan tính có bằng cấp cao để dễ bề tiến thân mà không phải vì thực sự đam mê nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều.
  • Tự phong “trường chất lượng cao” để thu tiền cao

    13/01/2004Kim LiênTT - Thoạt đầu, mô hình trường “trọng điểm chất lượng cao” (TĐCLC) ở TP.HCM được hình thành để thay thế các trường chuyên cấp THCS, thực chất là hình thức “bình mới rượu cũ”. Nhưng không chỉ dừng lại đó, mô hình này còn được “nở rộ” ở các cấp học khác, và trở thành những trường có nhiều “điều tiếng” nhất trong mỗi đầu năm học...
  • Thầy - trò thản nhiên gian dối trong học tập, thi cử

    26/12/2003Nhiều năm qua, nạn gian dối trong thi cử ngày một phổ biến, không chỉ ở học sinh mà cả giáo viên và các cán bộ giáo dục, không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn. Điều đáng nói là tất cả đều thản nhiên như không khi bị bắt gặp có hành vi “quay cóp” hay “bố trí giúp đỡ” thí sinh...
  • Phỏng vấn một thầy giáo

    16/12/2003Một cuộc nói chuyện toát lên thực trạng giáo dục Việt Nam là học tập quá tải và máy móc dập khuôn...
  • Chất lượng giáo dục qua những con số!

    24/11/2003Có thể nói sau mỗi đợt thi tú tài và đại học hàng năm thì lại có một con số được đưa ra tranh cãi để đánh giá chất lượng giáo dục hiện nay. Sự thật chất lượng giáo dục ra sao đằng sau những con số đó? Có thể nói ngay như giải trình của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trước Quốc hội mới đây: Không thể lấy kết quả của kỳ thi tuyển sinh ĐH để đánh giá chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông. Vậy chất lượng giáo dục phổ thông nằm ở đâu nếu không phải ngay ở kỳ thi tú tài?
  • Phút nói thật của giáo viên: Sự thật nhức nhối!

    20/11/2003“- Em không làm được bài à? Đi “vệ sinh đi”!!!? - Em chưa học bài gì sao? Về chỗ, 5 điểm!?”. Có những chuyện kể ra nghe như tiếu lâm ấy mà lại là sự thật, sự thật nhức nhối có ở hầu khắp các trường hiện nay. Phút nói thật dưới đây của các thầy cô cũng là giây phút người ta phải giật mình: hoá ra cả thầy cả trò đều là nạn nhân.
  • Tôn vinh thầy cô bằng... tiền bạc?

    20/11/2003Nguyễn Anh DânGần đây, cứ đến tháng 11, nhiều cửa hàng lại tung ra những món quà độc đáo. Có những món quà mà người thu nhập thấp không bao giờ dám mua vì giá của chúng bằng cả tháng lương. Vậy thì ai là người mua những món ấy? Chắc chắn là những phụ huynh hoặc học sinh giàu có. Họ mua để tặng thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo VN 20-11.
  • Chương trình phân ban THPT: 90% học sinh không hiểu bài

    11/11/2003Theo chương trình của Bộ GD - ĐT thì hình như việc phan ban đã đi quá lệch so với cái tên của nó, sao lại chỉ có hai ban A và C khi mà thi ĐH hiện vẫn theo bốn khối A, B, C, D?
  • Phút nói thật của giáo viên: Sự thật nhức nhối!

    31/10/2003"- Em không làm được bài à? Đi "vệ sinh" đi!!!? - Em chưa học bài gì sao? Về chỗ, 5 điểm!?" Có những chuyện kể ra nghe như tiếu lâm ấy mà lại là sự thật, sự thật nhức nhối có ở hầu khắp các trường hiện nay. Phút nói thật dưới đây của các thầy cô cũng là giây phút người ta phải giật mình: hoá ra cả thầy cả trò đều là nạn nhân...
  • Tuyên chiến với bệnh thành tích: Ai cần động viên?

    18/08/2003Một câu chuyện ngoài hành lang lớp học: có một giáo viên lớp 5 đã dặn học sinh của mình: "Nếu vào phòng thi mà không làm bài được thì cứ xin đi tiểu để ra ngoài gặp thầy, thầy sẽ giúp cho...” Bé Dương, con của chị Minh, đã nhớ kỹ lời thầy dặn. Trong một buổi thi tốt nghiệp tiểu học, bé đã xin "đi tiểu” đến ba lần để gặp thầy - đang làm giám thị hành lang tại nơi bé thi. Thầy đã giúp bé ba "chiêu” và bé đã... đường hoàng tốt nghiệp tiểu học!
  • 19 cái tát vì điểm 6

    19/04/2003Lưu Quang19.4.2003 - Một bé trai học lớp 3 ở HN vừa phải chịu hình phạt nhận 10 cái tát. Đến cái tát thứ mười thì trượt khỏi má, vì vậy hình phạt được cô giáo chủ nhiệm thực hiện lại từ đầu, tổng cộng là 19 cái tát...
  • Một cơ hội để đánh giá thực trạng giáo dục THPT

    10/02/2003Tiến sĩ Hồ Thiệu HùngĐối với nhà quản lý xã hội, đây là một dịp để kiểm định những báo cáo lâu nay chỉ nêu dưới dạng định tính của các nhà quản lý giáo dục về chất lượng giáo dục (văn hóa) của học sinh địa phương mình, được diễn đạt là "được nâng lên rõ rệt" (hoặc một bước) kèm theo mấy con số về tỷ lệ tốt nghiệp ở các bậc học - nào là tiểu học 99,9%, trung học cơ sở là hơn 99%, THPT là hơn 90%...
  • xem toàn bộ

Nội dung khác