Sự tăng tốc của thời gian

04:44 CH @ Thứ Bảy - 02 Tháng Tám, 2008

Trong rất nhiều tập thơ xuất hiện gần đây có một tập thơ làm cho tôi chú ý. Chú ý bởi trông là lạ với cái bìa đơn giản có hình bàn tay giữa thiên hà; bởi bên trong được minh họa đẹp, hiện đại, lại đơn giản; bởi đây là tập thơ song ngữ đầu tiên trong nước và tác giả tự dịch sang tiếng Anh rất chuẩn…

Quả là một tập thơ ấn tượng, nhưng cái khác biệt lớn nhất: đó là tác giả của tập thơ mới có 14 tuổi. Em có cái tên cũng lạ: Đặng Chân Nhân.

Tập thơ có tên “Hình dung” của Đặng Chân Nhân chỉ có 17 bài, được viết rải rác từ khi em 8 tuổi đến khi em 14 tuổi. Chỉ có 17 bài thơ là sự hình dung của em về thế giới, nhưng đủ để mang đến cho người đọc sự ngạc nhiên, thú vị và những cảm nhận đặc biệt.

Để hiểu thơ của Đặng Chân Nhân, có lẽ cũng nên biết một chút về tác giả. Mẹ Nhân cho biết khi còn nhỏ, em thích vũ trụ. Em thuộc lòng về thiên hà và lỗ đen, thuộc lòng tên thủ đô các nước và các đường phố ở Hà Nội. Em thích nhìn thấy nhà thờ hằng ngày. Em vẽ la liệt các tranh nhà thờ và bản đồ thế giới. Em thích xem các sách về địa lý, địa chất, rừng, biển, con vật… Em thích xếp hình Lego. Nhân học văn ở trường không có gì quá đặc biệt. Em viết khá tốt các bài văn theo đề tài tự do. Ngoài các bài thơ phải học ở trường (và thường là em không biết phân tích, giải thích cho lắm), Nhân không đọc thơ ai cả, kể cả thơ của bố em. Em bắt đầu học tiếng Anh khi mới thạo tiếng Việt.

Hãy cùng đọc bài thơ đầu tiên của em: "Em có một gia đình/Gia đình đó gồm có:/ Bà, bố, mẹ, chị, em/ Và ba em khác nữa./ Bà là một sao Mộc/ Bố là một Trái Đất/ Mẹ là một sao Kim/ Chị là một sao Thuỷ/ Em là sao Diêm Vương./ Nhưng vẫn còn ba em:/ Ngựa, Gấu và Cánh Cứng/ Ngựa là sao Thiên Vương/ Gấu là một sao Hoả/ Cánh Cứng – sao Hải Vương./ Đó là một gia đình". Thật thú vị là mỗi thành viên trong gia đình được gọi tên bằng một ngôi sao. Cái gia đình đó không phải chỉ có thành viên là con người, mà có cả đồ chơi của cậu bé Nhân 8 tuổi nữa.

Trong cả tập thơ, 17 bài thơ của Nhân được viết theo các vệt khá rõ: Loạt những bài đầu tiên là những bài em viết khi còn bé. Thế giới của em là gia đình (“Gia đình”), vũ trụ, bầu trời, trái đất, lỗ đen (“Bầu trời trong giấc mơ”, “Mùa đông như màu trắng”, “Lỗ đen”, “Trái đất bao la”). Em cũng nhận ra thiên nhiên mà em yêu rất đẹp, những cũng rất khắc nghiệt (“Mùa đông như màu trắng”, “Cá lớn cá bé”).

Bên cạnh những bài viết về vũ trụ, thiên nhiên, một vệt khác xen kẽ với vệt trước và tiếp theo thể hiện em bắt đầu có những mối quan tâm mang tính xã hội (“Sinh nhật”, “Cùng chơi”, “Cuộc sống”, “Cần phải làm gì?”, “Thiên nhiên là gì”). Xã hội của em là nơi có em và bạn bè của em. Em đã nhận ra mọi người phải cùng chơi, cùng niềm vui, cùng bình đẳng khi chơi. Em cũng đặt những câu hỏi “Cần phải làm gì” đầu tiên mà một cá thể xã hội phải hỏi khi trong cuộc sống có những điều như thế: đang đi xe đạp mà bị đâm xe, đọc sách mà có trang bị rách, cầm va li mà va li rơi, đang đi chơi mà giẫm phải con kiến… Ở tuổi lên 9, em chỉ mới biết đặt câu hỏi. Mặc dù kết thúc bài “Cần phải làm gì?”, em viết: "Tôi cũng chịu thôi" thì người đọc cũng rất thích thú bởi câu trả lời không chỉ thơ trẻ của em, mà còn vì thực ra những câu hỏi của em là cách em nói lên điều em biết – em đã là một đứa trẻ bắt đầu có ý thức xã hội. Nhưng sự bắt đầu này của Đặng Chân Nhân đã là một sự bắt đầu rất cao khi em viết: "Thiên nhiên rất sòng phẳng… Còn nếu con người làm hại thiên nhiên thì đó là làm hại chính mình" (“Thiên nhiên là gì”).

Vệt tiếp theo với “Điều dễ”, “Hình dung” và “Trí tưởng tượng”, được viết khi em ở tuổi 10-13, người đọc đã thấy một em bé độc đáo trong tư duy. Ai mà chẳng biết điều dễ thì dễ hơn điều khó, nhưng cái chân lý đơn giản và 100% bị bỏ qua này lại khiến cậu bé Đặng Chân Nhân suy tư: Cái dễ dễ hơn cái khó/ Cái dở dễ hơn cái hay/ Cái dốt dễ hơn cái giỏi/ Cái xấu dễ hơn cái tốt/ Cái ác dễ hơn cái hiền/ Cái xấu dễ hơn cái đẹp… Và em kết luận thật thú vị: Những thứ nghiêng về tốt, hiền, giỏi… Luôn khó hơn mọi thứ khác. Kết luận này của em giống như một lời nhắc nhở về một điều rất quan trọng trong cuộc sống, nhưng lại là một lời nhắc nhẹ nhàng. Nhưng, rõ ràng, Đặng Chân Nhân không định nhắc, em chỉ định nói điều em thấy một cách tự nhiên và đó là điều làm ta thích thú.

Trong bài thơ “Hình dung” viết khi 12 tuổi, Đặng Chân Nhân đã có những suy tưởng khác lạ: đó là hình dung mình đứng ở một vị trí khác trong không gian và thời gian để nhìn nhận mọi thứ quanh mình: "Thử hình dung xem…/ Mình làm một người hành tinh khác,/ Không quen biết người Trái Đất,/ Đi trên một cái đĩa bay…/ Thử hình dung xem…/ Mình là một món ăn,/ bị cho lên chảo nghìn độ/ bị cắn bởi vật sống…/ Thử hình dung xem…/ Mình đến từ tương lai,/ biết hết những điều mới mẻ/ coi thời hiện tại như quá khứ"… Sự hình dung của em ở đây khiến người đọc sững sờ: một vật đã bị đưa lên chảo nướng 1.000 độ rồi lại còn bị cắn bởi vật sống – một câu thơ khiến người đọc không khỏi liên tưởng rằng có những điều con người đang làm trong hiện tại được xem là bình thường, nhưng ở giai đoạn văn minh trong tương lai cao hơn, con người sẽ nhận ra sự tàn bạo hôm nay của mình. Khi Nhân chọn cho mình đứng ở tương lai để nói về hiện tại, từ vũ trụ nhìn về trái đất, người đọc nhận ra cảm nhận của cậu bé rằng có cái gì đó không ổn trong nền văn minh hiện tại. Còn rất nhiều sự bất ổn khi tác giả kết luận: Còn nhiều thứ để hình dung.

Đến vệt thơ cuối cùng với loạt bài “Trò chơi”, “Tồn tại”, “Những linh hồn nhảy nhót”, Đặng Chân Nhân đã thật sự làm người đọc ngỡ ngàng: Em đã đi được quá xa trong vòng chừng hai năm của tuổi thiếu niên. Bài “Trò chơi” – (thật thú vị khi biết đây là một bài tập về nhà của em) - Đặng Chân Nhân viết: "Cuộc sống chỉ là một trò chơi". Người đọc sẽ bảo đó là câu nói của những người đã sống gần hết cuộc đời. Nhưng câu tiếp theo của Nhân cho thấy em nhìn cái trò chơi này rất hiện đại: Mà con người là những nhân vật ảo. Có lẽ em nghĩ đến thế giới ảo khi viết điều này. Thế giới Interrnet là trò chơi tạo ra thế giới ảo, nhưng với Nhân thì vũ trụ cũng là trò chơi và con người là nhân vật ảo mà thôi. Nhân cho rằng người chơi trò này là Chúa Trời. Một điều nữa rất thú vị ở bài thơ này là cậu bé Đặng Chân Nhân khẳng định: Đã là trò chơi thì phải có luật và nếu vi phạm thì phải bị phạt chứ! Trong cái sâu sắc vô thức của mình, Đặng Chân Nhân vẫn dùng ngôn từ của một cậu bé có phần láu lỉnh, tinh quái, nhưng với một thái độ thật công bằng. Em nói rất thẳng thắn, bộc trực, không ví von, không quanh co, ẩn ý.

Cũng trong vệt này, “Tồn tại” của Đặng Chân Nhân chỉ có vẻn vẹn có ba câu, mà thực chất chỉ là một câu rất ngắn: "Một vật/ chỉ tồn tại/ khi con người tin là nó tồn tại". Với tư duy gần như siêu nghiệm của mình, Đặng Chân Nhân đã chạm đến một vấn đề triết học cơ bản tồn tại hằng bao thế kỷ: Cái gọi là khách quan, gọi là có tồn tại, thật ra về mặt ý nghĩa có tồn tại không nếu như người ta không tin là nó tồn tại? Chúa tồn tại như một thực thể với những ai tin là có Chúa, mà không bao giờ tồn tại với những người chẳng bao giờ tin là có Chúa. Một bài thơ ngắn chỉ có một câu, nhưng thật ra lại là cả một phương châm sống về mặt tâm linh!

Bài cuối cùng, cũng là bài có thể khiến nhiều bạn đọc hết sức sửng sốt trước cái nhìn của một cậu bé 14 tuổi về tự do. Bài thơ có tiêu đề “Những linh hồn nhảy nhót”:

Những linh hồn này
Họ nhảy
Họ được tự do
Thoát khỏi sự lo lắng về cách sống sót
Thoát khỏi áp lực
Thoát khỏi các luật lệ
Thoát khỏi cuộc sống.

Họ nhìn thấy Chúa trên đó,
Và họ nhảy.

Bài thơ viết thật giản dị, ngắn gọn, trực diện, thoải mái và nhẹ nhàng, tưởng như không thể nhiều lời hơn, nhưng cũng không thể ít lời hơn được. Với bài thơ này, Đặng Chân Nhân làm chúng ta bàng hoàng về cái nhìn vượt thời gian của em. Ở đây ta có cảm giác em lý giải về tự do, nhưng là tự do tuyệt đối! Ở đâu và bất cứ khi nào, tự do cũng có nghĩa là thoát khỏi sợ hãi, lo lắng, áp lực, luật lệ. Nhưng với em, rốt cục điều đó chỉ xảy ra thật sự không chỉ khi thoát khỏi cuộc sống mà thôi. Chúa mà em nhắc tới, đó có thể là Chúa Trời, nhưng đó cũng có thể hình ảnh cao nhất của tự do. Linh hồn chỉ có thể cảm nhận tự do tuyệt đối khi thấy Chúa. Tác giả thiếu niên của chúng ta không nói “nhảy” mà là “nhảy nhót”. Chúng ta ai cũng đã từng có lúc cảm nhận niềm vui sướng. Khi sướng quá ta mới nhảy lên- đó là một cái nhảy vô thức, một cái nhảy không có bài bản. Nhảy nhót - đó là một cái nhảy tự do, tràn đầy vui sướng và người đọc cảm nhận được sự tuyệt vời của cái nhảy đó trong lời thơ của Đặng Chân Nhân.

17 bài thơ của Đặng Chân Nhân khiến ta nhận thấy ở đây sự hình dung của em gần như không có giới hạn nào. Với tuổi của mình và trong những thay đổi trong quãng thời gian rất ngắn, người đọc dễ dàng nhận thấy sự trưởng thành nhanh lạ kỳ trong suy nghĩ của em. Đặng Chân Nhân vượt lên rất thoải mái những giới hạn về địa lý, không gian, thời gian để hình dung. Em làm điều đó thật tự nhiên. Thơ của em, đặc biệt những bài về sau của em gần như được viết mà không hề có bóng dáng của những kinh nghiệm sống... Những bài thơ vệt cuối của em thậm chí hé lộ rằng con đường sáng sạo của em rất đặc biệt - em không đi theo một logic phát triển trí tuệ thông thường là sinh ra - lớn lên - học tập - quan sát - tích lũy kinh nghiệm. Một số điều em nghĩ là những vấn đề mà một đứa trẻ thông thường hầu như không thể nghĩ tới. Em chạm tới những vấn đề lớn lao, từ vũ trụ, sự an toàn của trái đất, quy luật sinh tồn, bảo vệ thiên nhiên… cho đến niềm tin, ý nghĩa cuộc sống, tự do... Những bài thơ cuối trong tập thơ cho thấy sự vượt thời gian mà điều này chỉ có thể lý giải là siêu nghiệm.

Vâng, có lẽ, siêu nghiệm là một năng lực đang hé mở của Đặng Chân Nhân. Em viết cực kỳ sâu sắc, nhưng em lại là một cậu bé. Em viết tự do, chân thực và không vần điệu. Em làm thơ không phải vì em bức xúc điều gì. Đặng Chân Nhân có vẻ là một cậu bé vui sống. Em hoàn toàn không có dồn nén, bức xúc khi viết thơ. Em viết thoải, nhẹ nhàng, giản dị, như thể là em chơi. Em chưa biết viết những câu, từ với lớp lớp ý nghĩa chồng chéo, ẩn hiện, liên tưởng… Cánh cửa tâm hồn em mở như là một lẽ tự nhiên, bình thường, và em nói những gì như đột nhiên đến trong đầu em.. Từng bài trong số 17 bài thơ của em đều làm người đọc thú vị. Mỗi câu trong bài thơ của em đều có ý và trong thơ của em không có chất độn, chất đệm, như người lớn thường làm. Mọi ý tứ của em tự nó nổi lên không cần ngoại lực. Sức mạnh của nó nằm ở sự thắng thắn, bộc trực mà chỉ có thể thấy ở con trẻ.

Đọc thơ Nhân khó mà hiểu lệch sang một ý khác. Ý tưởng của em hiển hiện trực tiếp, rõ ràng qua những lời thơ rất mạch lạc, cấu tứ chặt chẽ, ít lời. “Hình dung” cũng hấp dẫn người đọc vì những suy nghĩ, tầm nhìn và sự sâu sắc đáng ngạc nhiên của một tác giả còn chưa đến tuổi thành niên, nhưng lại báo hiệu một ý thức, một trách nhiệm xã hội lớn.

“Hình dung” của cậu bé 14 tuổi Đặng Chân Nhân cho thấy một bước tiến rất dài phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong xã hội và thời đại. Nó cho ta cảm nhận thời gian đang trở nên tốc độ hơn. Nếu như ngày xưa ta có “góc sân” nhìn lên “khoảng trời” thôi thì nay, ta đã có cậu bé nhìn cả thiên hà. Nếu như thơ của 4X, 5X, 6X… chủ yếu chỉ là thế giới xung quanh với nhà vườn, con vật, cánh đồng – hình ảnh của một tư duy nhà nông, và nếu như 7X, thậm chí 8X vẫn còn loanh quanh với những day dứt cá nhân, thì nay ta đã thấy một cậu bé 9X khoáng đạt của thế kỷ 21 với những hình ảnh của nền văn minh hiện đại mà tầm nhìn là thiên hà và nỗi lo tương lai trái đất. Nếu như xưa ta lo làm thế nào để sống, thì nay câu hỏi là liệu cuộc sống có ý nghĩa gì, có tự do không, liệu trái đất có bị tấn công, hay liệu con người có điên rồ phá hủy cái nôi nuôi dưỡng mình không? Đặng Chân Nhân cũng cho thấy hình ảnh của một ý thức toàn cầu, một công dân toàn cầu, một công dân rất hiện đại với một tư duy linh hoạt. Nếu không có giới thiệu về em thì ta cũng có thể tưởng là em là một cậu bé từ một nước khác với một trình độ phát triển xã hội cao hơn.

Đặng Chân Nhân là một tín hiệu rất đáng mừng của thơ trẻ hiện đại. Mọi sự đối với em mới chỉ là bắt đầu. Tôi tin em sẽ tiếp tục thành công nhiều hơn nữa nếu tài năng của em được khích lệ, nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường thuận lợi.


Đặng Chân Nhân "đặc biệt" thế nào so với Trần Đăng Khoa?
Từ Trần Đăng Khoa đến Đặng Chân Nhân: chuyện về các thần đồng thơ Việt Nam

(Theo Vietimes, Xuân Anh)

"Điều gì khiến một đứa trẻ trong độ tuổi ham chơi lại nghĩ đến cuộc sống sau cái chết? Hơn nữa nó không phải sự chết chóc, nỗi sợ hãi, đau khổ hay địa ngục, mà lại là sự giải thoát, tự do tuyệt đối và sự vui sướng trong an lành. Những linh hồn nhảy múa trong bài thơ này khiến tôi hình dung đích đến của họ là cõi Niết bàn - mục đích cứu cánh của mọi trường phái Phật giáo. Nơi đó triệt tiêu mọi gốc rễ của ba nghiệp bất thiện là tham, sân, si, cũng như thoát khỏi quy luật của nhân duyên. Nó là một cõi hư không, tuyệt diệt bất kỳ ngọn lửa đau khổ. Chỉ còn niềm vui trong cõi hư không. Động tác “nhảy” của các linh hồn ở đây không còn đơn thuần là những cái nhún chân theo điệu nhạc, mà nó đã biến thể thành không gian và tinh thần của cõi hư không đó, trong “hình dung” của cậu bé 14 tuổi.”

"Khó có thể tưởng tượng nổi một cậu bé ở thời đại của games, truyện tranh và những trò học đòi người lớn của thế hệ 9x lại có những suy tư về trò chơi của cuộc đời mang đầy tính triết lý..."

Thế giới riêng tư trong thơ của Nhân được cha mẹ bảo toàn và thực sự trân trọng.

Mẹ Nhân nói, đừng bao giờ hỏi Nhân tại sao con thấy vẽ bản đồ nó thú vị? Hay con nghĩ gì về linh hồn mà viết bài “Những linh hồn nhảy nhót”? Tại sao con lại ví nhà thờ với bà ngoại? Đó là bí mật của Nhân, cũng như bí mật của bao nhà thơ khác. Những bí mật mà ngay chính chủ nhân của chúng cũng không thể giải thích nổi.

Bước sang tuổi 14, lứa tuổi tròn trĩnh của thời thiếu niên, Nhân đã thực sự trưởng thành. Sự trưởng thành này không đi theo quy luật thông thường về tích lũy những kinh nghiệm, mà dường như nó đi đường tắt với những siêu nghiệm. Hãy xem những câu thơ sau:

Cuộc sống là một trò chơi
Con người là những nhân vật ảo.
Đồ vật thì vẫn là đồ vật,
Cố gắng thì chúng ta sẽ thắng.

Trò chơi thì vẫn phải có luật,
Gian lận thì sẽ bị phạt chứ.
Ai là người chơi? Chắc là Chúa.
Vì ông ấy ngồi trên thiên đàng.

(Bài Trò chơi, 14 tuổi)


Khó có thể tưởng tượng nổi một cậu bé ở thời đại của games, truyện tranh và những trò học đòi người lớn của thế hệ 9x lại có những suy tư về trò chơi của cuộc đời mang đầy tính triết lý như vậy. Một lần nữa, tư duy bình đẳng từ hồi trẻ thơ vẫn là tư duy chủ đạo của Nhân. Ở bài thơ này, sự bình đẳng đó được thể hiện trong mối tương quan giữa con người và đồ vật. Con người ở đây cũng chỉ là những nhân vật ảo của một trò chơi, mà Chúa là người điều khiển. Trong trò chơi đó, dù hiện tại, con người đang thắng thế so với đồ chơi, nhưng điều đó không phải là vĩnh cửu. Vì trò chơi là có luật. Trong chừng mực nào đó, bài thơ đã đụng tới thuyết Nhân – Quả của đạo Phật.

Nên biết, gia đình Đặng Chân Nhân không có ai theo đạo. Từ đạo Phật tới Công giáo. Trước đó, bà ngoại Nhân có theo Công giáo nhưng bà bỏ đạo sau khi lấy chồng. Khi bà mất, mọi người có làm lễ cầu siêu cho bà ở Nhà thờ lớn. Nhân từ nhỏ lớn lên hoàn toàn không có khái niệm về bà ngoại. Nhưng chẳng hiểu sao, Nhân vào nhà thờ rất tự nhiên, hoàn toàn không vì ý thích tò mò. Lần đầu tiên Nhân yêu cầu bố cho vào Nhà thờ lớn, tự tin ngắm các bức tranh Chúa và Đức mẹ trên tường. Khi ra ngoài, bố Nhân hỏi: Con vào trong nhà thờ con nhìn thấy cái gì? Con nhìn thấy bà ngoại – Nhân điềm nhiên trả lời.

Không rõ mối liên hệ tôn giáo từ bà ngoại đến Nhân như thế nào, hay vì sao mà những ý niệm về Chúa trời và linh hồn lại siêu thực thế:

Những linh hồn này

Họ nhảy
Họ được tự do

Thoát khỏi sự lo lắng về cách sống sót
Thoát khỏi áp lực
Thoát khỏi các luật lệ
Thoát khỏi cuộc sống.

Họ nhìn thấy Chúa trên đó.
Và họ nhảy.

(Bài Những linh hồn nhảy nhót, 14 tuổi)

Điều gì khiến một đứa trẻ trong độ tuổi ham chơi lại nghĩ đến cuộc sống sau cái chết? Hơn nữa nó không phải sự chết chóc, nỗi sợ hãi, đau khổ hay địa ngục, mà lại là sự giải thoát, tự do tuyệt đối và vui sướng trong an lành. Những linh hồn nhảy múa trong bài thơ này khiến tôi hình dung đích đến của họ là cõi Niết bàn - mục đích cứu cánh của mọi trường phái Phật giáo. Nơi đó triệt tiêu mọi gốc rễ của ba nghiệp bất thiện là tham, sân, si, cũng như thoát khỏi quy luật của nhân duyên. Nó là một cõi hư không, tuyệt diệt bất kỳ ngọn lửa đau khổ. Chỉ còn niềm vui trong cõi hư không. Động tác “nhảy” của các linh hồn ở đây không còn đơn thuần là những cái nhún chân theo điệu nhạc, mà nó đã biến thể thành không gian và tinh thần của cõi hư không đó, trong “hình dung” của một thiếu niên 14 tuổi.

Bài Hình dung, có lẽ là chìa khóa cho lý giải sự siêu nghiệm của Nhân:

Thử hình dung xem,
Mình là một ngọn núi
Cao mấy nghìn mét
Trên mình đầy cây mọc

Sông chảy
Người leo
Mây phủ kín tầm nhìn…


Thử hình dung xem,
Mình làm một người hành tinh khác,
Không quen biết người Trái đất,
Đi trên một cái đĩa bay…

Thử hình dung xem,
Mình là một cái tượng,
Đông cứng
Suốt đời nhìn về một hướng,
Làm một động tác…

Thử hình dung xem,
Mình là một món ăn,
Bị cho lên chảo nghìn độ,
Bị cắn bởi một vật sống…


Thử hình dung xem,
Mình đến từ tương lai,
Biết hết những điều mới mẻ
Coi thời hiện tại như quá khứ…


Còn nghìn điều để hình dung…

(Bài Hình dung, 12 tuổi)


Ở bài thơ này, ta có thể tự mường tượng, dù khá mơ hồ về con đường siêu nghiệm của Nhân: đó là đặt mình vào những vị trí khác trong không gian và thời gian để nhìn nhận mọi thứ xung quanh mình. Sự hình dung của Nhân quả vô cùng khác lạ: hình dung thành ngọn núi cho người khác leo lên, hình dung thành một cái tượng đứng trơ lỳ một góc, hình dung là một người ngòai hành tinh, hình dung hiện tại thành quá khứ khi mình ở thời tương lai, và đặc biệt, hình dung mình trở thành một món ăn bị vào chảo rán tới nghìn độ cho “một vật sống” cắn.

Khi đặt mình vào vị trí trên, dường như Nhân đều thấy ở đó có sự bất ổn. Bất ổn từ những việc rất đỗi bình thường như ăn một món ăn, lại trở thành đáng sợ khi ta ở vị trí của kẻ bị ăn. Mà kẻ đó lại là “một vật sống”. Con người - ở động tác ăn bỗng dưng lại mang dáng vóc của một con vật với hành vi man rợ. Có lẽ nào khi đứng ở thì tương lai, ta nhìn lại hiện tại (khi ấy là quá khứ) sẽ thấy nhiều hơn những bất ổn của nó?

Đó là nỗi lo – có thể bị nhiều người cho là vu vơ của một thiếu niên ở thời bình. Nhưng nó hoàn tòan là nỗi lo có thực trong tâm hồn nhạy cảm và sự tưởng tượng phong phú của Nhân. Cũng ở độ tuổi này nhưng khi đất nước chiến tranh, thần đồng thơ Trần Đăng Khoa lại có nỗi lo mang tính thời sự hơn.

Sau tập thơ đầu tiên vào năm 10 tuổi “Góc sân và khoảng trời”, tên tuổi Trần Đăng Khoa đã lẫy lừng khắp đất nước. Thế nhưng chính sự nổi tiếng này lại tước đi quá trình phát triển tự nhiên của nhà thơ. Chỉ vài năm sau, khi tiếp xúc nhiều với thế giới – không – chỉ - làng quê, Trần Đăng Khoa đã có những bài thơ khá già dặn nhưng hơi khiên cưỡng mang tính phục vụ cách mạng và số đông. Dưới đây là một đoạn của bài “Đập cửa Diêm Vương”, trích trong trường ca “Trừng phạt”. Ý tưởng của bài thơ này là những người bị bom Mỹ giết hại trong các trận ném bom hủy diệt năm 1972, tập hợp thành đòan dưới âm phủ, đòi vua Diêm Vương phải trừng phạt bọn giết người:

“… Tiếng Diêm Vương:
- "Quỉ sứ đâu? Sao có chuyện lạ kỳ?"

Tiếng đoàn người:
- "Mở cửa đi! Mở cửa đi!
Phải trừng phạt. Chúng tôi đòi trừng phạt
Những kẻ đã gây ra tội ác!"

Diêm Vương xốc vội áo bước ra
Tiếng xủng xoẻng thanh la
Dùi nện thòm thòm trống đá
Tiếng kèn rồng rúc lên hối hả

Cửa điện mở toang
Cả một vùng nhếnh nhoáng sáng vàng
Long lanh dát ngọc
Hồ sen lung linh như trăng mọc
Cá lửng lơ bơi, in bảy sắc cầu vồng

Đường vào sân uốn khúc vẩy rồng
Nền đá nét mây bay thanh thản
Rừng rực chín những quả đào, quả mận
Tỏa mùi thơm không thấy ở trên trần...”

Cả đoạn thơ trôi tuột không chút lưu luyến. Ở tuổi 14 này, dường như thần đồng thơ Trần Đăng Khoa không còn viết cho riêng anh nữa, mà viết cho mọi người, số đông, Đoàn thể, Cách mạng, cho Nhân dân.

Sự nổi tiếng quá nhanh phần nào dần dần gặm nhấm sự trong trẻo trong thơ Trần Đăng Khoa. Trần Đăng Khoa, cách đây vài tháng có bộc lộ trên báo Lao Động:

“…Khi đã là thần đồng, nổi tiếng rồi thì sẽ bị nhiều áp lực. Mà không chỉ thần đồng, tất cả những người nổi tiếng đều chịu áp lực cộng đồng, xã hội. Vấn đề là thần đồng nổi tiếng ngay từ khi còn nhỏ, đang hình thành bản lĩnh, nên những áp lực thường rất nặng nề. Nếu thần đồng nào coi tiếng tăm là bình thường thì sẽ vượt qua được hào quang Trời phú. Đặc biệt là đối với văn nghệ sĩ, nhiều người loé sáng bất ngờ như một sao băng rồi tắt lịm. Không nhiều người rực rỡ được lâu. Và có người ngồi nhấm nháp hào quang tuổi nhỏ. Sự được mất ấy cũng là lẽ thường, và đó có lẽ số phận cũng đã an bài cho mỗi người.”

Quay trở lại câu chuyện Đặng Chân Nhân, có thể gọi Nhân là thần đồng được không? Điều này thật khó trả lời. Nhân chưa được/hay bị nổi tiếng để chịu nhiều áp lực như thần đồng Trần Đăng Khoa. Hơn nữa, ngòai Nhân, có không ít nhà thơ dưới 8 tuổi. Ngô Thị Bích Hiền ở đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX làm thơ từ năm lên 4, bài thơ "Ông mặt trời" đã được giải thơ nhi đồng quốc tế. Thế nhưng Hiền và một số nhà thơ nhí khác cũng không thể chạm đến hai chữ “thần đồng”. Danh xưng đó của Trần Đăng Khoa hơn 40 năm qua vẫn chưa bị thay thế, cho dù cậu bé Khoa giờ đã thành một người đàn ông trung niên ục ịch, béo phị và chẳng mấy khi thở ra chữ thơ nào.

Đã qua thời đại trị vì của Trần Đăng Khoa. Nhưng để thế chỗ “ngai vàng” ấy, Nhân hay bất kỳ ai khác có được thiên phú cũng cần một mảnh đất “sạch” để phát triển. Trong khi, môi trường xã hội thực dụng hiện nay bị quá ô nhiễm khiến nhiều tài năng mới nảy mầm đã chết ủng. Nhiều tài năng bị sự nôn nóng của kỳ vọng xã hội cũng bị thiêu cháy. Nhân may mắn có một gia đình biết tôn trọng giá trị thực của mình. Cha mẹ Nhân không nghĩ và hoàn toàn không muốn đào tạo Nhân trở thành thần đồng. Bởi, cha mẹ chỉ có thể cho con cái thể xác chứ không thể cho nó cái tư tưởng.

Tác giả của 17 bài thơ trong tập thơ “Hình dung” là một thiếu niên khá nhút nhát, e dè khi tiếp xúc với người lạ...

Vậy là, Đặng Chân Nhân đã trải qua hai chặng đường quan trọng của cuộc đời. Hai chặng đường đó đánh dấu và định hình tư duy cơ bản của tuổi thiếu niên. Năm, mười năm hay nhiều năm sau nữa, có thể Nhân sẽ trở thành một hiện tượng nổi trội trên thi đàn Việt Nam, hoặc có thể không. Điều ấy không phải là tất cả. Quan trọng, Nhân đã xây dựng được những nền móng vững chắc cho bước đà vươn cao của mình.

Hy vọng một thời gian không xa tới, tôi có thể tiếp tục bài viết về nhân vật rất đỗi thú vị và đầy hứa hẹn này với đề bài mang tên: Chặng đường thứ ba.

Thay lời kết:

Khi gặp Nhân, tôi hoàn toàn không “bị tiêm” những cảm giác tiêu cực của những nhà thơ trẻ khác như tính vĩ cuồng, lập dị, kỳ quái, sành sỏi, khôn ngoan, tỏ vẻ lõi đời hay u uất, trầm mặc, bí ẩn…Tác giả của 17 bài thơ trong tập thơ “Hình Dung” là một thiếu niên khá nhút nhát, e dè khi tiếp xúc với người lạ. Nhân vừa rất đúng lứa tuổi của mình với dáng vẻ và cử chỉ ngượng ngùng bên ngoài, mà cũng rất khác với bởi những gì diễn ra trong thế giới riêng của cậu được thể hiện qua thơ. Thấy khối rubik để trên mặt bàn học, tôi giả đò nhờ Nhân biểu diễn. Nhân cười bẽn lẽn, hay tay đưa ra sau lưng xoay khối rubik, mắt nhắm nghiền lẩm nhẩm công thức xếp hình “chôm” trên mạng internet. Chưa đầy 12 phút sau, khối rubik rắc rối đã ngay ngắn 6 mặt 6 màu. Tôi không giấu nổi sự khâm phục: Năng lượng tiềm ẩn là ở đây…


Màu đen

Màu đen là sự tối tăm.
Màu đen là sự lạnh lẽo.
Màu đen là sự trống không.

Màu đen là thứ cuối cùng tồn tại
khi mọi thứ khác không còn.

Màu đen
chỉ đơn giản là
vượt quá sự tồn tại.


Quyết định sai

Bạn viết một câu, nhưng lại đánh vần sai một chữ.
Bạn đang đi ở ngã ba, nhưng bạn lại chọn nhầm đường đi.
Bạn đang ở trong một cuộc phỏng vấn, nhưng bạn lại nói ra một điều sai một cách tệ hại.
Bạn có một người bạn mới, nhưng cậu ta lại là một người rất xấu.
Bạn bị một người dọa diết, nhưng bạn không làm theo điều hắn bắt bạn phải làm.
Bạn có một cơ hội, nhưng bạn lại để nó đi mất.

Bạn quyết định sai, và bây giờ, nhìn xem bạn đang ở đâu đi.

Thời gian

Thời gian luôn luôn chuyển động.
Tíc tắc.
Nó không bao giờ
chờ đợi một thứ gì.
chờ đợi một ai đó.

Bạn bị muộn.
Và không có gì để bạn đổ lỗi,
và bạn đổ lỗi cho một thứ
mà sẽ cứ đi mãi mãi,
thời gian.


Chuẩn bị cho lời chia tay

Con người đã tạo ra một thứ rất nặng
mà họ không thể chịu được nữa.

bầu khí quyển yếu dần.
băng tan.
ô nhiễm môi trường.
nhiệt độ tăng dần.
thiên tai.
những con virus.
dân số tăng.
những tên khủng bố.

Một ngày gần đây
Con người sẽ biến mất mãi mãi
Khi những thứ đó sẽ tới
Và dẹp hết đi,
từ trong ra ngoài.

Chuẩn bị tạm biệt tới mọi thứ,
và gửi lời chào tới sự kết thúc,
và gửi lời chào tới một mở đầu mới.

Gia đình
(8 tuổi)

Em có một gia đình
Gia đình đó gồm có:
Bà, bố, mẹ, chị, em
Và ba em khác nữa.

Bà là một sao Mộc
Bố là một Trái Đất
Mẹ là một sao Kim
Chị là một sao Thuỷ
Em là sao Diêm Vương.

Nhưng vẫn còn ba em:
Ngựa, Gấu và Cánh Cứng.
Ngựa là sao Thiên Vương,
Gấu là một sao Hoả
Cánh Cứng – sao Hải Vương.
Đó là một gia đình.


Bầu trời trong giấc mơ
(8 tuổi)

Em ở trong giấc mơ
Như trong một bầu trời
Em lơ lửng mọi nơi
Gặp những điều em thích.

Rồi giấc mơ kết thúc
Em nhẹ nhàng xuống đđất
Nhưng đến lúc em tỉnh
Đó chỉ là giấc mơ.

Em mơ ước em được
Bay như trong giấc mơ.

Mùa đông như màu trắng
(8 tuổi)

Ngày đầu tiên của mùa đông
Là một ngày lạnh giá.
Ở nơi có tuyết thì trời càng lạnh giá hơn.
Nếu trời càng lạnh thì mùa đông sẽ trở thành màu trắng.
Nếu màu trắng biến mất thì nơi đó sẽ trở thành một thế giới màu xanh.

Lỗ đen
(8 tuổi)

Trên trời bây giờ có rất nhiều sao.
Thằng Lỗ Đen đã sẵn sàng ăn thịt những ngôi sao này.
Nó chén một cách ngon lành.

Trong khi người ta chưa tìm được phương pháp gì chống lại Lỗ Đen,
Nó lại tiếp tục gây phiền hà cho vũ trụ.
Chẳng biết rồi nó có ăn thịt trái đất không?


Cần phải làm gì?
(9 tuổi)

Xây một cái nhà
Cái nhà đó đổ.
Cần phải làm gì?

Uống nước bằng cốc
Chiếc cốc đó vỡ.
Cần phải làm gì?

Cầm chiếc va-li
Va-li bị rơi.
Cần phải làm gì?

Ngồi trên xe máy
Rồi bị xe đâm.
Cần phải làm gì?

Cầm một quyển sách
Quyển sách đó rách.
Cần phải làm gì?

Chúng tôi đi chơi
Giẫm phải con kiến.
Cần phải làm gì?

Một nhóm cùng đi
Một bạn vấp ngã.
Cần phải làm gì?

Tôi cũng chịu thôi!

Cùng chơi
(9 tuổi)

Cùng chơi cùng chơi
Cách bạn cùng chơi
Chúng tôi cùng chơi!

Nếu bỏ một bạn
Bạn ấy khóc nhè
Phải làm thế nào
Cho bạn ấy tươi?

Tớ đã có cách
Muốn bạn hết khóc
Phải làm trò vui
Cho bạn ấy cười.

Cuối cùng bạn ấy
Cũng phải cười thôi
Và bạn ấy cười
Phải đến một phút.


Sinh nhật
(9 tuổi)

Ngày ấy của em
Rất vui rất vui.
Người này nhảy nhót
Người kia đùa chơi.
Mọi người thân thiết
Vỗ tay hiền hoà.

Em nhận được quà
Toàn là quà hay!

Đó là một ngày
Gọi là sinh nhật.


Cá lớn và cá bé
(9 tuổi)

Dưới làn nước xanh thẳm
Có rất nhiều cá bơi
Hơi ít là cá lớn!

Cá lớn, to quá trời
Lại còn hay ăn thịt
Cho nên chúng mới ít!

Còn những con cá bé
Rất nhiều và rất nhỏ
Thường gặp nhiều hiểm nguy
Bởi những con cá lớn.

Nhưng vì biển rất rộng
Cá lớn, bé cùng nhau.


Cuộc sống
(10 tuổi)

Cuộc sống ở dưới biển, trên rừng,
Gồm những con vật bơi bằng vây, lái bằng đuôi,
Đi bằng chân, bay bằng cánh,
Và những con bò sát nữa…

Cuộc sống ở thành phố
Gồm con người và con vật,
Và còn có cả những đồ vật nữa.
Thường thì con người chăm sóc con vật,
Con vật nghe lời con người.
Đồ vật được con người dùng một hồi rồi bỏ…

Còn cuộc sống ở những vùng nước quanh năm đông cứng,
Gồm gấu Bắc cực, chim Nam cực…
Gấu Bắc cực ngày đêm chỉ lo kiếm ăn,
Chim Nam cực cũng thế.

Cuộc sống ở những nơi này thật khó khăn.

Trái đất bao la
(10 tuổi)

Trái đất bao la
Muôn vàn cảnh đẹp
Muôn vàn kỳ quan
Muôn vàn toà nhà
Muôn vàn đồ vật…

Nhiều điều kỳ lạ
Nhiều điều em thích
Có xung quanh em.


Thiên nhiên là gì?
(11 tuổi)

Thiên nhiên là gì?
Thiên nhiên là sông suối
Thiên nhiên là rừng núi
Thiên nhiên là đại dương.

Thiên nhiên là gì?
Thiên nhiên là mưa
Thiên nhiên là nắng
Thiên nhiên là gió.

Thiên nhiên là gì?
Thiên nhiên là lũ lụt
Thiên nhiên là hạn hán
Thiên nhiên là bão lốc.

Thiên nhiên là gì?
Thiên nhiên là cái nuôi sống con người.
Thiên nhiên là cái không phải con người tạo ra.
Thiên nhiên là cái không phải để con người làm hại.

Thiên nhiên rất sòng phẳng.
Điều gì tương đương với việc con người hại thiên nhiên?
Thảm hoạ thiên nhiên.

Con người phải sống hoà hợp với thiên nhiên
Con người phải chăm sóc thiên nhiên
Còn nếu con người làm hại thiên nhiên thì đó là làm hại chính mình.


Hình dung
(12 tuổi)

Thử hình dung xem…
Mình là một ngọn núi
Cao mấy nghìn mét
Trên mình đầy cây mọc
Sông chảy
Người leo
Mây phủ kín tầm nhìn…

Thử hình dung xem…
Mình làm một người hành tinh khác,
Không quen biết người Trái Đất,
Đi trên một cái đĩa bay…

Thử hình dung xem…
Mình là một cái tượng,
Đông cứng
Suốt đời nhìn về một hướng,
Làm một động tác…

Thử hình dung xem…
Mình là một món ăn,
Bị cho lên chảo nghìn độ
Bị cắn bởi vật sống…

Thử hình dung xem…
Mình đến từ tương lai,
Biết hết những điều mới mẻ
Coi thời hiện tại như quá khứ…

Còn đến nghìn điều để hình dung…


Sự dễ dàng
(12 tuổi)

Cái dễ dễ hơn cái khó
Cái dở dễ hơn cái hay
Cái dốt dễ hơn cái giỏi
Cái xấu dễ hơn cái tốt
Cái ác dễ hơn cái hiền
Cái xấu dễ hơn cái đẹp.

Những thứ nghiêng về phía tốt, hiền, giỏi…
Luôn khó hơn mọi thứ khác…

Trí tưởng tượng
(13 tuổi)

Trí tưởng tượng
là vô tận.

Chúng ta có thể tưởng tượng
Là chúng ta vui sướng
hoặc đau khổ;
là cái gì đó buồn cười
hoặc nhạt nhẽo;
là một nơi nào đó văn minh
hoặc lạc hậu;
là chúng ta có thể bất tử
hoặc chỉ sống mười năm;
là chúng ta đặt chân tới một nơi chưa ai từng đặt chân tới
hoặc đặt chân về nhà chúng ta;
là chúng ta đang nói chuyện với người ngoài Trấi Đất
hoặc là với chính chúng ta…

Trí tưởng tượng
Là vô tận.


Trò chơi
(14 tuổi)

Cuộc sống chỉ là một trò chơi,
Con người là những nhân vật ảo.
Đồ vật thì vẫn là đồ vật,
Cố gắng thì chúng ta sẽ thắng.
Trò chơi thì vẫn phải có luật,
Gian lận thì sẽ bị phạt chứ.
Ai là người chơi? Chắc là Chúa.
Vì ông ấy ngồi trên thiên đàng.


Sự tồn tại
(14 tuổi)

Một vật
chỉ tồn tại
khi một người tin là nó tồn tại.


Những linh hồn nhảy nhót
(14 tuổi)

Những linh hồn này
Họ nhảy
Họ được tự do
Thoát khỏi sự lo lắng về cách sống sót
Thoát khỏi áp lực
Thoát khỏi các luật lệ
Thoát khỏi cuộc sống.

Họ nhìn thấy Chúa trên đó,
Và họ nhảy.

Can thiệp

Mọi thứ thay đổi
Không ít thì nhiều
Khi ta làm nó thay đổi.

Tầng Ozone đã không bị thủng nếu không có ống khói
Cái cây sẽ sống nếu ta không chặt nó đi
Một thứ đã không bị thiếu nếu ta không lấy đi một phần của nó
Hình tròn sẽ không có điểm dừng nếu như ta không sửa nó...

Nếu Chúa không can thiệp, thì con người có tồn tại hay không?


Luật lệ

Luật lệ
Được viết ra để được tuân theo
Chúng làm ta căng thẳng
Chúng làm ta run rẩy
Chúng làm ta lo lắng
Chúng như làm chủ ta
Bắt ta phải...

Nhưng những người nghịch ngợm thì lại cười vào chúng
Thêm cái luật nữa đi: Cấm phá luật!


Quả trứng vàng

Một anh chàng tìm thấy một quả trứng,
Nó toả sáng như mặt trời, suýt thì làm cho đôi mắt anh mù.
Anh tưởng rằng quả trứng đó là một Quả Trứng Vàng.
Anh nghĩ, “Mình là người may mắn nhất trên thế giới này”.
“Mình sẽ trở thành giàu có với những thứ ở trong cái này”.

Anh ta mang nó về nhà. Mọi người nhìn anh với ánh mắt ghen tuông.
Nhưng rồi anh phát hiện ra rằng quả trứng rất nhẹ.
Anh thả quả trứng xuống đất, vô vọng,
Bên trong nó y hệt như các quả trứng khác.

Anh đá quả trứng đi, tức giận.
Anh nghĩ, “Mình không may mắn chút nào”.
Nhưng anh đã sai,
Anh là một người may mắn,

Vì quả trứng đã có thể nở ra một con Phượng hoàng!


Con rối

Nó ngồi đấy,
Nhìn vào hư không với đôi mắt bằng gỗ.

Nó không di chuyển.
Nó không thở.
Nó không sống.
Nhưng nó vẫn ngồi đấy

Nhìn vào hư không với đôi mắt bằng gỗ.
Nó di chuyển
Khi nó bị điều khiển,
Khi nó bị đẩy ra mọi nơi,
Khi nó bị vứt vào trong sọt rác, khi nó bị hỏng.

Nhưng nó vẫn chờ đợi.
Nó chờ đến một ngày,
Nó có thể di chuyển,
Nó có thể thở,
Nó có thể sống,
Như mọi vật sống khác.

Nó chả ghen tức với cái gì cả.
Nó chỉ tự hỏi tại sao
Nó không thể đứng dậy và đi.
Tất cả chỉ có thế.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những đoản khúc Lê Đạt

    15/12/2018Nhà phê bình Phạm Xuân NguyênNgười “phu chữ” Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong “bộ tứ” nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn – Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần. Cả bốn ông rồi ra đều được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật...
  • Truyện ngắn của "phu chữ" Lê Đạt

    03/05/2008Sưu tầmMi là người bình thường (NXB Phụ Nữ) là tập truyện ngắn thứ hai vừa được tái bản của Lê Đạt (sau tập Hèn đại nhân - NXB Phụ Nữ 1997). Sách rời nhà in vừa đúng ngày ông mất (21-4-2008)...
  • Đường chữ

    01/05/2008Nhà thơ Lê ĐạtCâu thơ khổ tu xí xoá nợ luân hồi Sau Nhân Văn, tôi vẫn tiếp tục…
    Nhân Văn chỉ là một chặng chứ không phải toàn bộ Đường chữ của Lê Đạt...
  • Bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư

    18/09/2006Với Tiếng thu, Lưu Trọng Lư viết thu thanh và đã dọn cho mình một chỗ ngồi khá độc đáo trên văn đàn của những thi sĩ mùa thu...
  • Thơ vô đề

    06/08/2005Trên trời có đám mây xanh
    Có con chó chạy loanh quanh mấy vòng...
  • Nguyễn Thế Hoàng Linh và "cuộc trả lời phỏng vấn cuối cùng (?)"

    01/07/2005Gần đây, dư luận xôn xao về cuốn tiểu thuyết Chuyện của thiên tài (*) của một tác giả mới toe - Nguyễn Thế Hoàng Linh. Cái sự xôn xao ấy bắt nguồn từ chuyện hai nhà văn đương đại có tiếng - Hồ Anh Thái và Lê Minh Khuê, đã vô cùng hứng thú và tự nguyện làm “bà đỡ” cho tác phẩm được “mẹ tròn con vuông”.
  • xem toàn bộ