Khoa học "rởm" và căn bệnh hiếu danh
Chức danh giáo sư là một danh hiệu cao quý, do nhà nước phong tặng, thể hiện sự ghi nhận những thành quả và cống hiến to lớn đối với nhà khoa học nào đó trên từng lĩnh vực cụ thể. Người được phong chức danh giáo sư cũng thường được xã hội đề cao, coi trọng. Trong các hội thảo, trên giảng đường..., sự xuất hiện của một giáo sư luôn được đón nhận với niềm hứng khởi và lòng kính trọng...
Khi cần phản biện một chính sách, một đề án nào đó, người ta cũng nghĩ ngay tới việc tham khảo ý kiến của các giáo sư. Bước vào thư viện hoặc hiệu sách, những cuốn sách do các giáo sư viết bao giờ cũng rất được chú ý... Nói vậy để thấy thêm sự quan trọng của chức danh giáo sư trong cả khoa học lẫn đời sống xã hội.
Chắc hẳn vì những lý do nói trên mà hiện nay, có một thực trạng đáng buồn là không ít nhà khoa học đã cố tình gian dối, làm mọi cách để được phong giáo sư. Thời gian qua, báo Đại Đoàn Kết cũng đã nhiều lần lên tiếng về thực trạng này qua những bài viết về hành vi gian lận khoa học của hai ông Giám đốc và Phó giám đốc Học viện Hành chính (thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). Hai vị lãnh đạo cao nhất của trung tâm đào tạo cán bộ, công chức hàng đầu này đã cố tình “biến công trình tập thể thành sách cá nhân” để đưa vào hồ sơ xin phong tặng giáo sư. Sau đó, chỉ có ông Phó giám đốc Đinh Văn Tiến được phong giáo sư, còn ông Nguyễn Trọng Điều bị "đánh trượt".
Việc ông Tiến được phong Giáo sư cũng khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về năng lực thẩm định của Hội đồng chức danh Giáo sư ở cả 3 cấp (cơ sở, liên ngành, nhà nước). Thậm chí, trước và sau khi ông Tiến được phong giáo sư, dư luận đã nhiều lần lên tiếng bất bình về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến ông trong công tác tuyển sinh và đào tạo tại Học viện Hành chính. Tì vết đầy mình như thế, nhưng không hiểu sao ông Tiến vẫn được phong tặng danh hiệu cao quý nhất trong khoa học do Nhà nước phong tặng. Do vậy, đến khi vụ biến công trình khoa học tập thể thành sách cá nhân của ông Tiến bị vỡ lở, dư luận không hề thấy sốc mà chỉ thấy buồn trước sự thiếu công tâm của một số nhà khoa học đầu ngành được bầu vào 3 hội đồng "sát hạch" giáo sư. Sự im lặng của cả 3 hội đồng này vô hình trung tiếp tay cho hành vi gian lận khoa học, làm tổn hại đến danh hiệu cao quý nhất của nhà làm khoa học và khiến cho những nhà khoa học chân chính phải cảm thấy hổ thẹn vì bị xã hội nhìn vào.
Đọc những bài viết của Đại Đoàn Kết phản ánh về hành vi gian lận trong khoa học của người đứng đầu Học viện Hành chính, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã phải thốt lên: "Nếu nước mình có nhiều giáo sư như thế thì có mà chết! Những người thầy như thế sẽ đào tạo ra những học trò thiếu trung thực. Nếu tất cả các công trình khoa học cứ của người này "xào" thành của người kia thì khoa học không phát triển được". Theo G.S Thuyết, những người làm khoa học đó đã biến danh hiệu giáo sư thành thứ đồ vật trang trí để thỏa mãn "căn bệnh" hiếu danh.
"Hiếu danh" không đồng nghĩa với những hoài bão chân chính, khao khát muốn vươn lên khẳng định tài năng và trí tuệ của mình để phụng sự nhân dân, đất nước của những người có thực tài. Rất tiếc, trong giới khoa học hiện nay vẫn còn có không ít người mắc căn bệnh này với mức độ “trầm trọng”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tránh "căn bệnh" hiếu danh này. Người nói: "Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực”.
Sẽ rất nguy hiểm nếu như những trí thức này nắm giữ cương vị quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cả xã hội. Sự phát triển của nền khoa học đất nước cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu vẫn còn tồn tại những nhà khoa học không có chân tài thực học nhưng “hiếu danh”. Nói cách khác, bệnh hiếu danh của những nhà khoa học kém tài là một trong những lực cản lớn nhất đối với sự phát triển của khoa học.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng