Doanh nhân – một góc nhìn
Doanh nhân nước ta đã được công nhận là “lính xung kích thời bình” và từ năm 2004, ngày 13 tháng 10 hàng năm được lấy làm “Ngày Doanh Nhân”. Ngày 13/10 năm nay, xin góp thêm một góc nhìn về doanh nhân với kinh tế thị trường.
Không có thị trường: không có doanh nhân
Doanh nhân là ai? Từ điển tiếng Việt trước đây chưa có từ này. Cuốn Từ điển tiếng Việt (xuất bản tháng 4/2007) của Trung tâm từ điển học, do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, Doanh nhân được định nghĩa là "Người làm nghề kinh doanh"; đồng thời còn có từ Doanh gia, được định nghĩa là "nhà doanh nghiệp, nhà kinh doanh lớn, có tiếng tăm" (tr.218).
Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về doanh nghiệp, doanh nhân. Một trong những định nghĩa đó do Jean Baptiste Say (1767-1832) đưa ra, chừng nào đó báo trước những đề xuất của Keynes rằng "Chức năng của nhà kinh doanh là kết hợp, tập hợp những yếu tố của sản xuất", và tóm tắt chức năng của doanh nhân như sau: "Chính doanh nhân là người phán đoán những nhu cầu và nhất là những phương tiện; vì vậy đức tính chủ yếu của người đó là đầu óc phán đoán. Về phương diện cá nhân, người đó có thể không cần đến sự am hiểu của chính mình bằng cách sử dụng một cách đúng đắn sự am hiểu của những người khác; người đó có thể tránh không tự mình bắt tay vào việc bằng cách sứ dụng bàn tay của người khác; nhưng người đó không thể thiếu đầu óc phán đoán; bởi vì nếu như vậy thì người đó có thế tiêu tốn rất nhiều để làm ra những cái chẳng có giá trị gì" (Những nhà kinh doanh của thế giới thứ ba, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, 1998, tr.19). Các nhà nghiên cứu cũng đã nêu ra mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nhân với hệ thống công nghiệp của mỗi nước, vai trò của thể chế quản lý, vai trò của Nhà nước trong thị trường, v.v... Kết quả nghiên cứu đã đưa ra một số trường hợp như sau:
- Có nước (như trường hợp của Mexico trong thời kỳ 1850 - 1910): ở đây đã thành lập những khu công nghiệp lớn mà nhà đầu tư chủ yếu là người nước ngoài (những nhà kinh doanh được "nhập khẩu”), những khu công nghiệp này thành một “ốc đảo” trong nền kinh tế, không có tác dụng lan tỏa và thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế; tức là một nền công nghiệp không có doanh nhân.
- Có trường hợp như Trung quốc trước đây, trong thể chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, cách vận hành của cơ chế quản lý đã triệt tiêu mọi quyền tự chủ quyết định của người quản lý doanh nghiệp, có hiện tượng độc quyền về quyền lực đã hạn chế mọi sự sáng tạo và kìm hãm mọi sự phát triển; đó là trường hợp có doanh nghiệp mà không có doanh nhân.
Đó là những câu chuyện của thế kỷ trước, nhưng có thể gợi ra nhiều suy nghĩ.
Vậy doanh nhân là ai? Nói một cách chặt chẽ, doanh nhân là những chủ doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh doanh nghiệp của mình, những người được cử hoặc được thuê đế quản lý doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ kinh doanh; trách nhiệm và lợi ích của họ gắn liền với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, mà yêu cầu đầu tiên là họ phải có đủ điều kiện để sáng tạo, không ngừng phát triển doanh nghiệp. Như vậy, nếu theo nghĩa này, giám đốc doanh nghiệp Nhà nước trong một thời gian dài trước đây không phải là doanh nhân, vì họ là công chức, lương của họ được xếp theo thang, bảng lương của công chức, họ nhận lương theo kiểu “đến hẹn lại lên”, không gắn bó với doanh nghiệp về trách nhiệm và lợi ích. Hiện nay, qua cải cách doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta đang phấn đấu đưa doanh nghiệp Nhà nước vào thị trường, cạnh tranh bình đẳng và hợp tác với các loại hình doanh nghiệp khác, thu nhập và triển vọng của giám đốc doanh nghiệp Nhà nước được quyết định bởi kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Môi trường cho sự ra đời của doanh nhân là thị trường, là nơi thực hiện sự tự do kinh doanh; hoạt động kinh doanh được tiến hành theo tín hiệu của thị trường chứ không phải là theo mệnh lệnh chỉ huy; là nơi mà những yếu tố của thị trường (sức lao động đất đai, tiền vốn) được tự do lưu chuyển trên thị trường với tư cách là hàng hóa. .. Nói cách khác, điều kiện hoạt động lý tưởng của doanh nhân là môi trường có đầy đủ các yếu tố của thị trường và cơ chế thị trường được hình thành đồng bộ. Với những điều kiện ấy, doanh nhân có thể phát huy được trí tuệ, tài năng của họ, toàn tâm toàn ý khắc phục mọi khó khăn, thu về ngày càng nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vì lợi ích của doanh nghiệp, vì sự phát triển của đất nước, song trước hết là vì lợi ích của chính họ.
Doanh nhân Việt Nam: 3 trong 1
Ở nước ta, doanh nhân là một sản phẩm đặc biệt và là một thành quả nổi bật của Đổi mới, trở thành một tầng lớp xã hội mới đã được định vị. Qua nhiều bước thăng trầm, doanh nhân nước ta, từ thân phận tội đồ, không được coi là một lực lượng kinh tế, bị cải tạo đi đến xóa bỏ, chuyển dần sang vị trí thứ dân, cũng được xếp hạng, nhưng là hạng sau, "phi xã hội chủ nghĩa", bị kỳ thị, coi khinh, bị lép vế, đến nay, doanh nhân được coi là chính dân của xã hội, hơn nữa, lại được tôn vinh. Doanh nhân trở thành một tầng lớp xã hội mới, có sứ mạng ngày càng vẻ vang, được xã hội tin cậy, gửi gắm.
Nếu như công nhận giám đốc là một nghề, thì doanh nhân Việt Nam là một chuyên gia quản lý kinh doanh; vì
(i) Doanh nhân – giám đốc doanh nghiệp là người đứng đầu ê kíp chuyên gia quản lý trong doanh nghiệp, được đào tạo và có tích lũy kinh nghiệm, được tuyển dụng hoặc thuê theo yêu cầu và được trả lương tương xứng với trách nhiệm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh;
(ii) Giám đốc là người đứng đầu cao nhất của bộ máy quản lý doanh nghiệp với hiệu lực điều hành, chỉ huy cao nhất trong doanh nghiệp, có toàn quyền sử dụng quyền hạn được giao để thực hiện các biện pháp tổ chức vật chất và con người, là đầu mối vận hành mọi hoạt động theo định hướng phát triển của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; và
(iii) Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong các quan hệ với cơ quan quản lý Nhà nước, với đối tác và khách hàng. Trên thị trường lao động, đã bắt đầu xuất hiện thị trường giám đốc; doanh nhân – giám đốc cũng chịu sự đào thải tự nhiên của thị trường.
Doanh nhân Việt Nam là một nhà trí thức. Sở dĩ cần đề cập vấn đề này vì gần đây, có nhà nghiên cứu đề xuất việc “hợp tác”, “bắt tay” giữa doanh nhân với trí thức, có vẻ như doanh nhân không phải là nhà trí thức. Nếu như trí thức là "người chuyên môn làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình" ( Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2007, tr.1599) thì doanh nhân là người "lao động trí óc và "có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp cua mình". Hơn nữa, công việc quản lý doanh nghiệp đòi hỏi nhang kiến thức chuyên môn về nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ,... và như vậy, không thể nói họ không phải là nhà trí thức.
Trí thức không phải là một giai cấp, mà là một tầng lớp. Trong xã hội mới, khi phân công lao động và thị trường lao động diễn ra ngày càng sâu sắc, cạnh tranh về nhân lực càng gay gắt, thì bất kỳ một người hoạt động trong một nghề nghiệp nào cũng phải nắm được những tri thức chuyên môn cần thiết cho nghề nghiệp của họ. Tầng lớp trí thức, ớ nước ta cũng như ở mọi nước khác, gồm nhiều loại trí thức: từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, ngành nào, lĩnh vực nào cũng có "nhà trí thức của riêng họ; mỗi loại có lĩnh vực hoạt động và cả cách thức hoạt động riêng. Các loại trí thức gần nhau thường hỗ trợ cho nhau, bổ sung cho nhau, hợp tác với nhau một cách rất tự nhiên. Trong kinh tế thị trường ngày nay, để phát triển doanh nghiệp, mỗi doanh nhân đang phải bồi bổ cho mình những kiến thức cần
thiết, qua các trường lớp hoặc tự học; do vậy họ thực sự là những doanh nhân – trí thức. Và trong kinh doanh, họ cũng rất cần hợp tác với các nhà trí thức thuộc các lĩnh vực khác, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.
Doanh nhân Việt Nam thuộc lớp người trẻ tuổi, đây là một ưu thế nổi trội của kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành tại trên 40.000 doanh nghiệp vào giữa năm 2005, thì số doanh nhân từ 30 tuổi đến 40 tuổi chiếm 25,7%; từ 41 đến 50 tuổi chiếm 31,7%; có nghĩa là số doanh nhân từ độ tuổi 30 đến 50 chiếm khoảng 57,4%. Cũng phải kể đến lớp doanh nhân cỡ tuối 20 -30 đang tỏ ra có rất nhiều triển vọng (như đã thể hiện trong Câu lạc bộ 20 - 30 của Thời báo Kinh tế Sài Gòn). Như nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy: lớp doanh nhân trẻ tuổi nước ta giàu lòng yêu nước, có ý chí kinh doanh, phần lớn được đào tạo bài bản về kiến thức quản lý và khoa học công nghệ, thực sự là những doanh nhân- trí thức trẻ tuổi đang là lực lượng chủ lực của đất nước trong công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay. Đã có nhiều dẫn chứng thể hiện tiềm năng to lớn của lực lượng doanh nhân trẻ tuổi nước ta. Nhân dân ta hoàn toàn có thể tin cậy và lực lượng hùng hậu và đang rất sung sức này.
Doanh nhân Việt Nam “3 trong l”: đó là một góc nhìn của người viết bài này trong kỳ vọng vào đội ngũ doanh nhân nước ta nhân ngày 13/10 năm nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn