Bi kịch không chỉ của thầy Khoa
“Ngày 20.11 năm ngoái, tôi bị lãnh đạo gọi sang trường đe doạ, nhục mạ ngay trước mặt hơn chục thầy cô… 14.11 vừa qua, tôi bị hai bảo vệ (của trường) vào nhà đe doạ và cướp máy ảnh. Có lẽ, đây là ngày 20.11 đau buồn nhất sau 15 năm làm thầy của tôi… Đến trường, đồng nghiệp chẳng dám hỏi han, chia sẻ… Học trò cũng không dám ngồi bên cạnh…”. Đó là tâm sự đăng trên VietnamNet của thầy giáo Đỗ Việt Khoa và đó cũng là kết cục “đương thời” của một thầy giáo được truyền thông biến thành ngôi sao sau những lá đơn tố cáo.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa dạy môn địa lý ở trường trung học phổ thông Vân Tảo, Hà Tây (giờ đây là Hà Nội). Mùa thi tốt nghiệp năm 2006, vừa đi coi thi, thầy vừa thu thập bằng chứng tố cáo các giám thị nhận tiền để bỏ qua những gian lận trong thi cử. Ngày 4.7.2006, thầy được VTV mời làm nhân vật trong chương trình Người đương thời. Ngày 12.7.2006, thầy được bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tới tận nhà tặng quà, khen ngợi. Sự kiện được bộ trưởng tới thăm đã làm cho “vợ thầy bật khóc” và thầy thì nhớ lại: “Ông (Nguyễn Thiện Nhân) mời đi dự cuộc phát động “hai không” ở TP.HCM, tôi thấy mình hừng hực khí thế, thấy mình may mắn”.
Tinh thần “hừng hực” đã biến thầy Khoa trở thành một “người hùng”, nhưng “may mắn” thì đã không xảy ra như thầy lầm tưởng. Không chỉ trở nên lẻ loi ở nơi làm việc của mình, một trường phổ thông cơ sở gần nhà còn tìm lý do để từ chối nhận con gái của thầy vào lớp một chỉ vì “các giáo viên sợ nhỡ có điều gì thầy Khoa lại đi tố cáo”. Tình cảnh ấy của thầy Khoa nhắc ta nhớ lại số phận của hai người dân bắt cướp đêm 2.4.2008 trên đường Cộng Hoà, quận Tân Bình. Đêm ấy khi bọn cướp ép xe một phụ nữ, giật điện thoại của chị thì dân chúng tri hô, hai người đàn ông là anh Tâm và anh Thanh đã cản đường và truy đuổi. Chỉ một giờ sau, bọn cướp quay lại, dùng mã tấu chém tới tấp vào đầu anh Tâm, khiến anh gục ngay tại chỗ, hôn mê sâu. Sau đó, bọn cướp kéo sang nhà anh Thanh chém anh Thanh đứt gân tay và chém ngang lưng anh Mười, một người bạn của anh Thanh, đang ngồi chơi ở đấy.
Hai câu chuyện này tưởng không có gì liên quan, nhưng vẫn gợi ra nhiều điểm chung để suy nghĩ. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa được đào tạo và được giao nhiệm vụ dạy môn địa lý cho học sinh. Sau vụ phát hiện tiêu cực ở mùa thi năm 2006, nếu như thấy khả năng chống tham nhũng của thầy nên được phát huy thì lẽ ra nên điều động thầy về làm việc ở cơ quan thanh tra giáo dục. Bởi, cho dù những gì thầy tố cáo mới đây là đúng thay vì chỉ “đúng 30%” như kết luận của thanh tra thì môn địa cũng khó lòng được dạy hay khi mà thầy cứ “thường xuyên mang theo máy ảnh và máy ghi âm để chộp lại lời của mọi người và mang đi tố cáo”.
Trong vụ cướp ở TP.HCM, anh Thanh và anh Tâm cũng đã vô cùng dũng cảm. Nhưng, hai anh không được trang bị vũ khí cũng như không được trang bị vai trò pháp lý để hành xử quyền lực công, đặc biệt là để đọ sức với những tên cướp có mang theo mã tấu. Không phải tự nhiên mà ở nhiều quốc gia, cảnh sát khuyến cáo người dân, nếu gặp cướp thì nên làm theo bất cứ yêu cầu nào của chúng. Tính mạng của anh Tâm, anh Thanh và anh Mười quý hơn chiếc điện thoại của người phụ nữ bị cướp rất nhiều. Hai anh có thể âm thầm quan sát xe cộ, hình thù của bọn cướp rồi bí mật báo cho công an thay vì manh động đương đầu để rồi bị chém.
Thật đáng buồn khi mà tiêu cực xảy ra trong các trường học được nhìn thấy rất dễ dàng chỉ bởi một thầy giáo bình thường lại không bị phát hiện và xử lý bởi các lực lượng chuyên nghiệp trong bộ máy chính quyền. Thật đáng sợ khi số vụ cướp giật bị bắt bởi dân thường lại được ghi nhận nhiều hơn những vụ cướp bị còng tay bởi cảnh sát. Nhưng không thể khắc phục tình trạng này bằng cách hô hào các thầy giáo làm thay công việc của thanh tra hay kêu gọi những người dân tay không bắt cướp. Không thể có một xã hội lành mạnh nếu như trong xã hội đó mỗi người không, trước hết, làm tốt nhiệm vụ của mình. Nếu cảnh sát hình sự không bắt cướp, thanh tra giáo dục không chấn chỉnh trật tự trong các nhà trường và các thầy giáo không chịu giảng bài thì nỗ lực của một số “người hùng” chỉ đem về bi kịch.
Có thể nhiều người vẫn tin những hành động của thầy giáo Đỗ Việt Khoa là xuất phát từ tinh thần muốn làm trong sạch môi trường giáo dục. Nhưng, những điều mà thầy Khoa phát hiện không chỉ xảy ra ở trường Vân Tảo của thầy. Muốn chấn chỉnh thì phải được tiến hành bằng những chính sách chung và thi hành bởi những cơ quan được uỷ quyền hợp pháp. Sự quả cảm của một số người trong những tình huống cụ thể là rất đáng trân trọng. Nhưng, khiến cho những người đáng trân trọng như thầy Khoa và những người bắt cướp lầm tưởng là họ có sứ mệnh liên tục hành động quả cảm thế này thì bi kịch, như đã xảy ra ở trên, là không thể nào tránh khỏi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005