Tôi rất lo lắng cho giáo dục của ta

09:41 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Mười, 2008

Giáo sư Hoàng Tụy là cháu nội người em ruột của cụ Hoàng Diệu. Ông sinh năm 1927 tại Quang Nam.

Lĩnh vực nghiên cứu: hàm thực, giải tích lồi, lý thuyết tối ưu. Vừa là người mở đường vừa đi đầu trong việc xây dựng lý thuyết, phương pháp và thuật toán cho các bài toán tối ưu toàn cục. Tác giả một phương pháp cắt nổi tiếng mang tên ông. Viện trưởng Viện toán học Việt Nam từ 1980 - 1990.

Ông đã có cuộc trò chuyện cùng Người Đô Thị.

Thưa GS, "hiện đại hóa (HĐH) giáo dục để đi vào nền kinh tế tri thức" là một nhiệm vụ cấp bách trong quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Song, HĐH như thế nào và bằng cách nào thì có nhiều ý kiến khác nhau? Ý kiến của GS như thế nào?

- Tôi đã trình bày rõ điều ấy trong nhiều bài viết trước đây. Đặc biệt bản kiến nghị về giáo dục do 24 người ký tên gửi lên Trung ương năm 2004 cũng đã nêu rõ cần làm gì. Một nền giáo dục hiện đại tất nhiên phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, và hơn nữa cũng chưa phải là quan trọng nhất.

Giáo dục phải được xây dựng lại từ gốc

Như vậy, HĐH giáo dục trong quan nhiệm của GS, sẽ được hình dung như thế nào?

- Theo tôi, HĐH giáo dục bao gồm những mặt chủ yếu như sau:

Trước hết, phải thay đổi quan niệm về mục tiêu giáo dục, sứ mạng giáo dục (triết lý giáo dục): nhằm đào tạo thế hệ trẻ như thế nào, từ đó thay đổi cung cách dạy và học, cung cách giáo dục phù hợp với mục tiêu, sứ mạng đó. Nếu các bạn đã biết đến bức thư của Tổng thống Pháp gửi các nhà giáo Pháp và diễn văn nhậm chức của Chủ tịch Đại học Harvard thì các vị đó cũng đã phác họa sứ mạng nhà trường phổ thông hiện đại và đại học hiện đại. Tôi nghĩ các ý kiến ấy, trên cơ bản, không khác lắm những điều chúng tôi đã nêu ra trong bản kiến nghị gửi Trung ương.

Thứ đến, phải hiện đại hóa nội dung, phương pháp, hình thức, tổ chức giáo dục, nhằm thực hiện mục tiêu một cách hiệu quả. Về tất cả các mặt, nhà trường của ta vô cùng lạc hậu. Thật ra, chúng ta không chỉ tụt hậu, nghĩa là đi sau, mà đi lạc ra khá xa con đường chung của thế giới, đó mới là điều đáng lo nhất. Nói chung, giáo dục của ta vẫn kiên trì nhằm đào tạo những mẫu người biết ngoan ngoãn thực hành, làm việc theo những quy ước và định chế đã có, quen đòi hỏi được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động. Không dám độc lập suy nghĩ, không dám dấn thân, ít khả năng sáng tạo, không có cá tính mà đầu óc hẹp hòi, cố chấp, kém khả năng thích ứng. Trong thời đại toàn cầu hóa, cách mạng thông tin, văn minh tri thức, sản phẩm giáo dục đó hoàn toàn không thích hợp. Đó là nói mục tiêu đào tạo, còn trong thực tế đương nhiên bao giờ cũng có ngoại lệ, song những người vượt ra khuôn khổ chung chỉ là số ít.

Cho nên giáo dục phải được xây dựng lại từ gốc, phải có những thay đổi cách mạng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị, nếu không muốn có một xã hội bị lạc lõng và tụt lại phía sau thiên hạ ngày càng xa.

Vị trí người thầy không hề yếu đi

Có những ý kiến cho rằng, do sự bùng nổ công nghệ thông tin, hàng loạt phương tiện kỹ thuật ra đời hỗ trợ đắc lực cho việc học, thì vị trí người thầy trong nhà trường hiện đại lui dần xuống hàng thứ yếu. Có đúng vậy không ?

- Tôi không nghĩ như vậy. Trong nhà trường hiện đại, vị trí người thầy không hề giảm sút. Tuy nhiên, cách phát huy tác dụng của người thầy phải thay đổi cơ bản. Người thầy phải làm chủ các phương tiện hiện đại để nâng cao hiệu quả giáo dục, chứ không thể tự hạ thấp vai trò bằng cách để các máy móc làm thay mình. Giáo dục có nhiều phương diện: trí dục và giáo dục cảm xúc, giáo dục nhân cách. Máy móc có thể giúp nhiều về trí dục, nhưng người thầy phải giúp học trò học được những điều cơ bản hơn, những điều mà máy móc kỹ thuật không thể làm được, đó là kỹ năng tự học, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, kỹ năng thích nghi, đức tính trung thực, đầu óc sáng tạo, đi đôi với rèn luyện cảm xúc giúp cho học trò có được một nền tảng văn hóa vững chắc, giúp ích cho họ suốt đời, để sống và làm việc tốt trong một thế giới luôn biến đổi, luôn có những điều bất ngờ, những yếu tố phi tuyến khó dự đoán.

Chúng ta nói nhiều về trường đại học đẳng cấp quốc tế, vậy phải chăng cũng cần phải có người thầy đẳng cấp quốc tế?

- Như tôi đã nói trên, giáo dục của ta không giống ai cả, cái đặc tính "không giống ai" đó là nguồn gốc mọi khó khăn, vấp váp khi hội nhập. Xây dựng một đại học hướng tới các chuẩn mực quốc tế chính là con đường ngắn nhất để mau hội nhập thành công. Có người cho rằng chỉ cần đem chương trình và sách của các nước tiên tiến về đây dạy là xong. Theo cách hiểu ngây thơ đó, họ tin rằng chỉ cần năm ba năm là nâng cấp được các trường hiện có lên đẳng cấp quốc tế. Song điều cơ bản nhất làm nên đẳng cấp của một đại học là đội ngũ thầy giáo. Một đội ngũ thầy giáo đẳng cấp quốc tế mới có thể bảo đảm chất lượng đào tạo quốc tế. Đương nhiên, chương trình, sách vở, thư viện, phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng thông tin, môi trường làm việc, trình độ quản lý v.v... đều cần thiết, nhưng trước hết là ông thầy. Thiếu thầy giỏi thì mọi thứ khác đều không bù đắp được.

Lương thấp: Lỗi hệ thống phải sửa trước hết

Bên cạnh những vấn đề thuộc chủ quan của người thầy trong bối cảnh hôm nay như: tha hóa đạo đức, ít kỹ năng giảng dạy... thì vẫn có một yếu tố khác nữa đó là đồng lương giáo viên. Lương ít, đạo làm thầy ngày nay đang phải chịu một áp lực rất lớn trong một thế giới có nhiều nghề thu nhập cao.

- Chuyện đồng lương là chuyện nghiêm chỉnh, chuyện cao quý, chứ không thể coi cơm áo là chuyện thấp hèn. Trong con mắt của tôi, chỉ có những người vô tâm, thờ ơ với dân, với nước, mới coi thường chuyện lương. Một hôm có người hỏi GS P.Darriulat, nhà vật lý nổi tiếng hiện đang sống ở Việt Nam: "Điều gì cần sửa nhất để nâng cao chất lượng đại học", ông trả lời ngay: “Tôi không cần suy nghĩ một giây, đó là chế độ tiền lương". Tháng 2 vừa rồi, khi tôi đến Đại học Cornell, GS J. Hopcroft, thành viên Hội đồng quản trị VEF, có gặp và hỏi tôi: "Vấn đề nào cấp thiết nhất để cải thiện đại học ở Việt nam”, tôi cũng trả lời ngay "vấn đề lương nhà giáo"...

Nếu chúng tôi nhớ không lầm, GS đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này ?

- Vâng, hàng chục năm nay tôi đã lên tiếng, và cũng đã nhiều lần trình bày trực tiếp với các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước trong từng thời kỳ, liên tục không mệt mỏi. Vấn đề không phải là nâng lương để thầy cô giáo có được mức sống đàng hoàng hợp lý, mà là làm sao cho mức sống đàng hoàng hợp lý đó được bảo đảm bằng lương, chứ không phải bằng cách lao động cật lực kiếm thêm thu nhập ngoài lương như hiện nay. Theo tôi, không chỉ trong ngành giáo dục, mà trong mọi ngành, cái nghịch lý thu nhập thực tế cao gấp nhiều lần đồng lương là nguyên nhân sâu xa sinh ra và duy trì tham nhũng, dối trá, tiêu cực, dưới mọi hình thức. Nhà giáo chỉ có chút quyền đối với học sinh của mình, thế là dạy thêm, học thêm, tăng tiết tràn lan. Chẳng ai thích làm những việc đó, nhưng họ đâu có chức gì để được nhận “phong bì” nặng, nhẹ. Đó là sự thật, cho nên bàn chuyện đó là bàn chuyện cao quý nhất, nghiêm chỉnh nhất, cơ bản nhất.

GS có cho rằng chính đồng lương thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo?

- Như tôi vừa nói, lương thấp khiến thầy cô giáo phải đầu tắt mặt tối làm đủ thứ chuyện, kể cả dạy thêm, dạy liên kết, dạy sô... thì làm sao bảo đảm được chất lượng ? Mà đâu có phải vì đất nước nghèo, vì ngân sách không đủ, mà sinh ra như vậy. Hoàn toàn không!

Chẳng qua là quản lý bậy bạ, sai từ gốc quản lý, tổ chức. Sửa cái sai này không thể dùng cách điều chỉnh cục bộ, theo cơ chế feedback, phát hiện sai ở đâu sửa ở đó như hàng chục năm nay ta vẫn làm mà không sao sửa được. Trong khoa học, người ta gọi những cái sai đó là lỗi hệ thống, lỗi cấu trúc, lỗi thiết kế. Nếu các xạ thủ giỏi nhất cũng bắn trật thì tức là bản thân cái khẩu súng có vấn đề. Nếu hàng chục năm nay không chống được tham nhũng thì phải thay đổi cách suy nghĩ: trục trặc hệ thống, chứ không chỉ lỗi điều hành. Tôi có thể khẳng định rằng chừng nào nghịch lý lương/thu nhập còn tồn tại như hiện nay thì chừng đó tham nhũng, tiêu cực còn hoành hành.

Tăng học phí để tăng lương giáo viên - Không ổn?

Lại có ý kiến cho rằng phải tăng học phí, để tăng lương giáo viên, GS đồng ý chứ?

- Chưa cần đi sâu vào đạo lý của vấn đề, chỉ cần làm việc quan sát đơn giản: có những trường tư thục trả lương giáo viên cao, bảo đảm được chất lượng tương đối khá, thu hút được nhiều học sinh, thu lợi nhuận cao, nhưng học phí tính ra không cao gì hơn so với tổng chi phí học ở trường công lập. Đó là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy không phải học phí thấp là nguyên nhân các khó khăn của giáo dục.

Tức là theo GS, phạm trù "tăng lương” nằm ở chỗ khác?

- Vấn đề ở chỗ khác, ở những khoản chi vô lý, ở cách quản lý tài chính không minh bạch, chỉ dùng phần nhỏ ngân sách (cộng tiền đóng góp của dân) để chi cho lương giáo viên, còn lại phân phối tùy tiện, bất công, chỉ một phần vào thu nhập thêm cho giáo viên, còn phần lớn khác thất thoát đi đâu thì ngành giáo dục cần làm rõ và chấn chỉnh trước khi đề nghị tăng học phí.

GS băn khoăn về tính minh bạch của giáo dục hiện nay?

- Trước đây mấy hôm, báo Tiền Phong phát hiện 10.600 tỉ đồng trong ngân sách cấp cho Bộ GD-ĐT không biết đi đâu. Và mới hôm nay, các báo đăng tin Dự án đại học 2 kinh phí 70,5 triệu USD, thì dành 4,79 triệu USD để… nâng cao năng lực của Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng các chính sách giáo dục đại học, kiểm định chất lượng và thành lập cơ quan kiểm định chất lượng (!). Đó là sau khi Dự án đại học 1 hơn 100 triệu USD đã kết thúc với rất nhiều bê bối mà đã có lúc chính Ngân hàng Thế giới (cơ quan tài trợ chính cho dự án) cũng đã phải lên tiếng chỉ trích khá gay gắt. Chỉ cần những thông tin đó đủ biết chi tiêu giáo dục hợp lý đến mức nào. Cứ từng việc trong chức trách nhưng làm không tốt, thế là lại được chi một số tiền rất lớn để nghiên cứu cải tiến.

Là một GS toán, một nhà giáo dục, GS sẽ ưu tiên nói về những suy tư trăn trở nào?

- Có quá nhiều ưu tư, quá nhiều chuyện muốn nói, cần nói. Theo tôi, tình hình nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng. Nhưng đây là câu chuyện dài chưa thấy kết cục như thế nào.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Việt Nam đang đi theo triết lý giáo dục nào?

    04/11/2013GS. Chu HảoSoi thực tiễn Việt Nam vào triết lý giáo dục của thế giới, chúng ta hình như đang đi ngược chiều với mọi triết lý giáo dục hiện đại. Không thể nấn ná, đã đến lúc phải chấn hưng (hay làm lại) nền giáo dục Việt Nam.
  • Lại bàn về giáo dục

    15/01/2011Phạm Duy HiểnKhông riêng gì ở Việt Nam, giáo dục hiện đang là bài toán khó, ngay ở những nước tiền tiến nhất trên thế giới. Trong xã hội hiện đại, thành bại là do vốn văn hoá, khoa học, công nghệ của con người quyết định, nên giáo dục đương nhiên là mặt trận xung yếu nhất của mọi quốc gia.
  • Năm mới, buồn vui với giáo dục

    04/03/2008Giáo sư Hoàng TụyTrong bài viết "Năm mới, chuyện cũ" trên Tia Sáng đầu năm 2007, nhân bàn về hướng giải quyết những chuyện cũ tồn đọng trong giáo dục và khoa học từ nhiều năm trước tôi có bày tỏ hy vọng sẽ được thấy trong năm 2007 những biến chuyển mạnh mẽ và nhanh chóng bù lại sự chậm trễ của chúng ta so với thế giới trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng gay gắt. Nhưng nay nhìn lại dường như chúng ta vẫn còn loay hoay chưa tìm thấy lối ra để thoát khỏi tình trạng rối ren bùng nhùng tùừlâu đã kìm hãm giáo dục và khoa học VN...
  • Cuộc cách mạng giáo dục mới phải bắt đầu từ bậc Đại học - Cao đẳng

    01/11/2006Lê Minh TriếtThực trạng Giáo dục & đào tạo hiện nay ở nước ta là nỗi âu lo sâu sắc của toàn xã hội, vì nó gắn liền với mỗi gia đình và tương lai phát triển của đất nước. Vấn đề này đã được đề cập mọi lúc, mọi nơi và nhiều khi gay gắt trong Hội thảo khoa học, trên mặt báo và tại diễn đàn của Quốc Hội. Các nhà giáo, các nhà khoa học đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp đổi mới nền giáo dục nước nhà, nhưng sự chuyển biến rất chậm chạp và đôi khi còn tạo ra các mâu thuẫn mới trong nội bộ hệ thống giáo dục...
  • Học chỉ cốt lấy điểm cao

    01/01/1900Thu LinhThách thức của giáo dục là thách thức của phát triển. Kinh nghiệm thành công trong mở cửa để phát triển của các nước đi trước đã khẳng định điều này. Việt nam là dân tộc có truyền thống hiếu học
  • Các giáo sư vẫn “bán” mình!

    15/08/2005Mai Minh (thực hiện)Nổi cộm trong đội ngũ giáo sư (GS) hiện nay, vấn đề lương đã trở thành một bức xúc không thể giải toả. Dư luận thì eo xèo GS có sống bằng lương đâu mà phải kêu! Quả thật, theo một kết luận của Hội đồng chức danh GS nhà nước, thu nhập thấp nhất của một GS cũng cao gấp ít nhất 1,5 đến 3 lần mức lương quy định.
  • ''Không nên có ấn tượng giáo dục đang khủng hoảng!"

    22/07/2005Văn TiếnLà đại biểu Quốc hội nhưng cũng là giáo sư đại học, GS. TS. Nguyễn Lân Dũng đã thẳng thắn bộc bạch, tâm sự với VietNamNet về khó khăn và hiến kế cho giáo dục. Sau đây là cuộc trao đổi giữa ông với VietNamNet, ngày 30/10.
  • Lạm bàn về giáo dục

    09/07/2005Phạm Duy HiểnKhông riêng gì ở Việt nam, giáo dục hiện đang là bài toán khó, ngay ở những nước tiền tiến nhất trên thế giới. Trong xã hội hiện đại, thành bại là do vốn văn hoá, khoa học, công nghệ của con người quyết định, nên giáo dục đương nhiên là mặt trận xung yếu nhất của mọi quốc gia. Nơi đây những người lãnh đạo cao nhất của đất nước thường phải vào cuộc.
  • Quản lý giáo dục đâu là bước đột phá?

    30/11/2003Điểm hẹn của một nước Việt Nam công nghiệp đã được ấn định vào năm 2020. Để con thuyền Việt Nam cập bến đúng hẹn, Đại hội Đảng lần thứ IX đã xác định phải chăm lo “nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”.
  • Chúng ta đang bỏ phí nhân tài ?!

    18/11/2003Hiện nay, về số lượng người có học hàm học vị cao, Việt Nam đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Song vì sao các trường đại học (ĐH) tốt nhất của ta lại được xếp loại thấp hơn khoảng 50 bậc so với Thái Lan, còn khoa học công nghệ (KHCN) của ta tụt hậu so với Thái Lan khoảng 30 năm? Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, "thực" - "ảo" trong khoa học vẫn còn lẫn lộn; các nhà khoa học thực sự chưa được nhìn nhận đúng và chưa được tạo điều kiện tốt nhất có thể để làm việc; trong khi đó, các nhà lãnh đạo lại chưa tỏ rõ quyết tâm trọng dụng người tài...
  • Trước tiên cần có một cuộc cách mạng cho giáo dục?

    18/11/2003Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Hội nghị lần thứ II Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN khoá VIII đã nhấn mạnh: “Giáo dục-đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Xây dựng xã hội học tập, không gì khác cũng chính là để thực hiện mục tiêu trên đây...
  • Một định hướng giáo dục mới: phát triển kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề

    10/02/2003Một trong những vấn đề ta thường gặp ở Việt Nam là sinh viên học sinh ra trường chưa đủ khả năng sẵn sàng để đảm nhận được các công tác, chức vụ mà đáng lẽ họ phải có khả năng ứng xử độc lập. Họ phải qua một thời gian bỡ ngỡ, chới với rất dài so với thời gian cần thiết cho một sinh viên phương Tây.
  • xem toàn bộ