"Có rất nhiều ngộ nhận về khoa học"

03:33 CH @ Thứ Năm - 30 Tháng Mười, 2014

Gặp GS Nguyễn Văn Trọng ở các buổi giới thiệu tác phẩm của NXB Tri Thức, nhiều người lấy làm ngạc nhiên vì ông là một nhà vật lý lý thuyết mà đồng thời lại là dịch giả của hai cuốn sách kinh điển nổi tiếng thời kỳ Khai sáng của nhà triết học Anh John Stuart Mill.

Đó là cuốn "Bàn về tự do" và "Chính thể và đại diện" (cuốn sau dịch chung với Bùi Văn Nam Sơn). Có thể nói, đây là hai tác phẩm giữ vị trí quan trọng trong tư tưởng phương Tây, đã được dịch ở Nhật từ thời Canh tân Minh Trị và ở Trung Quốc thời Phong trào Ngũ Tứ. Hiện nay các tác phẩm ấy vẫn thường được trích dẫn trong các nghiên cứu và độc giả vẫn có thể tìm thấy ở đó những gợi ý giải thích cho các vấn đề đương đại.

Vì sao ông chọn dịch hai cuốn sách này?

- Tôi tự nhận xét mình là người có tính cách hướng nội, hay băn khoăn với một số câu hỏi nhân sinh, vì vậy thường mò mẫm tìm đọc các tác phẩm có thể giải đáp cho mình những băn khoăn ấy. Tôi thấy hai tác phẩm đó của J.S. Mill giải đáp cho tôi nhiều điều nên đã dịch ra tiếng Việt để chia sẻ với những ai có những băn khoăn tương tự.

Đây là lĩnh vực tôi không hiểu biết nhiều và tiếng Anh cũng không phải là ngôn ngữ mà tôi nắm vững, nhưng tôi vẫn liều lĩnh ráng làm công việc dịch thuật vì hai tác phẩm ấy đã gây cho tôi ấn tượng rất mạnh. "Bàn về tự do" nói về tương quan giữa con người và xã hội; J.S. Mill khẳng định sự cần thiết phải có một không gian tự do cho sự phát triển con người cá nhân để tạo ra một xã hội phát triển hạnh phúc và hài hoà.

Tác giả nêu ra ranh giới mà xã hội không nên vượt qua trong việc can thiệp vào cuộc sống của cá nhân để cá nhân có thể phát triển bản ngã của mình. Ông không đòi quyền tự do cho cá nhân vì bản thân cá nhân mà vì lợi ích của xã hội. Cuốn thứ hai bàn về chính thể đại diện và giải thích bản chất của nền dân chủ là gì.

Gần đây tôi mới hoàn thành bản dịch một cuốn sách nhỏ của R.P. Feynman với nhan đề "The Meaning of It All" (Ý nghĩa mọi thứ trên đời). Richard P. Feynman là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ được trao giải Nobel. Cuốn sách là ghi chép ba bài nói chuyện của ông với sinh viên đại học trình bày những suy tư của ông về nhiều vấn đề nhân sinh.

Tất cả các bản dịch của tôi đều do NXB Tri thức ấn hành. Nhân đây tôi muốn nói lời cảm ơn với GS Chu Hảo cùng các cộng sự của ông trong NXB Tri Thức vì nếu không có sự ủng hộ đầy chân tình của họ thì chưa chắc các bản dịch của tôi đã đến được với độc giả.

Điều gì khiến ông tin rằng những vấn đề cuốn sách đặt ra cách đây gần 150 năm có thể giúp chúng ta lý giải một số vấn đề tư tưởng của hôm nay?

- Các khái niệm tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp đã quen thuộc với người VN từ các thế hệ trước tôi. Tuy nhiên tôi thấy hình như đa số người Việt tiếp nhận các khái niệm ấy theo cảm tính thông qua các tiểu thuyết của văn học Pháp thế kỷ XIX chứ chưa nhận thức những khái niệm ấy thông qua các suy tư triết học. Vì vậy đã có nhiều suy đoán không chính xác.

Rất nhiều người (và tôi trước đây cũng vậy) cứ hiểu hàm hồ tự do là "muốn làm gì thì làm". Vì vậy bàn về tự do thì ai cũng răn bảo: "Tự do cũng phải có giới hạn, đâu phải muốn làm gì thì làm". Rồi hình thành định kiến là văn hoá phương Tây thiên về đòi hỏi quyền con người cá nhân, còn phương Đông chúng ta thiên về đòi hỏi bổn phận và nghĩa vụ. Nhưng khi tôi đọc J.S. Mill mới thấy định kiến ấy là hoàn toàn sai.

Tác phẩm "Bàn về tự do" chủ yếu nói về bổn phận và nghĩa vụ của mọi người phải tôn trọng không gian tự do của con người cá nhân trong những vấn đề riêng tư của cá nhân, đồng thời có bổn phận và nghĩa vụ tôn trọng các quy tắc công cộng trong những vấn đề liên quan đến lợi ích của xã hội.

Chính vì thế, tôi hiểu được ý nghĩa công cuộc vận động của cụ Phan Chu Trinhvà phong trào Duy Tân thuở trước. Tôi rất kính phục các cụ tiền bối đã sớm nhận thức được vấn đề là: Nếu không biến đổi văn hoá của dân chúng trở thành văn minh, thì không thể nào xây dựng được một xã hội tốt đẹp, dù có giành được độc lập dân tộc đi chăng nữa.

Ông cho rằng hiện nay, ở ta vẫn còn nhiều sự ngộ nhận và hiểu lầm về khoa học (KH). Vậy nguyên nhân sâu xa là ở đâu?

- KH không phải là sản phẩm của nền văn hoá phương Đông mà được du nhập từ bên ngoài vào. Ban đầu ta không hiểu rõ nó là điều bình thường. Nhưng tôi băn khoăn là chúng ta hội nhập với thế giới đã nhiều năm rồi, lẽ ra những ngộ nhận về KH đã phải được giải đáp từ lâu. Mục đích của hoạt động KH hướng đến những khám phá nhận thức mà hoàn toàn không có mục đích ứng dụng. Những khám phá vật lý học dẫn đến các phát minh công nghệ là hệ quả bất ngờ đối với chính các nhà vật lý.

Thành quả công nghiệp hoá nền kinh tế khiến cho cộng đồng các nhà KH được xã hội tôn vinh và Nhà nước quan tâm đến công việc của họ nhiều hơn; nhưng cũng chính vì vậy mà sinh ra sự lẫn lộn giữa KH và công nghệ (CN) khiến cho xã hội chỉ kỳ vọng ở các nhà khoa học sự đóng góp vào ứng dụng CN mà thôi.

Hoạt động KH thời nay đòi hỏi nhiều thiết bị tốn kém do ngân sách nhà nước gánh vác mà ở các chế độ dân chủ được xem là tiền đóng thuế của dân chúng. Các nhà KH phải thuyết phục công luận về tính hữu ích của dự án KH. Tuy nhiên, tính hữu ích của kết quả nghiên cứu KH là không thể "quy hoạch" trước được. Vì vậy đây là một tình thế nan giải. Tình thế này đòi hỏi các nhà KH đầu ngành phải có đạo đức nghề nghiệp rất cao để có thể duy trì hoạt động KH được trung thực.

Vấn đề khó khăn của VN lại có thực chất khác biệt và phức tạp hơn nhiều vì các nhà KH VN hoạt động nghề nghiệp như các viên chức nhà nước trong bộ máy sự nghiệp. Các thủ trưởng của họ là do Chính phủ bổ nhiệm xuống để quản lý họ giống như quản lý các viên chức hành chính. Các vị thủ trưởng ấy thường xuất thân từ các nhà KH, nhưng khi trở thành nhà quản lý thì buộc phải xa rời hoạt động nghề nghiệp vì họ không phải là thánh thần có ba đầu sáu tay để một lúc làm tốt được cả hai công việc. Họ chạy đi chạy lại giữa hai cộng đồng có bản chất nghề nghiệp rất khác nhau.

Rốt cuộc một số nhỏ thích nghi được với công việc quản lý và trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp, danh hiệu nhà KH là chuyện của quá khứ. Họ được xã hội ngộ nhận như là nhà KH thành đạt. Số đông còn lại tiếp tục ở trong trạng thái nhập nhằng và tôi e rằng chính họ cũng không biết mình đang muốn gì.

Thời trước, chúng ta đã có một tầm nhìn xa khi gửi một lớp nhà KH sang Liên Xô đào tạo, với những tên tuổi như GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Phạm Duy Hiển... Nhưng tại sao xã hội lại không cảm nhận được thành tựu mà thế hệ vàng này mang lại, thưa ông?

- Các nhà KH thế hệ chúng tôi không tạo ra được thành tựu gây ấn tượng cho xã hội vì hai lý do. Một là thành tựu mà xã hội kỳ vọng nơi các nhà KH - vốn còn rất non trẻ trong nghề nghiệp - vừa không hợp lý lại vừa không đúng chỗ. Xã hội kỳ vọng các nhà KH đem đến các ứng dụng công nghệ để cải thiện đời sống vật chất cho xã hội.

Nhưng đây là trách nhiệm của những người chi phối nền kinh tế chứ không phải của các nhà KH. Hoạt động KH mang tính chất văn hoá là chủ yếu. Tuy nhiên, các nhà KH thế hệ chúng tôi cũng có trách nhiệm rất lớn trong chuyện này. Chúng tôi đã không nhận thức đúng được thực chất của hoạt động KH. Chúng tôi đã rất cố gắng học tập chuyên môn và nhiều người cũng đạt được những thành tựu nhất định trong nghiên cứu khoa học.

Khó khăn là KH hiện đại bị chia nhỏ thành các lĩnh vực chuyên sâu, khiến cho những người giỏi nhất trong chúng tôi cũng chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Chúng tôi đã không ý thức được một cách minh triết các đặc thù của hoạt động KH để truyền đạt cho thế hệ tiếp sau. Nhiều người trong chúng tôi chân thành mong muốn đáp ứng kỳ vọng "ứng dụng công nghệ" của xã hội dưới mỹ từ "đem KH vào cuộc sống". Họ rời bỏ công việc KH theo chuyên ngành được đào tạo để lao vào các công việc vốn thuộc chuyên ngành khác. Những thất bại của họ không đáng bị chê trách, nhưng phải là những bài học để suy ngẫm.

Chúng tôi đã không nhận thức được rằng nghiên cứu KH chính là một phương diện của bản thân cuộc sống để nhìn ra trách nhiệm của thế hệ các nhà KH đầu tiên là chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo trong việc xây dựng nền KH quốc gia. Dưới các áp lực xã hội chúng tôi đã tự tha hoá mình theo những cung cách khác nhau.

Xin ông nói rõ thêm về các nhà KH thế hệ của ông đã hình thành và hoạt động ra sao?

- Trong hoàn cảnh chiến tranh, chính phủ nước ta lúc đó đã có chủ trương sáng suốt là gửi một số đông học sinh tốt nghiệp phổ thông sang một số nước để đào tạo đại học và sau đại học với tầm nhìn xa cho việc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Năm 1960, nhóm sinh viên đông đảo đầu tiên được gửi đi có số lượng lên đến hàng ngàn. Cần nhớ rằng lúc đó trên toàn miền Bắc số trường trung học có đủ bậc học cho đến tú tài còn đếm trên đầu ngón tay.

Trước đó đã có rải rác một số học sinh được gửi đi đào tạo, nhưng số lượng không đông như vậy. Việc đào tạo như thế được duy trì trong nhiều năm, nhờ đó mà vào khoảng năm 1970, nước ta đã thành lập được một số viện nghiên cứu như Viện Vật lý, Viện Toán học..., các trường đại học đã có một đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản. Vì sao dư luận xã hội hôm nay lại có nhiều ý kiến chê trách đội ngũ này đã không để lại được một di sản có giá trị bền vững cho thế hệ tiếp theo?

Đây là câu hỏi cần phải trả lời một cách cẩn trọng và nghiêm túc, không phải nhằm tìm xem kẻ nào có tội, mà để rút kinh nghiệm cho việc kiến tạo nền KH tương lai. Điều cần thiết là phải hiểu đầy đủ những đặc thù lịch sử của thời kỳ đó.

Đáng tiếc thế hệ ngày nay có vẻ như không hiểu biết gì nhiều về hoàn cảnh lịch sử của thế hệ chúng tôi, hình như họ cứ tưởng rằng chúng tôi đã trải qua cuộc sống trong những điều kiện giống như họ hiện nay. Bức tranh lịch sử về xã hội thời chúng tôi có vẻ như sẽ đi vào quên lãng, giống như thế hệ chúng tôi cũng đã rất thiếu hiểu biết về thời kỳ Pháp thuộc.

Xin cảm ơn giáo sư.

GS-TS Nguyễn Văn Trọng, sinh năm 1940. Sang Liên Xô học năm 1960. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kiev năm 1965 với chuyên ngành vật lý lý thuyết. Bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học năm 1968 tại Kiev, sau đó làm cộng tác viên khoa học của Viện Vật lý lý thuyết Kiev. Năm 1970 về VN, làm việc tại Viện Vật lý. Năm 1984 bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Kiev. Trong khoảng thời gian 1987-2002 có một số chuyến đi làm viêc ngắn tại Viện Vật lý lý thuyết thuộc Đại học Stuttgart (CHLB Đức - 1987, 1991, 1995, 1998, 2000, 2002) và tại Đại học Moncton (Canada - 1992).

Được Nhà nước phong hàm PGS (1984) và (1991). Đã có 30 công trình nghiên cứu KH được công bố trên các tạp chí KH nước ngoài. Đã có nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vấn đề KH và văn hoá, là tác giả của tiểu luận "Khảo luận về khoa học" (giới thiệu một số khảo sát triết học đối với hoạt động khoa học), trong tập sách nhiều tác giả "Einstein, dấu ấn trăm năm", NXB Trẻ (2005).

Nguồn:Lao Động
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khoa học và huyền môn

    17/10/2019GS.TS Y khoa Đoàn Xuân Mượu“Sau đêm dài trung cổ và 15 thế kỉ sau Công nguyên, các mầm mống khoa học bị đè bẹp bởi thế lực tôn giáo. Từ thế kỉ 15 bắt đầu thời kì văn hóa Phục Hưng châu Âu, động lực cho các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai. Nhưng hình như khoa học chưa bao giờ tách hoàn toàn ra khỏi những điều thần bí!”
  • Làm khoa học

    27/08/2017Hồ Ngọc ĐạiKhi đã có hàng chục tiến sĩ, hàng nghìn phó tiến sĩ, hàng chục vạn người có trình độ Đại học, thì đất nước đã có cái lót ở dưới cùng nền văn minh, làm móng vững chắc cho ngôi nhà khoa học được xây dựng trên nền tảng ấy. Chúng ta đã qua thời kỳ đổ móng ồ ạt và bây giờ đã đến lúc xây dựng có lớp lang, nghĩa là phải có cách tổ chức thích hợp. Trong bài này, tôi chỉ bàn tới cách tổ chức thích hợp với những người làm khoa học.
  • Quan hệ nhân quả trong khoa học

    16/01/2018Trần Văn ToànKhi nói đến quan hệ nhân quả có lẽ ít ai tưởng tượng được rằng đó là một vấn đề rất phức tạp. Phức tạp là vì nhiều lý do...
  • Sai lầm, rủi ro trong khoa học phương Tây và đổi mới tư duy về khoa học ở Việt Nam

    14/08/2016Lê Ngọc HùngTrong bài viết này, tác giả đã tập trung luận giải: 1) Vấn đề phán xét các sai lầm trong khoa học; 2) Việc phân loại các sai lầm trong khoa học; 3) Bản chất của các sai lầm thuần túy khoa học; 4) Vấn đề dân chủ hóa trong khoa học và trách nhiệm công dân của nhà khoa học; 5) Sai lầm thuần tuý khoa học và đổi mới tư duy về khoa học ở Việt Nam.
  • Vài ngộ nhận về khoa học thường gặp

    02/07/2016Nguyễn Văn TrọngỞ nước ta hầu như mọi người chỉ thấy giá trị của khoa học ở những ứng dụng công nghệ thiết thực cho đời sống vật chất, cho nên người ta chỉ quan tâm đến tác dụng kinh tế của khoa học. Sự thực lịch sử cho thấy khoa học xuất hiện trước tiên ở phương Tây như một loại hình hoạt động văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của con người...
  • Khách quan khoa học trong phê phán phản biện

    28/06/2016Hà YênSự phát hiện những công năng bí ẩn, những hiện tượng dị thường ở con người, được thông tin khá nhiều trong những năm gần đây, không còn là sự đồn đoán, mà là một thực tại đang hiện hữu không chỉ có ở nước ta. Dư luận xã hội phản ứng với hai thái cực : một bên cho rằng đó là một thực tại khoa học, mà lý thuyết khoa học, Vật lý học, hiện nay chưa thể vươn tới, Cần tổ chức khảo sát, trắc nghiệm khách quan và khuyến khích phát triển. Một bên thì coi đó là biến tướng của mê tín dị đoan, đòi phủ định tất cả.
  • Khoa học về cái phức tạp

    28/03/2016Phan Đình DiệuViệc phát hiện ra các hiện tượng hỗn độn hay các fractal, đã tạo ra một “khoa học mới”, khoa học về các hệ thống phức tạp, và nhìn trước rằng đó sẽ là khoa học của thế kỷ 21. Thế giới tự nhiên và xã hội hiện ra trước mắt ta phức tạp hơn rất nhiều những gì mà “khoa học” đã hình dung trước đó, đầy những hỗn tạp thiên nhiên và cát bụi trần thế...
  • Tư duy khoa học

    27/10/2015Tư duy khoa học là giai đoạn cao, trình độ cao của quá trình nhận thức, được thực hiện thông qua một hệ thống các thao tác tư duy nhất định trong đầu óc của các nhà khoa học (hoặc những người đang sử dụng các tri thức khoa học và vận dụng đúng đắn những yêu cầu của tư duy khoa học) với sự giúp đỡ của một hệ thống “công cụ" tư duy khoa học nhằm "nhào nặn các tri thức tiền đề, xây dựng thành những tri thức khoa học mới...
  • Khoa học thế kỷ XXI: Vượt ra ngoài quy giản luận

    16/03/2015Đặng Mộng LânChúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ được chờ đợi sẽ xuất hiện cuộc cách mạng khoa học mới. Cuộc cách mạng khoa học lần thứ ba này sẽ là như thế nào?
  • Cách mạng khoa học - sự thay đổi khuôn mẫu (Paradigm)

    03/02/2015Đặng Mộng LânCuốn sách "The Structure of Scientific Revolutions” của Thomas S. Kuhn ra đời năm 1962 làm rõ bản chất của khái niệm “cách mạng khoa học" mà những cách hiểu trước đó chưa thể xem là thích hợp. Công trình này đã đưa ra một hình ảnh rõ ràng và đơn giản về sự phát triển của khoa học: Một khuôn mẫu (paradigm) (một cấu trúc cơ bản ổn định nảy sinh từ một số khám phá được chấp nhận bởi cộng đồng khoa học) xuất hiện rồi bị thay thế bởi một khuôn mẫu mới...
  • Về sự suy thoái của khoa học

    14/09/2013Nguyễn Trần BạtSự suy thoái của khoa học và những phương pháp nghiên cứu của nó không phải là điều hoàn toàn mới mẻ. Khoa học là tư duy dựa trên các khái niệm, điều đó ai cũng biết. Nhưng đời sống xã hội phát triển nhanh đến mức các khái niệm lạc hậu dần, và trong thời đại ngày nay, chúng lạc hậu từng ngày so với đời sống...
  • Khoa học cứng và khoa học mềm

    03/12/2010Laurent Mucchielli, Đặng Mộng Lân dịchKhoa học cứng và khoa học mềm: khác nhau về đối tượng giữa khoa học về tự nhiên và các khoa học về con người và xã hội, nhưng cùng một phương pháp tiến hành...
  • Cái nhìn đường hầm của khoa học

    01/08/2009M.Scott PeckĐôi khi các bác sĩ tâm bệnh gặp những bệnh nhân bị rối loạn thị giác rất lạ; những bệnh nhân này chỉ có thể thấy một vùng rất hạn hẹp ngay trước mặt họ. Họ không thể thấy bất cứ cái gì ở bên trái, hoặc bên phải, bên trên hoặc bên dưới cái tiêu điểm hạn hẹp của họ. Họ không thể thấy hai vật gần kề nhau đồng thời một lúc, họ chỉ có thể thấy một lúc một vật mà thôi và phải quay đầu nếu phải nhìn một vật khác. Người ta so sánh triệu chứng này với việc nhìn xuôi theo một đường hầm, chỉ có thể thấy một vòng tròn sáng rõ nhỏ ở cuối đường hầm.
  • Tận cùng của khoa học phải chăng là tâm thức

    14/02/2009Cao Minh ToànTâm thức và khoa học là hai phạm trù nghe có vẻ dường như phủ định nhau, nhưng sự phát triển của khoa học không làm mất đi sức ảnh hưởng của tâm thức đến con người, mà hơn thế nữa sự tận cùng của khoa học có lẽ lại chính là tâm thức.
  • Sự bất định của khoa học và các giá trị

    03/12/2008Nguyễn Văn Trọng dịchQuy luật cũ có thể không đúng. Làm sao mà một quan sát lại có thể không đúng? Nếu nó đã được kiểm tra cẩn thận, làm sao lại có thể sai? Tại sao các nhà vật lý lại cứ luôn thay đổi các quy luật? Câu trả lời là: thứ nhất, các quy luật không phải là những quan sát, và thứ hai, các thí nghiệm luôn luôn không chính xác.
  • Khoa học "rởm" và căn bệnh hiếu danh

    17/03/2008Trần Ngọc TrungChức danh giáo sư là một danh hiệu cao quý, do nhà nước phong tặng, thể hiện sự ghi nhận những thành quả và cống hiến to lớn đối với nhà khoa học nào đó trên từng lĩnh vực cụ thể. Người được phong chức danh giáo sư cũng thường được xã hội đề cao, coi trọng. Trong các hội thảo, trên giảng đường..., sự xuất hiện của một giáo sư luôn được đón nhận với niềm hứng khởi và lòng kính trọng...
  • Phép phản biện trong khoa học

    07/09/2006Nguyễn Văn TuấnPhép biện chứng là phương cách tiến hành những thực nghiệm không phải để xác minh mà để phê phán các lý thuyết khoa học và có thể coi đây như là một nền tảng cho khoa học thực thụ. Nó đánh đổ những cách hiểu cố hữu đương thời cho rằng khoa học chỉ dựa trên phép quy nạp hợp lý và xác minh bằng thực nghiệm...
  • Khoa học với văn hóa

    18/04/2006Phan KhôiÝ nghĩa của văn hóa, xưa nay các nhà học vấn vì cuộc biến thiên của thời đại và nghệ thuật, dụng công giải thích rất nhiều, không thể dùng một vài lời mà thuật lại cho hết. Những lời giải thích trọng yếu về gần nay phần nhiều cho là: "phàm chủ nghĩa nào có thể trừ được sự chướng ngại cho loài người và tăng tiến được nền hạnh phúc của loài người, tức là văn hóa"...
  • Các giới hạn khoa học

    12/12/2005Jean Fourastié, Đặng Mộng Lân dịch... tác giả đã chỉ ra các giới hạn kinh điển trong đó nêu rõ phần lớn thực tại cảm quan bị tuột khỏi lập luận thực nghiệm (bản chất của sự vận động khoa học) trước khi chuyển sang “Suy nghĩ về các giới hạn khác”...
  • xem toàn bộ