Tại sao Bill Gates bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng mua một cuốn sách?
Điều gì khiến tỉ phú Bill Gates bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng để có được một cuốn sách chép tay? Hiện, cuốn sách này là cuốn sách đắt giá nhất mọi thời đại.
Trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây, người ta bắt đầu sưu tập những cuốn sách cổ xưa, hiếm có, với mức giá “khủng” chưa từng thấy.
Tỷ phú Bill Gates đã bỏ ra 49,4 triệu đô la (1073 tỉ đồng) để mua được cuốn sách chép tay Leicester trong một cuộc đấu giá năm 1994.
Đây là cuốn sách chép tay được thực hiện bởi Leonardo da Vinci.
Cuốn sách ghi chép lại cẩn thận những nghiên cứu khoa học do chính tay thiên tài Leonardo da Vinci viết. Cuốn sách được đặt theo tên người mua cuốn sách đầu tiên - Bá tước xứ Leicester.
Trong số 30 cuốn nhật ký nghiên cứu khoa học mà Leonardo da Vinci từng thực hiện thì đây là cuốn nổi tiếng nhất, đưa lại một góc nhìn cận cảnh vào trí tuệ luôn khao khát những kiến thức mới, vượt tầm thời đại của vị danh họa thời Phục hưng.
Không chỉ là một họa sĩ, Da Vinci còn là một nhà khoa học, một nhà tư tưởng, một người vẽ minh họa “ngoại hạng” cho những nghiên cứu khoa học của mình, ở ông, người ta tìm thấy một sức sáng tạo mãnh liệt trong việc tìm tòi ra những chân lý kiến thức mới. Có lẽ đây là lý do để tỷ phú Bill Gates đã cố gắng "bằng mọi giá" để có được cuốn sách chép tay quý giá.
Hiện, cuốn sách chép tay Leicester được xem là cuốn sách đắt giá nhất mọi thời đại.
Bên cạnh đó, còn một số cuốn sách chép tay đắt giá khác. Có thể kể đến, sách phúc âm của Henry “Sư tử” từng được các tu sĩ trong tu viện Helmarshausen, bang Hesse, Đức thực hiện. Cuốn sách từng được Chính phủ Đức mua tại một cuộc đấu giá ở mức 28 triệu đô la (608 tỉ đồng) hồi năm 1983.
Cuốn sách phúc âm này được thực hiện từ thế kỷ 12 theo yêu cầu của công tước xứ Saxony - Henry “Sư tử” - để đặt trên bàn thờ Đức Mẹ tại thánh đường Brunswick (Đức). Cuốn sách được coi là một tuyệt phẩm về nghệ thuật làm sách rất kỳ công kiểu Roman.
Trong cuốn sách có 266 trang viết và 50 trang tranh. Giờ đây cuốn sách được coi là một bảo vật quốc gia của Đức và để bảo quản cuốn sách tốt nhất, hai năm, người ta mới đem sách ra trưng bày một lần.
Cuốn sách phúc âm Thánh Cuthbert từng được mua năm 2011 với giá 15,1 triệu đô la (328 tỉ đồng). Cuốn sách nhỏ bỏ túi có niên đại từ thế kỷ thứ 7 được viết bằng chữ Latinh, được đóng bằng bìa da trang trí đẹp. Đây là cuốn sách có niên đại lâu đời nhất được biết tới ở phương Tây còn tồn tại cho tới hôm nay.
Cuốn thánh thi Bay Psalm từng được bán đấu giá hồi năm 2013 và đạt mức giá 14,5 triệu đô la (315 tỉ đồng). Bay Psalm là cuốn sách đầu tiên được in ở Mỹ, từ năm 1640. Hiện giờ chỉ còn lại 11 cuốn tương tự còn tồn tại.
Cuốn sách kinh Rothschild vừa được bán hồi năm 2014 với giá 13,9 triệu đô la (302 tỉ đồng). Đây là cuốn sách dùng cho hoạt động cầu kinh hàng ngày, được thực hiện từ đầu thế kỷ 16. Trong sách có nhiều tranh minh họa được thực hiện kỳ công.
Cuốn Những truyện kể xứ Canterbury của tác giả người Anh Geoffrey Chaucer được rao bán đấu giá hồi năm 1998 và đạt mức 11,1 triệu đô la (241 tỉ đồng). Cuốn sách là một tập hợp gồm 20 câu chuyện cổ tích được viết từ cuối thế kỷ 14. Sau này, vào năm 1478, ấn bản sách in đầu tiên đã được nhà in William Caxton thực hiện, đây cũng là nhà in đầu tiên của Anh.
Cuốn Hài kịch, Lịch sử và Bi kịch của William Shakespeare thực hiện năm 1623, đã được bán hồi năm 2001 với giá 8,2 triệu đô la (178 tỉ đồng). Cuốn sách tổng hợp 36 vở kịch của Shakespeare. Đây là một tư liệu khảo cứu quan trọng đối với sự nghiệp của Shakespeare và được coi là một trong những cuốn sách quan trọng nhất trong lịch sử văn học Anh.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn