Từ thi đến học
"Ngọn lửa" thầy Đỗ Việt Khoa ở Hà Tây (dũng cảm tố cáo những tiêu cực trong việc thi tốt nghiệp THPT ở một số hội đồng thi địa phương) đang bùng cháy. Việc thẩm tra, xử lý thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng với tinh thần pháp luật bất vị thân.
Ở một khía cạnh khác, việc làm của thầy Khoa làm cho chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại cơ chế thi cử và đi học hiện nay. Chuyện thi cử các cấp không còn là chuyện riêng của một ngành, thi cử đã trở thành sự quan tâm của toàn xã hội, nhưng không phải như một công việc bình thường.
Các vấn đề như đề thi, luyện thi, phao thi, giám thị và các sự cố trong các khâu và trong quá trình thi cử chưa bao giờ hết xôn xao trong dư luận xã hội và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sự lãng phí, tốn kém và sự tổn thương sức khoẻ và tinh thần do thi cử gây ra cho xã hội là những vấn đề cần nhận thức sâu sắc hơn để tìm ra và thay đổi một hướng mới tích cực hơn.
Trước hết phải nhận thấy luyện thi, phao thi và nhiều sự cố trong thi cử là do cách thi và ra đề thi gây ra. Việc đánh giá và căn cứ đánh giá chỉ qua thi là một nguyên nhân khiến cho thi là việc tối quan trọng đối với tất cả mọi người và khiến toàn xã hội phải quan tâm. Và từ đó, mọi chuyện nảy sinh.
Chương trình học và môn thi được giới hạn trong thi phải được trang bị hoặc trang bị lại một cách cấp bách. Kiến thức trong đa số học sinh, như vậy, trở thành một thứ kiến thức lâm thời và chỉ để phục vụ thi cử, nó ít khi thành tri thức hay vốn liếng văn hoá cho một công dân.
Tính chất đối phó do đặc điểm thi cử, như mấy lâu nay, góp phần đánh mất sự hiếu học với nghĩa thực của nó trong xã hội: Học không phải để đáp ứng nhu cầu nhận thức và việc xây dựng một xã hội học tập, trong môi trường thi và học như vậy, trở thành xa vời. Và vì vậy, thi (và chỉ căn cứ vào thi) để đánh giá như bấy lâu nay vẫn là môi trường duy trì quan niệm học tài thi phận.
Ngành giáo dục chưa thay đổi cách học và thi nên trong tương lai, mục đích tìm kiếm tri thức và văn hoá, nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn chưa quán xuyến toàn bộ mục đích và hành vi học tập của mọi công dân.
Cách thi và cách ra đề thi, không chỉ đối với học sinh cuối cấp và vào đại học, trong quá trình học và thi cuối kỳ, ảnh hưởng nhiều đến cách học và mục đích học của từng học sinh.
Thi cử phải trở thành phương pháp kiểm tra học lực một cách hữu hiệu và đồng thời là một cách đánh giá các cấp học và trí tuệ của từng học sinh. Đã gọi là đánh giá cho chính xác để tiếp tục đào tạo tốt hơn thì các cách đánh giá không phải là nỗi sợ uy hiếp tinh thần và sức khoẻ của người được đánh giá. Người đánh giá không phải là ngáo ộp và thi cử chỉ là một cách nhận thức về học sinh - một đối tượng phải được hưởng sự lành mạnh và tốt đẹp của giáo dục.
Thi và kiểm tra là để nhận biết đối tượng đã lĩnh hội kiến thức như thế nào cũng như các khả năng của họ, đặng tìm một phương pháp tối ưu. Mặt khác, thi và kiểm tra học sinh đồng thời cũng là để người truyền đạt nhận thức có dịp nhận thức lại về năng lực của chính mình, để từ đó tự điều chỉnh và rèn luyện trong quá trình đào tạo. Đó là hai mặt của một vấn đề thi và vì bấy lâu nay ngành giáo dục xem nhẹ một mặt, nên các nguy cơ về giáo dục đã và sẽ xuất hiện.
Ngành giáo dục quan tâm nhiều đến sách giáo khoa, nhưng nếu quan niệm về thi, cách thi và cách ra đề thi không thay đổi thì đổi mới giáo dục khó tiến bộ.
Bởi vậy, ngành giáo dục phải thay đổi vấn đề từ gốc (cơ chế thi và học) thì mới không xảy ra những chuyện tồi tệ như ở Hà Tây.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh