Nên nhìn nhận việc đổi mới phương pháp dạy học trong thời gian qua như thế nào?

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Xin cảm ơn hai tác giả đã cho chúng tôi được tham khảo một vấn đề tưởng như không có gì phải bàn cãi nhưng lại chứa đựng một vấn đề thật lớn, mang tính thời sự nóng bỏng của ngành giáo dục là làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình hiện nay.

Trong bài viết này, chúng tôi xin được tham gia một số khía cạnh xung quanh nội dung trên.

Quả thực, không thể không đồng cảm với các tác giả về một số hiện tượng đáng buồn về thực trạng đổi mới phương pháp dạy học trong vài thập kỷ qua. Những đợt phát động phong trào đổi mới phương pháp dạy học rầm rộ không chỉ nằm riêng trong các đợt thay sách GK mà thường xuyên có trong kế hoạch đầu các năm học của Bộ, Sở và trường. Nhưng những hiện tượng đáng buồn thì vẫn đều đều diễn ra: dự lớp bồi dưỡng xong ai cũng gật gù khen phương pháp mới là hay nhưng về trường không áp dụng được. Ngay cả đội ngũ giáo viên giỏi được coi là xương sống, là nòng cốt cho việc triển khai các phương pháp dạy học mới cũng chỉ "dạy giỏi" trong các giờ thao didễn (có các quan chức, đại biểu ngồi dự), còn để áp dụng đại trà thì không thể, vì có vô số nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Vì thế mới có chuyện khá phổ biến trong đội ngũ giáo viên là thày chỉ dạy tốt trong vài giờ hội giảng còn giờ học thường nhật thì phương pháp có hiệu quả và "đỡ mệt" là "dạy nhanh công thức và quy tắc rồi làm bài tập" bởi vì theo họ, nếu có đặt vấn đề cẩn thận, phát vấn theo hướng phát huy tính tích cực thì học sinh cũng chẳng hiểu bài hơn là mấy. Còn tình trạng "đọc chép" trong một số giờ dạy các môn khoa học xã hội thì chỉ là "chuyện thường ngày ở trường". Một trong những phương pháp khá phổ biến hiện nay và hình như đó là thước đo về năng lực sư phạm của giáo viên mà chúng tôi rất đồng tình với tác giả Lê Nguyên Long là do lỗi của nội dung thi cử trong nhiều năm qua. Có không ít giáo viên từ khi ra trường cho đến nay hầu như không thay đổi phương pháp dạy học truyền thống và hình như họ đứng ngoài những cuộc vận động lớn về phương pháp dạy học.

Vậy chẳng nhẽ bao công sức, trí tuệ, tiền bạc của cả một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học giáo dục, cán bộ, giáo viên đang hàng ngày hàng giờ tìm tòi, thể nghiệm, áp dụng những thành tựu mới của khoa học giáo dục, đặc biệt là phương pháp dạy học vào các nhà trường từ phổ thông đến đại học lại chẳng có vai trò gì trong thành quả vĩ đại của nền giáo dục cách mạng?

Về mặt lý luận, chúng ta có nền khoa học giáo dục tuy còn non trẻ nhưng cũng không phải quá kém, trong đó không thể không kể đến những nghiên cứu về lý luận dạy học của các nhà khoa học như TS Nguyễn Lộc đã chỉ ra. Chúng ta cũng có một đội ngũ hùng hậu các thầy cô giáo ở các trường học không những rất giỏi về kiến thức mà hơn nữa, giỏi về tay nghề. Đó chính là những lực lượng nòng cốt đang nghiên cứu, vận dụng những phương pháp dạy học tiên tiến, phù hợp với thực tiễn Việt Nam góp phần làm nên những thành quả vĩ đại nói trên.

Ai cũng biết khoa học giáo dục nói chung và lý luận dạy học nói riêng có tính kế thừa cao (dù muốn hay không) và đương nhiên nó gắn chặt với thực tiễn đời sống. Chúng luôn được các nhà khoa học giáo dục chắt lọc, phát triển dựa trên những thành tựu mới nhất của các bộ môn khoa học khác. Sự thay đổi cũng luôn diễn ra bởi khoa học giáo dục không nằm ngoài sự phát triển của kinh tế xã hội. Phương pháp dạy học luôn thay đổi và được áp dụng một cách linh hoạt không phải từng năm học, từng học kỳ mà ngay cả trong một bài học. Đã từng đứng trên bục giảng, ai cũng trải qua tình trạng vẫn là nội dung SGK đó, bài đó nhưng mỗi năm học, thầy dạy theo cách khác nhau và nói chung chất lượng giờ dạy có khác nhau. Điều này được minh chứng rõ hơn khi trong một giờ dạy, giáo viên phải sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau theo các quan điểm khác nhau. Chúng ta phê phán cách dạy đọc chép, nhưng cũng sẽ phê phán kiểu áp dụng máy móc (ví như cứ phải phát vấn trong giờ dạy đến nỗi chỉ còn những câu hỏi kiểu để học sinh "đớp lời") rồi nói rằng đó là cải tiến phương pháp dạy học. Gần đây phương pháp chia nhóm được cổ động và quả thực rất hay và phù hợp với SGK mới, lại khắc phục được những non kém của học sinh chúng ta so với các nước khác mà lâu nay ta thường phê phán, nhưng không thể áp dụng đại trà, vì chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, lại gặp bao phiền toái và chưa phù hợp với số lượng đến hơn 50 học sinh một lớp. Nhưng trong một số lớp, một số bài, vẫn có những giáo viên áp dụng thành công phương pháp đó. Phương pháp dạy học hiện hữu trong mỗi giáo viên không phải lúc nào cũng rạch ròi mà là sự tích hợp của nhiều lý luận, nhiều thời kỳ, kể từ khi là một giáo sinh ngồi trên ghế nhà trường sư phạm cho đến khi ra trường trực tiếp giảng dạy và trong suốt cả quá trình giảng dạy. Nói hình ảnh một chút là phương pháp giảng dạy phù hợp sẽ phát huy hiệu quả, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giờ dạy. Một giờ dạy tốt của một người thầy giỏi có khi in đậm trong trí nhớ của học sinh hàng mấy chục năm và những giờ dạy đó, với phương pháp đó, ai dám nói rằng đã lạc hậu. Nhiều khi cùng một nội dung học nhưng sử dụng các phương pháp khác nhau sẽ cho các kết quả khác nhau, cũng như việc có những học sinh cùng giải được một bài toán nhưng lại khác xa nhau về nhận thức, tư duy. Chúng tôi đồng tình với tác giả Lê Nguyên Long rằng nếu không thay đổi nội dung học thì việc thay đổi phương pháp cũng chẳng ích gì, nhưng ngược lại, nếu nội dung dạy học có khoa học, hiện đại bao nhiêu mà không thay đổi phương pháp dạy cho phù hợp thì chất lượng cũng chẳng thể hơn.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khắc phục những "lỗi" đã mắc và bớt đi những "hiện tượng đáng buồn" trong phương pháp dạy học như các tác giả đã nêu?

Theo chúng tôi, ngoài việc cải cách nội dung học theo SGK, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường như chúng ta đang làm, còn có một số hướng chính sau:

Trước hết, khoa học giáo dục của ta nên tập trung nghiên cứu theo hướng hội nhập, đón đầu nhưng phải rất Việt Nam.
Trong một năm có không ít những công trình nghiên cứu, đề tài, luận văn về phương pháp dạy học, nhưng số phận của những công trình đó chắc cũng không khác mấy so với những đề tài nghiên cứu khoa học bấy lâu nay của ta. Điều đó có nghĩa là dù công trình có được tham khảo nhiều sách Tây, Tàu bao nhiêu, có hiện đại bao nhiêu mà không có tính thực tiễn, không xuất phát từ chính lớp học Việt Nam, học sinh Việt Nam, thầy Việt Nam thì cũng chẳng có ý nghĩa mấy. Mặt khác, nên đầu tư có trọng điểm chứ không nên rải mành mành như tình trạng hiện nay, vì chúng ta rất cần những công trình mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế về khoa học giáo dục nói chung và lý luận dạy học nói riêng, bởi có như vậy mới có cách nhìn rộng hơn, sâu hơn.

Tiếp đó là chương trình giảng dạy cho giáo sinh các trường sư phạm. Kinh nghiệm cho thấy đội ngũ giáo viên trẻ luôn là đội ngũ dễ tiếp thu và áp dụng những phương pháp dạy học mới hơn cả, nhưng hiện nay đại đa số giáo sinh khi đi thực tập hoặc mới ra trường vẫn rất "ngơ ngác" với những phương pháp giảng dạy mới, một phần vì họ có được tiếp cận các khoa học giáo dục mới đâu; mặt khác, các phương pháp được các thầy cô ở trường phổ thông hướng dẫn vẫn như hàng chục năm trước. Một vấn đề nữa là đội ngũ giảng viên về phương pháp giảng dạy cũng chưa được các trường sư phạm quan tâm đúng với vị trí của nó.

Thứ ba là, cần phổ biến áp dụng các phương pháp dạy học mới phù hợp với nội dung dạy học, điều kiện dạy học và với đội ngũ giáo viên. Đã đến lúc chúng ta cần tổng kết một cách toàn diện về hiệu quả, tính khả thi của các phương pháp dạy học đã được triển khai để trên cơ sở đó mở các lớp bồi dưỡng hè, các khóa đào tạo về phương pháp dạy học đạt hiệu quả hơn, và cũng trên cơ sở đó, có những quy định nghiêm ngặt về việc triển khai các phương pháp dạy học thích hợp (ví như chia nhóm, sử dụng thiết bị dạy học, dùng công nghệ thông tin...).

Tiếp theo là nội dung, hình thức thi cử. Nếu nội dung thi coi trọng việc nắm bắt các kiến thức cơ bản trên cơ sở một phương pháp tư duy khoa học thì không thể tồn tại phương pháp dạy học kiểu "luyện gà chọi" như trên đã nói mà buộc học sinh phải học theo đúng quá trình nhận thức như chương trình quy định. Đúng là trong một bài học với nội dung ôn tập thì phải dùng phương pháp "luyện" nhưng cũng không thể không cải tiến cách dạy để học sinh được học như những "người đã biết" chứ không bị "dắt đi" một cách "nghiêm túc" làm giờ học nặng nề như TS Nguyễn Lộc đã nêu.

Còn hình thức thi, chúng tôi đồng tình với ý kiến của tác giả Lê Nguyên Long. Thi tuyển sinh trắc nghiệm quả thực cũng có những "cái hay" nhưng mục đích chính lại "dở đi" thì không hiểu đổi mới để tiến hay lùi. Do vậy cần cẩn trọng trong bất cứ một cải cách nào trên cơ sở tôn trọng mục đích và có căn cứ khoa học chặt chẽ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Giáo dục và Thời đại 12/7/2003

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: