Đồng hồ: vòng quay số phận
Đồng hồ không chỉ để coi giờ
Ngày xửa ngày xưa, thiên hạ còn cần để coi thời gian. Với ai đó, có thể thời gian không là vàng ngọc, cũng không đến vô tận nhưng vẫn cần đồng hồ. Vì nếu không có thì biết lúc nào đi, lúc nào đứng, lúc nào ngồi...
Nhưng thật ra nhiều người đã chính xác như đồng hồ, hà cớ gì phải cặp vào tay một chiếc đồng hồ cho nặng.
Người nông dân có thể coi bóng nắng trước hiên nhà mà nói y boong "bây giờ là mấy giờ". Ông bạn tôi cứ cỡ 5h chiều là "ma đưa lối, quỷ dẫn đường", phải nhắm hướng quán bia mà thẳng tiến. Thằng con ông chú tôi thì đúng 11h trưa là chạy về nhà đòi "măm măm".
Thời xưa còn thế. Đến thời "di động" (của "dế" và các loại "côn trùng" khác) thì đồng hồ nhiều khi tê liệt hẳn chức năng xem giờ. Vậy mà vẫn nhiều kẻ khoái đeo đồng hồ, mà đồng hồ "lóc xơ ry" (luxury). Ắt hẳn phải có tâm sự thầm kín nào ở đây.
Vì sao?
Vì đồng hồ là một vật dụng khéo léo tiết lộ thân phận chủ nhân của nó. Tùy theo kiểu dáng, màu sắc và tính năng nổi trội của đồng hồ mà ta có thể nhận diện người chủ theo kiểu "nghe nhạc hiệu đoán con người".
Người kè kè đeo đồng hồ, thậm chí lên giường ngủ cũng xem giờ, là người chỉnh chu, chính xác như robot. Kẻ luôn chỉnh kim phút, kim giây và không thể chịu nổi cảm giác đồng hồ mình sai so với đồng hồ thiên hạ thì "cái mặt đó khó chơi".
Đồng hồ đã nghiễm nhiên xâm lấn đặt dấu ấn của nó vào một lĩnh vực của xã hội.
Dân gian có chuyện vui về anh chàng đi chơi về muộn vặn lại đồng hồ, giả làm con cúc cu gáy. Bị vợ phát hiện ra vì đồng hồ gì mà có cả tiếng ngáp ngủ. Nhưng ngày nay người ta đã phát minh ra đủ loại đồng hồ, cả đồng hồ có mùi vị. Mùi thơm của hoa, mùi trái cây chín, nhưng toàn là mùi ngọt. Chả biết làm sao không ai thèm "chế" ra mùi đắng, hoặc siêu hơn là mùi tổng hợp - mùi của tình yêu...
Đồng hồ còn chỉ bản lĩnh đàn ông trong lĩnh vực chăn gối. 6h - 9h - 12h là ba cái mốc quan trọng đánh dấu những thời khác của đàn ông trong "chuyện ấy". Đây không phải chuyện đùa dù đáng buốn cười. Nó được các thầy giáo giảng trong trường phổ thông (ở phương Tây - dĩ nhiên) hẳn hoi.
Vẫn là thời gian
Nhưng quanh đi quẩn lại, cái đồng hồ vẫn trở lại chức năng ban đầu của nó là chỉ thời gian. Thời gian giục người ta nhanh lên, vội vàng vì một ngày quý báu của cuộc đời vốn dĩ buồn nhiều hơn đã vụt qua. Thời gian như bóng câu. Ban nhạc Tik Tik Tak, ban nhạc "đồng hồ báo thức" cũng làm "đại sứ" thời gian kêu to lên nhắc bà con. Nhưng thời gian ở đây không mang nghĩa vô tận trong không gian vô cùng của vũ trụ. Mà thời gian ở đây gắn với vòng đời của mỗi cái tên, mỗi số phận.
Phút thứ 89+1, 90+1, rồi +2, +3 đã bao lần là những phút giây lịch sử trong bóng đá. Thế giới túc cầu còn ghi nhớ mãi hai bàn thắng ngoạn mục của Quỷ đỏ MU vào lưới Hùm Xám Bayern Munich. Hay những pha làm bàn lạnh lùng của Oliver Neuville (Đức), Del Piero (Italia)... mùa World Cup vừa qua. Mà sau đó là phút giây vỡ òa vì sung sướng của người chiến thắng và đổi lại cả bầu trời sụp đổ của kẻ chiến bại. Khi đó, chỉ cái đồng hồ trên sân là mỉm cười vì đã bắt thiên hạ phải nhớ đến nó, phải tôn vinh giá trị của nó…
Tôi cứ nghĩ mãi vì sao người ta hay dùng cụm từ “ngược chiều hay thuận chiều kim đồng hồ” để chỉ việc vặn, mở một cái gì đó. Mà thường “đóng vào” là thuận, “mở ra” là nghịch. Nhưng người ta ít đóng vào mà thường mở ra cũng như nhiều nghi thức trong các lễ hội dân gian.
Chính xác như đồng hồ Thụy Sĩ, ai cũng biết câu nói đó. Nhưng tôi tự hỏi: Không biết người làm ra cái đồng hồ chính xác đến kinh hoàng ấy, có chính xác trong giờ giấc thường nhật không, hay lại là một anh chàng lãng tử nhất trần đời !
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn