Vài ngộ nhận về khoa học thường gặp
Ở nước ta hầu như mọi người chỉ thấy giá trị của khoa học ở những ứng dụng công nghệ thiết thực cho đời sống vật chất, cho nên người ta chỉ quan tâm đến tác dụng kinh tế của khoa học. Từ đó mới có cái nhìn các nhà khoa học như một thứ nhân lực kinh tế được phân loại một cách hình thức là lao động trí óc. Sự thực lịch sử cho thấy khoa học xuất hiện trước tiên ở phương Tây như một loại hình hoạt động văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của con người.
Hầu như mọi người đều có thể bàn luận về khoa học và lẽ dĩ nhiên tất cả đều cho rằng mình hiểu khoa học là gì. Những người ngoài giới khoa học thường cho rằng ít nhất các nhà khoa học cũng phải là người có thể dễ dàng định nghĩa được khoa học. Thế nhưng chính các nhà khoa học thì lại thể đưa ra những định nghĩa khác biệt nhau đáng kể, tùy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu cũng như chiều sâu văn hóa của mỗi người. M. Shermer, người xuất bản tạp chí Skeptic (Người hoài nghi), định nghĩa khoa học là: “Một tập hợp các phương pháp trù tính nhằm mô tả và diễn giải các hiện tượng được quan sát hay suy diễn [xảy ra] trong quá khứ hay hiện tại, và có mục đích xây dựng một khối tri thức có thể kiểm tra, để ngỏ cho việc bác bỏ hay xác nhận”. Định nghĩa này được nhiều nàh khoa học chấp nhận là hợp lý. Thế nhưng định nghĩa này lại để ngỏ một khái niệm mấu chốt: “tập hợp các phương pháp” khoa học. M. Shermer cũng thừa nhận rằng định nghĩa “phương pháp khoa học” thế nào là chuyện rất khó. Người ta viết khá nhiều về phương pháp khoa học, nhưng không có mấy đồng thuận giữa các tác giả. Điều này không có nghĩa là các nhà khoa học không biết mình làm cái gì, mà chỉ có nghĩa rằng: làm một công việc và giải thích việc làm của mình là hai chuyện khác nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều đồng ý với nhau rằng những yếu tố như sau đây có quan hệ mật thiết với tư duy khoa học:
- Quy nạp: hình thức giả thuyết bằng cách phác họa những kết luận tổng quát từ những dữ liệu hiện hữu
- Diễn dịch: diễn dịch ra những tiên đoán nhất định từ các giả thuyết tiên đề
- Quan sát: thu thập dữ liệu từ việc quan sát các hiện tượng trong tự nhiên hay từ các thí nghiệm
- Kiểm chứng: So sánh dữ liệu thực tiễn với các tiên đoán được diễn dịch từ tiên đề để xác nhận hay bác bỏ các giả thuyết.
Nhiều người coi tri thức khoa học là một chân lý bất biến, được các nhà khoa học uy tín khám phá ra một lần cho mãi mãi. Một lý thuyết được công nhận là khoa học dường như là đòng nghĩa với việc không thể hồ nghi về tính chân lý của nó.
Sự thực không phải như vậy: lý thuyết khoa học hình thành như một quá trình không ngừng tương tác giữa việc quan sát, phác thảo kết luận, đưa ra tiên đoán, rồi kiểm tra lại bằng chứng xem có phù hợp hay không. Dù cho việc kiểm chứng cho thấy kết quả phù hợp thì vẫn không thể khẳng đinh tính chân lý của lý thuyết, bởi vì không ai biết được liệu lần kiểm chứng sắp tới có cho kết quả phù hợp hay không. Đó chính là tính khả dĩ kiểm sai (falsifiability) nổi tiếng của K. Popper. Hơn thế nữa, các nhà khoa học thực hiện các công việc này đều là những người trần thế, sống trong những điều kiện văn hóa nhất định, nên việc nghiên cứu khoa học của họ không thể độc lập hòan toàn với những điều kiện ấy. Tuy nhiên, tri thức khoa học vẫn được coi trọng và tin tưởng vì tính chất “có thể kiểm tra” và tính chất “để ngỏ cho việc bác bỏ hay xác nhận”. Một lý thuyết không thể bác bỏ hay xác nhận. Một lý thuyết không thể kiểm tra và không để ngỏ cho việc bác bỏ hay xác nhận, nhưng lại bắt mọi người phải tuyệt đối tin tưởng thì không phải là lý thuyết khoa học mà giống như một lý thuyết tôn giáo.
Những người trí thức tự nhận trách nhiệm đối với cuộc sống tinh thần của dân tộc cần phải hiểu biết tôn giáo ở mức độ trí tuệ cao hơn những định kiến tầm thường. |
Ở nước ta hầu như mọi người chỉ thấy giá trị của khoa học ở những ứng dụng công nghệ thiết thực cho đời sống vật chất, cho nên người ta chỉ quan tâm đến tác dụng kinh tế của khoa học. Từ đó mới có cái nhìn các nhà khoa học như một thứ nhân lực kinh tế được phân loại một cách hình thức là lao động trí óc. Sự thực lịch sử cho thấy khoa học xuất hiện trước tiên ở phương Tây như một loại hình hoạt động văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của con người. Chính vì cùng chung mục đích ấy mới hình thành cộng đồng những người thực hành nghiên cứu khoa học, chia sẻ với nhau những giá trị văn hóa và những quy tắc nghề nghiệp nhất định. Các thànhcông của khoa học làm xuất hiện nền kinh tế công nghiệp chỉ là hệ quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng không phải là cứu cánh của khoa học. Một thí dụ: toàn bộ công nghệ vi điện tử hiện nay dựa trên những thành tựu của lý thuyết lượng tử trong vật lý, song các nhà vật lý sáng lập nên những thành tựu của lý thuyết này không hề đặt ra mục tiêu “ứng dụng công nghệ” ấy trong nghiên cứu khoa học của họ, thậm chí họ còn không ngờ tới những ứng dụng công nghệ như thế. Cái nhìn đơn thuần “kinh tế” về hoạt động khoa học khiến người ta coi rẻ giá trị văn hóa của hoạt động khoa học, dẫn tới sự giảng dạy méo mó các tri thức khoa học trong nền giáo dục. Người ta không quan tâm truyền đạt tinh thần ham mê truy tầm chân lý kết hợp với tính trung thực như đòi hỏi tuyệt đối của đạo đức nghề nghiệp mà các nhà khoa học thể hiện trong quá trình khám phá quy luật tự nhiên, mà lại quy giản khoa học thành những giáo điều “hữu ích” cần thiết phải nhồi nhét cho người học để họ trở thành một loại nhân lực có hiệu quả cho nền kinh tế.
Niềm tin khác nhau về tôn giáo của các nhà khoa học không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động nghề nghiệp khoa học của họ, nên không thể coi khoa học và tôn giáo là những thứ loại trừ nhau.. |
Nhiều người coi khoa học và tôn giáo là những thứ chống đối nhau và loại trừ nhau. Họ tưởng rằng các nhà khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên, nhất thiết phải là những người vô thần. Những hiểu lầm này phần nhiều dựa vào những sự kiện lịch sử như các vụ án do tòa án chống dịa giáo của Giáo hội Kitô giáo đàn áp các nhà khoa học (như Bruno và Galileo) thời Trung cổ và những chống đối của Giáo hội đối với học thuyết Darwin thời kỳ vừa qua. Ngoài ra, những khám phá của các nhà khoa học về các quy luật của tự nhiên khiến cho người ta không còn tin được vào những chuyện kể về các điều thần diệu chứa đựng trong các học thuyết tôn giáo. Tuy nhiên, những sự kiện kỳ thị tri thức khoa học chỉ chứng tỏ tính chuyên chế và bảo thủ của Giáo hội trong các thời kỳ khác nhau. Những chuyện kể về những điều thần diệu của tôn giáo không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa thô thiên mà có thể hiểu với ý nghĩa của ngôn ngữ biểu trưng. Những nhà khoa học lớn như Kepler, Newton, Leibniz… đều là những người sùng đạo. Ngày nay, các nhà khoa học là tập hợp những người rất khác biệt nhau về thái độ đối với tôn giáo, bao gồm từ những người sùng đạo cho đến những người vô thần. Điều này chứng tỏ rằng niềm tin khác nhau về tôn giáo của các nhà khoa học, không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động nghề nghiệp khoa học của họ, nên không thể coi khoa học và tôn giáo là những thứ loại trừ nhau. Cần phải nhận xét rằng các tín đồ cùng thuộc một tôn giáo cũng có thể rất khác nhau về quan niệm sùng đạo, tùy thuộc vào trình độ văn hóa của mỗi người.
Do hoàn cảnh đặc thù của lịch sử cận đại nước ta, nhiều người không có cái nhìn thiện cảm đối với những người công khai bày tỏ tín ngưỡng tôn giáo. Những người tự cho mình là vô thần thường không mấy quan tâm đến việc thấu hiểu tôn giáo mà tự bằng lòng với những định kiến ít nhiều khinh bạc đối với các tín ngưỡng. Hơn hai chục năm đổi mới đã làm thay đổi xã hội nước ta rất nhiều. Sự tăng trưởng GDP đi kèm với sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo cùng với sự đa dạng của những bi kịch đời thường – những bi kịch không chỉ thuộc về riêng những người nghèo khó. Những người bị thương tổn tinh thần thường tìm đến tôn giáo để có được sự bình an cho tâm hồn. Những người trí thức tự nhận trách nhiệm đối với cuộc sống tinh thần của dân tộc cần phải hiểu biết tôn giáo ở mức độ trí tuệ cao hơn những định kiến tầm thường. Max Planck (1858-1947), một nhà khoa học lớn, một trong những người sáng lập nên vật lý lượng tử, một trí thức đầy tinh thần trách nhiệm của nền văn hóa Đức khẳng định khoa học và tôn giáo có thể sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh xây dựng xã hội văn minh và hài hòa.
“Tôn giáo là mối liên hệ ràng buộc con người với Thượng đế của anh ta. Mối liên hệ này đặt trên nền tảng một sự khiêm nhường kính cẩn trước quyền lực siêu nhiên mà toàn bộ đời sống con người là thần dân [của quyền lực này], quyền lực siêu nhiên ấy kiểm soát mọi vết roi trên da thịt và mọi nỗi thống khổ [của con người]. Nỗ lực không ngừng và mục đích tối thượng của con người tôn giáo là được hòa hợp với quyền lực ấy và được hưởng ân huệ tốt lành của nó. Chỉ có bằng cách đó anh ta mới có thể được bảo hộ khỏi những mối hiểm nguy tiên liệu được hay không tiên liệu được – những mối nguy hiểm đe dọa anh ta trong cuộc đời trần thế, và anh ta mới có thể được hưởng niềm hạnh phúc thuần khiết nhất trong mọi niềm hạnh phúc, ấy là sự an bình ở bên trong tâm trí và linh hồn, sự an bình chỉ đạt được bằng mối liên hệ vững chắc với Thượng đế và bằng niềm tin đầy tin cậy vào sức mạnh toàn năng và lòng nhân từ của Người. Theo nghĩa ấy tôn giáo bắt nguồn từ lương tâm của con người cá nhân.”
(Trích đoạn trên được lấy từ tác phẩm Tự truyện khoa học (Scientific Autobiography) của Max Plank)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn